Đại Tấn Đẹp Đến Như Vậy (Đổi Nữ Thành Phượng)

Chương 144

Editor: Na

Beta: Hoàng Lan

Ngày cưới của Chu Phủ và Tuân Hoán được quyết định vào đầu xuân sang năm, là mười sáu tháng giêng.

Tuân Tung ra tử lệnh cho Tuân Hoán: “Còn nửa năm nữa là thành thân, con ngoan ngoãn thu lại tâm tư, trong nửa năm này không được phép lén gặp mặt Chu Phủ.”

Tuân Hoán nghĩ thầm, chuyện này không thành vấn đề, ta có thể hẹn gặp Chu Phủ ở biệt viện Lâu Hồ, nơi đó là địa bàn của Thanh Hà, không tính là lén lút.

Tuân Hoán ngoan ngoãn đồng ý với cha.

Thanh Hà nhìn thấy Tuân Hoán và Chu Phủ mới quen biết một năm, vừa tỏ tình một cái ngày hôm sau đã lập tức cầu hôn và gấp rút quyết định ngày cưới, nửa năm sau sẽ kết hôn, mà nàng và Vương Duyệt đã là thanh mai trúc mã suốt mười bảy năm, lưỡng tình tương duyệt, trải qua trăm nghìn cay đắng mới gặp lại nhau, đều chuyển từ Lạc Dương tới nơi khỏe mạnh, trình diễn nỗi nhớ nhung giữa hai thành thị, mỗi lần muốn định ra hôn sự thì luôn có người đứng giữa gây khó dễ, mãi không quyết định được.

Ôi, đúng là không thể so sánh giữa người với người, nhưng Thanh Hà vẫn vui vì Tuân Hoán đã tìm được Chu Phủ cùng chung chí hướng. Còn hôn sự của nàng, Vương Duyệt đã nói cứ giao cho hắn, vậy Thanh Hà sẽ tin hắn, dù sao trên đời này không có việc gì mà Vương Duyệt không làm được.

Hôn sự của Thanh Hà bị Thái Hưng Đế nắm chặt trong tay.

Vốn dĩ Thái Hưng Đế đã âm thầm tìm kiếm một phò mã tốt cho Thanh Hà, chỉ chờ Thái tử phi đón Thanh Hà vào cung, người Tư Mã gia cùng ngồi xuống lôi kéo tình cảm và lợi dụng Thanh Hà như một quân cờ của ông ta.

Nhưng Thái tử phi không hoàn thành nhiệm vụ, bị Thanh Hà lấy lý do thời tiết nóng bức, tới mùa thu lại nói để trì hoãn.

Thái Hưng Đế nghĩ thầm, vậy ta sẽ chờ đến mùa thu.

Không ngờ rằng mới mùa hè, tin tức Chu Phủ và Tuân Hoán đính hôn đã đốt nóng thành Kiến Khang.

Thái Hưng Đế phẫn nộ, bởi vì ông ta vốn định để Kiến An Huyện công thế tử Chu Phủ làm phò mã của Thanh Hà!

Chu gia là hàn tộc Giang Tả, là người địa phương, lại là gia tộc quân đội nổi tiếng ở Giang Nam, trên tay có binh, hơn nữa còn có chiến công hiển hách, là quân cờ quan trọng mà Thái Hưng Đế dùng để kiềm chế Thừa tướng Vương Đạo.

Hiện giờ phần lớn binh quyền của Đại Tấn nằm trong tay em họ Vương Đôn của Vương Đạo, Thái Hưng Đế muốn lợi dụng cha con Chu Phỏng Chu Phủ để chống lại Vương Đôn và thế lực đằng sau Lang Gia Vương thị.

Công chúa Thanh Hà chắc chắn là sự ban thưởng tốt nhất để lôi kéo Chu gia, Thái Hưng Đế tuyệt đối không ngờ rằng, Chu Phủ lại đính hôn với Tuân Hoán!

Dĩnh Xuyên Tuân thị và Lang Gia Vương thị đều là sĩ tộc lâu đời ở Trung Nguyên, bọn họ đứng cùng một phe.

Tuân Hoán gả vào Chu gia, như vậy lập trường của Chu gia có thể nghiêng về phía Vương Đạo không?

Dù sao Tuân Hoán và con trai trưởng Vương Duyệt của Vương Đạo cùng học một thầy, quan hệ không hề bình thường.

Thái Hưng Đế vô cùng hối hận vì không kịp thời cướp được Chu Phủ về tay. Cha con Chu gia là người duy nhất có thể chống lại anh em Vương Đạo và Vương Đôn.

Lúc Thái Hưng Đế đang phiền lòng, nội thị tới báo, nói là Thái Tử cầu kiến.

Ngày đó ở bến Đào Diệp, Thái Hưng Đế Tư Mã Duệ và Thái Tử Tư Mã Thiệu đã giương cung bạt kiếm vì Tuân thị, sau đó giải hòa nhờ sự xuất hiện của Vương Duyệt, dẫu sao hai cha con có mâu thuẫn lớn thế nào đi nữa thì cũng phải thống nhất về mặt đối ngoại, không thể xé rách mặt nhau ngay trước mặt Vương Duyệt, tất cả phải lấy lợi ích tổng thể của hoàng thất làm trọng.

Dù sao Thái Tử vẫn còn trẻ tuổi hăng hái, có khát vọng có hoài bão, hắn cũng không cam lòng làm một con rối.

Thái Tử Tư Mã Thiệu bái kiến Thái Hưng Đế: “Phụ hoàng, nhi thần có một chuyện muốn thương lượng với phụ hoàng, mười lăm tháng tám tháng sau là Tết Trung Thu, hoàng thất tổ chức gia yến, nhi thần muốn đón mẫu thân về Đài Thành đoàn tụ.”

Lần trước xong việc, hai cha con tạm thời đi đến thoả thuận, thay đổi nơi ở cho Tuân thị, sắp xếp cho bà ở trong một tòa biệt uyển hoàng gia bên cầu Thanh Khê Đông —— có tên là Phương Lâm Uyển.

Tuân thị vẫn ở bên ngoài cung như cũ, chẳng qua trước kia là Vương Đạo cấp dưỡng, còn bây giờ là hoàng gia nuôi bà, hai xon trai —— Thái Tử và hoàng tử thứ hai thường xuyên đi thăm mẹ. Thái Hưng Đế không đi một lần nào, coi như không có người này.

Thái Hưng Đế vốn đã phiền não vì việc Chu Phủ cưới Tuân Hoán, giờ phút này Thái Tử không chỉ không phân ưu với ông ta mà còn muốn nhắc tới tiện nhân ở Phương Lâm Uyển, Thái Hưng Đế nào cho sắc mặt tốt được? Lập tức từ chối: “Không được.”

“Tại sao ạ?” Thái Tử nhắc tới mẹ Tuân thị thì vô cùng đau lòng, “Ngay cả công chúa Thanh Hà cũng được mời tham gia gia yến, còn cả Đông Hải Vương phi Bùi thị, vậy tại sao mẫu thân của con không xứng đáng có một vị trí nhỏ?”

Thái Hưng Đế: “Bởi vì nàng ta đã tái giá, cho dù về mặt ân tình hay pháp luật, mẫu thân sau khi tái giá cũng sẽ cắt đứt quan hệ với con cái sinh ra lúc trước. Tuân thị đã không còn bất kỳ quan hệ gì với Tư Mã thị.”

Thái Tử cãi lại: “Mẫu thân không hề muốn tái giá, là… có người ép bà ấy tái giá, huống hồ Vương Đạo đã sắp xếp cho người họ Mã kia cao bay xa chạy, bà ấy không hề động phòng với người họ Mã, bà ấy vẫn luôn trong sạch, sau đó bà còn sinh cho phụ hoàng ba ——”

“Câm miệng!” Không nhắc tới còn tốt, nhắc tới Thái Hưng Đế càng bực, “Còn không phải ngươi tự chủ trương, lén theo dõi Vương Đạo, làm ra chuyện ngoại thất ở bến Đào Diệp rồi cố ý tiết lộ cho Vương Điềm để làm mất sạch mặt mũi của Vương gia. Ngươi tự vác đá đập vào chân mình, cuối cùng tiện nhân này giao ba đứa bé cho Vương Đạo! Vương Đạo nắm quyền ở trong triều, ở nhà còn nắm ba nhược điểm, ép ta làm con rối của hắn, tại sao trẫm lại sinh ra đứa con ngu xuẩn như ngươi chứ!”

Thái Hưng Đế cảm thấy nếu không có Thái Tử tự cho là thông minh, biến khéo thành vụng, lôi chuyện của Tuân thị ra thì làm sao ông ta rơi vào cảnh bị động khắp nơi khắp chốn như hôm nay?

Thái Hưng Đế trách tội Thái Tử, Thái Tử không phục: “Xin phụ hoàng sau này đừng gọi mẫu thân là tiện nhân nữa, nếu bà ấy là tiện nhân thì nhi thần là cái gì? Nhị đệ lại là cái gì? Còn nữa, nhi thần theo dõi Vương Đạo, cốt yếu là muốn san sẻ giúp phụ hoàng và tìm ra nhược điểm của Vương Đạo, nhi thần không ngờ được rằng người ở bến Đào Diệp lại là mẫu thân.”

Thái Hưng Đế cười lạnh nói: “Việc đã đến nước này, ngươi còn không biết hối cải, còn nếu có một nửa sự thông minh Vương Duyệt thì đã không thất bại thảm hại rồi! Ngươi là đồ ăn hại.”

Thái Tử bị mắng, càng mắng càng không phục, “Phụ hoàng, nếu như năm đó phụ hoàng nhớ đến một chút tình cảm, nhìn mẫu thân đã sinh hai đứa con cho người mà ngăn cản Hoàng Hậu ép bà tái giá, hoặc nếu thật sự không được thì đưa bà đi xa và chăm sóc ở ngoài cung, cũng không hẳn là không được. Lúc ấy người là Lang Gia vương, rõ ràng người có thể làm như vậy, nhưng người lại làm như không thấy việc Hoàng Hậu chèn ép mẫu thân. Tất cả những chuyện này đều do năm đó phụ hoàng không hành động gây ra, chuyện thành như bây giờ cũng chỉ là tự gánh lấy hậu quả xấu mà thôi.”

Thái Tử trực tiếp vạch trần cả cái khố của Thái Hưng Đế!

Rõ ràng đều là nghiệp năm đó ông tạo ra, dựa vào đâu mà đẩy trách nhiệm lên đầu ta, còn mắng ta là đồ vô dụng chứ?

“Ngươi ngươi ngươi!” Thái Hưng Đế phẫn nộ tột cùng, run rẩy chỉ Thái Tử, “Người đâu, từ hôm nay trở đi cấm túc Thái Tử ở Đông Cung, không có lệnh thì không được phép ra ngoài, ngươi tự kiểm điểm mình cho tốt, nghĩ kỹ lại rồi nói cho trẫm.”

Thái Tử còn muốn tranh đoạt cho mẹ đã bị nhóm hộ vệ và nội thị cưỡng ép đưa đi.

Đúng là nhà dột còn gặp mưa suốt đêm. Bây giờ ngay cả Thái Tử cũng lục đục với ta. Ta tranh chấp với Vương Đạo, chỗ nào cũng bị rơi xuống thế hạ phong, ngay cả con mình sinh ra cũng không bằng con hắn, tương lai Thái Tử kế thừa ngôi vị Hoàng đế, hắn chính là con rối của Vương Duyệt.

Chẳng lẽ Hoàng Đế Tư Mã gia chúng ta không thể thoát khỏi lời nguyền làm con rối sao?

Thái Hưng Đế thở ngắn than dài.

Thái Hưng Đế nghĩ thầm, ta không thể cứ làm con rối của Vương Đạo như vậy được, ta phải triệu tập một nhóm quan viên triều đình ủng hộ hoàng thất.

Làm thế nào để quan viên triều đình lao vào vòng tay ta đây?

Thái Hưng Đế nghĩ ra một cách.

Ngày hôm sau lên triều, Thái Hưng Đế tuyên bố ông ta muốn bắc phạt Trung Nguyên, tấn công nước Hán, đoạt lại Lạc Dương.

“Cái gì?” Vương Đạo cảm thấy Thái Hưng Đế điên rồi, trước mắt Đại Tấn dựa vào địa thế hiểm yếu của Trường Giang, vừa mới có được cơ hội nghỉ ngơi lấy lại sức, trăm vạn dân di cư từ Trung Nguyên cũng vừa mới được sắp xếp ổn thỏa, năm nay quốc khố khủng hoảng, đều dựa vào việc con trai Vương Duyệt của ta mặc áo vải thô đi rêu rao khắp nơi, đẩy giá vải thô lên cao mới giải quyết được khủng hoảng tài chính. Giờ là lúc lương thực vụ hè thu sắp vào mùa, đúng là lúc hái ra tiền, sao lại đột nhiên muốn đánh giặc?

Còn đánh lên phía bắc? Ngươi có thể đánh thắng được ai?

Vương Đạo không lên tiếng mà giả vờ câm điếc, coi như Thái Hưng Đế chưa từng nói những lời này, phần lớn quần thần đều được Vương Đạo tiến cử chức quan, Vương Đạo không mở miệng, không có người phối hợp với mệnh lệnh bắc phạt của Thái Hưng Đế.

Nhưng Thái Hưng Đế không quan tâm nhiều như vậy, ông ta cảm thấy mình chỉ cần dùng chiêu bài bắc phạt thu phục non sông, nhất định có thể thu hút những quan viên sốt ruột trở lại Trung Nguyên, lấy chuyện này để bọn họ tụ tập với hoàng gia.

Thái Hưng Đế không để ý tới sự im lặng của Vương Đạo, ở trên triều tuyên bố đã sớm chuẩn bị hịch văn, đồng thời cũng phân bố đến các châu, quận huyện, kêu gọi mọi người cầm vũ khí đánh lên phía bắc.

Cùng lúc đó Thái Hưng Đế cũng triệu tập đội quân cần vương và ra lệnh cho quan lớn là Thuần Vu Bá phụ trách chuẩn bị lương thảo.

Thuần Vu Bá hết cách, đành tìm Tể tướng Vương Đạo đòi tiền chuẩn bị lương thực.

Vương Đạo buông tay, “Quốc khố trống rỗng, phải chờ lương thực vụ vụ hè thu nhập kho. Không phải ta không ủng hộ việc bắc phạt mà là thật sự không có tiền.”

Thái Hưng Đế đã đánh cược đúng một nửa: Triều đình thật sự có quan viên cấp tiến ủng hộ việc bắc phạt, bọn họ đi theo Thái Hưng Đế mặc áo giáp thân chinh lên phía bắc, nhưng lại phát hiện bên bờ sông Trường Giang không có lấy một con thuyền chở lương thảo hay thuyền chiến, thậm chí không đến được Trung Nguyên thì đánh đấm kiểu gì?

Thái Hưng Đế chỉ làm màu mà thôi, căn bản không định thân chinh lên phía bắc mà chỉ muốn lôi kéo một nhóm người trung thành với Hoàng Đế, dám làm trái lại lời thần tử Vương Đạo mà thôi.

Hiện giờ mục đích của Thái Hưng Đế đã đạt được, ông ta chỉ vào Thuần Vu Bá mắng to: “Để ngươi chuẩn bị lương thảo và thuyền bè, nhưng ngươi lại không làm gì cả, làm chậm trễ thời cơ chiến đấu, phá hủy kế hoạch bắc phạt, người đâu, lôi Thuần Vu Bá ra chém đầu thị chúng!”

Thuần Vu Bá cứ vậy mà rơi đầu xuống đất một cách khó hiểu, máu đổ trên dòng Trường Giang.

Thuần Vu Bá đã phải gánh tội thay cho cuộc chiến bắc phạt còn trong trứng nước, Thái Hưng Đế có lý do trở về Đài Thành.

Lần tập kết bắc phạt này cứ vậy mà tan rã.

Ngày hôm sau, lên triều, Đại thần Lưu Ngỗi - thân tín của Thái Hưng Đế dâng tấu, nói: “Bệ hạ, Thuần Vu Bá bị oan, tất cả đều là lỗi của Kiến An Huyện công Chu Phỏng, là hắn không phối hợp với Thuần Vu Bá thu gom lương thảo.”

Đúng là người ngồi trong nhà mà nồi từ trên trời rơi xuống.

Gần đây Chu Phỏng mới bàn được một mối hôn sự cực tốt cho con trai, dưới sự ảnh hưởng của Tuân Hoán, Chu Phỏng vốn duy trì trung lập ở trong triều, không theo bên nào cũng cảm thấy ý nghĩ thân chinh bắc phạt đầy kỳ lạ của Thái Hưng Đế như một trò đùa, cho nên không để ý tới hịch văn chinh phạt của Thái Hưng Đế.

Chu Phỏng vừa muốn đứng ra tự cãi lý cho mình, thừa tướng Vương Đạo đã đứng ra trước, nói: “Bệ hạ, đều là lỗi của thần, thần là Thừa tướng một nước mà còn không chuẩn bị nổi một thuyền lương thảo, là sơ suất của thần. Thần tự xin từ chức Thừa tướng.”

Thái Hưng Đế nào dám đồng ý việc Vương Đạo từ chức! Nếu bây giờ Vương Đạo đi thì triều đình nhỏ Giang Nam này sẽ sụp đổ ngay lập tức.

Thái Hưng Đế chỉ muốn tìm bậc thang đi xuống cho trò bắc phạt khôi hài của mình, vì thế nói:” Không phải lỗi của Thừa tướng, là lỗi của trẫm. Trẫm đã quá nóng vội giành lại Trung Nguyên mà không cân nhắc đến tình hình thực tế của Giang Nam, là trẫm có lỗi, trẫm sẽ ra chiếu nói rõ tội của mình.”

Kết quả là, trận bắc phạt khôi hài này đã kết thúc bằng việc Thái Hưng Đế ra chiếu nói rõ tội của mình. Thông qua lần giày vò này, Thái Hưng Đế đúng là thu hoạch được hai đại thần dám chống lại Vương Đạo: chính là Lưu Ngỗi và Điêu Hiệp.

Mười lăm tháng tám, cuối cùng Thái Tử cũng được bỏ lệnh cấm túc, được thả ra khỏi Đông Cung.

Mới vừa ra ngoài, Vương Duyệt đã mời Thái Tử uống trà.

Thái Tử cười lạnh: “Ngươi tới xem chuyện cười của ta à, đây là sự trả thù của ngươi. Trả thù ta đã làm mẫu thân ngươi phải gánh tiếng người đàn bà đanh đá.”

Vương Duyệt nói: “Trong khoảng thời gian này đã diễn ra trò cười bắc phạt, chắc hẳn Thái Tử ở Đông Cung đã biết. Hoàng Thượng vẫn luôn là loại hôn quân trốn tránh trách nhiệm, trong mắt chỉ có mình, không quan tâm đến sống chết của người khác. Phụ thân ta sao dám giao giang sơn cho ông ta? Nhưng Thái Tử lại khác, Thái Tử lương thiện, hiếu thuận với mẫu thân, ta tin tưởng Thái Tử sẽ là một minh quân.”
Bình Luận (0)
Comment