Dệt Kén

Chương 25

Thứ hai trường cho nghỉ vì động đất, lâu lắm Lê Đường mới được ngủ nướng, thức dậy lướt tin tức thấy hiện tại chỉ có người bị thương chứ không ai chết thì tâm trạng nhẹ nhõm hẳn.

Đánh răng rửa mặt rồi xuống tầng, Lê Đường vừa đi vừa nghĩ tủ lạnh còn sandwich, có thể mang đi ăn trên đường. Tường nhà Tưởng Lâu bị nứt, tối qua lúc tạm biệt nhau đã hứa hôm nay đến sửa giúp, thế là lại có thể ở bên Tưởng Lâu một ngày, Lê Đường cười không ngậm được mồm.

Tuy nhiên tâm trạng tốt không kéo dài quá lâu. Xuống tầng trông thấy Lê Viễn Sơn ngồi trên sô pha, khóe môi giương lên của Lê Đường xị xuống ngay lập tức.

Lê Viễn Sơn cũng cau có: "Có động đất mà cũng ngủ đến sáng bảnh mắt ra mới dậy, thảo nào thành tích không tiến bộ được."

Chắc hẳn bố đã biết kết quả thi tháng trước. Lê Đường không trách mẹ nói với bố, dù sao hôm họp phụ huynh bài thi cũng để trên bàn, chuyện Lê Viễn Sơn muốn biết thì không ai có thể giấu giếm.

Lê Đường không lên tiếng, đi thẳng đến tủ lạnh.

Thấy cậu lấy sandwich, Lê Viễn Sơn lại có ý kiến: "Bố mới xuống máy bay, vẫn chưa ăn sáng, chờ lát nữa cùng ăn."

Tay cậu khựng lại, đành cất sandwich về.

Mười phút sau dọn cơm, Trương Chiêu Nguyệt cũng ngồi vào bàn ăn, chẳng mấy khi có dịp một nhà ba người đông đủ.

Đang ăn Lê Viễn Sơn hỏi tình hình động đất hôm qua, Trương Chiêu Nguyệt đáp: "Không sao, dăm ba bữa Tự Thành lại có động đất, ai thường sống ở đây đều quen rồi."

Lê Viễn Sơn hầm hừ: "Theo anh thấy chỗ này phong thủy không đẹp, may mà anh không chuyển địa điểm làm việc về đây, hôm qua còn không mua nổi vé máy bay, hại anh chờ ở sân bay cả đêm."

Lời nói của Lê Viễn Sơn sặc mùi chê bai Tự Thành, Trương Chiêu Nguyệt nghe nhưng không phản ứng gì, cụp mắt cầm thìa xúc cháo trong bát, cất giọng bình bình: "Nơi nhỏ bé tất nhiên không so được dưới chân Hoàng Thành, lần sau còn gặp chuyện này thì đừng sốt ruột về vội, an toàn là trên hết."

Lê Viễn Sơn nghe mà mát lòng, tiếp tục hỏi han tình hình thăm khám hôm qua, Trương Chiêu Nguyệt nói tất cả đều ổn, chú ta gật đầu rồi quay sang Lê Đường: "Hôm nay trường nghỉ học, con muốn đi chơi?"

Lê Đường đang gặm bánh bao như nhai cỏ, nghe tiếng bèn đáp "vâng".

Quả nhiên Lê Viễn Sơn không muốn cậu ra ngoài: "Ngày xưa không rời mẹ nửa bước cơ mà, bây giờ suốt ngày chạy nhông nhông."

Lê Đường thầm nghĩ ngày xưa bố còn chê con bám mẹ không giống con trai, bảo con ra ngoài kết bạn nhiều vào đấy.

Nhìn thấy vết thương trên mu bàn tay Lê Đường, Lê Viễn Sơn nhíu mày sâu hơn: "Tay lại làm sao, có phải đánh nhau với bạn ở trường không?"

Lê Đường đang định phân trần thì Trương Chiêu Nguyệt giành nói trước cậu: "Hôm qua động đất, con bảo vệ em nên bất cẩn đập vào. Con ngoan như thế sao lại đánh nhau."

Lê Viễn Sơn thả lỏng cơ mặt, giọng cũng dịu đi: "Thế hôm nay ở nhà nghỉ ngơi, vết thương nhỏ cũng là bị thương."

Lê Đường không có gì phản bác, chỉ đành vâng lời.

Cũng may Trương Chiêu Nguyệt lấp li3m giúp cậu, nếu không Lê Viễn Sơn vặn hỏi đến cùng thì dù Lê Đường có nói mình không cẩn thận bị ngã cũng khó tránh bị ăn mắng, chẳng hạn như: Lại ngã? Con trai mà yếu như sên thì làm sao được?

Nhà khác Lê Đường không biết, dù sao ở nhà họ, từ bé tới lớn Trương Chiêu Nguyệt đều giúp cậu "thoát nạn" thế này. Dù trí nhớ mờ nhạt đến đâu chăng nữa Lê Đường cũng không thể quên hồi nhỏ bị đánh, Trương Chiêu Nguyệt đều nhào lên che chở cậu, bị nhốt trong phòng tối cũng là Trương Chiêu Nguyệt xin xỏ thay cậu, nói "cứ thế tiếp thì con đói hỏng người mất".

Có Trương Chiêu Nguyệt Lê Đường không cần thiết phải nói dối, dù rằng bây giờ nói dối đã trở thành thói quen của cậu.

Có lẽ đây chính là nguyên nhân cậu không thể xa mẹ và trở thành "mama boy" nhỉ.

Lê Đường cúi đầu gẩy cháo trong bát, ngoài lấy làm may mắn còn khó nén hụt hẫng.

Chốc nữa phải nhắn tin cho Tưởng Lâu báo mình không đi được rồi.

Ngày nghỉ đến bất ngờ trôi qua vội vã, hôm sau Lê Đường xách cặp xuống tầng, nhìn thấy Lê Viễn Sơn cũng chờ ở cửa chuẩn bị đi.

Cậu đang tính hỏi bố đi đâu thì Lê Viễn Sơn tự đáp: "Bố đến trường với con, gặp giáo viên của con một chút."


Hiếm khi Trương Chiêu Nguyệt tiễn hai bố con đi học đi làm. Ngồi vào xe, Lê Viễn Sơn hạ cửa kính nói với Trương Chiêu Nguyệt ở ngoài: "Nhất định sẽ giải quyết xong, em đừng lo."

Lê Đường cảm thấy lạ, Lê Viễn Sơn đã nắm rõ tình hình học tập của mình, còn chuyện gì cần bố đích thân đến trường xử lý?

Hiển nhiên Lê Viễn Sơn không cho Lê Đường quyền được biết. Tới trường, Lê Đường dẫn Lê Viễn Sơn đến văn phòng cô chủ nhiệm, Lê Viễn Sơn và cô Lưu bắt tay nhau nói "hân hạnh", chưa bắt đầu trò chuyện đã liếc Lê Đường: "Con về lớp đi, học hành chăm chỉ, đừng suốt ngày làm người khác bận lòng."

"..."

Lê Đường không còn cách nào đành rời văn phòng giáo viên.

Lê Viễn Sơn ra về sau tiết một, trước khi đi chú ta đứng ngoài cửa sổ lớp 11A1 ngó vào trong, ngoại trừ chỗ Lê Đường còn nhìn bàn cuối lớp, trưng nét mặt mất kiên nhẫn lộ ra khi gặp chuyện phiền phức mà Lê Đường rất quen thuộc.

Nhưng Lê Đường nghĩ đi nghĩ lại cũng không biết mình lại làm Lê Viễn Sơn bất mãn ở điểm nào.

Chẳng lẽ cô Lưu nói chuyện cậu không thích chạy bộ cho Lê Viễn Sơn?

Chắc không đến nỗi đâu.

Giờ ra chơi sau tiết hai, Lê Đường định tranh thủ lúc chạy bộ để gặp Tưởng Lâu, không ngờ đang xếp hàng trên hành lang thì có người gọi to: "Tưởng Lâu, cô Lưu tìm cậu!"

Tưởng Lâu bèn rời hàng, đi lên văn phòng giáo viên.

Lê Đường thở hổn hển chạy xong 1200m, về lớp đã thấy Tưởng Lâu ngồi vào chỗ rồi.

Cậu lôi điện thoại ra gửi tin nhắn cho Tưởng Lâu: Cô chủ nhiệm tìm cậu có việc gì?

Tưởng Lâu không nhắn lại, có lẽ không mở máy.

Hôm kia mới có động đất, người dân Tự Thành vẫn hơi hốt hoảng, không ai nhớ hôm nay là giáng sinh.

Chỉ có đám thanh niên mê ngày lễ nước ngoài nhớ nhung mãi, nghỉ trưa có đứa mua bóng bay nhiều màu về thổi treo lên cửa lớp, cửa sổ và quanh bảng, cho các giáo viên dạy tiết buổi chiều vào lớp một "bất ngờ" to lớn. Cô Lưu chủ nhiệm hay tin vội vàng chạy đến, vừa mắng "không lo học chỉ biết chơi", vừa miệng chê nhưng vẫn hỏi có thừa bóng bay không, mang lên văn phòng trang trí nữa.

Rồi cô thông báo tự học tối nay chỉ học một tiết.

Cả lớp nhảy nhót tưng bừng, cô giáo vẫn ở đây nhưng đã có đứa bắt đầu lên kế hoạch tan học đi đâu chơi, trong phút chốc tiếng rủ rê vang lên không ngớt, cô Lưu giả vờ nghiêm túc đập bàn: "Cho tan sớm là vì sợ chẳng may có dư chấn, không bảo các em xem như được nghỉ!"

Dĩ nhiên cô chỉ giả bộ mà thôi. Cuối năm nhiều ngày lễ, đám trẻ lại ham chơi, cô cũng từng trải qua cái tuổi này nên không muốn làm tụi học trò cụt hứng.

Tự học tối, cuối cùng Lê Đường cũng nhận được tin nhắn của Tưởng Lâu: Không có gì.

Đồng nghĩa với không trả lời, Lê Đường bĩu môi, nhưng sau cùng sốt sắng vụ giáng sinh hơn nên không hỏi tiếp.

Cậu trưng cầu ý kiến của Tưởng Lâu: Tan học bọn mình vào trung tâm thành phố nhé, được không?

Vừa nãy cậu đã tra thử, trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố không bị ảnh hưởng, hôm nay vẫn mở cửa.

Mà cậu và Tưởng Lâu đã yêu đương hơn một tháng nhưng vẫn chưa có buổi hẹn hò chính thức nào.

Mặc dù Lê Đường khá thích ở nhà, song vẫn muốn nhân dịp này đi chơi với Tưởng Lâu như các cặp đôi khác.

Tuy nhiên có vẻ Tưởng Lâu không hiểu được ý cậu: Vào trung tâm thành phố làm gì?

Lê Đường nhắc nhở hắn: Hôm nay là giáng sinh.


Tưởng Lâu: À, hẹn hò.

Cách màn hình điện thoại, Lê Đường không rõ hắn vui hay không vui, rốt cuộc có muốn đi không?

Cậu đành thăm dò tiếp: Mình không xem phim, chỉ đi loanh quanh rồi tìm chỗ nào ăn thôi.

Chờ khoảng năm phút Tưởng Lâu nhắn lại hai chữ: Được thôi.

Để tránh bạn cùng lớp, sau khi tan học hai đứa đứng ở cổng sau nhìn hai chiếc xe buýt vào nội thành lướt qua, chờ cổng trường gần như không còn ai mới lên chiếc xe buýt thứ ba đi về hướng trung tâm thương mại.

Dọc đường đèn neon lấp lánh, dòng người mặc áo bông dày qua lại như con thoi trên phố lớn ngõ nhỏ, bầu không khí náo nhiệt khiến người ta rất khó liên hệ cảnh tượng hiện tại tới trận động đất ngày hôm kia.

Có lẽ trong đó cũng có niềm vui sống sót sau tai nạn.

Lần nữa ý thức được con người là giống loài rất giỏi quên đi đau khổ, Lê Đường chậm rãi thở ra, kết thành tinh thể màu trắng trên cửa kính xe.

Đáng tiếc cậu đã quên, náo nhiệt có nghĩa là đông người.

Đến trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố, chưa vào trong Lê Đường đã hết hồn trước biển người cuồn cuộn.

Trung tâm thương mại mở toàn bộ bốn cửa Đông Tây Nam Bắc, hầu như tất cả cửa hàng đều treo biển "tối nay mở cửa đến 24h" song vẫn không thể giảm tải áp lực lưu lượng khách, ngoài trung tâm thương mại đoàn người chen chúc, bên trong vai kề vai gót nối gót, Lê Đường và Tưởng Lâu đi thang cuốn lên tầng ba, định tìm chỗ ăn nhưng ai dè quán nào cũng kín khách, hỏi nhân viên phục vụ ở cửa còn phải đợi bao lâu thì họ đều trả lời là khoảng hai tiếng trở lên.

Bây giờ đã gần 9 giờ, 11 giờ mới ăn thì đâu phải ăn tối mà là ăn khuya ấy chứ.

Khu trò chơi điện tử đông đúc hơn cả, lúc đi qua cậu còn thấy có người đánh nhau giành một máy chơi game. Kể cả cửa hàng quần áo cũng chật như nêm cối, làm Lê Đường ở trong sinh ra cảm giác bất lực như tham quan thắng cảnh vào mùa cao điểm.

Cậu vẫn nhớ Tưởng Lâu không nghe rõ khi ở chốn ồn ã, thế là lại đâm ra lo lắng. Thấy đã dạo một vòng mà tìm chỗ ngồi cũng vô vọng, Lê Đường quả quyết rút quân, nói to với Tưởng Lâu: "Bọn mình xuống dưới đã!"

Xuống tầng bằng thang bộ thoát hiểm, có cặp đôi cũng sợ ồn núp trong cầu thang hôn nhau, lúc đi lướt qua họ, Lê Đường chỉ lo làm phiền người ta nên chẳng dám thở mạnh, xuống tầng một nhìn mặt tường gương trang trí mới nhận ra mặt mình đỏ chót.

Lúc này người đi ra đông người đi vào ít, vì vậy tầng một yên tĩnh hơn chút. Lê Đường cúi đầu đi về trước, nghe thấy âm thanh trong loa thì dừng bước.

Phía trước là sân khấu ở chính giữa, có lẽ trung tâm thương mại bố trí tiết mục, hiện giờ đang có mười mấy bạn nhỏ xếp thành ba hàng đứng hát.

Đầu tiên các bé hát Jingle bells jingle bells Jingle all the way, tiếp theo là ca khúc We wish you a merry christmas. Giọng trẻ con trong trẻo và những gương mặt tươi tắn rạng ngời dễ dàng xoa dịu sự nôn nóng nơi đáy lòng, khiến người ta cảm thấy an lành.

Lê Đường dừng chân trước sân khấu nghe một lúc, Tưởng Lâu đứng cạnh cậu.

Gần hết bài thứ hai, Lê Đường quay sang hỏi Tưởng Lâu từng nghe bài này bao giờ chưa.

Tưởng Lâu ghé tai cậu, nói Merry Christmas.

Sau đó hắn cười nhìn cậu: "Thầy giáo nhận xét xem câu này nói chuẩn không?"

Tất nhiên là chuẩn, chuẩn đến nỗi Lê Đường nóng bừng tai.

Lúc đi ra cửa, trông thấy ngoài cửa sổ quán đồ chiên rán chỉ có bảy tám người xếp hàng, Lê Đường lập tức hỏi Tưởng Lâu: "Bọn mình ăn cái đó nhé, sao hả?"

Tưởng Lâu đồng ý, Lê Đường bèn đi mua, trước khi đi chỉ vội vã bỏ lại một cậu: "Ở đây chờ tôi."

Tiếc rằng lần này lại tính sai. Tuy ít người xếp hàng nhưng có nhiều người ăn tại chỗ, đơn làm theo thứ tự, cho nên trông thì Lê Đường xếp thứ tám nhưng thực chất trên cậu vẫn còn hơn ba mươi người đang đợi.


Lê Đừng cứ đứng chờ mãi, tròn hai mươi phút mới tới lượt cậu gọi món. Từ lúc gọi đồ đến lúc lấy đồ lại mất nhiều phút nữa, cuối cùng khi thịt xiên nóng hổi đến tay đã là nửa tiếng sau.

Lê Đường chạy chậm về chỗ cũ nhưng không tìm thấy Tưởng Lâu.

Cậu ngó dáo dác, không nơi nào có bóng dáng Tưởng Lâu.

Lê Đường hơi hoảng, gọi to tên Tưởng Lâu, song đáp lại cậu chỉ có ánh mắt tò mò của người xa lạ và tiếng vọng trống trải xa xôi ở tận sâu đáy lòng.

Cậu bắt đầu lách qua đám đông, vừa tìm vừa gọi điện thoại cho Tưởng Lâu.

Thang bộ không có, nhà vệ sinh không có, cạnh sân khấu không có, cửa hàng gần đó cũng không có... Bất đắc dĩ cậu phải đi ra ngoài, quảng trường rộng rãi kẻ đến người đi, muốn tìm một người khó như mò kim đáy bể.

Điện thoại báo máy bận, Lê Đường chợt nhận ra hình như mười bảy năm nay mình luôn đi tìm người, hồi bé tìm mẹ, bây giờ tìm Tưởng Lâu.

Cậu từng nghe được một câu: Người thật sự yêu bạn sẽ không để bạn lo lắng. Nhưng thế này là sao? Vì sao cậu luôn phải tìm kiếm, luôn sợ hãi đánh mất?

Cuộc gọi kết nối, Lê Đường thở phào nhẹ nhõm, đồng thời đáy lòng trào dâng cảm giác mông lung.

Cậu hỏi: "Cậu ở đâu?"

Trong điện thoại không có tiếng trả lời.

Có người vỗ vai Lê Đường từ phía sau, cậu xoay người, trông thấy Tưởng Lâu nhuốm đầy hơi lạnh cùng một cây kẹo bông to tròn.

Phương tiện đi về vẫn là xe buýt, vẫn vị trí cũ ở hàng cuối cạnh cửa sổ.

Lê Đường đưa túi giấy đựng thịt xiên cho Tưởng Lâu: "Cậu ăn trước đi."

Lúc nhận túi giấy, mu bàn tay Tưởng Lâu chạm vào mu bàn tay Lê Đường, hắn thoáng ngây người, Lê Đường hỏi hắn làm sao hắn mới rụt tay về như vừa hoàn hồn.

Cuối cùng Lê Đường cũng rảnh rỗi quan sát cây kẹo bông.

Ngày bé Lê Viễn Sơn quản thúc rất nghiêm, không cho cậu ăn hàng quán bên vệ đường, bởi thế những thứ như kẹo bông cậu chỉ từng nhìn thấy chứ chưa được thử bao giờ.

Vê que gỗ xoay tròn trong tay, Lê Đường say sưa nghĩ ngợi sao trên đời lại có đồ ăn giống như mây vậy nhỉ, vừa mềm vừa nhẹ.

Vị của nó cũng vô cùng kì diệu, chạm vào lưỡi là tan, nếu không có vị ngọt sót lại trong miệng thì người ta đã tưởng mình chưa hề ăn gì.

Tưởng Lâu cũng đang quan sát.

Hắn thấy Lê Đường nhìn chằm chằm thứ đồ trong tay không rời mắt, ngắm nghía một vòng rồi thè lưỡi li3m một cách chậm rãi và trịnh trọng, nghiêm túc cứ như không phải đang nếm thử kẹo bông giá năm tệ ngoài lề đường mà là món ăn ba sao Michelin đắt tiền.

Đến khi kẹo bông tan hết trên đầu lưỡi, Lê Đường bỗng mở to mắt, quay sang nói với vẻ bất ngờ: "Ngọt quá!"

Đèn neon ngoài cửa sổ phản chiếu trong con ngươi cậu, nụ cười xán lạn đến mức có phần lóa mắt.

Tưởng Lâu không hảo ngọt, từ chối lời mời "cậu cũng thử xem" của Lê Đường.

Hắn mở túi đồ chiên, mùi dầu mỡ xộc vào mũi cùng mùi chua cay nồng nặc. Ngửi thôi đã thấy gay mũi, ăn vào có vẻ còn k1ch thích vị giác hơn, Tưởng Lâu cắn một miếng nhai từ tốn, bỗng nhiên nhếch khóe môi.

Đây là độ cay mà hắn thích, người bình thường ăn một miếng cũng không nổi.

Rốt cuộc cậu đã cho bao nhiêu gia vị, không phải đổ hết lọ bột ớt của người ta đấy chứ?

Đến dưới chân núi nhà Tưởng Lâu, Lê Đường tiếc đứt ruột ăn nốt miếng kẹo bông cuối cùng rồi vứt que vào thùng rác bên đường, lấy khăn giấy lau sạch tay xong mới đi theo Tưởng Lâu.

Tưởng Lâu nói: "Không cần đưa nữa, cậu mau về đi."

Lê Đường chặn họng hắn bằng bốn chữ: "Đến cũng đến rồi."

Đến cũng đến rồi, tại sao không đưa về tận nhà?

Nỗi mông lung vì không tìm thấy Tưởng Lâu vào một tiếng trước dường như đã bị vị ngọt lan tràn xua đi hết, lúc này Lê Đường chỉ muốn ở bên Tưởng Lâu, thêm một phút thôi cũng tốt.


Như thể nghe thấy nguyện vọng của cậu, hai đứa vừa đến cửa nhà thì trời bắt đầu đổ mưa.

Không giống cơn mưa rả rích hai ngày trước, trận mưa mùa đông này tuôn xối xả, nặng hạt mà dày không khác gì mưa đá, gió lạnh căm căm thổi cửa sổ kêu lạch cạch.

Tưởng Lâu vào nhà lấy ô: "Đi, tôi đưa cậu xuống."

Đi ngược gió đến nửa đường thì gặp ông chủ tiệm tạp hóa soi đèn pin vẫy tay với họ, hét to: "Đường trơn nguy hiểm, mưa chưa tạnh thì đừng xuống!"

Hai đứa đành quay trở về.

Động đất hôm trước làm đất trên những ngọn núi xung quanh tơi xốp, bây giờ bị mưa xối trôi xuống dưới, mấy phiến đá xanh cho mọi người giẫm chân đều dính đầy bùn, còn trơn trượt khó đi hơn lần đầu Lê Đường đến đây.

Tác dụng của ô cực kỳ ít ỏi trước trận mưa dữ dội, dù Tưởng Lâu đã nghiêng ô về phía Lê Đường thì cậu vẫn ướt nhẹp.

Vất vả đi về hiên nhà Tưởng Lâu, Lê Đường vuốt mặt, có chút câm nín: "Giáng sinh của người ta có tuyết, mình đây lại mưa to."

Tưởng Lâu cụp ô, rũ rũ rồi dựng cạnh cửa: "Thế mới bảo cậu đừng đưa tôi về, một năm ở Tự Thành có đến phân nửa thời gian là mưa."

Thật ra Lê Đường không có ý phàn nàn, cậu chỉ cảm thấy giáng sinh khá hợp với trời tuyết. Tự Thành không có tuyết thì đáng tiếc biết bao.

Cậu không ghét mưa, nhất là cơn mưa có thể giúp cậu ở lại lâu hơn một chút.

"Làm sao bây giờ... Anh ơi." Lê Đường nói: "Em không về được rồi."

Đây là lần đầu tiên cậu dùng xưng hô mới, giọng nhỏ như muỗi kêu, không chắc Tưởng Lâu có nghe thấy hay không.

Nói xong cậu lại tự mắc cỡ trước, sờ tai rồi quay mặt đi.

Tưởng Lâu nghe thấy, còn nghe rất rõ.

Chính vì quá rõ mới khiến hắn nhớ đến tâm trạng không thể hình dung lúc ban ngày ở trường, cô chủ nhiệm gọi hắn lên văn phòng nói chuyện có người sẵn sàng tài trợ toàn bộ học phí cho hắn đến khi tốt nghiệp đại học.

Sao lại không biết người tài trợ là ai cơ chứ, sáng nay Lê Đường và người đàn ông mặc com lê đi giày da xuống xe bước vào trường, Tưởng Lâu ở sau họ nhìn rõ mồn một.

Hắn cũng nhìn thấy người đàn ông đó đi ngang qua cửa lớp và liếc vào trong, ánh mắt hệt như đang nhìn ăn mày bên vệ đường, hoặc giả là đồ bỏ đi có đầy ở trạm thu gom rác thải.

Ai được lợi trong chuyện "tài trợ nhân hậu" này, Tưởng Lâu cũng vô cùng rõ ràng.

Cho nên hắn đã từ chối.

Hắn chỉ cảm thấy ghê tởm.

Bởi vậy Tưởng Lâu không thể ôn hoà nhã nhặn khi đối diện với con trai của hai người đó, thậm chí còn tạm gác lại kế hoạch, muốn bắt nạt cậu ta, làm cậu ta rơi nước mắt, làm cậu ta tổn thương chỉ để thoải mái trong một thoáng ngắn ngủi.

Nhưng khi đứng ngoài trung tâm thương mại nhìn Lê Đường chạy khắp nơi tìm mình như ruồi không đầu qua lớp kính, điện thoại trong túi áo lại đổ chuông liên tục, toàn là cuộc gọi từ Lê Đường, trong lòng Tưởng Lâu chẳng những không vui sướng mà còn cảm thấy không có gì hay ho, nhàm chán tột độ.

Chỉ rơi nước mắt sao mà đủ, phải khiến cậu ta đau đớn khóc oà, rơi từ thiên đường xuống địa ngục.

Vì thế Tưởng Lâu bỏ cuộc giữa chừng, mua kẹo bông ở quầy hàng gần nhất, kết thúc trò chơi "trốn tìm" ấy.

Vì thế sau khi cùng nhau dầm mưa và được ỷ lại, Tưởng Lâu nghe ra mong muốn của Lê Đường thì đã đáp lại.

Hắn đưa tay gạt mái tóc sũng nước mưa, nhìn thẳng đôi mắt ươn ướt của con cáo nhỏ.

"Vậy thì ở lại đi." Tưởng Lâu nói.

Ai bảo cậu dễ dỗ như thế.

Ai bảo tay cậu lạnh quá làm gì.

***

Tác giả có lời muốn nói: Các cục cưng thông minh chắc nhìn ra rồi nhỉ, bạn Tưởng của chúng mình biết xót người khác rồi đấy.

Bình Luận (0)
Comment