Đoạn Hồn Tuyệt Cung

Chương 2

Sau một đêm nghỉ tại đại tửu lâu Thanh Xuân Mộng, sáng hôm sau Ngự Thanh Y Lang, Túy Hồ lão tử và Đông Bích dự định ra dạo vòng quanh phố xá nhộn nhịp. Nhưng vừa ra khỏi đại tửu lâu chưa xa, bỗng Túy Hồ lão tử lại đổi ý nên nói với Ngự Thanh Y Lang :

- La huynh, gặp huynh mừng rỡ quá nên mải mê hàn huyên mà quên bẳng một việc người bạn của đệ đã ký thác nên bây giờ đệ xin phép ra đi trước một bước.

Ngự Thanh Y Lang mau mắn :

- Ồ! Nếu Giang huynh có bận việc thì cứ tự tiện đi. Chúng ta sẽ gặp lại lần khác để đàm luận thỏa thích hơn.

- Đệ cũng mong như vậy, bây giờ đệ xin cáo từ La huynh hãy dạo phố phường cùng với cháu Đông Bích.

Vừa nói dứt, lão chào hai người rồi phút chốc khuất dạng, Túy Hồ lão tử trở ngược đường, lẫn vào đám người đi thật nhanh.

Đông Bích quay mặt nhìn theo dáng suy tư rồi cất tiếng hỏi Ngự Thanh Y Lang :

- Ngoại ơi! Túy Hồ tiền bối cũng là nhân vật giang hồ?

- Ừ, mà cháu hỏi chi vậy?

Đông Bích hơi ngần ngừ rồi mới nũng nịu :

- Cháu hỏi vậy để cho biết, mà có lẽ lão tiền bối đó vang danh bởi cái bầu rượu, lúc nào ông ta cũng giữ bên mình phải không ngoại?

Ngự Thanh Y Lang nhìn Đông Bích nói :

- Cháu nói đúng đấy, vì cái bầu rượu của lão ta là vũ khí phòng thân của lão đấy. Bầu rượu đó được chế luyện đặc biệt lắm, dùng như thép quí vậy. Hơn nữa, nghe nói trong bầu rượu của lão có cái ảo diệu mà hắc bạch giang hồ cũng ngại lắm. Nhưng điều đó là ngoại mới nghe thôi, chứ chưa được thấy lão ta sử dụng bao giờ.

Đông Bích buộc miệng :

- Giang hồ thật là phức tạp.

Ngự Thanh Y Lang tiếp lời :

- Vì vậy mà ngoại muốn cháu có một nhận định rõ ràng, sáng suốt trước khi hành động để tránh cái hậu quả khó lường của tình đời nhân thế.

Khi bóng của Túy Hồ lão tử đã khuất xa trong đám người, hai ông cháu Đông Bích mới quay gót tiếp tục cuộc hành trình đã định.

Vừa đi Đông Bích vừa hỏi :

- Ngoại ơi! Cháu nghe rằng những vị ăn mày mà là cao thủ võ lâm thì ở trong Cái bang và được định cấp bằng gậy và y trang. Song ở Túy Hồ lão tiền bối cháu chẳng thấy ông ta có túi nào cả mà sao cũng là cao thủ lừng danh như ngoại nói?

Ngự Thanh Y Lang gật gù trả lời :

- Cháu có nhiều nhận xét và quan sát lắm. Nhưng riêng trường hợp Túy Hồ lão tử tiền bối lại ngoại lệ. Vì lão ta không muốn gia nhập vào Cái bang, mà cũng không đi xin ăn. Sở dĩ vì vậy lão ta trước kia là đệ tử của một Bang chủ đã quá vãng nên lão hành hiệp dưới danh hiệu lão ăn mày với cái bầu rượu thành danh trong giang hồ.

Đông Bích cười tán đồng :

- Như vậy cũng hay, miễn là mục đích là hành hiệp cứu đời chánh danh là được, không cần chú thiết đến hình thức rườm rà, khi không có thực chất phải không ngoại?

- Ừ! Cháu nghĩ thế cũng phải lắm.

Hai ông cháu Đông Bích vừa chuyện trò vừa dạo ngắm phố hàng, thỉnh thoảng ghé mua các thực dụng hay các món sắm sửa cho những ngày xuân sắp đến.

Mọi việc mua sắm đã xong xuôi thì trời đã quá trưa. Hai ông cháu tìm quán độ trưa, rồi lại tiếp tục lên đường trở về nhà.

Ngự Thanh Y Lang quay sang nói với Đông Bích :

- Vậy là mùa xuân này, ông cháu chúng ta đầy đủ bánh mứt, trà rượu để đón chúa xuân rồi Đông Bích nhỉ?

Đông Bích hớn hở :

- Còn hơn hai mươi ngày nữa là chúa xuân ngự trên vạn vật. Cháu nghĩ đến cái vườn hoa của ngoại mà thấy thích quá. Mặc dù gian nhà cỏ của chúng ta mãi tận trong hốc núi nhưng nó thơ mộng quá phải không ngoại?

Không đợi cho Ngự Thanh Y Lang trả lời, Đông Bích miên man nói tiếp :

- À! Này ngoại này, trời xuân tiết đẹp gió thoảng nghe hương, mà nhà mình lại đủ loại bánh lan thì còn mùi hương nào diễm tuyệt bằng. Trời ơi! Lúc ấy ông cháu mình chắc sẽ thấy thanh thoảng thoát tục biết mấy. Rồi muông chim rừng hợp tấu khúc nhạc xuân chắc hay hơn trong những sáng chúng thường ca hót trên cành bách tùng, hay trên thùy dương chót vót.

Nó đang nói thao thao bỗng nhiên nó ngưng bặt, mặt buồn hiu đột ngột làm Ngự Thanh Y Lang ngạc nhiên nhìn nó hỏi :

- Ủa sao cháu đang vui vẻ mà tại vì sao lại ủ dột vậy?

Đông Bích làm thinh cắm cúi tiến bước không trả lời. Ngự Thanh Y Lang tiến sát bên nó vừa đi vừa ôn tồn :

- Hay là cháu buồn vì cô đơn như hơn mười năm qua. Một mái nhà nhỏ chỉ có hai ông cháu quạnh hiu hủ hỉ với nhau cùng muôn chim, muôn thú vạn hoa thiên nhiên.

Đông Bích chợt ngừng chân, ngẩng mặt nhìn Ngự Thanh Y Lang rồi không hiểu nó muốn nói gì lại thôi, nên ngoại nó mới hỏi :

- Cháu có điều gì thắc mắc cứ nói để ông cháu chúng ta cùng bàn luận xem sao.

Nó yên lặng một chốc rồi nhỏ nhẹ :

- Thôi ngoại ạ, bây giờ chúng ta đi cho nhanh hơn để về nhà cháu có mấy điều xin thỉnh ý của ngoại.

- Vậy mà cháu làm ngoại tưởng là việc gì hệ trọng gấp gấp lắm.

Ngự Thanh Y Lang và Đông Bích mải miết đi cho đến hoàng hôn thì gặp ngả ba một con đường vắng.

Ngự Thanh Y Lang đứng lại nơi ngả ba lên tiếng :

- Chúng ta tách qua con đường này lên mạn Bắc để ngoại ghé thăm một ông bạn chí thân rất thường đi lại nơi giang hồ để học hỏi thêm.

- Vậy thì thích quá, cháu lại được biết thêm về danh lam thắng cảnh nữa.

- Chứ cháu không nóng về nhà à!

- Thưa ngoại, trước sau gì cũng về tới nhà, mười năm vậy mà đã qua nhanh chóng huống hồ trong vài hôm thưởng ngoạn thâu thập nhiều điều hữu ích.

- Nếu thế thì chúng ta đi gấp đêm nay, nhân đường từ đây đến vùng có quán xá khoảng canh một đến thôi.

- Thế bây giờ chúng ta cứ đi đến đâu hay đến đó.

Ngự Thanh Y Lang ngần ngừ :

- Mà con đường này từ hơn mười năm nay ngoại chưa qua lại lần nào, không hiểu có gì thay đổi chưa?

Rồi lão cương quyết :

- Ồ, nói thế chứ chúng ta có làm hại ai, gây sự ai đâu mà ngại.

Thế rồi hai ông cháu rẽ qua ngã ba tiến bước trong buổi hoàng hôn.

Con đường phải đi qua một vùng rừng vắng nhưng hai người không e ngại, lầm lủi tiến bước.

Những tia nắng sau cùng yếu ớt chen qua kẽ lá trong khoảnh khắc, rồi chết lịm khi vừng ô chui vào phía trời tây. Từng đàn chim kéo nhau về tổ. Thỉnh thoảng bên mé đường vài con chim lạ rúc lên từng hồi não ruột. Bóng tối lên nhanh. Rồi bỗng trời vần vũ. Mây đen kéo nhau chạy về phủ lấy một vùng. Những ngọn gió đổi chiều xoáy lốc lá rừng bay tán loạn. Những con chim nó giật mình rời nơi trú ẩn kêu lên hãi hùng vù bay nơi khác. Tiếng sấm rền vang sau cái chớp ngoằn ngoèo.

Rồi trời chợt đổ mưa.

Ngự Thanh Y Lang chỉ tay về phía trước :

- Cháu à, phía trước kia có ngôi miếu cũ kìa, chúng ta chạy mau đến nơi đó để trú mưa đi.

Hai ông cháu cước trình dồn dập chạy nhanh về phía trước nhưng vì còn khá xa nên cũng bị nước mưa thấm ướt cả đồ đạc, áo quần. Hai người chui nhanh vào miếu cũ tạm trú mưa và thay đổi y phục. Sau khi sửa soạn lại đồ đạt, Ngự Thanh Y Lang mới lên tiếng :

- Cơn mưa giông bất chợt này hại quá, nhưng chắc là sắp tạnh rồi.

Vì là mưa giông nên cơn mưa không lâu lắm. Khi dứt hẳn cơn mưa, mây đen không còn nữa, nhường lại cho bầu trời đầy sao.

Ngự Thanh Y Lang bước ra khỏi miếu cũ cùng với Đông Bích nhìn trời tư lự rồi hỏi Đông Bích :

- Bây giờ chúng ta đi hay là nghỉ tạm ở miếu này.

Đông Bích do dự rồi nói :

- Trời mát quá, chúng ta đi tiếp nữa đi ngoại, chừng nào buồn ngủ hãy tìm chỗ sau. Dẫu thế nào cũng ngủ nhè nơi miếu cũ, bóng cây rồi đó.

Ngự Thanh Y Lang đồng ý :

- Vậy chúng ta lên đường.

Khí trời oi ả lúc chiều, giờ được cơn mưa đã làm mát diệu. Trời đã tối rồi nhưng bầu trời có sao sáng nên hai người vẫn thấy lối đi dễ dàng. Chỉ hơi ngại ngùng vì đường quá vắng vẻ thê lương.

Một già một trẻ đi độ hơn ba khắc thời gian nữa thì bỗng nhiên nghe tiếng rên khe khẽ một cách đau đớn của một người bị thương. Cả hai đều dừng lại rồi cùng tiếng về phía có tiếng rên rỉ. Đi hơn mười bước thì phía sau một tảng đá có một nhà sư ngoi ngóp. Ngự Thanh Y Lang vừa trông thấy là sà xuống chẩn mạch ngay cho nhà sư. Gương mặt lão trầm trọng trong giây lát rồi nhìn Đông Bích lắc đầu khẽ bảo :

- Kinh mạch của vị này hoàn toàn bị phá hủy. Đây là giây phút hồi dương của người đây.

Trong khi lão ngẩng đầu lên liền bắt gặp một vài cái xác ngổn ngang gần đấy nên lão đi nhanh lại mấy xác đó xem mạch, may ra còn cứu sống được người nào. Trong khi đó, nhà sư vừa tỉnh lại trong giây phút chót của cuộc đời nơi trần thế. Nhà sư vừa mở mắt nhìn thấy Đông Bích ngồi cạnh bên nên thều thào :

- Nhờ tiểu bằng hữu vui lòng giúp ta đưa vòng hạt này về chùa Thiếu Lâm và....

Nói đến đây nhà sư gần như đứt hơi, tay yếu ớt đưa chiếc vòng kết bởi tám hạt bồ đề đen tuyền rồi mắt chớp lên mấy cái nói tiếp, giọng đứt quảng :

- Nói lại.... với Phương trượng.... lão đã gặp Hàn Độc Ma Tôn và bị hại bởi.... tay.... lão.

Nói tới đây, nhà sư ngoẹo đầu đi về bên kia thế giới.

Đông Bích bùi ngùi cầm lấy vòng hạt bồ đề bỏ vào người thì lúc đó tại cuộc diện đã có ba người từ lúc nào.

Một tràng cười ma quái của một lão quái nhân tóc đen phủ dài xuống áo màu đen rộng, nổi lên rùng rợn.

Chưa nói thêm lời nào thì lão quái nhân đã liền tay tung hai chưởng cực mạnh vào người Ngự Thanh Y Lang.

Trong lúc này Ngự Thanh Y Lang đang đứng cách xa Đông Bích hơn mười bước đang hứng trọn hai ngọn chưởng khủng khiếp của lão ma quái thì lão ta cũng đã buông lời ngạo nghễ :

- Cho tên đạo sĩ đồng bọn này gặp mặt bạn bè bởi tay Hàn Độc Ma Tôn thì vinh hạnh lắm rồi.

Lão quát xong thì Ngự Thanh Y Lang như diều đứt dây, thân hình bay bổng ra phía sau mười trượng, rơi chạm vào một tảng đá lớn nát nhừ thân xác.

Đông Bích ngẩng ngơ rồi khi thấy ngoại nó bị người ta đánh chết nên phóng người chạy theo xác Ngự Thanh Y Lang nhưng khi vừa đến bên xác ngoại nó. Nó bỗng cảm thấy một luồng gió lạnh như băng tuyết thốc vào người, cuốn bỗng nó lên trên không, văng vẳng còn nghe tiếng của lão quái nhân :

- Cho tên tiểu đồng này nếm Hàn Băng Độc Trùng Phân Cốt chưởng của Ma tôn.

Rồi nó cảm thấy buốt người và lịm dần theo tiếng cười của lão ma quái.

* * * * *

Vừa tỉnh dậy, cặp mắt hé mở từ từ, Đông Bích thấy lờ mờ trước mắt dáng một nhà sư đang ngồi im nhìn nó. Đông Bích nhắm mắt lại rồi mở mắt ra và thấy nhà sư trước mắt một cách rõ ràng hơn.

Nó nghiêng mình định nhỏm dậy nhưng cả thân người nó cảm thấy đau nhức khủng khiếp làm nó nhăn mặt đành nằm im và nghe tiếng nhà sư nói khẽ :

- Tiểu bằng hữu, khoan cử động, cứ nằm yên, tĩnh dưỡng cho thương tích liền hợp đã.

Cơn đau hơi bớt một chút ít thì Đông Bích liền nghĩ lại cái đêm tai nạn với ngoại nó nên nó liền hỏi :

- Thưa đại sư, nơi đây là đâu và tại sao cháu lại nằm ở đây.

Nó nhìn theo dáng dấp hiền từ của vị sư già khi ông ta cười nhẹ bảo với nó :

- Thật hữu duyên may mắn nên khi tiểu bằng hữu bị nạn, thì cũng đêm hôm ấy đại sư bá của bần tăng đi ngang qua chỗ cục diện nan nguy nên mới có dịp cứu được tiểu bằng hữu mang về Thiếu Lâm đại tự.

Vị sư già ngừng một chốc rồi lại tiếp :

- Lúc đó tiểu bằng hữu bị trúng Hàn Băng Độc Trùng Phân Cốt chưởng nên châu thân kinh mạch đã rời rạc. Cũng may là thể cốt của tiểu bằng hữu thế gian hi hữu và nhờ đó mà đại sư bá của bần tăng dùng Thiên Niên Hóa Độc hoàn và Huyền Công cương khí mới dồn độc trùng và hàn băng về phía dưới Đan Điền của tiểu bằng hữu nhưng....

Vị đại sư nói đến đây rồi bỏ lửng câu chuyện không nói tiếp nên Đông Bích nhìn đại sư nói nho nhỏ :

- Vì độc trùng và hàn băng không thoát được ra khỏi thân thể nên phương pháp trên chỉ tạm thời giữ an nguy trong một thời gian rồi cũng có một ngày nào đó nó phát tác là không có cách gì cứu được phải không thưa đại sư?

Vị đại sư gật đầu thán phục :

- Tiểu bằng hữu tuổi còn trẻ mà y lý cũng quá rành, chắc là tiểu bằng hữu được danh y truyền nghề phải không?

Khi đại sư nhắc đến việc y lý làm cho Đông Bích nhớ đến Ngự Thanh Y Lang, nó hốt hoảng hỏi dồn đại sư :

- Thưa đại sư, còn ngoại cháu ra thế nào.

Vị đại sư chưa biết phải trả lời ra sao thì bên ngoài gian phòng để cho Đông Bích dưỡng bịnh có tiếng vọng vào :

- Nguyên Lăng sư đệ, có đại sư bá vào thăm vị tiểu bằng hữu đây.

Vị đại sư quay sang nói với Đông Bích :

- Phương Trí chưởng môn và đại sư bá của bần tăng vào thăm tiểu bằng hữu đó.

Vừa nói xong đại sư vượt nhanh ra ngoài để đón nhị vị đại sư kia vào phòng của Đông Bích đang nằm.

Cánh cửa phòng vừa mở ra thì đã thấy vị đại sư lúc nãy tức là Nguyên Lăng đại sư đưa hai vị sư già khác vừa đến bên giường bệnh của Đông Bích. Nó lật đật định ngồi dậy nhưng sự đau đớn làm nó nhăn mặt và cũng nghe tiếng vị đại sư bá của Nguyên Lăng đại sư lên tiếng :

- Tiểu bằng hữu chớ ngồi dậy, cứ nằm yên dưỡng cho vết thương chóng lành.

Đông Bích đành nằm yên cất tiếng :

- Hạ mạc hậu sinh tên Đông Bích xin kính ra mắt nhị vị đại sư.

Vị Phương trượng Chưởng môn nhìn hai vị sư kia rồi lên tiếng trước :

- Tiểu bằng hữu chớ ngại, bần tăng cũng xin giới thiệu để tiểu bằng hữu được rõ ràng hơn.

Rồi đại sư đưa tay chỉ vị sư đứng gần Đông Bích nói :

- Đây là đại sư bá của bần tăng đã may mắn đưa được tiểu bằng hữu về đây, vì người phiêu bạt mây trời ít khi ghé tới đại tự này lắm, hiệu danh của người là Huyền Không.

Đông Bích tuy nằm trên giường nhưng vẫn chắp tay bái đại sư, nói :

- Ơn cứu tử của người, Đông Bích này trọn đời xin ghi tạc.

Huyền Không đại sư ngồi xuống chiếc ghế cạnh Đông Bích xua tay :

- Tiểu bằng hữu đừng có nói vậy, cũng may mắn là cốt thể của tiểu bằng hữu thật lạ lùng, nếu không thì bần tăng có là thánh cũng không chữa nổi.

Vị đại sư quay sang vị Chưởng môn rồi nói cho mọi người đó nghe :

- Sư bá sẽ lưu lại đại tự này chừng mươi ngày để xem thương tích của tiểu bằng hữu đây như thế nào rồi sau đó sư bá sẽ liệu. Trong thời gian tiểu bằng hữu lưu lại đây, ta muốn nhờ Phương trượng Chưởng môn lo liệu cho mọi việc và bây giờ Chưởng môn và Nguyên Lăng ở đây vì ta cần đến tịnh thất lấy ít thuốc cho vị tiểu bằng hữu đây.

Nói xong, vị đại sư thủng thỉnh đi ra, Đông Bích nhìn vị đại sư Huyền Không mà lòng thấy thương mến và kinh ngạc vì đại sư đã là sư bá của vị Chưởng môn, mà Phương Trí chưởng môn cũng đã già rồi, thì chắc Huyền Không đại sư có hơn trăm tuổi, song dung mạo thật phương phi. Nó chợt nhớ đến Ngự Thanh Y Lang nên hỏi vị đại sư Chưởng môn :

- Thưa Chưởng môn, để cho được thân mật hơn, xin đại sư cứ gọi cháu là Đông Bích chứ đừng dùng ba chữ tiểu bằng hữu mà cháu thấy đắc tội với quí vị đại sư quá. Mong rằng quí vị đại sư chấp thuận cho.

- Nếu cháu muốn thì bần tăng xin chìu vậy.

Một sự thông cảm đôi bên đạt thành sự thân mật chí tình.

Lúc này Đông Bích mới hỏi :

- Thưa đại sư Chưởng môn, lúc bị nạn có cả ngoại của cháu, cũng bị chưởng độc của tên Ma tôn, không biết bây giờ ở nơi nào đại sư có biết không?

- Bần tăng có nghe đại sư bá của bần tăng kể lại là có nhiều người bị chết tại nơi đó đều được đại sư bá của bần tăng chôn trong vùng đó cả rồi, riêng có vị bát sư đệ của bần tăng là được đại sư bá mang về hỏa thiêu.

Rồi đại sư quay nhìn Đông Bích hỏi :

- Trong khi săn sóc thương tích cho cháu, bần tăng có bắt gặp chiếc vòng tám hạt bồ đề của bát sư đệ của bần tăng nên bần tăng đã để trên kệ thờ và giờ đây xin hỏi thêm để hiểu biết duyên cớ vì sao mà cháu có chiếc vòng đó.

Đông Bích đã biết không còn chiếc vòng trong người từ lúc tỉnh dậy nhưng chưa tiện hỏi, bây giờ đã biết được nên trả lời :

- Thưa đại sư Chưởng môn, trên đường về nhà cháu và ngoại cháu là Ngự Thanh Y Lang La Hồng Chấn...

Vị đại sư Chưởng môn nghe Đông Bích nói đến đây liền chận lời kinh ngạc :

- Trời ơi! Té ra ngoại của cháu là vị thần y ẩn tích.

Rồi đại sư Chưởng môn lẩm bẩm một mình :

- Mô phật, lại một tai ách võ lâm, đã mất đi một nhân tài kỳ bí hiếm có.

Rồi đại sư Chưởng môn nhìn sang Nguyên Lăng đại sư truyền lệnh :

- Ngũ sư đệ, hãy trở lại chỗ vị thần y Ngự Thanh Y Lang lập chi mộ cho người cẩn thận để lưu dấu cho hậu thế.

Nguyên Lăng đại sư vâng lệnh đi ngay.

Đại sư Chưởng môn lại nói với Đông Bích :

- Mọi sự để cho bần tăng lo liệu, cháu cứ an tâm dưỡng thương vì từ đây đến nơi cháu bị nạn có hơn tám trăm dặm đường. Vậy khi nào cháu lành mạnh hãy đến chiêm bái. Mà có phải là ngoại cháu râu năm chòm bạc dài và mặc thanh y phải không?

Đông Bích đáp ngay :

- Dạ, đúng y nguyên dạng rồi vậy, kính tại hạ ơn sâu của đại sư lo lắng.

Vị Chưởng môn xua tay hỏi tiếp :

- Chuyện đó không đáng gì, bây giờ bần tăng muốn biết trường hợp gặp gỡ của bát sư đệ của bần tăng.

Đông Bích nhíu mày, thong thả kể tất cả sự gặp gỡ và những lời bát sư đệ của vị Chưởng môn dặn dò cho đến khi nó bị Ma tôn tung chưởng đánh nó bay lên trên không.

Đại sư Chưởng môn nghe xong thở dài :

- Duyên nghiệp của bát sư đệ vậy là đã mãn. Nhưng cũng là một điều đại họa cho võ lâm sắp đến rồi.

Đông Bích tiếp :

- Đại sư Chưởng môn muốn đề cập đến tên quái nhân Ma tôn.

Đại sư nhìn xa xôi gật đầu :

- Phải lắm, chẳng những thế mà nghe nói hiện giờ còn lắm phe phái Hắc đạo bí mật hoành hành gây cảnh thê lương cho bá tánh quần hào võ lâm. Nên bát sư đệ của bần tăng phải ra giang hồ tìm dò tin tức, chẳng may vắn số về chầu dưới chân Phật tổ mà nhiệm vụ chưa thành.

Rồi đại sư nói với Đông Bích :

- Hiện trạng bệnh tình của cháu....

Đông Bích thấy vị đại sư ngần ngừ nên nó tiếp lời :

- Hiện giờ bệnh cháu tạm yên, chờ ngoại thương lành là cử động như thường nhưng nội thương chờ ngày phát tác khó lường.

Vị đại sư Chưởng môn e ngại :

- Sư bá của bần tăng đã hết tâm chữa trị nhưng thứ độc trùng và hàn băng của tên Ma tôn thật thiên hạ khó trị, vì cháu không có võ công, nên không tự trục ra được. Chắc cháu thông đạt vè y lý cũng biết được điều đó. Chỉ trừ ra, gặp được thứ tiên dược có đặc tính hấp thụ được hàn băng và độc trùng trong vòng một trăm ngày nữa, nếu quá hạn đó mà không chữa trị được thì....

Đông Bích cũng biết được hậu quả sau một trăm ngày nên nó thản nhiên :

- Đại sư Chưởng môn có lòng lo nghĩ cho cháu, cháu rất đội ơn nhưng hữu mạng hữu số lo lắng lắm cũng chẳng cải được gì. Nhưng cháu chỉ tiếc rằng là tên Ma tôn độc ác không được chính tay cháu sửa trị mà đã nằm sâu dưới ba thước đất là điều đáng thủi nhục cho đấng tu mi thế thôi.

Vừa lúc này, Huyền Không đại sư trở lại, vừa đưa một hoàn thuốc màu đỏ nực hương thơm ngát, vừa nói với Đông Bích :

- Không ngờ ngoại của tiểu bằng hữu đây là Ngự Thanh Y Lang. Thật đáng tiếc và đáng giận cho tên cuồng ma Hàn Độc Ma Tôn giết người bất chấp, bất biết nguyên lý phải trái gì cả.

Đông Bích sụt sùi :

- Đại sư hôm đó có chôn cất ngoại của cháu phải không ạ?

Đại sư gật đầu :

- Ta chôn cất tất cả mọi người nhưng lúc đó ta thật tình chưa biết là Ngự Thanh Y Lang, vì tự lúc nào đến giờ, ta chưa được hội kiến với thần y đó cả.

Đột nhiên đại sư quay gọi tha thiết :

- Tiểu bằng hữu....

Đông Bích nhìn đại sư ngăn :

- Đại sư gọi cháu bằng cháu hay Đông nhi đi cho được gần gủi hơn.

Đại sư gật gù :

- Được, ta bằng lòng, vậy cháy hãy uống viên thuốc Đả ngoại thương hàn này đi để cho dễ chịu vì cháu đã mê thiếp luôn ba ngày hôm nay rồi, cứ uống hoàn thuốc này chắc ngày mai có thể cử động đi đứng như thường rồi.

Đông Bích vâng lời, bỏ ngay viên thuốc vào miệng, vói tay lấy bát nước uống ngay viên thuốc vào. Huyền Không đại sư đã nói :

- Cháu hãy đi nghỉ đi, ta và Chưởng môn có việc phải ra và thay mặt Chưởng môn nhân đây có lời cảm ơn thạnh ý của cháu về việc trao lại bửu vật bát khuyên huyền hạt về chùa Thiếu Lâm của bát đệ tử Thanh Chì.

- Xin đại sư đừng dạy vậy, cháu đây còn hơi thở là muôn lòng ghi tạc nghĩa cứu sanh của đại sư.

- Thôi được rồi, bây giờ chúng ta lui để cho cháu yên nghỉ vậy.

Hai vị đại sư lui ra, cánh cửa vừa được nhẹ nhàng khép lại. một mình nằm trên giường bệnh, Đông Bích miên man nghĩ đến nguy cảnh vừa qua. Vậy mà đã ba hôm nó mê man bởi độc chưởng và giờ đây, sự sống của nó chỉ còn có trăm ngày. Ý nó rối loạn nhưng nó cố gắng dằn lại để đợi thương thế lành mạnh sẽ tùy cơ định liệu. Nó nghĩ đến cái giá buốt khốn cùng lúc bị độc chưởng. Nó còn nghe văng vẳng bên tai tiếng cười ma quái của Ma tôn lão quỷ, nó thấy nó bay bổng lên không rơi tòm xuống cái vực thẳm đen ngòm, nó sợ hãi quá và hết lên một tiếng, giật mình mới hay nó mới chợp mắt đã vào cơn mơ. Mồ hôi tuông ra ướt cả mình. Nó lại cố dỗ dành giấc ngủ vì nó cảm thấy đôi mắt nó nặng trĩu nhưng lại sợ mê sảng nữa, nhưng sau lượt ra mồ hôi, nó cảm thấy dễ chịu hơn, yên lành hơn, và nó ngủ quên cả bữa ăn, cho riết buổi chiều hôm đó sang sáng hôm sau mới chợt tỉnh dậy.

Đông Bích mở tròn mắt ra nhìn gian phòng, thấy hoàn toàn khác lạ với gian phòng hôm qua nó nằm. Chung quanh toàn bằng đá nhẵn bóng. Nó nhỏm người dậy thấy thể chất không còn đau nhức nữa. Một vài tia sáng xuyên qua phên che cửa sổ thạch thất, lọt vào trong phòng và nó ngạc nhiên khi nhìn thấy Huyền Không đại sư đang ngồi yên lặng tọa công trên chiếc bồ đoàn đôi mắt khép lại. Nó không dám kinh động nên rón rén bước đến bên cửa sổ thì có tiếng Huyền Không đại sư khẽ nói :

- Đông nhi, cháu thấy khỏe hẳn rồi chứ?

Đông Bích vội vàng đến thi lễ trước Huyền Không đại sư rồi đáp.

- Thưa đại sư, cháu thấy khỏe hẳn rồi song đứng bên cửa sổ gió lạnh ập vào thì cảm thấy muốn tắt nghẹn đường hô hấp, như vậy có phải khí lạnh là môi trường để trùng độc sinh dưỡng không, thưa đại sư?

Huyền Không đại sư vẫn ngồi trên bồ đoàn, mở mắt nhìn Đông Bích trả lời :

- Đông nhi y lý thông đạt lắm, điều này ắt hẳn rồi ta không ngạc nhiên. Nhưng chắc chắn là Đông nhi chưa hiểu được loại độc trùng này không thể dùng ngoại lực đẩy nó ra được mà chỉ phải cần nội lực thâm hậu, tự trục xuất trong vòng bảy ngày liên tục mới có hy vọng.

Rồi đại sư thở dài :

- Mà trường hợp này, tuy Đông nhi có cốt cách đặc biệt nên chưa tận nhưng vì Đông nhi không biết võ công, nhưng dẫu có biết, chưa chắc đã đủ hỏa hầu để tự chữa được. Ta sẽ lưu lại đây với Đông nhi mươi hôm nữa để xem bệnh tình phát hành như thế nào, rồi ta sẽ tìm kiếm được danh y chữa trị cho Đông nhi. Hiện giờ cháu cứ lưu lại tại thạch thất này để tránh lãnh khí của tiết xuân nên ta mới đặc biệt di chuyển chỗ ngụ của cháu.

Đông Bích rất cảm kích lòng từ bi của đại sư nhưng cảm thấy kiếp sống của mình không thấy gì là hy vọng mà đi dần vào cái tự tận một cách nhạt nhẽo nên tỏ ý :

- Cháu hết sức cảm kích lòng đại từ bi của đại sư, nhưng cái kiếp sống của cháu không còn hy vọng gì thì đại sư dừng quá lo cho cháu làm gì cho nhọc mệt đại sư.

Huyền Không đại sư mỉm cười cảm thông, rồi suy nghĩ giây lát bước ra khỏi bồ đoàn đến bên Đông Bích xoa nắn các huyệt đạo cho nó được dễ chịu phần nào rồi nói :

- Ta có nghĩ ra một phương cách thế này, không biết Đông nhi có vui lòng hưởng ứng không?

Đông Bích đáp ngay :

- Việc gì xin đại sư cứ dạy, cháu chẳng bao giờ dám sai ý người, dẫu khó khăn mấy cháu cũng không ngại ngùng đâu.

- Chuyện này không khó, chỉ ngại Đông nhi chẳng khứng theo thôi.

- Xin đại sư cứ truyền dạy.

Huyền Không đại sư nhìn chăm chăm Đông Bích, mở lời :

- Để chống cái lãnh khí có thể xâm nhập cơ thể của cháu, ta có một phương pháp là cháu phải tập thở để khí huyết được lưu thông, gây nên một khí nhiệt trong cơ thể hầu là, giảm đi sức hành phá của độc trùng. Mà khi thực hành lúc ban đầu thể nào cũng gặp khó khăn vì độc trùng bị ép về Đan Điền sẽ chống chọi nên gây ra sự đau đớn nhưng dần dần hỏa khí tựu công, nó sẽ nằm yên chờ đủ trăm ngày mới cùng bộc phát. Nhưng lúc đó ta sẽ tính sau. Cháu nghĩ thế nào?

Đông Bích nghe xong, không do dự :

- Sự đau đớn đâu có gì trở ngại, cháu nhận thấy trong những ngày vô vọng này cũng cố tìm cách kéo dài thời gian, nghĩa là cứ tranh đấu rồi trời sẽ giúp vậy.

Huyền Không đại sư gật đầu tỏ vẻ bằng lòng rồi nghiêm nghị nói :

- Bây giờ cháu khá lưu ý, nhớ kỹ những khẩu quyết mà thực hành nhé! Mà trước khi thực hành, ta cũng nói cho cháu biết về sự tương hoàn để giữ cái hỏa khí cho tâm tịnh của thân thể con người ví như cái vòng khuyên chuyển dịch, chạy từ bên trái qua mặt với trung tâm là trái tim. Nó có thể liên tục chuyển vận để tạo hỏa khí hay thoát hỏa khí theo chủ đích của ta. Cháu biết đại lượt như vậy và bây giờ ta chỉ khẩu quyết, cháu hãy nhớ lấy mà thực hành nhé!

Nói đoạn, Huyền Không đại sư đọc và giảng kỹ lưỡng những khẩu quyết cho Đông Bích ghi nhớ.

Mặc dù Đông Bích là đứa trẻ rất thông minh, đỉnh tuệ, cũng đã đọc nhiều bảo thư, văn học căn bản, nhưng nơi đây là phần võ học của Phật môn, rất uyên thâm, phức tạp mà nó chưa biết gì về võ học nên đây cũng là ngưỡng cửa mới mẽ nhất cho cuộc đời nó. Trong cái rủi gặp được cái may. Có bị nạn tử sanh mới gặp được cao tăng, còn lại là bậc sư bá của Chưởng môn Thiếu Lâm đại tự thì võ học của người phải kinh khiếp như thế nào rồi. Huống hồ nơi đây Huyền Không đại sư đã đích truyền phương pháp nội công tâm pháp chỉ nguyên là một môn chí cao của Phật môn. Ngay cả đến Phương Trí chưởng môn cũng chưa thu thập được vì môn nội công tâm pháp chỉ nguyên này cần phải có một cốt thể đặc biệt mà Huyền Không đại sư đã thấy được nơi Đông Bích. Vì vậy đại sư đem ra truyền cho Đông Bích mà vị đại sư chỉ bảo đó là cách hô hấp cho điều hòa khí huyết. Đại sư Huyền Không cũng không đắn đo khi truyền lại cho Đông Bích môn thượng đẳng nội công khi mà các vị đại sư hiện diện tại Thiếu Lâm đại tự này chỉ luyện được nội công tâm pháp di hành là thứ nội công để cho mọi đệ tử Phật môn có công tu luyện sẽ đạt thành mà cũng đã vang danh võ lâm đại phái rồi. Huyền Không đại sư hy vọng rằng nếu trời giúp cho Đông Bích gặp được duyên cớ nào đó nó sẽ là tinh hoa của võ lâm trong tương lai, dầu là hy vọng đó mong manh quá, nhưng dẫu sao cũng còn có hy vọng nên đại sư mới truyền dạy cho Đông Bích môn tâm pháp chỉ nguyên này.

Về phần Đông Bích, sau khi thông thạo lý thuyết về những điều Huyền Không đại sư vừa giảng, nó liền y lời thực hành.

Mới đầu, đúng như lời đại sư vừa nói là sự đau đón khởi từ Đan Điền chạy lên nhói buốt làm nó mồ hôi nhễ nhại nhưng nó vẫn kiên trì, bền chí chịu đựng trong gần nửa ngày mới bắt đầu cảm thấy dễ chịu trở lại thì cũng vừa lúc bữa cơm trưa đưa lên.

Theo lời Huyền Không đại sư nó ngưng tập và dùng bữa.

Rồi nó lại chăm chú luyện tập được ba hôm, thì thấy cái đau nhói bất thần trong người đã giảm hẳn.

Đến ngày thứ mười thì nó đã thấy có thể tự tạo thân nhiệt để chống lại với băng hàn và độc trùng hành hạ. Nó có thể ra khỏi thạch thất để dạo ngắm cảnh chùa thì cũng vừa gặp Huyền Không đại sư và Phương Trí chưởng môn nơi khách sảnh.

Huyền Không chẳng đề cập đến việc dạy cho Đông Bích cách hô hấp gì cả trước mặt Phương Trí mà đại sư chỉ nói :

- Giờ đây ta đi trong một thời gian may ra tìm được tiên dược giúp cho Đông nhi qua cơn tử nạn.

Phương Trí đại sư săn sóc cho Đông nhi nhé!

Phương Trí đại sư lãnh lệnh :

- Đệ tử xin lãnh lệnh đại sư bá và nguyện cầu đại sư bá duyên may để có thể cứu nạn cho vị tiểu bằng hữu đây. Xin sư bá cứ an tâm di hành.

Huyền Không đại sư quay sang Đông Bích :

- Đông nhi cứ an tâm tĩnh dưỡng nhé.

Nói xong đại sư quay đi liền.

Phương Trí cúi đầu nghiêng mình tiễn đưa.

Đông Bích ngẩn ngơ nhìn theo buồn bã.
Bình Luận (0)
Comment