Đoạn Hồn Tuyệt Cung

Chương 3

Chỉ còn mấy hôm nữa mọi người vui vẻ đón chúa xuân. Vạn vật như đều tươi tốt hơn. Khí trời dịu mát hẳn lại. Nhà nhà ai ai cũng đã trở về đoàn tụ trong sự nhộn nhịp tình thân. Những đứa trẻ tụ năm, tụ ba hỏi han áo mới, quần đẹp, để có dịp phô trương trong ngày đầu xuân. Niềm vui sướng của mọi đứa trẻ đều được cha mẹ, gia đình chúng luôn luôn cố gắng thỏa mãn.

Nhưng giữa sự vui sướng của muôn ngàn đứa trẻ thì giờ này cũng có một đứa trẻ lạc loài, đang âm thầm lầm lủi tìm đường đi trong vùng núi hiểm về phía Bắc Thiếu Lâm đại tự năm trăm dặm hơn. Đứa trẻ đó không ai khác hơn là Đông Bích.

Từ hôm Huyền Không đại sư rời khỏi Thiếu Lâm đại tự thì nó đã được dạo quanh chùa, ngày ngắm cảnh mà nhớ đến Ngự Thanh Y Lang, một người thân duy nhất của nó trên trần thế, cũng oan ức ra đi vĩnh viễn để lại nó bơ với một mình, không còn ai thân thích với nguồn gốc, thân phận mịt mờ. Rồi đêm lại nghe câu kinh, tiếng mỏ não ruột, tiếng chuông vang xa cho lòng trông lạnh mùa khơi.

Nghĩ đến còn có năm ngày nữa là hết ba trăm sáu mươi lăm ngày. Nó muốn đến thăm mộ của người thân yêu nhất của nó là Ngự Thanh Y Lang nên qua ngày hôm sau nó gặp được Phương Trí đại sư Chưởng môn, nó ngõ lời ngay :

- Thưa đại sư, xuân cũng sắp đến rồi, cháu có ý định thăm ngôi mộ của ngoại cháu, nên xin phép đại sư cho rời chùa xuống núi.

Phương Trí kinh ngạc chận lời :

- Đường xá xa xôi lắm, cháu đi sao yên đặng, hơn nữa xuân đã kề cận, theo ý bần tăng thì cháu nên đợi qua xuân, Nguyên Lăng ngũ sư đệ sẽ thân hành đưa cháu đến ngôi mộ của Ngự Thanh Y Lang, chứ hôm nay ngũ sư đệ của bần tăng đã thi hành phận sự nên vắng mặt rồi. Ngoài Nguyên Lăng ra không còn ai biết nơi ấy cả.

Đông Bích thản nhiên :

- Xin đại sư chớ lo ngại vì nơi ấy chắc chắn cháu không quên rồi và từ đây đến đó cháu dọ hỏi theo phương hướng mà Vệ đại sư bá của đại sư Chưởng môn đã có lần chỉ cho cháu rồi.

Sau một phút suy nghĩ, đại sư Chưởng môn đưa ra đề nghị :

- Nếu vậy thì bần tăng phải chìu theo định ý của cháu nhưng bần tăng muốn sai vài tên đệ tử cùng đi với cháu cho có bạn, cháu nghĩ sao?

Đông Bích đáp ngay :

- Cháu hết sức cảm ơn đại sư Chưởng môn quá lo lắng nhưng ý định của cháu là được một mình tìm đến cũng chẳng ngại. Xin đại sư chìu ý tha thứ cho cháu.

Trước ý cương quyết của Đông Bích, Phương Trí đại sư đành nhượng bộ và đại sư thầm khấn duyên may sẽ đưa đến cho Đông Bích trong những ngày chờ đợi nguy nan của nó.

Đông Bích giả từ đại sư Phương Trí chưởng môn rồi rời chùa xuống núi mải miết đi về hướng Bắc của đại tự Thiếu Lâm.

Đã bốn ngày lần dò tìm đường lên chỗ tai nạn ngày trước, Đông Bích đã đi hơn năm trăm dặm đường.

Hôm nay là ngày cuối cùng của một năm, từ sáng đến giờ nó cứ lầm lủi đi xuyên qua cánh rừng nhưng nó cứ mải suy nghĩ nơi đâu nên đã lạc lúc nào không hay biết.

Gói lương khô đã hết tự bao giờ, nó quên bẳng đi nên từ sáng đến giờ phần đói khát bắt đầu hành hạ nó.

Hoàng hôn đã về phủ quanh vùng rừng núi âm u này. Nó bắt đầu lo ngại cho đêm nay không biết nương thân vào đâu. Nó đi thêm một đoạn nữa để tìm lối ra nhưng vẫn mờ mịt. Bóng tối đã lớn dần.

Đông Bích đang hoang mang thì sự mệt mỏi cũng dồn vào làm khí lạnh núi rừng xâm nhập cơ thể, độc trùng lại có dịp hoành hành. Nó mệt mỏi quá vì đói và khát nên không đủ sức hành công hô hấp mà nó đã được học hỏi nơi Huyền Không đại sư. Cơn đau lên nhiều khiến nó lảo đảo thì cũng vừa kịp lúc nhìn thấy một cái hang vừa người chui vào.

Nó không ngần ngại nữa, liền chui nhanh vào để cho qua cơn đau và cũng nghỉ đêm luôn.

Nó vừa chui vào thì chẳng thấy gì cả nhưng một chặp đã hơi quen, nó thấy lờ mờ trong cái hang hoàn toàn đá với đất, phía trên là những lớp thạch nhũ tua tủa nhọn hoắc như chực chờ ghim xuống người nó. Nó vào sâu hơn thì lòng hang càng trở nên hẹp và thấp, mấy cây thạch nhũ ở đây to lớn quá mà trông thật nặng nề, nhọn hoắc. Cơn đau buốt lên. Cơn đói cũng chẳng kém.

Vừa đau vừa đói làm người nó toát mồ hôi, chân đi loạng choạng. Trong hang càng lúc càng tối hơn nhưng bỗng nó thấy một miếng trăng trắng, to hơn cái đĩa bàn lớn nằm trên một miếng đá bằng phẳng. Nó liền chộp ngay cho vào miệng cắn thử thì thấy trong ruột có những hột nho nhỏ, thơm thơm nên nó cắn xé cái vỏ ngoài nhai ngấu nghiến rồi nuốt luôn cả cái ruột bên trong. Trong cơn đói, nó nhai ngấu nghiến thật nhanh và nuốt ừng ực trong thoáng chốc đã hết sạch thì cảm thấy thân người từng luồng nóng, từng luồng lạnh chuyển lưu làm tay chân nó ngứa ngáy muốn cào cấu.

Trong trạng thái khác lạ của cơ thể, Đông Bích lại đột nhiên nhìn thấy hai đốm lửa tiến nhanh tới như từ phía sâu tăm tối trong lòng hang phóng ra.

Hai đốm lửa như bay là là chồm lên người nó. Nó đang ngứa ngáy tay chân, bèn chụp luôn đốm lửa để bấu xé nhưng hai đốm lửa chịch qua né tránh làm nó bấu đụng vào một thanh cây lông nhám.

Nó kinh hoàng buông ra thì hai đốm lửa tung lên cao chạm vào mấy ngọn thạch nhũ và nghe tiếng gãy vỡ và tiếng kêu rít lên chi chít rồi hai đốm lửa tắt đi và một tảng đá to lớn, lông lá phủ trùm nặng nề rơi đè trên người nó. Đông Bích bị sức nặng đẩy ngã nhào ngửa người thì cái tảng lông lá nặng nề lại phủ kín mặt nó. Một mùi khen khét hăng hắc vào mũi nó lại bị che kín khó thở. Nó kinh hoàng quá hả miệng cắn phập vào cái tảng đè nó thì lập tức một dòng nước âm ấm tuông chảy phủ mặt nó.

Đông Bích nhắm nghiền mắt lại nghiêng qua một bên nhưng dòng nước vẫn cứ chảy mạnh nên nó đành phải nuốt hết ngụm này thì lớp nước khác lại chảy dồn tới khiến nó cứ việc nhắm mắt liều uống ừng ực chẳng biết nước gì, cho đến khi đầu óc nó quay cuồng, mê man trong hang đá.

Một đêm cuối năm rồi cũng trôi qua, buổi sáng đầu tiên của năm mới về trên muôn hoa. Tiếng chim rừng đua hót líu lo đánh thức Đông Bích dậy.

Khi tỉnh cơn mê nó kinh ngạc khi thấy mình đang nằm phía dưới xác một con vật đầy mình lông lá mịn màng. Nó cố gắng chui ra rồi nhìn lại con vật không khỏi rùng mình, nó ngạc nhiên kêu lên :

- Trời ơi! Một con nhện lửa khổng lồ, những cái chân nó như khúc cây, hèn nào lúc ta chụp phải chân nó, nó mới hoảng hồn nhảy tưng lên.

Đông Bích đến bên xác con nhện quan sát một lúc rồi lẩm bẩm một mình :

- Thì ra nó nhảy mạnh và cao quá nên chạm phải mấy cây thạch nhũ ghim vào đầu nó nên nó chết đè trên người ta.

Nó cười lên một tiếng rồi im ngay vì thấy vũng máu nhện còn đọng nơi chỗ nó đã nằm suốt một đêm mê man, nó suy nghĩ rồi tự nhủ :

- Ta hoảng quá cắn nhằm thân nó nên máu nó chảy tuôn ra khiến ta bị kẹt phải uống ừng ực và có lẽ cái miếng trăng trắng là trứng của nó rồi.

Đông Bích vừa lẩm bẩm vừa đi lại nhặt cái vỏ trắng xem xét thì đúng là vỏ trứng nhện lửa trong hang thạch nhũ này. Tại vì Đông Bích ăn trứng của nó trong khi nó đi tìm mồi nơi đáy hang và khi nó đánh hơi phát hiện định phóng nhanh ra tấn công Đông Bích nhưng vô tình bị thạch nhũ đâm chết nên Đông Bích mới thoát khỏi bị cắn chết.

Đông Bích đưa tay chùi miệng còn dính máu nhện đông đặc. Nó bước ra miệng hang chui ra ngoài. Núi rừng vào ngày xuân cũng vẫn còn sương mù như một màn mỏng khói sương, che mờ phía sau cây lá im lìm chợt lung lay khi những cánh chim nhảy nhót líu lo.

Như những hôm khác, khí lạnh thế này, ắt hẳn Đông Bích bị cơn đau do độc trùng hành hạ.

Nó tư lự ngạc nhiên rồi nhờ nhớ đến một đoạn trong sách nói về các đặc tính độc chất của những con vật hiếm thấy có đề cập đến con nhện lửa. Loại nhện này rất hiếm thấy. Mình đỏ như máu, là một loài độc vật vào bậc nhất trong tứ trùng dị chủng là: Nhện lửa bách niên, bọ cạp chín càng, cóc tía ba chân và con rắn vàng sống trong tuyết. Và như vậy sao nó lại không bị độc hại hơn nữa, trong sách có đoạn viết rõ rằng: Trứng nhện lửa có tính chất hấp thụ độc trùng để tự tiêu hóa và gây ra trạng thái miễn nhiễm vĩnh viễn và máu của nó có tính chất cực hỏa, kẻ uống vào sẽ bị thiêu đốt phải nứt thịt ra mà chết, nhưng máu này cũng hữu ích là tăng thêm cho đôi mắt và hai tai có sức nhìn thật rõ ràng trong vòng ba trượng lúc ở trong bóng tối mịt mù và có thể nghe rõ tiếng lá rơi cách một bức tường, nhưng kết quả này sẽ phát hiện sau một trăm ngày. Tuy nhiên, vì tính chất cực hỏa của nó nên chưa ai dám có ý định sử dụng.

Đông Bích nhớ đến những đoạn ghi chú này rồi tự kết luận :

- Ta đã uống máu con nhện lửa quá nhiều mà chẳng thấy phản ứng cực hỏa gì cả, như vậy chắc rằng chất lạnh hàn băng của lão quái Ma tôn tích tụ trong người ta gặp máu con nhện nên tự hóa giải rồi mà chất độc trong trứng nhện đã cùng độc trùng tiêu hóa luôn nên ta cũng chẳng hề bị hai loại đó hành độc và có lẽ đúng hơn là đã qua cơn hành độc khi ta mê man.

Đông Bích thấy khỏe khoắng sung mãn hơn lúc trước mà dù khí trời có lạnh cũng không còn cơn đau nữa. Nó quay nhìn cái hang đã vô tình giúp nó chữa cơn độc hàn kinh khủng này.

Nó thấy vui vẻ hơn mà hình như mùa xuân đã mang lại tặng cho nó.

Nó bình tĩnh trở lại và tìm phương hướng để thoát qua vùng núi rừng này.

* * * * *

Sau mấy ngày kiên tâm cố chí vượt mọi trở ngại, cậu bé Đông Bích cũng tìm đến được nơi mà trước đây nó đã thọ nạn cùng với Ngự Thanh Y Lang bởi tay Hàn Độc Ma Tôn.

Nó tìm quanh nơi mà ngoại nó bị độc chưởng giết hại thì thấy ngay một ngôi mộ mới xây trên một vùng đất bằng phẳng. Nó chạy nhanh lại lòng tiểu tái nhìn tấm mộ bia ghi rõ :

Ngự Thanh Y Lang La Hồng Chấn chi mộ.

Đông Bích phục xuống mộ bia, mắt mờ lệ thảm. Mỗi lúc lâu nó đứng dậy đi vòng quanh ngôi mộ rồi tới trước đầu mộ nghiêm trang chắp tay van vái, nó thầm khấn :

- Người thân yêu duy nhất trên thế gian này của cháu là ngoại. Vậy mà ngoại cũng bị hại. Suốt một đời ngoại chỉ làm điều thiện vậy mà phải oan ức chết thảm. Thì ra cõi đời này chỉ có kẻ mạnh mới có quyền sanh cầm, giết chết kẻ khác. Xin ngoại linh thiên phù hộ cháu trả cho được mối thù này.

Khấn vái xong, nó cúi lạy rồi quay đi như không dám nhìn lại ngôi mộ để phải thêm lưu huyết đứt lòng.

Nó đi, đi mãi, không có chủ định cho đến gần chiều nắng gắt mệt mỏi nó mới tìm chỗ nghỉ chân, nhân thấy ngôi cỗ miếu khá lớn, nó liền đi ngay vào.

Trong cỗ miếu có mấy chiếc bệ thờ nay đã đổ nát, vắng lạnh khói hương, rong rêu mọc đầy quanh tường. Nó nhủ thầm trong dạ :

- Thần miếu ở nơi này chắc cũng phải dời đô vì ngay cả trong mấy ngày xuân mà không có khói hương.

Rồi nó quan sát thấy mọi vật đều đã không có ai đụng đến từ quá lâu rồi nên nó lại nghĩ tiếp :

- Vị thần miếu này, nếu còn ở đây chắc cũng như ta, phải quạnh hiu trong mấy ngày xuân này.

Nó vừa suy nghĩ vừa lấy mấy cành lá quét một góc tường, đặt lưng cố tìm giấc ngủ sau khi ăn một ít lương khô mới mua thêm mấy ngày gần đây.

Vì quá mệt nhọc và bi thương nên nó ngủ một giấc thật ngon lành.

Nó đang ngon giấc bỗng giật mình lắng nghe vì có tiếng ngáy của người ngủ đâu đây. Nó hơi hoảng liền nhổm dậy nhưng không còn nghe thấy tiếng gì cả. Bên ngoài miếu, nắng chiều đã nhẹ bớt, nghiêng nghiêng đổ dài bóng cây, lay động theo chiều gió thổi. Nó lại nhìn trong miếu vẫn không thấy gì nên nó định bụng :

- Có lẽ tại ta mê mệt giấc ngủ trưa chập chờn nên mới sinh ra điều lầm lẫn này.

Đông Bích lại đặt lưng xuống một chập sau nó đang mơ màng thì nghe tiếng ngáy như sấm vang bên tai làm nó chồm dậy ngay.

Lần này thật sự nó sợ sệt. Nó nghĩ là vì đây là cỗ miếu chắc có ma, thần gì khuấy phá. Tuy sợ nhưng nó lấy lại định tâm, hơn nữa ban ngày nên nó còn đủ can đảm và quyết ý tìm kiếm cho ra nguyên do. Nó bắt đầu lục lạo, tìm hết mấy góc miếu rồi chui vào từng kệ miếu đổ để tìm cho rõ ràng. Nó tìm hết các nơi và còn một cái kệ chót to lớn nằm sát phía trong cùng của ngôi miếu. Phía trước kệ có mấy cái ghế đã xiêu vẹo, mục đổ gần hết. Nó nhẹ nhàng nhắc nhẹ để sang bên rồi quì gối, chui đầu vào xem thì nó cảm thấy có đôi bàn tay nắm chân nó kéo ra. Nó hoảng quá la lớn :

- Ồ! Trời ơi, ma....

Nó vừa la vừa chun tuột vào luôn trong kệ hương, quay nhanh ngươi nhìn ra với dáng điệu run rẫy sợ sệt.

Nhưng nó vẫn không thấy gì. Trong ngôi miếu vẫn yên lặng. Nó ngồi trong kệ một chốc, lấy lại bình tĩnh rồi chui người ra. Vì cái kệ quá thấp, nên nó ra lưng hơi cao, chạm vào thành trên của kệ, thì liền lúc đó, ba bốn khúc cây đập vào lưng nó. Nó kinh hoảng quá bò luôn một hơi khỏi kệ miếu thật xa mà chưa đứng dậy, cứ thế mà bò.

Liền lúc đó có tiếng cười ngặt nghẽo từ phía trên sà nhà và có tiếng người nói xuống giọng chế giễu :

- Ô! Trời ơi, con ma chết nhát này nó bò trông buồn cười quá.

Đông Bích chưa ngồi dậy đã nghe tiếng người nói thế đâm ra ngượng ngùng, bất giác nó vụt đứng phắt dậy, ngước mặt nhìn lên sà nhà đã thấy một lão già mặc áo rách rưới, nét mặt vui vẻ tay còn cầm chiếc bánh bao đang ăn dở, tay kia ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Đông Bích sượng sùng suy nghĩ, những ý nghĩ chạy thật nhanh trong đầu nó. Nó nhìn lại cái kệ lúc nãy đã chui vào thấy mấy chiếc ghế mục nát ngã đổ lung tung.

Nó than thầm :

- Rõ thật ta ngốc quá, mà cũng tại lão già này nhát ta đây.

Nó ngẫm nghĩ tiếp :

- Lúc đang chú ý chui vào kệ hương miếu, thì ở ngoài lão nắm chân ta lôi ra, làm ta hoảng vía chui luôn vào trong hóc kệ. Rồi lúc ta chui ra lại đụng nhằm cái kệ mạnh quá nên mấy chiếc ghế mục nát vô tình ngã dập trên lưng ta.

Nó liếc mắt nhìn lão già cứ ngồi trên sà nhà cười ngặt nghẽo. Nó vừa thẹn vừa giận nên đứng im chưa có phản ứng nào thì lão già lại liếng thoắng :

- Ê! Tiểu bằng hữu kia, bây giờ còn sợ ma sao mà đứng thừ người ra như vậy?

Đông Bích nghe giọng nói của lão già nhận thấy lão không có ác ý chắc vì nghịch ngợm nên nhát nó. Nghĩ vậy nên nó ngước nhìn lão ta nói :

- Lão trượng hãy xuống đây rồi nói chuyện.

Nói xong vẫn không thấy lão già nhảy xuống, mà lão cứ ngồi trên sà nhà, vừa cười vừa ăn bánh bao một cách ngon lành.

Nó ức quá, nhưng biết làm sao hơn, nên nó cứ làm thinh thu dọn đồ đạc và bước ra khỏi miếu.

Lúc này lão già không còn ngồi trên sà nhà nữa, mà vội vàng nhảy xuống, nhưng lão lính quýnh quên cái bầu rượu treo trên sà nhà, lại vội nhảy vút lên, miệng gọi ơi ới :

- Ê ê, tiểu bằng hữu ơi!.... đứng lại cho Vương bất lão nói chuyện tí đã nào?

Đông Bích không trả lời, cứ một mực đi thẳng. Sau khi nhặt cái bầu rượu, lão già thênh thếch chạy theo sau. Lão ném đi miếng bánh ăn dở, quệt tay vào áo, chạy nhanh hơn, bắt kịp Đông Bích, liền níu áo nó lại van nài :

- Tiểu bằng hữu ơi! Hãy đứng lại để....

Thấy lão ấp úng mãi, hơn nữa lão cứ níu áo nên Đông Bích cũng nguôi giận nhìn lão cười xòa.

Lão mừng rỡ ra mặt rồi cúi đầu xuống vân việc chéo áo như đứa trẻ phải tội, lão nói một hơi như sợ ai dành nói với lão vậy :

- Tiểu bằng hữu à, Vương bất lão này đành xin lỗi tiểu bằng hữu vậy!

Nhận thấy nơi lão già có nhiều điệu bộ như đứa trẻ thật thích hợp với nó, nên Đông Bích quên giận lúc nãy, nhìn nụ cười tươi trẻ của lão, cũng vui lây trở lại, thân mật nói :

- Lão trượng nào có cái gì lỗi đâu, chỉ tại cháu nhát nên mới làm trò cười cho lão trượng đó chứ.

Lão già xua tay lia lịa rồi kéo tay Đông Bích lôi về phía miếu vừa đi vừa nói :

- Tiểu bằng hữu vào đây rồi chúng ta sẽ đàm luận và nhiều trò vui vẻ lắm.

Đông Bích đành quay lại miếu cùng với lão già. Sau khi Đông Bích để đồ đạc vào một góc miếu rồi lúc bấy giờ lão già lại cười khề khà, nheo mắt nói :

- Chuyện lúc nãy chúng ta bỏ qua nhé! Còn bây giờ lão muốn hỏi tiểu bằng hữu rằng tiểu bằng hữu đi đâu vào những ngày xuân lạc loài vào cỗ miếu này.

Đông Bích ủ dột đáp :

- Cháu vì không nhà cửa, không người thân thích, họ hàng nên cháu phải lang thang.

Lão già thấy Đông Bích ủ dột buồn bã nên lão ta không còn cười nữa, mặt méo xẹo cảm thông.

- Hoàn cảnh của Vương bất lão này cũng giống như tiểu bằng hữu, vì cũng chẳng có ai thân thích họ hàng, đình miếu là nhà cửa qua ngày.

Rồi lão dấp dáng trang trọng đề nghị :

- Nếu vậy Vương bất lão này xin đề nghị với tên tiểu bằng hữu là chúng ta nên kết bạn với nhau vậy.

Đông Bích trước đề nghị đột ngột đó, nó ngạc nhiên :

- Lão trượng sao đề nghị như vậy, cháu là đứa trẻ sao dám kết bạn với lão trượng, nếu vậy cháu hóa ra là kẻ bất kính sao?

Lão già giải thích :

- Tiểu bằng hữu nói vậy thì chưa hiểu được bất lão này. Tiểu bằng hữu cho rằng Vương bất lão này thành Vương lão sao mà không chịu kết bạn?

Đông Bích là kẻ thông minh, nó hiểu ngay lão muốn nói nên phì cười :

- Ồ! Nếu vậy lão trượng tuy là nhiều tuổi nhưng tính tình rất trẻ.

Rồi nó như sực nhớ la lên :

- Phải rồi, phải rồi, hèn gì lúc nãy lão trượng nghịch ngợm nhát ma cháu phải không?

Hai người lại nhìn nhau cười thích thú.

Đông Bích chợt ngưng cười hỏi :

- Khi muốn kết bạn với nhau, lão trượng đã nghĩ suy rồi chứ?

- Dĩ nhiên!

Rồi lão ta hỏi lại :

- Còn tiểu bằng hữu thế nào?

- Cháu rất hân hạnh.

Thế là hai người một già một trẻ lại lập bàn thờ kết bạn.

Lão già cùng Đông Bích khiêng một cái kệ ra giữa trời, bẻ mấy cành hoa rừng trái rừng làm lễ với nước suối trong lành.

Lão già bẻ ba cây khô đốt lên nói với Đông Bích :

- Chúng ta dùng cây khô cháy khói này thay thế hương cũng được vậy mà, miễn chúng ta có lòng thành thật là được.

Hai người quỳ trước bàn sửa soạn làm lễ.

Lúc này lão già quay sang hỏi Đông Bích :

- À! Danh hiệu của tiểu bằng hữu là gì?

Đông Bích đáp ngay :

- Cháu chỉ có cái tên là Đông Bích thôi, còn lão trượng quí danh đại hiệu là gì?

Lão xua tay :

- Không quí không đại gì cả, ta tên cha mẹ đặt là Vương Thạch Công, tính ta con nít lại không thích ai gọi lão là lão già nên bạn giang hồ gán là Vương bất lão mà ta đã chạy là biến ngay nên lại bị gán thêm cho là Thần Ảnh.

Đông Bích cười như khám phá được một việc gì nên nói :

- Hèn gì, lúc nãy lão trượng mới nhát ma cháu được, chắc cũng nhờ Thần Ảnh phải không?

Lão ta không nói gì, chỉ cười hề hề rồi nói :

- Bây giờ ta khấn đi vậy, ta lớn tuổi hơn thì làm đại ca, tiểu bằng hữu nhỏ hơn làm tiểu đệ.

Đông Bích cười nói :

- Ơ, sao thế được, ai lại gọi lão trượng bằng đại ca kia chứ mà lão trượng cứ gọi cháu bằng cháu chứ sao là tiểu đệ.

Lão ta lắc đầu rồi cầm cây khô thế nhang lạy trời đất rồi cất tiếng nói lớn :

- Hôm nay, Vương Thạch Công tức là Thần Ảnh Vương bất lão thành tâm kết bạn bằng hữu với tiểu đệ Đông Bích, đồng sanh đồng tử, ai sanh lòng phản bạn sẽ bị muôn kiếm phanh thây.

Khấn xong, lão quay sang Đông Bích nói :

- Bây giờ đến tiểu đệ khấn đi.

Đông Bích không còn biết nói gì hơn nên đành cầm cây khô đốt khấn giữa trời rồi quay sang lạy lão già ba lạy nói :

- Tiểu đệ xin làm lễ ra mắt đại ca.

Lão sung sướng, cười híp mắt, kéo Đông Bích đứng dậy và giờ đây họ thấy gần nhau hơn, khắn khít hơn, thân mật hơn.

Qua những ngày sống bên nhau, Thần Ảnh Vương bất lão và Đông Bích hiểu ý nhau hơn. Một già một trẻ tỏ ra đắc ý tương đồng.

Rồi một đêm nọ....

Trong chòi lá bỏ hoang, Thần Ảnh Vương bất lão và Đông Bích làm nơi trú ngụ. Hai người đang thiếu lương khô vì mải vui chơi trò chuyện nên quên bẵng việc lo liệu cho bữa ăn.

Thấy vậy, Thần Ảnh Vương bất lão đề nghị :

- Này tiểu đệ, bây giờ mới vừa canh một, đại ca đưa tiểu đệ lấy thức ăn thức nhắm về chúng ta làm một tiệc.

Đông Bích nghi ngờ hỏi lại :

- Ở đâu mà đại ca bảo đi lấy.

- Thì cứ đi rồi sẽ rõ.

Nói xong lão cặp tay Đông Bích nhún mình bay biến vào đêm tối như bóng ma.

Được gần một khắc, lão nói nhỏ bên tai Đông Bích :

- Nhà phú hộ này, lúc nào cũng lắm khách đông người nên món ăn có thường xuyên mà toàn là sơn hào hải vị, bát trân cung phụng mà vẫn giàu sụ vì lão ta thuộc loại trọc phú mà. Nên chúng ta vào mượn đỡ một ít đồng thôi, đại ca cũng chọn Hồng Đào mỹ tửu lão cất kỹ trong kho đem về say sưa một bữa.

Đông Bích vốn là đứa bé đang trong hạn tuổi thơ, nên tính nghịch ngợm làm nó thấy cũng thích hành động.

Nó chưa nói gì thì Thần Ảnh Vương bất lão đã phân công :

- Bây giờ tiểu đệ tiến vào nhà bếp bưng một ít món ăn cho vừa ý trong khi đó ta sẽ tìm xuống kho rượu lấy ít mỹ tửu.

Lão ta tiếp luôn :

- Nơi này, ta đã nhiều lần viếng thăm rồi nên biết rõ rằng là giờ này các món ăn vừa nấu xong, những tên đầu bếp và phụ dọn đều lên phòng ăn sửa soạn thỉnh chủ nhân. Vậy đệ cứ yên tâm mà chọn thực đơn nhé.

Nói xong, lão lại cặp Đông Bích nhún người bay vèo tới chỗ nhà bếp bỏ Đông Bích xuống và lão lại biến vào phía trong nhà kho.

Đông Bích, lần đầu tiên tham dự vào trò này nên nó hơi sợ sệt nhưng đã lỡ rồi, nó liền mở cửa bước vào căn bếp. May mắn là không có người ở đây. Nó hồi hộp quan sát một dãy nồi niêu, son chảo đầy những món ăn quý lạ. Bấy giờ nó quên sợ hãi, bình tĩnh lấy đũa nếm từng món để chọn lựa.

Nó đang vừa đắc ý với món yến sào thì có tiếng chân người đi đến gần cửa. Nó vội vàng đứng vào phía bên cánh cửa cái. Một mụ mập ú làm công nặng nề đẩy cửa bước vào. Khi cánh cửa mở là Đông Bích đã đứng phía sau. Tim nó đập liên hồi. Cũng may mụ mập chỉ vào lấy mấy cái đĩa to mang đi và cánh cửa phòng được đóng lại.

Đông Bích vội vã đến lấy luôn ba nồi ngon nhất mà nó đã chọn, chồng lên nhau khệ nệ bưng ra.

Khi vừa đến cửa thì oan nghiệt thay, cánh cửa lại mở ra. Nó lại y như lần trước nép vào sau cửa và cũng thấy mụ mập lệch bệt đi vào lấy thêm mấy cái tô lớn nữa. Mụ mập cũng đi ra nhưng khi mụ với tay đóng cửa, chẳng may mụ đưa tay ra phía sau nhiều quá nên đút luôn vào nồi canh đang còn nóng. Mụ vụt nhanh tay lại, ù té bò càng, vừa la bai bải :

- Trời! Ma.... ma.... ma....

Đông Bích vừa muốn cười, vừa sợ hãi, nó chạy bừa ra nhưng cái nồi canh phía trên bị chao mạnh, nhào rơi đổ bừa lên mình mụ mập khiến mụ càng la to hơn :

- Ôi! Cứu.... cứu, cứu....

Đông Bích nghe mụ la hoảng quá cứ ôm hai nồi thức ăn còn lại chạy bừa ra cổng.

Lúc này nó đã nghe tiếng người tri hô :

- Bắt, bắt.... ăn trộm.

Trước mặt, cái cổng thì cao, tường chỗ nào cũng vậy. Nó ngỡ phen này chắc hết thoát thì bỗng nhiên thân hình nó được nhấc bổng lên, rồi là thoát ra phía ngoài và bên tai cũng nghe :

- Tiểu đệ chớ sợ, giữ chặt lấy mấy món ăn quý đây nhé!

Bây giờ nó mới thở phào cười thầm và giữ chặt hai nồi thức ăn mặc cho đại ca ôm nó vun vút lao đi.

Sau cái đêm hãi hùng đó, nhưng cũng được mỗi bữa ăn đế vương, nó suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng, nó phải nói với Thần Ảnh Vương bất lão :

- Đại ca, nếu mà tiểu đệ cũng biến hiện được như đại ca thì chúng ta mới có lắm trò vui chứ như cái đêm đi mượn đồ nhắm thật làm tiểu đệ khiếp quá.

Rồi nó nũng nịu :

- Và như khi sáng nữa, khi chơi cút bắt đại ca thoáng cái là biến mất và chạy nhảy, né tránh thế nào mà tiểu đệ không cách gì chạm được đại ca cả. Như vậy là đại ca ỷ vào võ công mà ăn gian tiểu đệ, tiểu đệ đâu có phục.

Thần Ảnh Vương bất lão phân bua :

- Đúng, đúng, như vậy ta sẽ chỉ cho tiểu đệ đến lúc nào tiểu đệ cũng biến hiện như ta thì lúc đó chúng ta sẽ lập cuộc chơi lại.

Đông Bích tán đồng :

- Như vậy mới công bằng. Và bây giờ, đại ca có thể chỉ dẫn cho tiểu đệ được rồi.

Thế là Thần Ảnh Vương bất lão lại truyền dạy cho Đông Bích hai tuyệt học võ lâm vô địch thiên hạ về khinh công, đó là: “Thần Ảnh Phi Thiên” và Thần Ảnh “Cửu thức bộ hình”.

Với sự thông minh và sự chăm chú, cố gắng nên trong một thời gian không lâu, Đông Bích đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Nhưng võ học chuyên luyện, gắng công cũng phải có thời gian cần thiết mới thành tựu được, trừ khi gặp được thiên duyên. Ở đây, dù Đông Bích có uống được máu nhền nhện bách niên, nhưng chưa được một trăm ngày nên chưa có phát hiện. Song, với cốt thể hiếm có nên sự thành đạt về võ công thật mau chóng.

Nên sau mười ngày chuyên luyện, tuy nó không bì kịp Thần Ảnh Vương bất lão nhưng khẩu quyết và bộ hình nó đã hoàn toàn thu thập được cả. Những cuộc chơi đuổi bắt càng thêm hứng thú giữa một già một trẻ khiến họ quên cả ngày tháng trôi qua.

Vui trong tuổi thơ như Đông Bích, và ngay lão già Thần Ảnh Vương bất lão cũng đã gặp được tri kỷ với cái tính trẻ con của lão, cả hai đã tìm được những thời gian hồn nhiên nhất của kiếp người.
Bình Luận (0)
Comment