Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 11

Bát Tư Ba rón rén ngồi dậy, nhấc cánh tay vô ý của Kháp Na ra khỏi người tôi, sau đó đặt cánh tay đang thò ra bên ngoài của chú nhóc vào trong chăn, kéo cao chăn đắp cho em trai. Xong xuôi, cậu ấy mới nằm xuống, nghiêng người về phía tôi, kéo tôi nằm sát vào người cậu ấy, cánh tay vòng qua người tôi tạo thành một hình vòng cung bao bọc, che chắn cho tôi.

Mùi cơ thể quen thuộc của cậu ấy ùa đến, trái tim lại đập dồn dập vô cớ khiến tôi trằn trọc không sao ngủ được, mãi đến khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới lấp ló sau những đám mây xa tít nơi đường chân trời. Tôi thầm nghĩ, giá như khứu giác của loài hồ ly không quá nhạy bén thì tốt biết bao.

Trời sắp sáng, tôi mới mơ màng ngáp ngủ. Giấc ngủ chập chờn bị đánh thức bởi tiếng ho khan khe khẽ của ai đó. Vành tai cảnh giác của tôi dựng đứng, nghe ngóng, không phải Kháp Na mà là Bát Tư Ba. Tôi nghe rõ cậu ấy đang cố kìm giữ cơn ho, những lúc không thể kìm nổi, cậu ấy kéo chăn lên bịt miệng. Tôi thò đầu ra ngoài, ngước nhìn. Vẫn đôi mắt thuần khiết, lấp lánh trước bình minh ngày mới, ngón tay cậu ấy đặt trên môi, khẽ “suỵt” một tiếng, rồi mỉm cười hồn hậu vỗ nhẹ vào đầu tôi.

Sáng hôm sau, mặt mũi và cổ cậu ấy đỏ rần rần, cậu ấy ho khan dữ dội, chắc chắn cậu ấy đã bị cảm lạnh.

Cậu ấy giữ ấm cho tôi bằng cơ thể mình, vì không muốn tôi bị ngạt thở, cậu ấy đã không quấn chặt quần áo, chắc chắn gió lạnh đã thấm vào người, nửa đêm lại phải tỉnh giấc nhiều lần để đắp lại chăn cho em trai, như thế không bị cảm lạnh mới lạ.

Cậu bé này, vì sao không giống bất cứ người nào tôi gặp trước đây?

Tôi vốn rất kỵ mùi thuốc nhưng quyết tâm phá lệ, những ngày Bát Tư Ba dưỡng bệnh, tôi không rời cậu ấy nửa bước. Tôi lặng lẽ ở bên cậu ấy, cùng cậu ấy đọc sách. Mùi thuốc đắng chát lan tỏa khắp căn phòng, thi thoảng cậu ấy lại vuốt ve bộ lông của tôi, mỉm cười với tôi. Ngoài kia gió tuyết vần vũ, nhưng trong căn phòng này, hay ở bất cứ đâu có cậu ấy, nụ cười tỏa rạng từ gương mặt đôn hậu, dịu dàng, an nhiên của cậu ấy tựa như gió xuân hiền hòa, thanh khiết, xua tan cái giá lạnh thấu xương của mùa đông ảm đạm.

Trải qua hơn hai trăm năm tu luyện đơn độc, từ lâu tôi đã quên mất cảm giác có người thân ở bên cạnh là như thế nào, nhưng cậu bé này đã khiến miền ký ức êm đềm đó trong tôi sống lại. Đột nhiên, tôi cảm thấy rất thích được ai đó vỗ vỗ vào đầu và trò chuyện cùng… như thế này.

Mùa đông ở Lương Châu dằng dặc trôi, tôi đi theo hai anh em họ, luôn cố gắng tỏ ra rất mực dễ thương, rất mực đáng yêu để đổi lấy sự cưng chiều ngày càng gia tăng của họ. Giờ đây, mỗi ngày trôi qua tôi đều cảm thấy mãn nguyện, không còn những ngày mùa đông giá lạnh lo ăn từng bữa nữa. Tôi bắt đầu hiểu ra, vì sao loài chó và mèo lại bằng lòng trở thành thú cưng của con người. Còn tôi, tôi bằng lòng làm thú cưng là để được nghe ngài Ban Trí Đạt giảng pháp, thế mà kế hoạch ấy đã bị “phá sản” từ lâu. Tôi lại chẳng dám đi nghe trộm vì sợ rằng, vị trí giả nhạy bén đó sẽ dễ dàng phát hiện ra mục đích của tôi, biết được tôi là một yêu tinh, chứ không phải loài hồ ly bình thường.

Năm mới theo lịch của người Tạng tới gần. Tôi chuẩn bị đón năm mới đầu tiên ở Lương Châu trong vai trò là thú cưng của Bát Tư Ba và Kháp Na.

Vào thời kỳ hoàng kim của vương triều Tufan, các chiến binh Tufan dũng mãnh, thiện chiến đã tiêu diệt quân đội Tuyuhun ở Thanh Hải, chiếm được vùng đất trọng yếu Lương Châu nằm trên hành lang Hà Tây[1], vốn thuộc quyền cai quản của nhà Đường. Khi đó, nhiều người Tufan đã di cư đến Lương Châu, bởi vậy người Tạng ở Lương Châu rất đông, không khí Tết theo lịch Tạng ở đây diễn ra vô cùng náo nhiệt.

Một vài ngày trước thềm năm mới, những người theo hầu ngài Ban Trí Đạt hết sức bận rộn. Họ trộn bơ và bột mì, chiên thành những quả bơ với đủ mọi hình dạng khác nhau. Họ còn xếp những chiếc bánh nướng làm từ lúa mạch trộn với dầu bơ vào những chiếc hộp gỗ có họa tiết phong phú, rồi cắm những bông hoa sặc sỡ được làm từ các hạt ngũ cốc và bơ lên trên. Ngày Hai mươi chín Tết, mọi người cùng nhau quét dọn sạch sẽ khuôn viên khu nhà trọ ở Lương Châu. Dù chỉ là nơi cư trú tạm thời nhưng họ xem nơi đây như nhà mình, trang trí, bày biện rất đẹp mắt.

Đêm Hai mươi chín, mọi người tập trung lại, cùng nhau ăn món bánh canh. Chốc chốc lại có người kêu la om sòm vì cắn phải viên sỏi nhỏ, hay lông cừu hoặc que củi lẫn trong bánh canh khiến mọi người bật cười ha hả. Người đen đủi nhất là Kháp Na, chú nhóc cắn phải miếng ớt, cay đến nỗi nước mắt ngắn nước mắt dài, chạy bổ đi khắp nơi tìm nước uống. Chứng kiến cảnh tượng thê thảm ấy, tôi kiên quyết không động đến bát bánh canh trước mặt.

Sau khi ăn xong, Kháp Na mang theo một đĩa sứ, Bát Tư Ba ôm tôi, hai anh em dắt tay nhau, dung dăng dung dẻ ra đầu phố xem lễ đuổi ma. Lầu trống là nơi huyên náo, tấp nập nhất Lương Châu, tập trung rất đông bà con người Tạng. Người ta đốt một đống lửa lớn ở khu vực trung tâm, thanh niên trai tráng cầm đĩa thức ăn, vừa hò reo vừa chạy vòng quanh, những người khác nô nức chạy đuổi theo, miệng hô vang: “Ô dô, ô dô!” Khi đám người phía sau đuổi đến nơi, các chàng trai sẽ ném đĩa thức ăn vào đống lửa, hô vang những lời chúc tốt đẹp.

Kháp Na cười giòn tan, đòi anh trai đuổi theo mình. Hôm nay, chú nhóc được diện quần áo mới. Bộ áo khoác lông cừu nạm viền lụa bóng dày cộp quấn lấy người chú nhóc, trông cậu giống hệt quả bóng đang lăn. Tiếng cười lanh lảnh, trong veo như chuông bạc ngân vang. Niềm hân hoan vô tư lự ấy đã lan sang tôi. Nếu không bị thương ở chân, chắc chắn tôi sẽ nô đùa tới bến với Kháp Na. Khi đã thấm mệt, chú nhóc mới dừng lại, thở hổn hển, tay giơ cao chiếc đĩa sứ, quẳng mạnh vào đống lửa, sau đó quay sang Bát Tư Ba hô lớn:

- Zhaxidele[2]!

Mái tóc dài của Kháp Na tung bay trong gió. Dưới ánh lửa, đôi mắt đen láy của chú nhóc giống hệt viên thủy tinh đã được mài bóng, trong veo, lấp lánh, nụ cười hồn nhiên, má lúm đồng tiền chúm chím, đáng yêu. Bát Tư Ba ôm tôi trên tay, bước đến bên em trai, nắm lấy bàn tay cậu bé, ánh mắt ấm áp:

- Zhaxidele!

Kháp Na gõ ngón tay vào chiếc mũi nhọn của tôi, miệng cười tươi tắn:

- Zhaxidele!

Khi ấy, tôi đã rất muốn đáp lại: “Zhaxidele”, nhưng tôi kịp kiềm chế.

Lò than rực hồng, tôi chăm chú ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng, bất giác lòng chùng xuống. Hình ảnh Kháp Na với nụ cười trong sáng và ánh mắt lấp lánh cứ ẩn hiện trước mắt tôi.

- Kỷ niệm xưa chợt ùa về, phải không?

Chàng trai trẻ lại gần, chăm chú quan sát tôi.

- Đúng vậy, người có tuổi thường hoài niệm. Dù hôm nay không trò chuyện với cậu thì ngày ngày tôi vẫn hồi tưởng những kỷ niệm của quá khứ. – Tôi hít một hơi thật sâu, ngẩng lên mỉm cười với chàng trai. – Năm Mùi, Âm Hỏa, theo lịch Tạng, tức năm 1247 theo công lịch đã đến với những lời chúc tốt lành của hai anh em họ.

Năm đó, Bát Tư Ba mười ba tuổi, Kháp Na chín tuổi.

Năm đó là niên hiệu Thuần Hựu thứ bảy, đời vua Tống Lý Tông, nhà Nam Tống ở phương Nam xa xôi. Ba mươi hai năm sau, Lục Tú Phu cõng tiểu hoàng đế tám tuổi nhảy xuống biển, nhà Nam Tống sụp đổ hoàn toàn.

Năm đó, trí giả Ban Trí Đạt của phái Sakya đã được toại nguyện, vì cuối cùng ngài cũng gặp được Vương gia Khoát Đoan…

=== ====== ====== ====== ====== ====== ====

[1] Hành lang Hà Tây: hay còn gọi là hành lang Cam Túc, dài khoảng 900km, là con đường huyết mạch nối giữa Trung Quốc lục địa và vùng Tân Cương. Cung đường này nằm ở phía bờ tây sông Hoàng Hà nên có tên gọi là hành lang Hà Tây. (DG)

[2] Tiếng Tạng, có nghĩa là chúc may mắn, vạn sự như ý.
Bình Luận (0)
Comment