Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 12

“Kẻ nông nổi treo tri thức trên cánh môi,

Người học rộng nuôi hiểu biết trong tâm khảm;

Cỏ nước trôi nổi trên mặt ao,

Đá quý chìm sâu dưới lòng biển.”

(Cách ngôn Sakya)

Kháp Na vừa thở hổn hển vừa ra sức đẩy những quả cầu tuyết mỗi lúc một lớn thêm, lăn qua lăn lại, kéo thành những vệt dài trên sân. Chú nhóc quay đầu lại, mặt đỏ phừng phừng, làn hơi trắng phả ra phì phò từ cái miệng nhỏ xinh, cậu nhảy cẫng lên, hò hét:

- Đại ca mau lại đây đắp người tuyết nào!

Bát Tư Ba đáp lại nhưng ánh mắt không rời cánh cổng khu nhà trọ, dáng vẻ bồn chồn, lo lắng, đứng ngồi không yên. Hôm nay là ngày ngài Ban Trí Đạt đến gặp Vương gia Khoát Đoan. Mới tinh mơ, một đoàn người đã hộ tống ngài rời khỏi nhà trọ, ba canh giờ trôi qua vẫn chưa thấy họ quay về.

Chân tôi chưa lành hẳn nên không chơi cùng Kháp Na được, đành ngoan ngoãn cuộn mình trong lòng Bát Tư Ba. Bỗng tôi phát hiện ra điều gì đó, bèn nhổm dậy, dỏng tai nghe ngóng.

- Lam Kha ơi, có phải bác ta đã về không? – Bát Tư Ba vỗ nhẹ vào đầu tôi, sốt ruột hỏi.

Tôi nghe thấy tiếng bước chân của khoảng hơn chục người nên gật đầu xác nhận với cậu ấy. Bát Tư Ba bật dậy, trao tôi cho Kháp Na rồi phi như bay ra cổng. Kháp Na gọi với theo: “Chờ em”, rồi ôm tôi lon ton chạy theo anh trai.

Chúng tôi vừa ra đến cổng thì gặp lúc đoàn người trở về. Trí giả Ban Trí Đạt hiền từ nhìn hai anh em, mỉm cười nói:

- Lâu Cát, Kháp Na, hãy theo ta vào phòng, ta có chuyện muốn nói với hai con.

Ngài Ban Trí Đạt cho người hầu lui cả ra ngoài, Bát Tư Ba bước đến, rót một chén trà bơ nóng mời bác, rồi thận trọng hỏi:

- Bác ơi, buổi gặp mặt hôm nay diễn ra thế nào ạ?

Ngài Ban Trí Đạt nhấp một ngụm trà, mỉm cười hồn hậu nhìn hai anh em:

- Ta được Vương gia Khoát Đoan đón tiếp rất trọng thị. Trong lúc thương thảo, ta đã đề đạt nhiều kiến nghị và phần lớn đều được ngài chấp thuận. Ta và Vương gia đã trao đổi và thống nhất rằng, toàn bộ vùng Wusi sẽ quy thuộc Mông Cổ, trở thành thuộc địa của Mông Cổ và hằng năm sẽ thực hiện việc cống nạp. Thủ lĩnh của các địa phương chấp nhận quy thuận sẽ được giữ nguyên chức vị nhưng phải do người Mông Cổ ủy nhiệm, đồng thời phải trình báo các thông tin về hộ tịch, nhân khẩu, phải nộp thuế và tuân thủ pháp luật của Mông Cổ.

Bát Tư Ba sững sờ, ngập ngừng hỏi:

- Thưa bác, nếu buộc cả vùng Wusi quy thuận Mông Cổ như thế, liệu các quý tộc và các giáo phái Phật giáo trong vùng có phản đối không?

Ngài Ban Trí Đạt gật đầu, thở dài.

- Tất sẽ có người phản đối. Nhưng Wusi giờ đây không còn là vương triều Tufan hùng mạnh thuở xưa nữa, nếu chúng ta tuyên chiến, chỉ e sự đấu đá, tranh giành trong nội bộ các giáo phái, phe phái ở Wusi sẽ gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng hơn sự cả tấn công của ngoại bang. Chỉ một cánh quân của Vương gia Khoát Đoan mà chúng ta còn không đối phó nổi, nói chi đến việc chống lại cả một đội quân lớn? Đội quân Mông Cổ có lệ rằng, trước cuộc chiến, nếu dân địa phương không chịu hàng thì sau khi chiếm cứ được vùng đó, họ sẽ tàn sát không thương tiếc. Con xem các nước: Đại Hạ, Đại Kim, Khwarezm[1], Nga, có quốc gia nào không từng bị tàn sát? Chỉ có nước Uyghur ngoan ngoãn quy hàng mới thoát cảnh đầu rơi máu chảy, người dân bảo toàn được tính mạng và của cải… Wusi ly loạn suốt bốn trăm năm rồi, không thể tiếp tục tình trạng này nữa. – Vị trí giả vươn thẳng tấm lưng còng, giọng nói tuy yếu ớt nhưng chứa đựng sức mạnh của sự kiên tâm. – Ta muốn hàng triệu người Tạng thoát khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, ta muốn Wusi chấm dứt tình trạng chia năm xẻ bảy, ta sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích từ phía các giáo phái khác…

Cả hai anh em cùng ngước nhìn người bác với ánh mắt kính phục, đồng thanh gọi:

- Bác ơi…

Gương mặt hom hem, vầng trán nhăn nheo già cả nhưng đôi mắt của bậc trí giả vẫn rực sáng như quầng lửa đỏ. Ngài chậm rãi nói tiếp:

- Vương gia Khoát Đoan đã quyết định ủy nhiệm người của phái Sakya giữ chức Darughachi[2], ban cho lệnh bài vàng và lệnh bài bạc. Thủ lĩnh các địa phương ở Wusi đều phải tuân thủ mệnh lệnh của các sứ giả mang theo những lệnh bài này. Quan lại địa phương phải trình báo hộ tịch, không được phép làm theo ý mình. Quan lại Mông Cổ sẽ tới Wusi để cùng người Sakya bàn bạc về vấn đề thuế má.

Cách trò chuyện của ngài Ban Trí Đạt với hai anh em không giống trò chuyện với những đứa trẻ mà như đang đàm đạo chính sự với người lớn. Có lẽ biết mình không còn nhiều thời gian nên ngài muốn giao phó lại mọi việc cho hai anh em. Bát Tư Ba lắng nghe chăm chú, gật đầu tán đồng. Kháp Na vẫn ôm tôi trên tay, cặp mắt như hai hòn bi ve, đảo liên tục, hết nhìn người bác lại nhìn anh trai, lặng lẽ lắng nghe câu chuyện, như thể rất hiểu.

Ngài Ban Trí Đạt đặt chén trà vào khay, ngẩng nhìn hai anh em Bát Tư Ba, ánh mắt dạt dào tình thương. Ngài kêu Kháp Na đến ngồi cạnh mình, dịu dàng vuốt ve mái tóc dài mềm mại của chú nhóc:

- Trong cuộc gặp lần này còn một chuyện nữa liên quan đến hai con.

Hai anh em cùng ngẩng lên nhìn người bác. Ngài Ban Trí Đạt ngừng rất lâu rồi mới cất tiếng:

- Dòng họ Khon của chúng ta ở Sakya cũng có thể xem là danh gia vọng tộc. Hơn một trăm bảy mươi năm trước, cụ nội Konchog Gyalpo[3] của ta đã xây dựng tu viện Sakya, lập ra giáo phái Sakya nhưng người không hề xuất gia.

Hai anh em Bát Tư Ba không hiểu vì sao người bác bỗng nhiên nhắc đến tổ tiên của họ nhưng vẫn chăm chú lắng nghe, không dám cất tiếng hỏi.

- Đến năm năm mươi tám tuổi, cụ nội ta vẫn không có con trai. Một ngày nọ, người tình cờ gặp và nảy sinh tình cảm với cô gái múc nước bên sông. Về sau, cô gái ấy đã sinh cho người một cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Kunga Nyingpo, chính là ông nội ta. Cụ nội qua đời khi ông nội ta mới mười một tuổi, ông nội phải kế tục việc cai quản giáo phái Sakya và kế thừa toàn bộ trang viên của gia tộc. Người cai quản giáo phái Sakya suốt bốn mươi tám năm, thu nhận vô số đệ tử, khiến giáo phái của chúng ta không ngừng lớn mạnh. – Giọng nói của vị học giả trầm ấm, chốc chốc ngài lại trầm tư ngẫm ngợi như đang ôn lại kỷ niệm. -

Ông nội của ta cũng không xuất gia. Người cưới hai chị em gái xứ Chamo, sinh được bốn người con trai. Tiếc thay, người con cả qua đời ở Ấn Độ khi mới hai mươi hai tuổi. Người con trai thứ hai – Sonam Tsemo – ra đời khi ông nội ta đã bước sang tuổi năm mươi mốt. Sonam Tsemo là bác hai của ta, bác ấy là người kế nghiệp ông nội, miệt mài tu tập, cần mẫn viết sách, bác mất năm bốn mươi mốt tuổi. Sau khi bác hai qua đời, phái Sakya được giao cho người bác thứ ba của ta là Dragpa Gyaltsen… Các con còn nhớ mái vòm vĩ đại của tu viện Sakya mà các con được chiêm ngưỡng hồi nhỏ không?

Ngài Ban Trí Đạt ôm vai Kháp Na hỏi, chú nhóc ngoan ngoãn gật đầu. Vị trí giả mỉm cười đôn hậu, tiếp tục

câu chuyện:

- Công trình kiến trúc nguy nga đó do người bác thứ ba của ta xây dựng khi người tiếp quản giáo phái. Dưới sự lãnh đạo của ngài, phái Sakya không ngừng mở rộng và lớn mạnh, tầm ảnh hưởng của chúng ta đã vượt ra khỏi phạm vi vùng Hậu Tạng. Ta là con trưởng nên từ nhỏ đã được bác ấy bồi dưỡng để trở thành người kế nghiệp giáo phái theo truyền thống của gia tộc.

Ngài Ban Trí Đạt ngừng lại, nhấp một ngụm trà bơ.

- Bác hai và bác ba của ta tuy là người kế nghiệp giáo phái nhưng không chính thức xuất gia. Ông nội của ta và họ được tôn làm “ba vị thủy tổ” của giáo phái Sakya.

- Bác ơi, con nhớ ra rồi. – Kháp Na hí hửng reo lên. – Tượng của họ được đặt trong đại điện, ngày nào chúng con cũng phải đến đó quỳ lạy.

Người bác gật đầu.

=== ====== ====== ====== ====== ====== =====

[1] Ngày nay là quốc gia Uzbekistan. (DG)

[2] Chức quan lớn nhất cai quản địa phương, quân đội và quan nha ở Mông Cổ thời xưa và triều Nguyên.

[3] Ngài Konchog Gyalpo xây dựng tu viện Sakya vào năm 1073.
Bình Luận (0)
Comment