Kháp Na rời đi rất nhanh, khi bóng dáng của cậu ấy đã khuất hẳn, cả tôi và Bát Tư Ba đều im lặng rất lâu. Chúng ta nhìn nhau nhưng không biết phải nói điều gì. Tôi cúi đầu, kéo sợi dây buộc tóc, chần chừ hồi lâu mới rụt rè mở lời:
- Chúng ta...
- Chúng ta...
Sự đồng điệu ấy khiến tôi giật mình sợ hãi. Tôi vội lên tiếng:
- Cậu nói trước đi.
- Em nói trước đi.
Lại một lần nữa đồng thanh. Tôi im bặt, cúi đầu đá mấy viên sỏi dưới chân. Dưới bóng chiều êm dịu, gương mặt tuấn tú của cậu ấy càng trở nên rõ nét, những đường nét sống động như tạc khắc, đôi mắt trong suốt như hai hồ nước, gương mặt vẫn đỏ như gấc chín.
Cậu ấy cụp mắt, hắng giọng:
- Ta muốn nói là... muộn rồi, chúng ta về thôi.
Tôi gật đầu bối rối:
- Tôi... tôi... thực ra tôi cũng có ý đó.
Cậu ấy định rảo bước, chợt quay lại nhìn tôi, dường như có điều gì khó nói, ấp úng mãi mới mở miệng:
- Nhưng em... hình dáng này...
Tôi cúi xuống nhìn, hiểu ra điều lo lắng của cậu ấy. Tôi không thể đi bên cạnh cậu ấy trong hình hài một cô gái được. Nếu để người ta nhìn thấy, thanh danh của cậu ấy sẽ tiêu tan. Tôi bèn trở lại nguyên hình. Thấy tôi biến thành tiểu hồ ly, cậu ấy thở phào, chìa tay ra định ôm tôi vào lòng nhưng đột nhiên lại rụt tay về.
Tôi ngượng ngùng, tự mình chạy xuống núi:
- Tôi tự đi được.
Cậu ấy chỉ ậm ừ rồi cắm cúi bước đi.
Chúng tôi kẻ trước người sau, lặng lẽ xuống núi, gió nhẹ đưa tới, thổi bay tà áo của cậu ấy. Trong ráng chiều rực rỡ, màu áo thầy tu của cậu ấy nhuộm thành sắc vàng huyền ảo.
Hôm sau tôi đến phủ Bạch Lan Vương thăm Kháp Na:
- Kháp Na, tôi nghe Kunga Zangpo nói với Wangtso ngoài cửa rằng hôm qua cậu đã ở ngoài sân cả đêm nên bị cảm lạnh.
Tôi sốt ruột, trách cứ:
- Cậu có tráng kiện gì cho cam, sao không chịu giữ sức khỏe thế?
Một mảnh khăn ướt được đặt trên trán Kháp Na, cậu ấy nghiên đầu ho một tràng dài:
- Tối qua, em và đại ca sao rồi?
- Chẳng sao cả. Sau khi cậu đi khỏi, tôi trở lại nguyên hình rồi cùng cậu ấy xuống núi.
Cậu ấy tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên:
- Chỉ có thế thôi ư?
Tôi gật đâu.
- Buổi tối thì sao?
Cậu ấy chui ra khỏi chăn, câu hỏi gấp gáp kéo theo một trận ho dữ dội.
- Tối qua em ngủ trong phòng của huynh ấy kia mà, vì sao không nhân cơ hội đó mà biến thành người?
Tôi giơ tay lên minh họa, thật thà khai báo:
- Tôi có biến thành người. Cậu ấy ngồi bên này nghiên cứu, sáng tạo chữ Mông Cổ, tôi ngồi bên kia xem cậu ấy viết chữ. Cậu cũng biết đầy, tôi không dám lại gần cậu ấy vì tôi sẽ lập tức bị đẩy trở lại nguyên hình.
- Huynh ấy có... – Cậu ấy ngừng lại một lát, rồi thận trọng hỏi. – Có phản ứng gì không?
- Không, cậu ấy chỉ chăm chú viết chữ, thi thoảng mới ngẩng lên nhìn tôi.
Thực ra, lúc nào ngẩng lên nhìn tôi, Bát Tư Ba cũng đỏ mặt. Cứ viết được một đoạn, cậu ấy lại kín đáo đưa mắt nhìn xem tôi đang ở chỗ nào. Đến giờ đi ngủ thì cậu ấy không chịu thay bộ quần áo rộng rãi như mọi khi. Dù tôi đã hóa phép trở lại hình dạng tiểu hồ ly, cậu ấy vẫn ngượng ngùng bảo tôi sang phòng kế bên ngủ.
Kháp Na sững sờ, ánh mắt thoáng thất vọng:
- Xem ra huynh ấy thật sự muốn...
Rồi đột nhiên có tiếng gõ cửa, đó là Mukaton.
- Kháp Na, là thiếp đây, chàng có thể mở cửa cho thiếp không? Thiếp nghe nói chàng bị ốm.
Kháp Na nghiêng đầu ho khụ khụ rồi gắt với người ngoài cửa:
- Ta không sao, chỉ bị cảm nhẹ thôi.
Mukaton ôn tồn:
- Thiếp đã mời thầy thuốc chuyện trị bệnh cảm phong hàn giỏi nhất kinh thành đến để...
Kháp Na kéo mảnh trăn ướt trên trán xuống, lạnh lùng ngắt lời Mukaton:
- Quan thái y xem bệnh cho ta rồi. Lẽ nào mấy tay lang băm trên phố có thể giỏi hơn ngự y trong cung?
Mukaton ngượng ngập:
- Thiếp chỉ nghĩ rằng, thêm một thầy thuốc chẩn đoán thì biết đâu...
Kháp Na thô bạo ngắt lời cô ấy:
- Công chúa rắc rối quá đấy, người hầu của ta đã đi bốc thuốc theo đơn của quan thái y rồi.
- Thế... thế thì tốt rồi.
Nhưng Mukaton vẫn chưa chịu buồn xuôi, tiếp tục gõ cửa:
- Nhưng thiếp vẫn còn việc quan trọng khác...
Kháp Na xua tay ra vẻ khó chịu, vừa che miệng nén tiếng ho vừa nói:
- Công chúa, mọi việc trong phủ đều do cô cai quản, có chuyện gì cô cứ quyết định, không cần nói với ta. Ta rất mệt, mời công chúa về cho.
Mukaton không nói thêm lời nào nữa, cô ấy đứng ngoài cửa một lúc lâu rồi mới nhấc bước chân nặng nề của mình ra về.
~.~.~.~.~.~
Tôi chậm rãi nói:
- Cuộc phản loạn của Lý Thản đã giáng một đòn tâm lý lên Hốt Tất Liệt. Trước đó, Hốt Tất Liệt đã rất mực trọng dụng Lý Thản, còn trao binh quyền cho ông ta. Khi nghe tin Lý Thản làm phản, Hốt Tất Liệt không tin đó là sự thật. Trước lúc khởi binh, Lý Thản đã liên lạc với các gia tộc người Hán lớn khác, thuyết phục họ rằng người Hán không thể chịu sự khống chế của người Mông Cổ, kêu gọi những người đã theo Hốt Tất Liệt nhiều năm cùng hợp lực làm phản nhưng không mấy người hưởng ứng.
Chàng trai trẻ nhúng vai:
- Hốt Tất Liệt muốn đứng vững trên đất Hán thì phải dựa vào những người Hán có sức ảnh hưởng lớn ở địa phương. Những người này một khi đã được hưởng lợi từ Hốt Tất Liệt chắc chắn sẽ không phản bội ông ấy.
Tôi gật đầu:
- Đúng vậy. Khác với các Đại hãn Mông Cổ tàn bạo trước kia, Hốt Tất Liệt rất được lòng dân chúng Trung Nguyên, vì vậy, các dòng họ người Hán lớn ở miền Bắc không muốn phản bội ông ấy, thế nên Lý Thản lại tìm cách liên lạc với Nam Tống. Quân Tống cho rằng có thể thừa dịp tấn công, họ đã đánh úp quân Mông Cổ bằng đường biển nhưng đã bị người Mông Cổ đẩy lui. Cuộc phản loạn của Lý Thản chỉ diễn ra trong vòng nửa năm đã tan tành, nhưng nó đã làm nảy sinh mối mâu thuẫn giữa Hốt Tất Liệt và người Hán sau này.
- Hốt Tất Liệt không còn tin tưởng người Hán nữa? – Chàng trai trẻ sắc sảo lập luận. – Ông ấy đã bắt đầu tin rằng “khác máu thì tanh lòng”?
- Trước đây, Hốt Tất Liệt rất rộng lượng với người Hán, ông thu nạp rất nhiều mưu sĩ người Hán, lúc chiếm được Yên Kinh, ông không tàn sát người Hán như các Đại hãn Mông Cổ trước kia. Ông tin rằng làm vậy thì người Hán sẽ đón nhận mình, nào ngờ lại bị làm phản. Sự biến Lý Thản khiến Hốt Tất Liệt đi đến kết luận rằng, ông đã quá dung túng cho người Hán, đã trao cho họ quá nhiều quyền lực. Bởi vậy, từ đó về sau, ông bắt đầu nghi kỵ người Hán và không còn trọng dụng họ như trước kia nữa.