Mấy ngày sau, bệnh tình của Thái hậu trở nặng, tất thảy thái y trong Thái y viện đều phải túc trực ở Di Ninh cung, không được rời đi nửa bước.
Huyền Lăng vì muốn làm tròn đạo hiếu nên ngoài những lúc xử lý việc
triều chính thì có quá nửa thời gian là ở bên giường của Thái hậu, cứ
như vậy được bảy, tám ngày thì y vô cùng mỏi mệt, mỗi đêm đều nghỉ lại ở chỗ tôi hoặc Đức phi. Còn tôi ngoài những lúc bận rộn việc trong cung
thì chủ yếu dành thời gian để an ủi Huyền Lăng, giúp y xoa dịu con tim
mỏi mệt.
Hôm ấy trời khá đẹp, gió sớm thổi vào trong điện những
làn hương sen thơm ngát. Tôi mở cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy những bông
hoa sen màu hồng hoặc trắng đang nở khắp hồ, hệt như những đám mây rực
rỡ. Lúc này đầu óc tôi có chút mơ màng, khi ngoảnh đầu nhìn lại thì chợt thấy Huyền Thanh dường như đang đứng giữa làn nắng sớm mờ ảo, đặt một
tay trên vai tôi, lặng lẽ ngắm những bông sen phía ngoài, không nói năng gì cả.
Lòng tôi bỗng như mềm lại, trái tim vốn phải trải qua bao
sự đấu tranh mưu tính trong mấy năm nay giống như một tờ giấy Trừng Tâm
Đường trải ra trên bàn, sau đó được tô vẽ lên vô số những bông sen tỏa
hương thơm dìu dịu.
Trong sự tĩnh lặng ấy, thời gian dường như đã
trôi ngược lại lúc còn ở trên đỉnh Lăng Vân, tươi đẹp vô chừng. Có lẽ vì ngồi quá lâu, đầu gối có hơi tê dại, vậy nhưng tôi lại không dám xoay
người, cũng không đành lòng quay lại nhìn, sợ mình mà động đậy thì sẽ
mất đi mọi thứ trước mắt.
Y ôn tồn nói: “Hoàn Hoàn, hiện giờ thực có nhiều việc quá, chỉ có ở chỗ nàng trẫm mới được thư thái trong chốc lát thôi.”
Giọng nói ấy giống như một tiếng chuông chói tai đột ngột vang lên giữa cơn
mơ hỗn độn, sau nháy mắt đã phá tan giấc mộng đẹp của tôi. Tôi thầm thở
dài một tiếng tự nơi đáy lòng, đưa tay nắm lấy bàn tay y, đem chút dịu
dàng còn chưa tan hết kia ra mà nhẹ nhàng cất tiếng: “Thời gian qua
Hoàng thượng đã phải vất vả rồi.”
Y thầm cảm kích sự ân cần và
thân mật ấy của tôi, bèn cúi đầu khẽ hôn lên tay tôi một cái. Hơi thở
của y ở gần tôi biết mấy, còn mang theo mùi long diên hương, thực là
hoàn toàn khác với mùi hoa đỗ nhược trên người Huyền Thanh. Tôi không
kìm được thầm nín thở, cố gắng kìm nén để mình không ngoảnh đầu qua
hướng khác.
Tôi thấy Huyền Lăng hình như đang cao hứng, bèn đề
nghị: “Hoa sen ở đây tuy đẹp nhưng dù sao cũng không thể so với hoa sen ở hồ Thái Dịch, chi bằng Hoàng thượng hãy cùng thần thiếp tới hồ Thái
Dịch dạo chơi đi.”
Huyền Lăng dắt tay tôi chậm rãi cất bước ra
ngoài, đi qua những dãy hành lang quanh co khúc khuỷu, ngắm nhìn mấy
chục cặp chim tương tư mỏ đỏ trong những chiếc lồng dưới hành lang. Đó
vốn là lũ chim do An Ly Dung nuôi, bây giờ người không còn nữa nhưng
chim thì vẫn vui hót líu lo, còn chụm đầu vào nhau trông đáng yêu vô
cùng. Giữa hồ nước trong veo, lũ cá đỏ tung tăng bơi lượn, mấy bông hoa
súng màu đỏ nở rộ đẹp tươi, lũ cò trắng nghỉ ngơi dưới những gốc xương
bồ đỏ sậm, thỉnh thoảng lại đập cánh làm nước bắn lên tung tóe. Giữa
chốn hoàng cung hoa lệ, cái nóng buổi đầu hạ lại càng thêm rực rỡ, hương hoa dìu dịu được những làn gió đưa tới thật dễ làm lòng người đắm say.
Đi được một đoạn xa rồi, tôi và y cùng đi vào Trầm Hương đình và ngồi
xuống. Lúc này hoa mẫu đơn đã tàn hết, bên đình có những gốc phù dung
hợp mùa đang nở hoa rất đẹp. Tôi đã quen ngắm vẻ cao sang của mẫu đơn,
lúc này nhìn hoa phù dung vừa có thần thái của mẫu đơn lại vừa có mấy
phần ôn hòa như một cô gái thôn quê, thấy quả là mới mẻ. Huyền Lăng nói: “Mới là đầu hạ, hoa sen trong hồ Thái Dịch còn chưa nhiều, thành ra
chẳng thể so được với hoa phù dung ở đây.”
Tôi mỉm cười nhìn về
phía xa. “Từ Trầm Hương đình này nhìn ra xa thì có thể thấy thắng cảnh ở hồ Thái Dịch, nhìn gần thì có thể ngắm hoa phù dung, đúng là một nơi
rất tuyệt.”
Huyền Lăng tỏ ra hết sức thư thái, gật đầu nói: “Lúc
này nếu có một giọng ca trong trẻo ở bên thì thật tuyệt.” Y suy nghĩ một lát rồi nói: “Kêu Diễm Tần tới đây đi, không cần gọi nhạc sư đi theo,
cứ để nàng ta hát một mình là được rồi.”
Giữa làn hương phù dung
vương vất, Huyền Lăng ngồi ung dung trong đình, một tay cầm chén canh
mai xanh, tay kia cầm chiếc phách mà đánh nhịp, dáng vẻ thư thái vô
cùng.
Giọng hát của Diễm Tần cực kỳ trong trẻo, khi tới những âm
cuối là lại lộ ra vẻ uể oải yêu kiều, mang theo những nét phong tình vô
hạn giống hệt như con người của nàng ta. Lúc này nàng ta cầm một chiếc
quạt nhỏ trong tay, chiếc váy dài màu xanh phản chiếu lại ánh mặt trời
dìu dịu, miệng thì hờ hững hát bài Đình trung hữu kỳ thụ:
“Trong sân cây tươi tốt, xanh lá nở nhiều hoa. Vin cành tìm bông hái,
muốn gửi người phương xa. Gió thổi hương lồng áo, đường dài khó gửi qua! Vật này đâu để tặng, cảm biệt ly đó mà[10].”
[10]
Đây là một bài thơ Nhạc phủ khuyết danh được chép lại trong tập Cổ thi
thập cửu thủ, dịch thơ: Điệp Luyến Hoa. Nguyên văn Hán Việt: Đình trung
hữu kỳ thụ, ti diệp phát hoa tư. Phàn điều chiết kỳ vinh, tương dĩ khiển sở tư. Hinh hương doanh hoài tụ, lộ viễn mạc trí chi. Thử vật hà túc
quý, đãn cảm biệt khinh thời - ND.
Tiếng ca thanh nhã ấy
giống như một làn khói mỏng lan tỏa ra khắp xung quanh, những tia nắng
vàng ươm, trong suốt len qua giữa lá hoa chiếu tới rõ ràng chỉ làm tăng
thêm mấy nét u sầu.
Hát được một lúc lâu, Diễm Tần dừng lại nghỉ
ngơi. Huyền Lăng vẫn còn đắm chìm trong tiếng hát, mãi tới khi Tề Vương
Dư Ly và chính phi Hứa thị xuất hiện, y mới tỉnh táo trở lại.
Chờ
hai người thỉnh an xong, Huyền Lăng liền kêu bọn họ ngồi xuống. Tới lúc
này tôi mới có dịp cẩn thận quan sát cặp phu thê mới này, thấy bọn họ
thân thiết như keo sơn, không hề vì thân phận con gái nuôi của Hứa thị
mà có sự ngăn cách. Sau khi thành thân, Hứa thị được nghỉ ngơi thoải
mái, vóc người lại càng thêm đẫy đà, y phục cùng những món đồ trang sức
trên người đều đầy vẻ xa hoa diễm lệ, thần thái trên mặt cũng tự tin
hơn. Tôi thầm gật đầu, xem ra Hứa Di Nhân của bây giờ đã khác hẳn ngày
xưa, không còn là một cô gái mồ côi phải gửi thân vào gia đình quyền thế nữa. Giờ đây nàng ta đã là một người phú quý thật sự, trong chốn kinh
thành chẳng có mấy ai sánh bằng.
Tôi hỏi Hoàng trưởng tử: “Điện hạ vào cung thỉnh an Thái hậu đúng không?”
Hoàng trưởng tử cung kính đáp “dạ” một tiếng rồi lại nói: “Di Nhân thấy hoàng tổ mẫu hôn mê mãi không tỉnh, nhất thời lòng dạ không yên, định không
quay về vội mà cùng nhi thần tới Thông Minh điện cầu phúc cho hoàng tổ
mẫu.”
Huyền Lăng nhắm mắt lại, khẽ “ồ” một tiếng ra vẻ hài lòng.
“Sau khi thành thân, con đúng là đã hiểu chuyện hơn nhiều rồi.” Sau đó
lại quay sang hỏi: “Di Nhân đã đi thỉnh an Trang Mẫn Phu nhân chưa?
Trước đây khi ở trong cung, con từng được nàng ấy chiếu cố rất nhiều,
chớ nên để thiếu sót về bề lễ số.”
Hứa Di Nhân lộ rõ vẻ buồn bã, cúi đầu thưa: “Dạ, nhi thần đi rồi.”
Huyền Lăng lại hỏi tiếp: “Mấy ngày nay trẫm không có thời gian rảnh đi thăm
nàng ấy, con tới cung của nàng ấy thấy Hòa Mục Công chúa có khỏe không?” Hứa Di Nhân tỏ ra do dự, cứ ấp úng mãi chẳng nói được gì. Huyền Lăng lộ vẻ nghi hoặc, không kìm được mở mắt ra nhìn nàng ta. “Không gặp thì cứ
nói là không gặp, cớ gì mà lại ấp úng như thế?”
Dư Ly thấy Huyền
Lăng lộ vẻ trách móc liền vội vàng đứng dậy, nói: “Không phải là Di Nhân có ý giấu giếm phụ hoàng đâu, có điều Trang Mẫn Phu nhân vốn không để
nhi thần và Di Nhân vào Yến Hy điện thỉnh an, thị nữ của Yến Hy điện thì nói là Phu nhân đã qua chỗ Thái hậu rồi.”
“Kỳ thực Trang Mẫn Phu
nhân không hề qua chỗ Thái hậu, bởi trước đó cung nhân ở chỗ Thái hậu
nói là Phu nhân vừa mới rời đi chưa lâu. Nô tỳ còn nhìn thấy thị nữ của
Yến Hy điện ra ngoài đổ nước phấn son, đủ thấy Phu nhân còn đang ở trong điện thay y phục và trang điểm lại.” Dư Ly vừa nói xong thì một thị nữ
đứng sau lưng Hứa Di Nhân đã không kìm được lên tiếng biện bạch.
“Tô Tử, chớ có càn rỡ!” Hứa Di Nhân vội quỳ xuống, dập đầu thưa: “Là nhi
thần không phải, khiến Phu nhân đến bây giờ vẫn còn canh cánh trong
lòng. Sau khi qua Thông Minh điện cầu phúc cho Thái hậu, nhi thần sẽ
mang roi tới đó thỉnh tội, hy vọng Phu nhân sau khi đánh nhi thần một
phen sẽ không còn giận nữa.”
Huyền Lăng bất giác lộ vẻ khó hiểu: “Vì việc gì mà con lại đắc tội với Uẩn Dung tới mức này?”
Mắt rơm rớm lệ, Hứa Di Nhân chỉ cắn chặt môi không nói năng gì. Tôi vội đưa tay đỡ nàng ta dậy. “Vương phi mới về làm dâu hoàng tộc, sao có thể
khóc lóc như vậy chứ?”
Dư Ly đỏ mặt tía tai không nói được gì, tôi thì tuy hiểu rõ nguồn cơn nhưng cũng không tiện lên tiếng, cuối cùng
vẫn là Diễm Tần giúp Huyền Lăng xua đi nỗi nghi hoặc: “Vương phi vốn là
cung tần mà Trang Mẫn Phu nhân muốn dâng lên cho Hoàng thượng, ai ngờ
Vương phi và điện hạ lại tâm đầu ý hợp, nên điện hạ mới xin Hoàng thượng cho phép được thành thân với Vương phi. Phu nhân một lòng sốt sắng mà
chẳng nên công cán gì, sao có thể không oán hận Vương phi vì lâm trận
trở giáo làm uổng công sức của nàng ta chứ?”
“Lâm trận trở giáo?”
Huyền Lăng cười khẩy, nói. “Hôn sự của Dư Ly với Di Nhân vốn do trẫm làm chủ, nàng ta định trách Di Nhân trở giáo về phía ai đây? Nàng ta tiến
cử Di Nhân cho trẫm chẳng qua là mong trẫm được vui lòng, bây giờ trẫm
ban Di Nhân cho Ly Nhi, thấy Ly Nhi có người vợ hiền trẫm lại càng vui
lòng. Nàng ta không chỉ không biết nghĩ tới đại cuộc, còn trút giận lên
người Di Nhân, qua đó đủ thấy nàng ta tiến cử Di Nhân chẳng qua chỉ là
để củng cố địa vị của mình!” Huyền Lăng cầm bát canh mai xanh lên uống
một hơi cạn sạch. “Nàng ta làm thế thật chẳng giống con gái của một gia
đình quý tộc chút nào, so ra thì còn thua cả các nữ tử bình thường.”
Hứa Di Nhân cất giọng u buồn: “Bất kể thế nào thì Phu nhân cũng là trưởng
bối của nhi thần, do đó mọi lỗi lầm xét ra đều là của nhi thần cả. Nếu
phụ hoàng lại vì chuyện của Phu nhân mà tức giận làm ảnh hưởng tới thân
thể nữa, vậy thì nhi thật thực là tội đáng muôn chết.”
Dư Ly quỳ xuống, nói: “Xin phụ hoàng hãy chú ý giữ gìn long thể.”
“Hai đứa mau đứng dậy đi, chuyện này đừng nên nhắc lại nữa.” Huyền Lăng ôn
tồn nói. “Di Nhân dịu dàng hiếu thảo, rất xứng làm con dâu của trẫm.”
Rồi y lại lệnh cho Lý Trường: “Mang chiếc vòng Xích Lệ Chi mà Nam Chiếu
tiến cống tới đây thưởng cho Tề Vương phi.”
Tôi dắt tay Hứa Di
Nhân, kéo nàng ta cùng ngồi xuống, cười tủm tỉm, nói: “Chiếc vòng Xích
Lệ Chi này là cống phẩm của Nam Chiếu, được bện thành từ những sợi vàng
ròng, hơn nữa bên trên còn có đính ba viên hồng ngọc được điêu khắc
thành hình ba quả vải chung cuống, thực là tinh xảo đến tột cùng. Mấy
hôm trước, Thục Hòa Công chúa đã xin nhưng Hoàng thượng không chịu ban
cho, bây giờ xem ra ngài vẫn coi trọng con dâu trưởng hơn một chút.”
Huyền Lăng đích thân đeo chiếc vòng ngọc đó vào tay Hứa Di Nhân, nói: “Thục
mẫu phi của con rất giỏi pha trà, hôm nay trong cung lại có loại trà
thanh phượng tủy hảo hạng vừa được tiến cống, các con hãy ở lại nếm thử
đi.”
Hai người cùng cất tiếng tạ ơn, Diễm Tần chọn một bài hát nhẹ nhàng vui tai rồi chậm rãi cất tiếng hát. Hứa Di Nhân làm bộ chăm chú
lắng nghe, thế nhưng thỉnh thoảng lại cúi đầu nhìn chiếc vòng vàng trên
cổ tay mình, dáng vẻ vô cùng mừng rỡ.
“Hương đốt long diên, trà
pha phượng tủy. Thanh phượng tủy xét về sự hiếm có có thể so được với
long diên hương mà thánh thượng thường dùng, là một thứ trà cực kỳ quý
giá.” Tôi vén tay áo lên một chút, bắt đầu đun nước, tráng chén để pha
trà, đồng thời chậm rãi nói: “Trong Trà kinh của Lục Vũ có ghi
lại, pha trà có năm bước là chuẩn bị dụng cụ, chọn nước, nổi lửa, chờ
nước sôi, thưởng trà, trong đó bước chờ nước sôi là quan trọng nhất.
Nước sôi chia làm ba độ, khi nước sôi ở độ thứ nhất, tức là có những bọt nước nho nhỏ như mắt cá bơi trên mặt nước thì bỏ muối vào. Ðến khi nước sôi độ thứ nhì, tức là khi bọt nước trông giống như những hạt châu bằng pha lê trong suốt thì bỏ trà vào. Ðến độ sôi thứ ba, tức là sóng nước
sủi lên sùng sục trong ấm thì đổ một thìa nước lã vào ấm để trấn trà và
làm cho nước hồi phục lại nguyên khí, kế đó thì rót trà ra mà thưởng
thức. Khi thưởng thức lại nhớ phải uống nhanh khi còn nóng, chứ để đến
khi trà nguội thì bao nhiêu thứ tinh hoa sẽ bay đi hết, trà cũng theo đó mà thành thứ phẩm.”
Lúc này trà đã pha xong, hương thơm tỏa ra
khắp phía, tôi lần lượt rót trà cho từng người một. Hứa Di Nhân khẽ nhấp một ngụm, cất tiếng khen: “Thơm quá! Nước trà trong veo như ngọc bích,
so với loại trà ướp hoa mà nhi thần uống thường ngày thực là hơn nhiều
lắm!”
Huyền Lăng nhấm nháp một lát rồi nói: “Trà ngon quý ở chỗ vị thuần, trong cung tuy thường dùng các loại hoa mai, hoa nhài để ướp trà khiến trong trà có hương hoa, thêm phần thanh nhã, thế nhưng cách làm
ấy chỉ có thể dùng với các loại trà bình thường thôi, còn trà ngon vốn
dĩ đã có hương thơm rồi, bỏ thêm vật khác vào sẽ chỉ làm ảnh hưởng tới
hương gốc, thực chẳng khác nào vẽ rắn thêm chân. Cũng giống như các nữ
tử trong cung, người nào đoan trang thông tuệ thì giống như trà ngon,
hương thơm tất nhiên truyền khắp thiên hạ, còn ai mà có nhiều tâm kế thì chẳng khác nào bị bỏ thêm vào các vật khác, từ đó vị gốc bị ảnh hưởng,
biến thành tầm thường. Di Nhân, điều này con phải nhớ kĩ đấy.”
Hứa Di Nhân cung kính đáp “dạ” một tiếng. Huyền Lăng tỏ ra hết sức hài
lòng, lại dặn dò thêm: “Khi nào rảnh rỗi nhớ qua chỗ Thục phi nhiều một
chút, để học pha trà cũng được, học vẽ tranh cũng được, tóm lại là mọi
việc con đều nên chú ý học hỏi Thục phi.”
Phía đằng xa, tiếng nhạc du dương bất chợt vang lên, chậm rãi bay lại theo làn gió. Ban đầu, do ở cách khá xa nên mọi người chỉ có thể nghe được loáng thoáng, nhưng dần
dần đã rõ ràng hơn, đi kèm với đó là một giọng ca uyển chuyển cứ hát lặp đi lặp lại một bài không đổi: “Nước Hoàng Hà về đông chảy mãi, đất Lạc
Dương cô gái Mạc Sầu, mười ba biết dệt lụa màu, năm lên mười bốn hái dâu ngoài đồng, mười lăm tuổi lấy chồng Lư thị, mười sáu sinh con quý A
Hầu. Lư gia lan quế đẹp sao! Uất kim, tô hợp ngạt ngào mùi hương. Mười
hai hàng trâm vàng cài tóc, hài tơ thêu ngũ sắc chân mang. San hô rực rỡ bóng gương, nô tỳ đứng cạnh nhắc rương đựng giày. Giàu sang kể có ai bì được, đời người còn nguyện ước gì sao? Hờn kia ôm tự thuở nào, nhà bên
đông chẳng gả vào vương gia[11].”
[11] Xem chú thích ở chương 1 tập 4 - ND.
Huyền Lăng nghiêng tai lắng nghe một lát rồi nói: “Là ai đang hát vậy nhỉ? Chúng ta hãy qua bên đó xem thế nào.”
Mọi người bèn đứng dậy, cất bước lần đi theo hướng phát ra âm thanh. Càng
đi về phía Yến Hy điện, tiếng nhạc lại càng rõ ràng, tôi rốt cuộc đã
dừng chân không muốn đi tiếp nữa. “Hoàng thượng, xin cho phép thần thiếp được cáo lui trước.”
Huyền Lăng thấy sắc mặt tôi hơi tái đi, bèn ân cần hỏi: “Nàng không khỏe ư? Có cần gọi thái y tới không?”
Tôi vội vàng lắc đầu. “Hoàng thượng cứ cho phép thần thiếp cáo lui là được rồi.”
Cửa lớn hoa lệ của Yến Hy điện đã ở ngay ngoài trăm bước chân, Huyền Lăng
nói: “Nàng không muốn gặp Uẩn Dung ư? Tính tình nàng ấy tuy có hơi
tệ...”
“Hoàng thượng, bài hát vọng ra từ trong Yến Hy điện có tên là Mạc Sầu ca.” Diệp Lan Y lạnh lùng cất tiếng.
“Dạ phải.” Hứa Di Nhân lén đưa mắt nhìn thần sắc Huyền Lăng, khẽ nói. “Đây chính là bài Mạc Sầu ca do Lương Vũ Đế Tiêu Diễn sáng tác, kể về một nữ tử tên gọi Mạc Sầu.
Không hiểu sao Yến Hy điện cứ cho hát đi hát lại bài này như thế nữa...”
Hoàng trưởng tử ngạc nhiên cầm tay nàng ta, hỏi: “Sao ta lại không nghe ra thế nhỉ?”
“Bài hát này ca nữ hát bằng giọng Ngô, mà Hoàng thượng với điện hạ sinh ra
và lớn lên ở kinh đô cho nên không nghe ra được. Nhi thần hồi bé từng
sống ở vùng Ngô Việt một thời gian, do đó mới hiểu được nội dung. Các
phi tần trong cung có rất nhiều người Ngô Việt, chắc là cũng hiểu được,
nếu Hoàng thượng không tin thì cứ hỏi họ mà xem.”
Huyền Lăng xua
tay cắt ngang lời nàng ta. “Đừng nói thêm nữa.” Sau đó liền lẳng lặng
lắng nghe những tiếng nhạc du dương tao nhã vọng ra từ Yến Hy điện cách
đây không đầy trăm bước chân, một hồi lâu sau mới bình tĩnh quay sang
hỏi Lý Trường: “Trẫm từng hạ lệnh cho lục cung không được nhắc lại việc
Thục phi xuất cung năm xưa nữa, đúng vậy không?”
“Dạ.” Lý Trường cung kính đáp.
“Hồ thị thực là to gan!”
“Muội ấy thích nghe thì cứ kệ muội ấy đi. Đều là chuyện xưa cũ rồi, người
không thể buông bỏ được là thần thiếp.” Tôi chậm rãi phủ phục người
xuống, hai hàng nước mắt lã chã rơi. “Hoàng thượng đừng nên trách Uẩn
Dung, xét kĩ ra tất cả đều tại lỗi lầm của thần thiếp năm xưa mà thôi.”
Huyền Lăng đưa tay kéo tôi vào lòng ôm thật chặt, đoạn gằn giọng nói: “Là lỗi của ai cũng không quan trọng, điều quan trọng là không người nào được
phép coi nhẹ quyền uy của thiên tử. Lời của trẫm, nhất ngôn cửu đỉnh.”
“Lý Trường.” Y đưa mắt nhìn về phía Yến Hy điện lộng lẫy vàng son. “Truyền
chỉ đi khắp lục cung, Thái hậu đang lâm bệnh, thế mà Trang Mẫn Phu nhân
Hồ thị không biết nghĩ đến chữ hiếu, mặc sức hưởng lạc, nay giáng làm
phi chính nhị phẩm, không tuyên gọi thì không được tới gặp trẫm.”
Tôi nắm chặt lấy vạt áo Huyền Lăng mà khẩn khoản van nài: “Hoàng thượng,
người đừng nên trừng phạt Uẩn Dung vào lúc này. Thái hậu đang ốm, Hoàng
hậu thì bị cấm túc, Uẩn Dung tốt xấu gì cũng là người trong hoàng tộc,
thường ngày lại được Thái hậu yêu mến, nếu trừng phạt muội ấy vào lúc
này, Thái hậu ắt sẽ rất đau lòng. Hoàng thượng nên suy nghĩ kĩ những
điều được mất trước rồi hãy hạ chỉ.”
Huyền Lăng thầm nín thở,
dường như muốn xoa dịu cơn giận trong lồng ngực. Hứa Di Nhân cũng cất
tiếng khuyên: “Phụ hoàng, cho dù Hồ mẫu phi thường ngày có hơi kiêu ngạo thì người cũng đừng nên tức giận kẻo ảnh hưởng tới thân thể, mọi việc
cứ nên chờ Thái hậu phượng thể an khang đã rồi hãy tính sau.”
Huyền Lăng khẽ “hừ” một tiếng, hậm hực nói: “Trẫm nhịn nàng ta một lần nữa vậy.”