Hậu Cung Chân Hoàn Truyện

Chương 218

Ải Hán đêm qua dậy gió thu[12]

[12] Trích Quân thành tảo thu của Nghiêm Vũ. Dịch thơ: Bùi Hạnh Cẩn, Việt Anh. Nguyên văn Hán Việt: Tạc dạ thu phong nhập Hán quan - ND.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, mới thoắt đó đã lại tới giữa hạ, lũ ve sầu kêu ra rả suốt cả ngày. Thời tiết càng lúc càng nóng nực, Huyền Lăng thì cũng ngày một nóng tính hơn, hai ngày trước chỉ vì mấy việc nhỏ mà đã trách mắng Uông Phân nghi và Mục Lương viện một phen, ngay cả Phúc Quý tần vốn tính đôn hậu nhất cũng bị mắng cho mấy câu, mọi người trong hậu cung không có ai là không sợ hãi.

Lý Trường khi tới chỗ tôi cũng từng kể khổ, rằng mới đây chỉ vì nước trà hơi nóng một chút thôi mà Huyền Lăng đã hắt chén trà lên người y. Theo hầu bên cạnh Huyền Lăng mấy chục năm, đây có lẽ là lần đầu tiên Lý Trường phải chịu nỗi ấm ức như vậy, tôi cũng chỉ đành ôn tồn khuyên nhủ một phen.

Tiếng ve sầu vang lên ra rả, dường như muốn đâm thủng màng nhĩ người ta. Hoa Nghi đứng một bên nhẹ nhàng phe phẩy quạt, tôi lòng thầm phiền muộn nên đi vào hậu đường ngủ trưa, đồng thời dặn dò: “Mang sào dính keo đi bắt hết lũ ve sầu đó lại cho ta, cả ở Nghi Nguyên điện cũng thế.”

Làm sao mà có thể không phiền muộn được đây? Dịp cuối xuân, Ma Cách Khả hãn của Hách Hách đã nhân lúc cỏ cây tốt tươi, lương thảo đầy đủ mà dẫn theo hai mươi vạn thiết kỵ từ đô thành Tàng Kinh kéo thẳng đến Nhạn Minh quan cách Thượng Kinh chỉ chừng tám mươi dặm.

Nhạn Minh quan tây gần sông Hỷ Lăng, nam giáp Thượng Kinh, bắc có Chỉ Tiên quan cùng sạn đạo ở núi Lạc Thiết, xưa nay vẫn luôn là vùng đất mà nhà binh ắt phải tranh đoạt. Núi Lạc Thiết là biên giới tự nhiên giữa Hách Hách và Đại Chu, còn Nhạn Minh quan thì giống như một bức bình phong kiên cố, một khi bị Hách Hách phá tan thì cố đô Thượng Kinh sẽ khó có cách nào giữ được, ngay cả kinh đô hiện tại là Trung Kinh cũng sẽ lộ ra ngay trước vó ngựa kiêu dũng của kỵ binh Hách Hách.

Sau hội thề Hà Trì giữa Anh Cách Khả hãn của Hách Hách với Thái Tổ Đại Chu, Thái Tổ đã phong Mạo Thành Quận chúa làm Kim Sơn Công chúa rồi gả cho Anh Cách Khả hãn làm đại phi chính thất. Biên giới giữa Hách Hách với Đại Chu đã nhiều năm không có chiến sự, hai bên còn thông qua Hỗ Thị để trao đổi hàng hóa, tấp nập vô cùng, chủ yếu là Hách Hách dùng bò, ngựa để đổi lấy lá trà, tơ lụa cùng lương thực của Đại Chu, do đó dân chúng đa phần được an cư lạc nghiệp, đã bao năm rồi chưa gặp phải chuyện binh đao.

Ma Cách Khả hãn của Hách Hách bây giờ là con trai của Anh Cách, bừng bừng dã tâm, bấy lâu nay vẫn luôn rèn binh luyện tướng, không ngừng thôn tính các bộ lạc nhỏ yếu xung quanh Hách Hách, từ đó tăng cường thực lực. Còn Huyền Lăng những năm qua luôn đặt tinh lực vào chiến sự ở phía tây nam, mong có thể thu hồi cương thổ, về sau lại phải dốc sức bình định Nhữ Nam Vương, nên khó tránh khỏi có phần buông lỏng sự đề phòng với Hách Hách, do đó khi đại quân Hách Hách kéo tới thì các tướng sĩ nơi Nhạn Minh quan đều luống cuống chân tay, không kịp ngăn cản, khó khăn lắm mới giữ được cửa ải không để bị đánh hạ. Huyền Lăng trong cơn giận dữ liền phái mười lăm vạn đại quân viễn chinh kinh đô Tàng Kinh của Hách Hách, thế nhưng tướng sĩ Đại Chu không quen với cái nóng khô hanh ở vùng sa mạc, thêm vào đó năm nay thời tiết còn nóng hơn mọi năm rất nhiều, nên còn chưa tới nơi thì đã có rất nhiều tướng sĩ cảm nắng ngất xỉu, Đại Chu coi như chưa đánh đã tự thua.

Huyền Lăng vừa nôn nóng vừa giận dữ, không kìm được cất tiếng than: “Trong quân chẳng có ai dùng được, nếu Tề Bất Trì còn tại thế thì tốt biết bao!”

Đáng tiếc Tề Bất Trì chỉ có một, mà Đại Chu bao năm nay vẫn luôn trọng văn khinh võ, trong triều chẳng có tướng tài, thực khó mà vãn hồi được cục diện.

Trong cơn nguy ngập, ngay đến Thái hậu cũng lo lắng và sợ hãi vô cùng, bệnh tình lại càng trở nặng, rốt cuộc đã qua đời vào ngày Hai mươi bảy tháng Năm ở tây điện của Di Ninh cung.

Cả Đại Chu đều đau buồn, mà ngày Thái hậu được đưa vào quan tài, Tôn cô cô đã đập đầu vào cột tự vẫn, đi theo hầu Thái hậu.

Huyền Lăng đau xót vô cùng, để làm tròn đạo hiếu đã đặt thụy hiệu cho Thái hậu là “Chiêu Thành”, toàn hiệu là “Chiêu Thành Hiếu Túc Hòa Duệ Thánh Hoàng Hậu”. Tiên đế sau khi phế bỏ Hoàng hậu Hạ thị thì không lập hậu nữa, cuối cùng chỉ có Chiêu Thành Thái hậu là được an táng trong Lễ lăng chung với tiên đế. Sau đó Huyền Lăng lại sai đại thần tổ chức tang lễ long trọng, mình thì mặc đồ trắng để tang cho Thái hậu, đồng thời cho đình chỉ các buổi chầu ở chính điện trong vòng một tháng.

Đang trong thời điểm nội ưu ngoại hoạn thế này, Huyền Lăng nóng tính hơn thường ngày thực ra cũng là lẽ đương nhiên.

Sau tang lễ, Huyền Lăng gầy đi rất nhiều, bờ môi thì vì nội hỏa quá vượng mà nứt nẻ cả ra. Tôi không khỏi có chút âu lo nôn nóng, bèn mang canh bạc hà tim sen đã hầm cả buổi sáng tới Nghi Nguyên điện cho y.

Trên bàn, tấu sớ chất cao như núi, Huyền Lăng ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế chạm trổ hình rồng cuộn phía sau. Đôi làn gió mát từ cửa sổ hướng bắc thổi vào mang theo hương hoa cỏ thanh tân phớt qua khuôn mặt y, thế nhưng đám mây đen ngưng tụ giữa đôi hàng lông mày của y thì vẫn nặng nề vô hạn, mãi chẳng chịu tan.

Y chẳng buồn ngẩng lên, trong giọng nói toát ra một vẻ uể oải và mỏi mệt tới cùng cực. “Nàng tới rồi.”

Tôi cất giọng ôn tồn: “Thần thiếp mới nấu được ít canh nên mang tới đây cho Hoàng thượng.”

Y khẽ “ừm” một tiếng, nói: “Cứ đặt ở đó đi.”

Đang lúc giữa trưa, một ánh dương từ ngoài cửa sổ chiếu vào, cái nóng nực của mùa hè liền lan truyền đi khắp khiến người ta cảm thấy gian điện kín mít này thực là ngột ngạt lạ thường.

Tôi bèn mở cửa sổ ra, lập tức cảm thấy tầm mắt mở rộng, lọt vào trong mắt là một khu rừng biêng biếc xanh tươi, tâm trạng tức thì thư thái hơn rất nhiều.

Huyền Lăng hơi cau mày. “Đóng cửa sổ lại đi, trẫm không thích nghe tiếng gió.”

Tôi khẽ cười một tiếng, nhúng đầu ngón tay vào một ít dầu bạc hà trong chiếc hộp nhỏ mạ vàng rồi nhẹ nhàng day huyệt thái dương cho y. “Nhạn Minh quan tuy đang phong thanh hạc lệ nhưng Hoàng thượng anh minh thần võ, ắt có thể hô mưa gọi gió.” Rồi tôi dịu giọng dò hỏi: “Hoàng thượng bây giờ đã chọn được ai làm tướng soái chưa vậy?”

Y lộ vẻ khổ não. “Ngoài phò mã Trần Thuấn và Phủ Viễn tướng quân Lý Thành Nam ra, trẫm không còn lựa chọn nào khác.”

Tôi lại hỏi thêm: “Hoàng thượng sao không để lục Vương gia và cửu Vương gia thử xem? Nghe nói hai vị Vương gia ấy từng đảm nhận nhiệm vụ ở Thiết Kỵ doanh trong kinh thành, đều là hạng có bản lĩnh cả.”

Trên khuôn mặt vàng vọt ánh lên mấy nét âu lo, y gõ ngón tay xuống bàn làm phát ra những tiếng “cộc cộc” nặng nề, sau đó do dự nói: “Lão cửu còn ít tuổi chưa trải việc đời, còn về lão lục...” Y suy nghĩ thêm một lát rồi trầm giọng nói: “Thân vương không thể tùy tiện nắm binh quyền, nàng đã quên mối họa do Nhữ Nam Vương gây ra ngày trước rồi ư?”

Tôi đành làm bộ kính cẩn. “Thần thiếp quyết chẳng dám quên.”

Y trầm ngâm nói: “Huynh trưởng của nàng...”

Lòng tôi trầm hẳn xuống, vội nói: “Ca ca thần thiếp vì chuyện năm xưa mà trên người đã lưu lại mầm bệnh, tuy ngày đêm đều muốn ra trận giết địch cho Hoàng thượng nhưng hiềm rằng thân thể đã chẳng còn được như trước nữa rồi. Bây giờ huynh ấy cũng lòng như lửa đốt, có điều tạm thời chỉ có thể đi theo dưới trướng phò mã thôi, quả thực không đảm đương nổi những nhiệm vụ nặng nề.”

Y khẽ gật đầu, lộ vẻ áy náy, nói: “Chuyện huynh trưởng của nàng năm xưa, trẫm quả thực đã có phần lỗ mãng, Hoàn Hoàn, nàng không trách trẫm chứ?”

Nếu thật sự áy náy thì việc gì phải đợi tới lúc đại địch đã cận kề trước mắt như thế này? Tôi bất chợt nhớ tới lời của ca ca lúc trước: “Ta dù có hoài bão gì thì cũng chỉ dám làm đến phó tướng thôi. Muốn giữ cho người nhà được bình an dưới tay Hoàng thượng, ai mà dám làm thống soái thống lĩnh vạn quân? Chuyện ngày xưa vẫn còn sờ sờ ra đó, ta quả thực chỉ có thể như vậy mà thôi.”

Khoảnh khắc trầm tư đó của tôi không thể nào thoát khỏi đôi mắt của Huyền Lăng, y lại hỏi thêm lần nữa. Tôi đảo mắt rồi nhẹ nhàng nói: “Thần thiếp chợt nhớ tới Vinh Tần. Nếu không vì Hoàng thượng nhân hậu, thần thiếp sớm đã chẳng buông tha cho ả dư nghiệt của nhà họ Mộ Dung ấy rồi.”

Y thầm thở phào một hơi không dễ gì phát giác. “Những việc này đừng nên nhắc lại nữa.” Sau đó đưa một bản tấu chương cho tôi, hậm hực nói: “Nàng hãy xem cái này đi.”

Tôi đón lấy mở ra xem thử, không kìm được hơi biến sắc mặt. “Ma Cách định tiến kinh bái kiến Hoàng thượng ư?”

Huyền Lăng khẽ “hừ” một tiếng, nói: “Hắn dám ngông cuồng như thế chẳng phải vì đã chuẩn bị đủ lương thảo ư! Những lần trước Hách Hách thất bại chủ yếu là vì lương thảo không đủ, lần này Ma Cách đã chuẩn bị từ sớm rồi. Hắn rèn binh luyện tướng nhiều năm, tích lũy được không ít lương thực, đã thế vừa rồi còn ra sức cướp bóc ở bên ngoài Nhạn Minh quan, do đó mới dám sinh ra dã tâm này.”

Lòng tôi trầm hẳn xuống, vội vàng hỏi: “Hắn đã chuẩn bị đầy đủ lương thảo như thế rồi, còn phải vào kinh bái kiến làm gì nữa?”

“Tiếng là bái kiến nhưng thực ra hắn muốn đoạt lấy hai châu U, Vân của trẫm, còn muốn trẫm hằng năm phải thưởng cho hắn vàng bạc mỗi loại ba trăm vạn lạng, tơ lụa một trăm vạn sấp, trong khi đó đồ cống của hắn chỉ là mấy chục thớt ngựa hạ đẳng mà thôi, thực là đáng ghét tột cùng!”

Tôi căm phẫn nói: “Ma Cách làm thế đâu phải là muốn tiến cống rồi xin ban thưởng, rõ ràng là có ý làm Hoàng thượng mất mặt. Những thứ hắn đòi ban thưởng tính tổng cộng phải bằng một phần ba tiền thuế mỗi năm của Đại Chu, nếu làm như vậy lâu dài, căn cơ của Đại Chu sẽ dần suy yếu, Hoàng thượng quyết không thể tùy tiện đáp ứng được.”

Trong mắt Huyền Lăng bừng lên những tia lửa âm u. “Hắn đòi hỏi như thế rõ ràng là đã sử ra công phu sư tử ngoạm. Chỉ đòi ban thưởng thì thôi còn được, nhưng hai châu U, Vân vốn dễ thủ khó công, là nơi yếu địa cực kỳ quan trọng, trẫm há có thể cung tay dâng lên được! Hắn nay đã đánh tới bên ngoài Nhạn Minh quan, đưa ra yêu cầu hà khắc như vậy, thứ nhất là để thăm dò hư thực của Đại Chu, thứ hai là muốn kiếm cớ cho việc phát động chiến tranh lần này, hạng hồ lỗ man di như hắn có được tâm tư như thế quả là không dễ!”

Tôi đầy bụng âu lo, bèn thăm dò: “Hoàng thượng, hắn dám tới đây như thế chắc là đã sớm có đề phòng rồi đúng không?”

“Hắn muốn cho hai vạn tinh binh đóng ngoài thành làm tùy tùng hộ vệ. Trẫm vốn định không đồng ý nhưng có tin báo về là đã có không ít gian tế lẻn vào kinh sư, mà động thì chẳng bằng tĩnh, tạm thời cứ đồng ý với hắn vậy.” Huyền Lăng cười lạnh, nói. “Thái hậu vừa qua đời, lòng người đang không yên, thế mà hắn lại định tới đây vào lúc này. Cũng tốt, hắn mà dám tới thì trẫm sẽ ở đây đợi hắn.”

Tôi xắn tay áo lên, lẳng lặng giúp y mài mực, một lát sau mới chậm rãi nói: “Ma Cách nhòm ngó Đại Chu ta đã lâu, bây giờ lương thảo đầy đủ, thực lực đáng gờm, chúng ta quyết không thể ngồi yên chờ chết được.”

Huyền Lăng thở dài, than: “Sao trẫm lại không biết điều này chứ? So với thiết kỵ Hách Hách, binh lực Đại Chu không phải là không sánh bằng, tuy các binh sĩ vì bị cảm nắng mà thể lực suy giảm nhưng chỉ cần có tướng tốt là tình hình sẽ ổn thỏa ngay. Chỉ là bây giờ tướng tốt khó tìm, các đại tướng trấn thủ biên cương chẳng qua chỉ gắng gượng cầm cự được mà thôi, các binh sĩ đổ bệnh thì ngày càng nhiều, chẳng lẽ trời cao thật sự không phù hộ cho Đại Chu ư?”

Huyền Lăng chỉ lo lắng việc nước mà thôi, còn tôi ngoài việc nước thì còn phải lo cả việc nhà. Y bây giờ một lòng muốn tìm tướng tốt, tôi thì lại phải nghĩ cách để ca ca không trở thành vị tướng tốt đó của y, đồng thời còn phải làm sao cho chiến sự kết thúc, dân chúng được an cư lạc nghiệp, những nỗi lo nghĩ trong lòng thực là nhiều không tả nổi. Sau một thoáng trầm ngâm, tôi bèn mỉm cười, nói: “Sao có thể chứ? Hoàng thượng là thiên tử, trời cao không phù hộ cho người thì phù hộ cho ai? Chẳng hạn như đợt bệnh dịch năm đó, Hoàng thượng đang vô kế khả thi thì Ôn Thực Sơ đã tìm ra phương thuốc chữa trị bệnh dịch. Còn cảm nắng thì có phải là thứ bệnh gì ghê gớm đâu, làm sao khó chữa bằng bệnh dịch năm đó được, mà nói ra mới nhớ, hồi đó trong cung có bao nhiêu người nhiễm bệnh, nếu như không có phương thuốc của Ôn thái y thì thật chẳng rõ sẽ có bao nhiêu người phải bỏ mạng nữa. Rốt cuộc vẫn là Ôn thái y có lòng, về sau đã lưu lại một số mẫu bệnh cùng với cách chữa trị...” Tôi lảm nhảm một hồi như thể đang tán gẫu với y. Y thì chỉ lặng im lắng nghe, ngón tay vạch đi vạch lại trên mặt bàn, trông bộ dạng thì dường như đang có điều suy tư.

Ánh dương chiếu trên bức tường sơn màu đỏ son dần trở nên mờ nhạt, thứ màu đỏ kia thì càng lúc càng đậm đến nỗi như có thể nhỏ ra nước, cứ thế chảy vào mắt người ta. Tôi bất giác thầm nghĩ, một người nếu giết chóc đến đỏ cả mắt, liệu cặp mắt có biến thành như vậy không? Lần theo hướng ánh dương chiếu xuống, trái tim tôi dần bay lên bầu trời xanh biếc, trong lòng ngoài nỗi sầu lo còn có một sự tò mò, vị Ma Cách Khả hãn đang xua quân tiến đánh Nhạn Minh quan kia rốt cuộc là một nhân vật như thế nào?

Ngày Hai mươi tháng Bảy, khi Ma Cách vào kinh, Trung Kinh đang trong thời điểm nóng nực nhất. Huyền Lăng không muốn gặp hắn ở kinh sư, bèn lấy cớ “tránh nóng” mà tiếp kiến Ma Cách tại Thái Bình hành cung ở Tây Kinh.
Bình Luận (0)
Comment