Hiện tại đại quân của Ngụy Thiệu đã rời khỏi Tịnh Biên, nơi mà lần trước hắn bị tập kích trúng tên độc.
Khoảng một tháng trước, sau trận chiến ở quận An Định, Lương Châu rơi vào tay Ngụy Thiệu.
Phần lớn người dân bộ tộc Khương ở bên sông Hoàng Hà đều theo chân của tộc Ti Hòa lần lượt quy thuận hắn.
Bây giờ chỉ còn lại người Thiêu Đương Khương [1] đóng chiếm ở khu vực Cố Nguyên.
[1] Thiêu Đương Khương: một bộ tộc người Khương cổ
Nhìn lại Tịnh Biên và Cố Nguyên, trận chiến cuối cùng cũng sắp sửa bắt đầu.
Chỉ cần đánh xuống vùng Cố Nguyên là có thể gắn liền Tịnh Châu, Hoàng Thủy và Lương Châu làm một. Vừa có thể bao lấy cả Tây Khương, vừa chặt đứt tuyến đường về Bắc của Hung Nô, ở phía Tây là quan ải Lương Châu, còn nếu xuôi về phía Namcũng có thể trấn giữ U Châu và Ký Châu, nửa vùng trời gần như rơi vào tay Ngụy Thiệu.
Kế hoạch chinh phục phía Tây diễn ra một cách quá thần tốc, đến mức Công Tôn Dương còn khó mà tin nổi.
Hàn Phi Tử có nói: người giỏi giăng lưới sẽ kéo cương [2]. Công Tôn Dương đã sớm hiểu ra rằng, “cương” trong kế hoạch chinh phạt phía Tây của Quân hầu chính là người Khương.
[2] Người giỏi giăng lưới sẽ kéo cương: Cương là sợi dây thừng lớn buộc lưới, ý của câu là người giỏi giăng lưới, thì chỉ cần kéo dây cương là lưới đánh cá đã được mở ra rồi.
Thực ra trong suy nghĩ của ông, nếu muốn đi tới bước bây giờ, chí ít cũng phải mất một năm. Dù sao để thu phục người Khương, tiện đà xóa sạch Phùng Chiêu, làm hết một lần đâu phải dễ.
Không ngờ một khi vận may đến vạn sự đều thuận lợi, muốn ngăn cũng không sao ngăn được. Đầu tiên là tộc Ti Hòa kéo theo phần lớn người dân tộc Khương ở Hoàng Thủy quy hàng, đúng lúc đó Phùng Chiêu làm phản trong quân đội tộc Khương, sức chiến đấu giảm mạnh, sau hai trận đại chiến và mấy trận chiến nhỏ khác, họ đã giao trả Lương Châu.
Từ lúc Ngụy Thiệu đi tới Tấn Dương hồi đầu năm cũng là vì mục tiêu bắt đầu chinh phạt phía Tây này, thời gian còn chưa tới nửa năm.
Tuy rằng người Thiêu Đương Khương dũng mãnh và gan dạ, nhưng trước đây lúc Ngụy Thiệu tự mình dẫn đại quân tác chiến với Phùng Chiêu, mấy lần tấn công đến Thượng Quận, quân phòng thủ phải chịu một áp lực không nhỏ, hơn nữa lại mất đi viện quân, một mình tác chiến thì không thể chống đỡ được lâu dài.
Chiếm được Cố Nguyên chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Tất cả tướng sĩ dưới trướng Ngụy Thiệu đều vô cùng hân hoan, người người khát chiến, họ hi vọng có thể lập được công, lòng quân cũng vô cùng phấn khởi.
…
Trong đại trướng của chủ soái, một cuộc họp quân sự ngắn vừa kết thúc.
Ngụy Thiệu hạ lệnh, ba người Lý Sùng, Trương Kiệm, Ngụy Lương sẽ dẫn đại quân theo ba hướng, toàn lực tấn công Thiêu Đương Khương, chiếm trọn Cố Nguyên.
Sở dĩ phải quyết định phát động trận chiến với Cố Nguyên nhanh như vậy, ngoài việc muốn mượn uy của trận đánh quận An Định, ngoài mục đích thừa thắng xông lên, còn là vì đêm qua họ bắt được một sứ giả Hạnh Tốn phái tới Thiêu Đương Khương.
Sứ giả mang theo một bức thánh chỉ mà Hạnh Tốn lấy danh nghĩa của ấu đế, phong Điêu Mạc làm Kim Khương Vương, cho phép được lợi nhiều vàng bạc, lệnh cho hắn tiếp tục thuyết phục người Khương, nổi dậy chống lại Ngụy Thiệu.
Ngụy Thiệu giết sứ giả, hôm nay đã hạ lệnh toàn lực tiến công Thiêu Đương Khương.
…
Từ ngày mồng một Tết đầu năm, bắt đầu từ khi hắn không tới hoàng cung Lạc Dương để tham gia buổi triều mồng một, đó cũng là lời tuyên bố ngầm ý chỉ U Châu cắt đứt với Lạc Dương.
Cho đến hôm nay, Hạnh Tốn đã chiếm giữ Lạc Dương, ông ta càng không thể tiếp tục ngồi nhìn hắn bước thêm một bước dài.
Mà Ngụy Thiệu cũng sắp đáng mặt với thân phận bá chủ vùng phương Bắc, mở ra bước đầu tiên trong kế hoạch bá nghiệp của chính mình. Khiêu chiến với quyền lực tối cao của Lạc Dương.
Trận chiến cuối cùng với Thiêu Đương Khương này cũng là tín hiệu của việc nhận trước bắt đầu sau.
Đủ để bắt đầu một cuộc chiến tranh trong bóng tối khuấy loạn tình hình trong thiên hạ.
…
Sau trận đại chiến, Điêu Mạc và quân đội tộc Khương của hắn chỉ còn lại không tới hai ngàn nhân mã, cuối cùng cũng bị đại quân của Ngụy Thiệu bao vây trong một vùng hoang vu cỏ dại.
Chỉ còn nước chết hoặc bị bắt.
Điêu Mạc cố gắng chống chọi nhờ vào nơi hiểm yếu, mấy lần muốn tổ chức nhóm kỵ binh cuối cùng phá phòng vây, nhưng rồi lại bị trận tên ngăn cản lại. Vòng vây càng lúc càng siết chặt, đến khi tới đường cung, lúc đang định rút dao tự vẫn, hắn lại bị thuộc hạ khổ sở khuyên can.
Đây là đại bại của Thiêu Đương Khương, toàn quân kị binh đều bị diệt, tổn hại nặng nề, Điêu Mạc bị bắt làm tù binh.
Sau ba ngày, Điêu Mạc tiếp nhận lời kêu gọi chiêu hàng của Công Tôn Dương, dâng thư đầu hàng lên Ngụy Thiệu.
Trong bức thư xin hàng, hắn nhận tội một mình, không liên quan tới các người trong tộc. May mắn được Quân hầu tha thứ, hắn nguyện cùng mọi người trong tộc cùng quy phục, không dám hai lòng.
Mà cũng vào lúc này, Ngụy Thiệu đã lên đường trở về Tấn Dương.
Sau bức thư hắn nhận được từ Tiểu Kiều khoảng hơn nửa tháng trước, bây giờ mới gửi lại một lá, đưa cho thuộc hạ gửi thư về.
Nàng lại không hồi đáp.
Ngụy Thiệu bỗng thấy hơi thấp thỏm.
Rốt cuộc cũng chờ được tới khi chiến sự tạm lắng xuống, sao mà hắn có thể ngồi yên đây? Giao hết chuyện khắc phục hậu quả lại cho Công Tôn Dương, một mình hắn lên đường về Tấn Dương.
Nỗi nhớ nhà chẳng khác nào tên bắn, bây giờ chuyện mà hắn muốn làm nhất là mau chóng gặp nàng.
…
Vào một ngày tháng bảy khi trời chưa chạng vạng, Ngụy Thiệu phong trần vội vã chạy về Tấn Dương.
Lúc ngựa của hắn chạy về nha môn ở thành Bắc, tốc độ mới dần dần thả chậm.
Cuối cùng khi Ngụy Thiệu dừng ngựa, hắn đứng bên đường trầm ngâm một lúc rồi quay đầu ngựa lại, đi sang hướng khác.
…
Mấy ngày qua sức khỏe của Tô Nga Hoàng vẫn không khá lên được, ngày ấy trở về từ nha môn, nàng ta không thể lên đường được, cho nên tiếp tục nghỉ lại trong dịch xá.
Ngày đầu tiên lúc nàng vào dịch xá, dịch thừa đã biết được thân phận của nàng từ miệng của tùy tùng đi theo.
Phu nhân của Tả Phùng Dực Công, chỉ cái danh này thôi khi chết cũng có tiếng là góa phụ của dòng họ triều Hán.
Tuy vậy nguyên nhân khiến dịch thừa nhìn nàng bằng một con mắt khác lại là vì nàng có quan hệ thân thiết với chủ mới của Tấn Dương, Yên Hầu Ngụy Thiệu.
Ngày hôm sau khi nàng tới, nàng có đi thăm Yên Hầu phu nhân vẫn ru rú trong nhà. Sau khi trở lại thì bệnh tình phát tác, Yên Hầu phu nhân nghe tin, vội sai thầy thuốc tới xem bệnh cho nàng.
Có thể thấy quan hệ quả là không bình thường. Hơn nữa Tô thị vung tay rất hào phóng, vì thế chỉ hơn nửa tháng qua, lúc nàng ở lại đây dưỡng bệnh, dịch thừa chăm sóc rất chu đáo, cũng rất xem trọng nàng.
Chạng vạng ngày hôm đó, dịch thừa vội vã chạy ra sau hậu đường, đứng trước một căn phòng tao nhã mà tĩnh mịch, gõ cửa vang.
Hầu gái của Tô Nga Hoàng mở cửa, lúc ló mặt ra, dịch thừa nói: “Yên Hầu tới rồi. Bây giờ đang ở ngoài tiền đường, xin mời phu nhân ra ngoài nói chuyện”.
Thái độ lúc dịch thừa nói ra câu này thì vô cùng cung kính.
Đúng là không ngờ được. Vị phu nhân của Tả Phùng Dực Công này lại có thể khiến Yên Hầu tự mình đại giá tới đây, xem ra giao tình không hề nhỏ.
Sau khi hầu gái đáp lại dịch thừa thì quay người đi vào, thuật lại lời mời một lần nữa.
Tô Nga Hoàng đang nằm nghiêng trên giường, một tay để sau gáy, nhắm mắt lại như ngủ. Một hầu gái quỳ gối bên cạnh nàng, nhẹ nhàng đấm chân.
Nàng mở mắt ra, cố gắng kìm nén nhịp tim đang tăng nhanh, nói lại: “Bảo hắn chuyển lời với Yên Hầu, ta đang bị đau đầu, có thể mời Yên Hầu tới đây nói chuyện không?”
Hầu gái đi ra ngoài chuyển lời, chốc lát sau lại nói: “Dịch thừa nói, lúc nãy hắn đã nói chuyện phu nhân dưỡng bệnh ở nơi này. Yên Hầu bảo, nếu phu nhân yếu quá không tiện gặp mặt bây giờ thì ngày khác ngài lại tới”.
Tô Nga Hoàng nói luôn: “Khỏi cần, nói hắn truyền lời lại, ta nghỉ một lúc rồi đi gặp”.
Dịch thừa rời đi, Tô Nga Hoàng nhanh chóng xoay mình ngồi dậy từ giường nhỏ. Dưới sự hầu hạ của hầu gái, nàng thay một bộ áo bằng tơ tằm mỏng manh màu đỏ tươi, đã được chuẩn bị từ mấy ngày trước đó, trên vạt áo có thêu một đoá huệ lan cực kì khéo léo vắt ngang qua khuôn ngực đầy đặn của nàng, trông vô cùng bắt mắt. Bên hông nàng được thắt một cái đai lưng dài tinh tế, ngọc bội buông rơi. Bộ xiêm y này đã bộc lộ toàn bộ vẻ đẹp và phong thái của nàng. Nàng soi gương rồi đánh lên hai gò má và đôi môi một chút màu hồng nhạt, tóc không buộc mà lại để xõa tung, giống như vừa mới nằm ngồi dậy, trông có vẻ ốm yếu mệt mỏi thêm mấy phần.
Cuối cùng Tô Nga Hoàng lại nhìn mình trong gương thêm lần nữa, để hai tỳ nữ đỡ nàng ra khỏi phòng.
Lúc đi tới đường thất, nhìn trước cánh cửa lớn đang mở rộng, có một bóng lưng nam tử đứng thẳng hiên ngang.
Ánh tà dương mờ ảo chiếu nghiêng qua ô cửa, bao phủ cả người nam tử đó, hắt thành một chiếc bóng thật dài trên mặt đất, khiến hắn càng trở nên vĩ đại.
Hình như hắn đang nhìn ra xa, có lẽ là xuất thần suy nghĩ điều gì đó, bóng lưng không nhúc nhích.
Bắt đầu từ ba năm trước, Tô Nga Hoàng đã tìm mọi cách tiếp cận nam nhân mà nàng từng vứt bỏ lần thứ hai.
Thế nhưng cho tới bây giờ, nàng mới chính thức có cơ hội được cùng hắn đối mặt như thế này, không có ai bên cạnh.
Tô Nga Hoàng hít một hơi thật sâu, đang định mở miệng gọi hắn thì Ngụy Thiệu đã xoay người lại, bước nhanh tới trước rồi dừng lại cách nàng khoảng mấy cánh tay, ánh mắt nhìn thẳng vào mặt nàng, nói luôn: “Không biết sức khỏe phu nhân thế nào rồi? Dạo trước ta không ở Tấn Dương, nhận được thư của thê tử có nhắc tới phu nhân, ta mới biết phu nhân cũng tới Tấn Dương rồi”.
Giọng của hắn hết sức bình thường, làm Tô Nga Hoàng hơi ngơ ngẩn.
Nàng đã từng tưởng tượng rất nhiều cảnh nếu gặp lại Ngụy Thiệu, khi hai người ở bên sẽ bắt đầu ra sao.
Nhưng không ngờ lại là tình cảnh đó.
Một chữ “thê” chắn ngang ở giữa từ miệng hắn.
Tin mình tới lại được “thê tử” của hắn báo cho Ngụy Thiệu trước.
Trong lòng nàng bỗng dâng lên cảm giác khó chịu như vừa bị làm nhục.
Nàng đưa mắt nhìn Ngụy Thiệu một lúc rồi từ từ nói: “Từ sau khi xuất giá thiếp bị bệnh đau đầu, hành hạ khổ sở suốt nhiều năm, mỗi lúc tâm trạng không vui thì nó lại phát tác. Những lúc ấy thật sống không bằng chết. Thiếp đã từng dùng rất nhiều loại thuốc nhưng không khỏi. Sau này có gặp được một vị thần y, thần y có kê một loại thuốc, gọi là phương tha hoàn, khi phát bệnh thì cứ uống một viên, khi ấy mới giảm đau được. Thiếp có hỏi thần y nguyên nhân gây ra bệnh, thần y nói đây là do tâm bệnh, dùng thuốc hay châm cứu chỉ có thể giảm đau chứ không trị tận gốc được. Đến bao giờ loại bỏ được tâm bệnh đó thì mới khỏi hẳn được”.
Ngụy Thiệu nhìn nàng chăm chú: “Vậy phu nhân nên chú trọng việc chăm sóc tinh thần hằng ngày mới phải, không nên giữ trong lòng. Hôm nay ta đến là để hỏi phu nhân một tiếng, bệnh tình bây giờ thế nào rồi?”
Nhất thời Tô Nga Hoàng cũng không hiểu rõ ý đồ ở trong câu nói đó, nàng chần chừ một lúc rồi nói: “Nghỉ ngơi… mấy ngày qua, cũng gần khỏe rồi…”
Ngụy Thiệu gật đầu: “Vậy thì tốt rồi, không phải phu nhân nói muốn đi Lạc Dương sao? Mai đi được không? Sáng sớm ngày mai ta sẽ phái người tới đây hộ tống phu nhân tới Lạc Dương”.
Tô Nga Hoàng sững sờ: “Lúc nãy dịch thừa tới truyền lời, thiếp đang nằm nghỉ, không có sức để lết ra ngoài phòng, nhưng mà nghe nói Quân hầu tới, thiếp mới gắng đứng dậy. Chỉ sợ ngày mai khó mà xuất hành được…”
Ngụy Thiệu gật đầu lần thứ hai: “Vậy cũng được. Phu nhân cứ an tâm dưỡng bệnh. Thấy ngày nào tốt thì báo cho thê tử của ta một tiếng, ta sẽ lại phái người đưa phu nhân đi. Nếu phu nhân không khỏe thì nhanh về phòng thôi”.
Dứt lời, Ngụy Thiệu xoay người đi.
Tô Nga Hoàng bình tĩnh nhìn bóng lưng của hắn, tới khi hắn sắp ra khỏi cửa, nàng vội vàng đuổi tới vài bước, mở lời: “Nhị lang, chẳng lẽ chàng không muốn hỏi sao, chuyện năm đó ta bỏ chàng gả cho người khác? Tại sao ta lại bị đau đầu, ngay cả giọng nói cũng biến đổi ư?”