Khúc Ca Biệt Ly

Chương 35

Tôi rất muốn cứ như vậy mà “biến” khỏi cuộc đời của một người.

Tôi dùng rất nhiều thời gian để suy xét một việc liên quan đến vấn đề “thắng và thua,” nhưng mà, tôi không tìm được một câu trả lời chính xác. Tôi không không có hứng thú đi tổn thương lòng tự tôn của bất cứ ai, làm như thế cũng chỉ thuần tuý vì cái “tự vệ” đáng buồn cười. Nhưng khuôn mặt xám ngoét phẫn nộ ấy luôn không sao xua ra khỏi ký ức được, giống như một cơn ác mộng trói buộc bao năm, lâu rồi đâm quen, chỉ có thể tiếp nhận một cách bình tĩnh. Không biết có phải là đã bị hắn làm cho bị thương hay không, mà sau “sự kiện hòn non bộ,” lưng của tôi bị đau rất lâu, có khi đang trong lớp học, cảm thấy mình không sao ngồi thẳng được, chỉ có thể nằm bò trên bàn nghe giảng, nhưng tôi vẫn không chịu đi bệnh viện. Khi mùa xuân chân chính đến, tôi trở thành một nữ sinh trầm lặng ít nói hơn. Học hành trở thành sở thích duy nhất của tôi, đạt được hạng nhất càng trở nên thường xuyên như cơm bữa đối với tôi. Nhưng rất nhiều lúc, tôi thường thường suốt cả một ngày không nói một câu nào.

Giờ nghỉ giữa hai tiết học, thầy Sướng bước đến bên tôi, dùng sức vỗ lên sách của tôi một cái, nói đùa với tôi: “Mã Trác, đừng có quá cố mạng, đôi khi cũng nên để cho người hạng nhì một con đường sống.”

Tôi cười cười, tiếp tục học thuộc lòng bảng tuần hoàn của tôi.

“Tham gia hoạt động tập thể nhiều hơn một chút.” Thầy nhìn đám học trò nam nữ đang vui đùa ngoài cửa sổ rồi nói, “Không thôi là những bạn học đố kị em nghĩ là em quá thanh cao.”

Thanh cao cũng được, làm mặt ngầu cũng đành, tôi chỉ muốn cuộc sống đơn giản, rõ ràng. Hơn nữa, hết thảy những điều này xuất phát từ chủ ý chân chính của tôi, không phải là tôi đang giả bộ. Tôi muốn tin rằng cuộc sống đối với mỗi người hiển hiện những khía cạnh khác nhau, mọi điều đều đã sớm được định sẵn, nếu như sự sôi động đã vốn không thuộc về tôi, tôi vì sao lại cần phải đi cưỡng cầu?

Cuối tuần về đến nhà, đối diện với A Nam, húp canh gà ông nấu, chuyện trò với ông chút chuyện hàng ngày, hoặc cùng ông xem TV một chốc, là thú vui duy nhất của tôi ngoài “học hành” ra.

“Con gầy đi rồi.” A Nam lại hơi lo lắng nói với tôi, “Nếu như thức ăn ở trường không ngon, con cứ rút thẳng về nhà mà ăn, ba nói bà lên đây nấu cơm cho con là xong.”

“Thiên Trung 3.000 người, con đâu có đặc biệt đến vậy.” Tôi nói, “Ba đừng lo lắng lung tung.”

“Đừng có học hành quá mạng.” A Nam nói, “Ba thấy cuối tuần con gái nhà người ta đều thích đi bát phố gì gì đó, con cũng không đi, cả ngày rúc trong nhà, đúng rồi, có chuyện ba suýt quên, ba mua cho con một chiếc máy tính mới, từ nay về sau con có thế lên mạng gì đó cũng tốt.”

“Con xin ba đừng có tốn tiền lung tung nữa mà.” Tôi rối rít nói, “Chuyển máy cũ ở nhà cũ tới đây xài là được rồi.”

“Vậy lúc con về dưới huyện thì lấy gì mà dùng đây, chuyển tới chuyển lui phiền lắm. Hơn nữa máy kia cũng cũ rồi, cũng không dễ xài.”

“Đừng.” Tôi chợt nổi cơn chướng, “Mua về con cũng không xài đâu.”

Ai biết ông ấy còn bướng hơn tôi: “Không dùng ba cũng mua luôn.”

Cuối tuần đó, tôi trải qua một cách rất bắt phiền, máy tính thật sự được mua về, đặt ở góc bàn viết lách của tôi. A Nam giúp người ta khiêng vào, trán toàn mồ hôi lấm tấm. Tôi ngồi bên mé giường, làm bộ như đang đọc một cuốn truyện tiếng Anh. A Nam hỏi tôi: “Đặt ở đây được không con? Có cản trở khi con viết lách không?”

Tôi lắc đầu, nhưng thật ra tôi rất muốn hét lên với ông, đừng tốt với con quá đỗi như vậy, điều này sẽ trở nên gánh nặng rất lớn trong lòng con, sẽ khiến cho con mất ngủ, thậm chí đau lòng ray rứt. Nhưng cuối cùng tôi không làm vậy.

Tôi đã không vui, tội gì phải lôi thêm một cử chỉ vốn xuất phát từ lòng tốt của ông xuống chứ.

Chiếc máy tính mới rất đẹp, chín giờ tối sau khi tôi ôn bài xong, cuối cùng không nhịn nổi nữa mà mở nó lên. Không lâu sau, ông từ sau lưng tôi bước tới, khom người, làm bộ như hiểu biết lắm vậy mà nói với tôi: “Con coi thử xem tốc độ thế nào, ổ cứng là 120GB, lượng lưu trữ rất lớn đấy.”

Tôi gõ chữ trên màn ảnh, chữ rất lớn, từng chữ từng chữ một gõ cho ông xem: BA MÀ CÒN XÀI TIỀN LUNG TUNG CON SẼ MÉC VỚI BÀ.

Ông cười hì hì sau lưng tôi. Khen tôi: “Gõ chữ đẹp quá đi.”

Tôi ngất.

Đêm ấy tôi tạo một blog cho mình, tên của blog là “Gió Quyết Định Hướng Đi Của Bồ Công Anh.” Cái này nghe giống như tên một bộ phim Hàn, nhưng cũng dường như không giống. Tôi cảm thấy nó rất gần gũi với tâm trạng của tôi, thế là quyết định giữ như vậy. Tôi bỏ rất nhiều thời gian để nghiên cứu cách thiết kế blog, mãi đến lúc A Nam lại đẩy cửa phòng của tôi ra lần nữa, nói với tôi một cách rất nghiêm túc: “Không được chơi quá khuya đấy nhé.”

“Dạ.” tôi nói.

“Nhưng mà, “ Ông rờ rờ đầu nói, “Khi nào rảnh rỗi con cũng dạy ba một chút, đến cả QQ ba cũng không biết dùng gì cả.”

Tôi gọi ông vào, hỏi ông: “Bây giờ dạy luôn nhé?”

“Được!” Ông xách ghế, rất vui vẻ chạy đến ngồi bên cạnh tôi.

Tôi rất nhanh chóng đăng ký xong mã số cho QQ của ông, hỏi ông muốn lấy tên mạng như thế nào. Ông ngồi suy nghĩ một cách nghiêm túc rất lâu, tôi thực sự lo lắng là ông sẽ bắt tôi đăng ký tên kiểu như “Nhớ Quả Quả,” nào ngờ ông nghĩ đã đời rồi nghĩ ra một cái tên càng khiến tôi muốn ngất: “Hạt Lúa Xuyên Hải” (một hạt lúa trong biển lúa Tứ Xuyên).

Tôi không hỏi ông ấy là vì sao, tự ông nói như giải thích: “Thật ra ba rất nhớ Thành Đô, đã quen với cuộc sống ở đó, nơi đó vẫn còn rất nhiều bạn bè cũ.”

Tôi chưa từng nghĩ đến, thì ra đối với mảnh đất đó, ông yêu nó sâu khắc đến vậy.

Tôi lại bắt đầu nghĩ ngợi lung tung, nếu như không phải vì tôi, có lẽ ông sẽ vẫn có thể tự do tung tăng sống một mình ở nơi ấy, không chừng đã sớm lấy vợ, có một đứa con gái đàng hoàng ngoan ngoãn xinh đẹp hơn tôi. Cảm giác tội lỗi một khi phát tác, trong lòng tôi lại âm thầm thề nguyền, đợi ngày nào tôi có tiền một cái, nhất định sẽ đưa ông về Tứ Xuyên, hoặc có lẽ, mua cho ông một căn nhà nhỏ ở Tứ Xuyên, để ông an hưởng tuổi già nơi ấy. Những gì cả đời này tôi và Lâm Quả Quả thiếu ông, tôi sẽ nhất định đền bù gấp bội.

“Ngây ngẩn gì thế, mau mau dạy ba đi chứ.” Ông giục tôi.

“Ồ.” Tôi bất chợt nghĩ ra, “Ba vẫn còn có thể nói tiếng Tứ Xuyên không?”

“Ha ha,” Ông dùng tiếng Tứ Xuyên đáp lời tôi, “Làm sao lại không biết chứ(1), con thì sao?”

Tôi cười ngặt nghẽo.

Ông ấy rất lấy làm lạ, hỏi tôi: “Con cười gì cười dữ vậy?”

“Con không biết.” Tôi nói, “Vừa nghe ba nói một cái, liền cảm thấy mắc cười dễ sợ, giống như đang diễn kịch vậy.”

Ông rờ rờ đầu: “Thế à, vậy con nói vài câu cho ba nghe cái coi?”

“Không.” Tôi nói.

“Ái chà, Mã Trác.” Ông làm ra vẻ như chợt tỉnh ngộ, nói, “Bây giờ ba mới phát hiện, con rất hư nha. Giống y như mẹ con, toàn giỏi trêu người.”

Trời đất chứng giám, tôi vốn không phải là đang trêu ông ấy, tôi chỉ cảm thấy rất mắc cười. Hoặc có lẽ, nói sâu xa hơn một chút, tôi có chút sợ hãi nghe thấy tiếng quê nhà xa xôi ấy, cũng giống như tôi sợ những mảnh ký ức tuy vụn vỡ nhưng không sao quên được. Cười, chắc có lẽ là cách tốt nhất để tôi che dấu sự hoảng loạn.

Sáng sớm thứ Hai, một phong thư từ chỗ ngồi phía trước truyền xuống, mang mùi mồ hôi rất riêng của nam sinh. Lúc ấy tiết tự học buổi sáng còn chưa bắt đầu, có người dùng di động mở nhạc của Lisa Ono hát, tôi biết bài hát ấy có một cái tên đặc biệt hay, gọi là “Chiếc Ô Xanh Lơ Kỳ Diệu.” Lần đầu tiên tôi phát hiện ngón tay của cậu ta thon dài đến vậy, trắng nõn, giống như của nữ sinh.

Cậu ta dùng một ngón tay nhịp nhịp lên phong thư, bảo: “Đem về ký túc xá hẵng mở nhé. Đừng hiểu lầm, không phải là kiểu thư đó đâu.” Nói đoạn, lại quay đầu của cậu ta đi.

Tôi kẹp phong thư vào trong cuốn sách Văn của mình. Cảm giác rất dày, không biết cậu ta lại giở cái trò gì nữa.

Tôi không nghe lời cậu ta về tới ký túc xá hẵng mở, ngay sau tiết học, tranh thủ lúc Nhan Dự Dự không có mặt, xé phong bì ra. Thì ra là một xấp giấy dày cui được in ra, đề tài là: “Các Biện Pháp Đề Phòng Và Giải Quyết Tiền Kỳ Của Chứng Tự Bế Trong Thời Kỳ Thanh Xuân.” Ở Bên lề còn có chữ viết tay của cậu ta: Xin nhất định đọc một cách nghiêm túc, rất có ích cho cậu, chúc cậu sớm khoẻ mạnh lại!

Trời, đây là gì?

Tôi chỉ quét mắt một cái, rồi đem hết thảy nhét lại vào trong bao thư.

Vào giờ cơm tối, tôi bưng khay vào căng tin, Tiêu Triết rượt theo từ đàng sau, nói với tôi: “Mã Trác, thứ đưa cho cậu cậu nhất định phải đọc cho nghiêm túc nhé, rất có ích đấy.”

Tôi vừa đi vừa trả lời cậu ta: “Có lời gì cậu có thể nói thẳng với tớ, viết thư viết tới viết lui, lãng phí thời gian, lại dễ khiến người khác hiểu lầm.”

Cậu ta ngẫm nghĩ lời tôi nói một chút rồi trả lời tôi: “Cậu toàn là không chịu nói chuyện với tớ, thì bảo tớ làm sao nói.”

“Nếu như nói lời vô nghĩa, có thể là nửa câu thôi đã dư rồi.” Tôi bảo.

“Cậu thích nói chuyện gì.” Cậu ta ngốc nghếch đẩy đẩy gọng kính nói, “Tớ cảm thấy tớ có thể phối hợp.”

“Không thích nói chuyện không đại biểu cho chứng tự bế.” Tôi nói, “Nhưng nói sao đi nữa, vẫn là cảm ơn ý tốt của cậu.”

Cậu ta lẽo đẽo theo sau tôi, vừa đi vừa đánh giá tôi, “Cậu á, giống như rất khó biết cậu đang nghĩ gì, giống như một cuốn sách đọc vĩnh viễn không bao giờ hiểu.”

Khá khen cho cậu ta nói ra được câu sến súa như vậy, tôi thật không nhịn được mà cười.

“Chính là như vầy.” Cậu ta vui sướng nói, “Cậu không biết khi cậu cười lên đẹp đến chừng nào đâu.”

Haizz. Thật là thua cậu ta rồi.

Nhưng tôi dĩ nhiên sẽ không đọc mớ giấy bố khỉ mà cậu ta đã in ra cho tôi, tôi không có bệnh, trong lòng tôi tự biết rất rõ. Nếu như muốn nói chính xác hơn một chút, chính là tôi có một số “vết thương” đi, nhưng tôi có đủ tự tin bản thân có thể chữa lành chúng, là ai đã từng nói, thời gian là liều thuốc tốt nhất? Tôi tin chắc điều này không chút nghi ngờ.

Vào mỗi thứ Tư, Thiên Trung đều có họp giáo viên, chúng tôi có thể bớt đi được một tiết. Từ sau tiết học buổi trưa đến tiết tự học buổi tối, thời gian có vẻ dài hơn một chút, đa phần là tôi thường chọn đi đến thư viện để ngồi một chặp. Sách nơi ấy hầu như chưa có gì thay đổi, nhưng đã đủ cho nhu cầu của tôi, tuy đọc sách trên mạng cũng rất tiện lợi, nhưng tôi vẫn không quen lắm với kiểu đọc sách như thức ăn nhanh ấy, chỉ khi chân chính cầm sách trong tay, ngửi mùi mực thơm thoang thoảng, mới cảm thấy đó là “đọc sách.”

Đi thư viện sẽ phải băng ngang qua kịch trường Hoa Lôi. Trừ cái hòn non bộ mà tôi căm ghét kia, con đường này tôi vẫn rất yêu thích, bởi vì nó tĩnh mịch, nhỏ hẹp. Kế bên kịch trường Hoa Lôi còn có một phòng piano và một phòng nhảy nhỏ, đôi khi tiếng đàn piano êm dịu sẽ vẳng ra, khiên cho ta không khỏi nghĩ lan man. Thiên Trung có không ít học sinh chuyên môn nghệ thuật, góc nhỏ này là một mảnh không gian của họ. Nghe nói trong số bọn họ có rất nhiều người là do nhờ được cộng thêm điểm triển vọng nghệ thuật mới thi đậu được vào, đại đa số học sinh khác đều phàn nàn là không công bằng, tôi thì cảm thấy bọn họ phi thường đáng nể. Từ bé tôi vẫn luôn hâm mộ những nữ sinh có thể theo học nghệ thuật, âm nhạc và mỹ thuật đều có thể nuôi dưỡng tâm hồn của con người, cảnh giới thanh nhã tinh khiết, không phải ai cũng có thể tuỳ tiện cố gắng là có thể theo đuổi được.

Tôi tự nhận bản thân không có thiên phú kiểu đó.

Tôi bước đến chỗ ngồi quen thuộc của mình trong thư viện, đặt bình nước xuống xong xuôi, bút viết và tập vở cũng sắp xếp xong, chọn sách, ngồi xuống. Vừa ngước mắt lên, giật bắn mình —- Vu An Đoá.

Nhìn thêm cái nữa, mới phát hiện mình nhìn lầm rồi. Là một nữ sinh khác, mặt mũi không giống cô ta lắm, chẳng qua chỉ là cũng có một mái tóc dài hơi quăn quăn giống như cô ta. Tôi chợt thất thần, nhớ đến thần thái của cô ta lần đó lúc ngồi trước mặt tôi nói chuyện, và những câu chuyện cô ta nói liên quan đến hắn. Thật ra mỗi một chi tiết, tôi đều nhớ rất rõ ràng, không sao quên được. Còn có lá bùa hộ mệnh kia. Tôi nhớ lúc cô ta hỏi xin tôi, hào quang thu hút trong ánh mắt ấy, như một sợ dây siết cổ tôi lại, ép buộc tôi phải phun hết thảy những gì tôi đã ăn vào bụng.

Đúng rồi, lá bùa hộ mệnh, tôi đã để nó ở chỗ nào rồi?

Không biết bắt đầu từ lúc nào, mỗi lúc nghĩ ngợi lung tung không kiểm soát được, trong đại não sớm đã tựa như có gài bom nổ chậm, đúng giờ sẽ “bùm” một tiếng, nổ banh hết những tế bào dây dưa trong não, người lập tức tỉnh táo lên không ít. Cho nên, trước lúc trang giấy của cuốn vở sắp bị tôi vẽ đầy mạng nhện màu đen, tôi đã hoàn hồn, xé đi trang giấy đó, bắt đầu tiếp tục copy “Thành Kiến Và Lòng Tự Phụ” —- If a woman conceals her affection with the same skill from the object of it, she may lose the opportunity of fixing him.

Phía dưới tôi ghi lời phiên dịch của mình: Nếu như một người phụ nữ che dấu cảm tình của mình đối với người đàn ông mình yêu, cô ấy có thể mất đi cơ hội có được anh ta.

Là vầy sao?

Tôi nghĩ một chút, lại khẽ gạch đi câu văn mình đã viết xuống.

Buổi tối hôm đó đài radio của trường phát thanh một cuộc phỏng vấn với một nhân vật: “Gần đây, lại có tin tốt truyền đến: Học sinh năm nhất của trường chúng ta, trò Vu An Đoá, trong cuộc thi thanh thiếu niên quốc tế đã đoạt giải quán quân thiếu niên, đây là thành tích thanh thiếu niên tốt nhất của Trung Quốc trên sân khấu ba lê quốc tế, đã trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử thi đấu ba lê. Trò Vu An Đoá từ năm tuổi đã bắt đầu học ba lê…….”

Lúc phát thanh tin tức này, tôi còn đang ngồi trong ký túc xá ăn bát mì gói. Bên ngoài phòng ký túc xá rất huyên náo, Nhan Dự Dự đương nhiên cũng sẽ không bị lạc hậu đối với mấy vụ này, cô ấy là người đầu tiên nhìn thấy chiếc cúp mà Vu An Đoá đoạt được, ở trong ký túc xá miêu tả vô cùng sống động, những nữ sinh chưa được cập nhật đua nhau nhao nhao hỏi đủ thứ chuyện.

“Là bằng thuỷ tinh hay bằng kim cương thế?” Đấy là câu hỏi nóng bỏng nhất của bọn họ suốt buổi tối, nói về chiếc cúp của cô thiếu nữ múa ba lê ấy, và tám chữ “Quán Quân” được khắc trên đó bằng tám ngôn ngữ của tám quốc gia khác nhau.

“Thiên Trung chắc lại huênh hoang nữa rồi, nghe nói sẽ ăn mừng rất lớn, biểu diễn tường thuật, ngay đến lãnh đạo thành phố cũng sẽ tới, đài truyện hình trực tiếp phát sóng tại hiện trường!”

“Xem ra Vu An Đoá nổi tiếng rồi, đem ra so sánh thì Tưởng Nhã Hy hồi đó nhằm nhò gì! Không chừng bị đạo diễn nào đó nhắm trúng, thế là thành Chương Tử Di của Thiên Trung chúng ta!”

“Vu An Đoá người ta đã nói rồi, hiện giờ cô ấy chẳng tính gì cả, chỉ muốn ăn một tô mì cùng với Thuốc Độc.”

“Thật sao?” Đám nữ sinh cười khúc khích, “Coi bộ con gái đều một dạng như nhau ha, tình yêu vĩnh viễn là số một.”

……..

Không biết vì sao, tôi bỗng cảm thấy những lời thảo luận kia nghe rất chói tai, thật là tục không chịu được. Tôi lấy tai nghe của mình ra theo thói quen, dùng âm nhạc bít tai đến kín mít không lỗ hổng. Tôi đã không còn bài hát mới nào có thể nghe, Vương Phi đã rút khỏi sân khấu rất lâu rồi, hơn nữa nghe nói, cô ấy là vì tình yêu, ngày quay lại đã trở thành xa lắc xa lơ vô kỳ hạn.

Tôi thật không hiểu nổi, lẽ nào một đời của người phụ nữ, thực sự là vì yêu mà sống sao?

Dẫu cho thật là vậy đi nữa, tôi cũng nhất định muốn làm một người phụ nữ không giống với những người khác mới được.

(1) Nguyên văn của câu tiếng Tứ Xuyên A Nam nói là: 弄个子(làm sao)不(không)晓得(hiểu/biết cách)讲 (nói)哦(chứ). Sau khi mình ngồi xem vài videos trên youtube học cách nói tiếng Tứ Xuyên thì mình đoán ý câu đó là vậy, tạm để là vậy. Nếu mình gặp được dân bản xứ mình sẽ hỏi thêm.

________________________________________
Bình Luận (0)
Comment