Kiếm Động Trung Châu

Chương 43



Lại nói, khi nghe Nghi vương bảo sẽ trở về Đại Mạc để phụng dưỡng phụ thân, Giang Hoài Ngọc nói :



- Khi biểu ca trở về Trường Thanh Cung, xin cho tiểu đệ gửi lời vấn an bá phụ.



Giang Thừa Phong mỉm cười nói :



- Được rồi. Khi nào rảnh rỗi hiền đệ cũng nên đến Đại Mạc một chuyến.



Giang Hoài Ngọc đáp :



- Dạ vâng. Tiểu đệ nhất định sẽ đến Trường Thanh Cung ra mắt bá phụ.



Giang Thừa Phong lại nói :



- Tiểu huynh đi rồi, việc ở Tam cung nhờ hiền đệ chiếu cố giúp cho. Và tiểu huynh cũng sẽ cố sắp xếp để thỉnh thoảng đến Văn Đức Cung thăm hiền đệ. À này. Hiền đệ có gặp phải những sự gì khó khăn cần tiểu huynh giúp hay không.



Giang Hoài Ngọc nghĩ ngợi giây lát, đoạn nói :



- Khó khăn thì không. Nhưng muốn thảo phạt bọn Thông Thiên Giáo, việc tìm ra nơi đặt Tổng đàn của bọn chúng cũng là một vấn đề.



Giang Thừa Phong khẽ cau mày, nói :



- Nơi đặt Tổng đàn của Thông Thiên Giáo thì trước kia Thái Chính Cung đã tra ra rồi. Nhưng sau khi phát sinh xung đột với Thái Chính Cung, và bị thiệt hại nặng nề, bọn chúng đã rút vào hoạt động bí mật, Tổng đàn cũng được dời đi nơi khác, đến nay vẫn chưa tra ra được. Ngay cả nơi tọa lạc của các Ngoại đường cũng vậy.



Quan lão và Bách Lý Hạc chẳng phải trước kia chưa từng nghĩ đến điều này, nhưng vì bọn lão tin tưởng vào tài trí của Giang Hoài Ngọc, tin chắc rằng rồi đây chàng cũng sẽ có cách giải quyết, như trước đây chàng đã từng xử lý ổn thỏa những khó khăn tưởng chừng vô vọng. Bách Lý Hạc hỏi :



- Chúa công. Chẳng hay chúa công có phương sách nào không.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Cách thì chẳng phải là không có, nhưng buộc phải đi đường vòng, có hơi phiền phức đôi chút.



Giang Thừa Phong hỏi :



- Hiền đệ đã nghĩ ra những cách gì, hãy thử nói ra xem sao.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Phương sách tốt nhất là tìm cách bắt giữ một số tên giáo đồ Thông Thiên Giáo, địa vị bọn chúng càng cao càng tốt. Rồi khai thác bọn này để tra ra địa điểm tọa lạc của Tổng đàn.



Giang Thừa Phong gật đầu nói :



- Đó đúng là phương sách hữu hiệu nhất, nhưng muốn thực hiện thì không dễ đâu. Bọn giáo chúng Thông Thiên Giáo đều đã rút vào hoạt động bí mật. Bọn chúng đều đã thay đổi thân phận hay ẩn dấu tông tích, mỗi khi hoạt động trong võ lâm đều dùng thân phận giả. Giữa lúc đang hỗn loạn thế này, làm sao nhận biết được kẻ nào là giáo đồ Thông Thiên Giáo, còn kẻ nào không phải. Chỉ lo bắt lầm người rồi sẽ làm cho võ lâm càng náo loạn thêm, và sẽ gây ra hậu hoạn khôn lường.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Bọn chúng đã giấu mình trong hang thì chúng ta phải tìm cách làm cho chúng phải lộ diện. Cổ nhân có rất nhiều phương pháp có thể ứng dụng được trong những trường hợp thế này.



Giang Thừa Phong nói :




- Tiểu huynh cũng đã thử làm rồi. Tiểu huynh đã dùng pho Vô Tự Huyền Kinh làm mồi câu nhử, định sẽ câu cá lớn. Nhưng rồi chỉ có những con cá bé là chịu lộ diện. Còn bọn cá lớn lại càng giấu mình kỹ hơn nữa. Cuối cùng, trong bọn đã cắn câu, chỉ có Trường Hận Môn là đáng kể mà thôi.



Nhưng rồi Giang Thừa Phong chợt ồ lên, nói :



- Tiểu huynh xin lỗi. Đúng ra tiểu huynh không nên nhắc đến Trường Hận Môn khiến cho hiền đệ phải đau lòng.



Giang Hoài Ngọc cúi đầu, khẽ nói với giọng hơi buồn :



- Tiểu đệ không sao đâu ạ.



Quan lão hiếu kỳ hỏi xen vào :



- Trước nay chúa công luôn tránh nhắc đến Trường Hận Môn, bọn lão phu cũng chẳng hiểu nguyên nhân tại sao cả.



Giang Thừa Phong nói :



- Danh tự này có liên quan đến một vết thương lòng ngày trước của Ngọc đệ. Ngọc đệ đã phải chịu nhiều bất hạnh, và vấn đề này cũng là một trong số đó. Từ nay các vị tiên sinh nên tránh nhắc đến danh tự này để Ngọc đệ khỏi phải nhớ đến chuyện xưa mà thêm đau lòng.



Quan lão gật đầu nói :



- Bọn lão phu hiểu rồi.



Giang Thừa Phong nhìn Giang Hoài Ngọc, hỏi :



- Còn chuyện điều tra hạ lạc của Tổng đàn Thông Thiên Giáo, hiền đệ đã nghĩ ra cách gì khả dĩ có thể thi hành.



Giang Hoài Ngọc trầm tư nghĩ ngợi, sau đó mới nói :



- Việc này … để tiểu đệ suy nghĩ thêm đã. Để xem tình hình thế nào rồi mới quyết định được.



Giang Thừa Phong gật đầu nói :



- Việc này quả thật rất khó khăn. Tiểu huynh hy vọng hiền đệ có thể nghĩ ra được diệu sách khả thi.



Giang Hoài Ngọc vâng dạ, rồi chợt đưa mắt nhìn Thư Thế Dương, nói :



- Biểu ca đến thăm tiểu đệ mà lại đưa vị tiểu huynh đệ này đi theo, chắc là phải có việc chi đó liên quan đến y.



Giang Thừa Phong cười nói :



- Mải nói chuyện mà chút nữa là tiểu huynh quên mất. Bên Văn Đức Cung của hiền đệ có rất nhiều cao nhân dị sĩ, tiểu huynh đưa tiểu tử này đi theo là muốn hiền đệ cho phép y được theo một vị nào đó học nghệ.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Bên biểu ca cũng có lắm nhân tài mà.



Giang Thừa Phong mỉm cười nói :



- Ở Thái Chính Cung chỉ có Thái lão và Trang lão là đáng kể. Nhưng tiểu tử này đã theo học hết tuyệt nghệ của hai vị đó rồi. Vì thế tiểu huynh đành phải đưa y sang bên hiền đệ. Mong hiền đệ có thể thành toàn cho y.



Giang Hoài Ngọc lại nhìn Thư Thế Dương, hỏi :



- Tiểu huynh đệ theo học nhiều vị danh sư như vậy, phải chăng muốn trở thành nhất đại tôn sư hay muốn làm ấn chủ võ lâm.



Thư Thế Dương cúi đầu nhìn xuống, tránh nhìn vào ánh mắt của Giang Hoài Ngọc. Y ấp úng nói :



- Không … không phải … hài nhi không có ý đó.



Bách Lý Hạc cười hỏi :



- Vậy hài tử muốn học võ công để làm gì.



Thư Thế Dương ấp úng đáp :



- Hài nhi … hài nhi … mối gia thù của hài nhi.



Bách Lý Hạc nói :



- Kẻ thù của hài tử là ai. Có cần lão phu giúp gì hay không.



Thấy y ngần ngừ, lão lại nói tiếp :



- Chắc kẻ thù của hài tử phải là một nhân vật lợi hại lắm nên hài tử mới phải theo thụ giáo nhiều vị danh sư để học nhiều tuyệt nghệ như vậy. Hài tử có thể nói cho lão phu biết danh hiệu của nhân vật đó hay không.



Thư Thế Dương cứ ấp úng mãi mà không nói được. Bọn Quan lão và Bách Lý Hạc thấy thế thì càng thêm hiếu kỳ, cứ gặn hỏi mãi. Và họ Thư cũng cứ mãi ấp úng. Cuối cùng, Giang Thừa Phong mới nói :



- Đối tượng mà y muốn báo thù chính là ta đấy.



Quan lão, Bách Lý Hạc và ngay cả Giang Hoài Ngọc đều đưa mắt nhìn Giang Thừa Phong. Nhưng thái độ của ba người vẫn bình tĩnh, chỉ hơi lộ vẻ ngạc nhiên chứ không giật mình rúng động như thái độ của bọn Thái lão ở Phẩm Hương Viện lúc trước. Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Biểu ca. Chuyện này là thế nào ạ. Biểu ca có thể nói cho tiểu đệ được biết hay không. Tiểu đệ có thể thay biểu ca mà gánh lấy một phần trách nhiệm.



Giang Thừa Phong lắc đầu nói :



- Trách nhiệm này tiểu huynh đã nói là sẽ tự mình đảm đương. Hiền đệ không nên thay tiểu huynh mà gánh vác trách nhiệm.



Giang Hoài Ngọc suy nghĩ giây lát, rồi lại nói :



- Nhưng biểu ca có thể cho tiểu đệ được biết sự việc thật ra là thế nào không.



Giang Thừa Phong nói :



- Chuyện Ngọc muội giết chết phụ thân y chắc hiền đệ đã biết rồi.



Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :




- Vâng ạ. Tiểu đệ hiểu rồi. Biểu ca cứ để tiểu huynh đệ này ở lại đây. Tiểu đệ sẽ có cách sắp xếp.



Giang Thừa Phong nói :



- Được rồi. Việc của y tiểu huynh trông cậy nơi hiền đệ đấy.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Vâng. Xin biểu ca cứ yên tâm.



Đoạn chàng quay sang nhìn Quan lão và Bách Lý Hạc, hỏi :



- Theo nhị vị tiên sinh thì nên để vị tiểu huynh đệ đây theo thụ giáo ai.



Quan lão nói :



- Lão phu đã có hai đệ tử rồi, mà Uông huynh đệ và Bách Lý huynh đệ vẫn chưa có tên đồ đệ nào. Nếu lão phu còn nhận y nữa thì thật không phải. Lão phu có thể truyền võ công cho y, nhưng không tiện nhận y làm đồ đệ.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Vậy Bách Lý tiên sinh hãy nhận y nhé.



Bách Lý Hạc nói :



- Lão phu nhận y làm đồ đệ thì cũng được thôi. Nhưng bấy lâu nay Uông lão ca cứ mãi than phiền là ở trong cung không có việc gì làm nên buồn chán. Lão phu muốn nhường y lại cho Uông lão ca nhận làm đồ đệ. Còn như việc truyền dạy võ công thì lão phu có thể đáp ứng.



Giang Hoài Ngọc gật đầu nói :



- Thế cũng được. Để cho Uông tiên sinh thu y làm đệ tử. Tiên sinh hãy sắp xếp việc đưa y về cung.



Bách Lý Hạc cung kính vâng dạ. Giang Thừa Phong lại nói :



- Còn chuyện này nữa. Sẵn nhắc đến Ngọc muội, tiểu huynh mới nhớ ra. Ngọc muội rất mong nhớ hiền đệ. Hy vọng hiền đệ có thể đến Nghi cung một chuyến. Ngọc muội rất có cảm tình với hiền đệ và luôn mong gặp lại hiền đệ đó.



Giang Hoài Ngọc ngập ngừng nói :



- Nhưng … Vương tỷ tỷ lại là … là thê tử của biểu ca cơ mà.



Giang Thừa Phong cười nói :



- Tuy nàng là thê tử của tiểu huynh, nhưng những việc giao thiệp của nàng tiểu huynh đều không hỏi đến. Chỉ cần nàng thấy vui là được. Tiểu huynh cũng hy vọng khi nàng gặp lại hiền đệ, nàng sẽ cảm thấy vui hơn.



Đưa mắt nhìn Giang Hoài Ngọc, chàng lại nói :



- Tiểu huynh cũng không muốn khiến hiền đệ phải khó nghĩ. Nhưng tiểu huynh rất hy vọng hiền đệ có thể vì tiểu huynh mà đến Nghi cung thăm Ngọc muội một lần, và cũng mong hiền đệ hãy đối xử tốt với nàng. Có thể vì nàng cũng giống như tiểu huynh, ngay từ nhỏ đã phải sống cô thân một mình, nên khi có được một vị đệ đệ như hiền đệ thì nàng rất vui. Do vậy mà nàng đã có nhiều cảm tình với hiền đệ. Nếu có thể, mong hiền đệ hãy chiều nàng một chút.



Giang Hoài Ngọc cúi đầu nói :



- Vâng ạ. Vương tỷ tỷ có đại ân với tiểu đệ, tiểu đệ nào dám làm điều gì trái ý. Tiểu đệ sẽ cố gắng thu xếp ổn thỏa mọi việc. Khi nào mọi sự xong xuôi hết, tiểu đệ sẽ đến Nghi cung ngay.



Giang Thừa Phong mỉm cười nói :



- Tiểu huynh đa tạ hiền đệ. Giờ thì tiểu huynh không làm phiền hiền đệ lâu hơn nữa. Chúng ta tạm chia tay nhé.



Giang Hoài Ngọc vội đứng dậy vòng tay nói :



- Dạ. Tiểu đệ luôn mong chờ biểu ca hạ giá đến thăm. Biểu ca nhớ đến thăm tiểu đệ nhé.



Giang Thừa Phong gật đầu nói :



- Được rồi. Tiểu huynh nhất định sẽ lại đến thăm hiền đệ.



Giang Hoài Ngọc đưa tiễn biểu ca của chàng đến tận bờ sông. Giang Thừa Phong đã lên xa giá đi rồi mà chàng còn cứ mãi ngẩn người nhìn theo bóng dáng vị biểu ca thân yêu của chàng.



Lâu thuyền vẫn đang lững lờ trên dòng Tần Hoài hoa mỹ …



Trong tịnh thất trên lâu thuyền, Giang Hoài Ngọc đang cùng Quan lão và Bách Lý Hạc luận bàn công việc.



Giữa lúc ấy, bỗng đâu từ bên ngoài có tiếng nói trong trẻo nhưng nghiêm trang nói vọng vào :



- Chúa công.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Có chuyện chi thế.



Giọng thiếu nữ bên ngoài :



- Trình chúa công. Ở trên bờ có một người tự xưng là Chu Kỳ Xương xin được triệu kiến.



Giang Hoài Ngọc đưa mắt nhìn Quan lão và Bách Lý Hạc, hỏi :



- Họ Chu kia là người thế nào, nhị vị tiên sinh có biết không.



Quan lão quay sang Bách Lý Hạc, nói :



- Lão phu rút lui khỏi võ lâm đã hơn ba chục năm rồi. Những nhân vật nổi danh về sau này lão phu không hiểu rõ mấy. Huynh đệ có nhận biết lai lịch của gã họ Chu kia hay không.



Bách Lý Hạc trầm ngâm hồi lâu, mới đáp :



- Cái tên này đệ đã từng được nghe qua. Nếu như đệ nhớ không lầm thì dường như gã này được xem là tai mắt của võ lâm, được người võ lâm gán cho ngoại hiệu là Vạn Bác Thư Sinh.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Sao lại gọi là Vạn Bác thư sinh.



Bách Lý Hạc đáp :




- Trình chúa công. Vì những người trong võ lâm cho rằng hắn ta muôn việc đều hiểu biết, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, mọi việc lớn nhỏ gì trong võ lâm hắn ta cũng đều hiểu biết tường tận cả. Do đó mới gọi là Vạn Bác thư sinh.



Quan lão lắc đầu nói :



- Thật như vậy chứ. Lão phu thấy thuyết này chẳng đáng tin một chút nào.



Bách Lý Hạc cười nói :



- Người trong võ lâm đều đồn đại như thế, lâu dần rồi ai cũng đều tin như vậy, còn sự thật ra sao thì chưa biết. Có điều, hắn ta là một người biết nhiều hiểu rộng thật chứ không phải là ngoa truyền đâu.



Giang Hoài Ngọc hỏi :



- Tính hạnh y thế nào.



Bách Lý Hạc nói :



- Hắn ta là người chính phái, cũng chưa nghe nói có tai tiếng gì. Dù sao thì chúa công cũng nên tiếp kiến hắn.



Giang Hoài Ngọc gật đầu. Chàng quay lại nói với thiếu nữ vẫn đang nghiêm cẩn thị phụng bên ngoài :



- Truyền cho đưa người đó vào thẳng nơi đây. Nhớ phải tiếp đón người ta một cách lịch sự đấy.



Hoàng y thiếu nữ cung kính tuân mệnh, phụng chỉ đi triệu kiến họ Chu. Quan lão ngạc nhiên hỏi :



- Sao chúa công không thăng điện mà cho đưa hắn vào thẳng đây.



Bách Lý Hạc mỉm cười :



- Lão ca chưa hiểu ư. Chúa công đã chấm họ Chu rồi đấy.



Giang Hoài Ngọc nói :



- Còn phải xem sao đã.



Quan lão nói :



- Chỉ sợ hắn ta là một kẻ hữu danh vô thực, chẳng xứng đáng với lòng kỳ vọng của chúa công.



Lát sau, cửa phòng mở ra, một Hoàng y thiếu nữ tiến vào, theo sau là một nho sinh áo xanh, độ bốn mươi tuổi, diện mạo thanh nhã, ẩn hiện một vẻ anh khí, dáng điệu ung dung đầy vẻ tự tin.



Quan lão và Bách Lý Hạc đều cười thầm, có vẻ xem thường y. Hai người đều cho rằng những kẻ quá tự tin về mình thường không có thực tài. Người có thực tài phải khiêm tốn, anh hoa nội liễm.



Vừa vào phòng, Hoàng y thiếu nữ liền hướng vào Giang Hoài Ngọc cung kính vái lạy, rồi lập tức lui ra ngay. Thanh y nho sinh cũng là người hiểu lễ, hướng vào Giang Hoài Ngọc chắp tay thi lễ, nói :



- Tại hạ là Chu Kỳ Xương, xin ra mắt công tử và nhị vị tiên sinh.



Giang Hoài Ngọc đưa mắt ngắm nhìn họ Chu, khẽ gật đầu nói :



- Cô gia tạm miễn hết các lễ nghi. Chu khanh gia hãy ngồi đi.



Chu Kỳ Xương vòng tay nói :



- Đa tạ công tử.



Đoạn y ngồi xuống chiếc ghế còn trống bên hữu Bách Lý Hạc, cũng tức là ngồi giữa Bách Lý Hạc và Quan lão. Đợi y ngồi xuống xong, Quan lão đưa tay vuốt chòm râu mới chỉ lấm tấm bạc, mỉm cười hỏi :



- Ngươi được bọn người trong giới võ lâm tôn xưng là Vạn Bác thư sinh, chắc là kiến văn phải quảng bác lắm.



Chu Kỳ Xương nói :



- Không dám. Tại hạ chỉ biết được ít việc thôi.



Tuy ngoài miệng nói vậy, nhưng trong ánh mắt y xem ra có vẻ kiêu hãnh. Quan lão cười thầm, nói tiếp :



- Vậy ngươi có nhận biết lão phu là ai không.



Chu Kỳ Xương chăm chú ngắm nhìn dung mạo Quan lão, bất giác biến sắc mặt, lập tức đứng ngay dậy, cung kính chắp tay nói :



- Thì ra chính là Sinh Tử Phán lão tiền bối. Uy danh của lão tiền bối đã lừng lẫy võ lâm từ hơn bốn mươi năm về trước. Tại hạ là hàng hậu bối, may mắn được bái kiến, thật vô cùng vinh hạnh.



Đoạn y lại quay sang Bách Lý Hạc, vòng tay nói :



- Tại hạ cũng xin bái kiến Bách Lý đại hiệp.



Quan lão thấy y đã xuống nước nhũn nhặn như thế thì tạm hài lòng, vuốt râu cười ha hả nói :



- Chúa công đã miễn hết các lễ nghi. Ngươi bất tất phải khách sáo như vậy. Thế ngươi có nhận biết chúa công hay không.



Chu Kỳ Xương lại chăm chú ngắm nhìn Giang Hoài Ngọc. Y nhận thấy chàng phong nghi tuấn dật, ngọc diện thanh tú, nhưng lại thiếu hẳn vẻ uy nghiêm hùng tráng của một bậc lãnh tụ quần hùng. Phải nói rằng trông chàng thật quá hiền lành, không hề giống loại người có thể mưu việc lớn. Y cảm thấy ngạc nhiên về điểm ấy, và cũng rất thắc mắc. Phong thái của chàng hoàn toàn khác với những gì y đã từng tưởng tượng trước đây. Y ngẩn người nhìn chàng chằm chằm.


Bình Luận (0)
Comment