8
Trước khi vào nhà, tôi kiểm tra lại lần nữa, đảm bảo chiếc cà vạt giấu trong cặp sách sẽ không bị phát hiện.
Sau đó, tôi giơ tay gõ cửa.
Bên trong có người vọng ra tiếng trả lời, kèm theo tiếng cằn nhằn thiếu kiên nhẫn.
“Gõ cái gì dữ vậy, đòi mạng à!”
Người ra mở cửa đi dép lê, là mẹ kế của tôi.
Bà hừ một tiếng, nói:
“Giờ này mới về, không có chừa cơm đâu.”
Tôi khẽ gật đầu: “Vâng, con trực nhật về muộn, không sao ạ, con không đói.”
Tôi đang định về phòng nhưng chưa đi được hai bước đã bị gọi lại.
Bố tôi ngồi bên bàn ăn vẫy tay về phía tôi: "Tiểu Noãn, lại đây."
Khi ở nhà, bố sẽ gọi tôi bằng tên thân mật này, nhưng giọng điệu của bố lại chẳng khác nào khi ở trường.
Đúng vậy, bố tôi là giáo viên dạy ở trường.
Bố chính là người coi trọng kỷ luật, từng bắt tôi đứng phạt giơ cặp sách ở cửa.
Bố đặc biệt nghiêm khắc với tôi, ở nhà cũng không thiếu những lời phê bình dạy bảo.
Tôi vốn sợ bố, lúc này cũng chỉ có thể gắng gượng bước tới.
Chẳng qua bố cũng chỉ trách mắng tôi về muộn, không có quy củ, đều là những lỗi lầm cũ rích.
Tôi cúi đầu nghe một lúc, bố khẽ hắng giọng, rồi đi thẳng vào chủ đề chính.
"Chuyện giữa con và Chu Kỳ rốt cuộc là thế nào, bố không hỏi, nhưng con phải hiểu một điều."
Bố nhìn chằm chằm vào tôi, nói: "Ruồi không đậu trứng có vết nứt, một bàn tay vỗ không nên tiếng*."
(*) Nghĩa là có chuyện gì xảy ra thì nguyên nhân có thể là từ hai phía, không nên đổ lỗi cho một bên.
"Nếu con tập trung tinh thần, dồn hết sức vào học tập thì dù trời có sập xuống cũng không ảnh hưởng đến con. Chu Kỳ có nghịch ngợm thế nào, con cứ mặc kệ cậu ta là được. Cứ phải đòi đổi chỗ làm gì cho mệt, có thời gian đó chi bằng học thuộc thêm mấy công thức trọng điểm, thành tích của con cũng không đến nỗi giảm sút nhiều như vậy."
"Nói cho cùng, vẫn phải tìm vấn đề ở bản thân mình, tự kiểm điểm nhiều vào, nghe rõ chưa?"
"...Nghe rõ rồi ạ."
Nghe tôi trả lời xong, bố hài lòng tổng kết.
"Chuyện đã đến nước này, cứ vậy đi. Tuần sau sẽ có bạn học mới chuyển đến lớp, đến lúc đó bố sẽ xếp con ngồi cùng bàn với bạn ấy. Con phải làm gương, dẫn dắt người ta cho tốt."
Bố uống một ngụm nước, đứng dậy vỗ vai tôi.
"Tiểu Noãn, bố là giáo viên, làm gì cũng là vì tốt cho con. Con thông minh, hiểu chuyện như vậy, chắc chắn sẽ không làm bố thất vọng đâu, đúng không?"
"... "
Theo lẽ thường, tôi nên gật đầu đồng ý, nói "phải".
Nhưng giờ đây, tôi lại không thể nào mở miệng được.
Lại là những lời này.
Chỉ vì bố là giáo viên, mà tôi lại học ở trường bố dạy, nên mọi việc tôi làm đều phải tốt nhất.
Thành tích phải xuất sắc, cuộc sống phải quan tâm, chăm sóc bạn bè.
Tôi là công cụ để bố bù đắp những thiếu sót trong công việc, là bộ mặt và thành quả sư phạm của bố.
Nhưng dưới tất cả những điều đó, tôi lại không nhận được sự khích lệ và quan tâm.
Bởi vì là con mình, nên bố có thể tùy ý trách mắng, để răn đe những học sinh khác.
Dù có tổn thương hay buồn bã, tôi cũng sẽ được dạy dỗ rằng người giỏi thì làm nhiều, chịu thiệt là phúc.
Bố dùng sự ấm ức của người nhà để vun đắp cho sự viên mãn của đại cục.
Rất nhiều phụ huynh đều khen ngợi bố, nói bố tận tâm tận lực với nghề, dạy dỗ có phương pháp, chắc hẳn đối với con cái cũng rất nghiêm túc.
Nhưng chỉ có tôi biết, bố không phải là một người cha tốt.
Mệnh lệnh ban xuống, bố chỉ cần tôi tuân theo, không cần biết tôi có đồng ý hay không.
"Lát nữa rửa bát xong thì về phòng ôn bài cho kỹ, cuối kỳ đừng để trượt nữa đấy."
Lời vừa dứt, bố thong thả rời đi.
Còn tôi vẫn im lặng.