Mắt Bão

Chương 35

Type: Nhã

Tôi bỏ hai tay vào túi áo, cằm cúi gằm chôn trong khăn lụa, yên lặng đứng sau Tần Sâm, nhìn anh khoá trái cửa.

“Đi siêu thị hay đi trung tâm thương mại trước?” Đến lúc anh bỏ chìa khoá vào túi quần, tôi mới lên tiếng hỏi. Buổi trưa ở thành phố V dù là đang vào mùa hè cũng không nắng gắt, ánh mặt trời ấm áp vờn quanh da thịt, khiến người ta vô thức có chút lười nhác.

“Siêu thị?” Tần Sâm quay người lại, hơi nhướng mày, kéo tay tôi móc vào cánh tay anh theo thói quen, “Trong nhà thiếu gì à?”

Tôi đưa tay trái kéo khăn lụa quấn quanh cổ, cố gắng giấu nó trong cổ áo: “Sắp hết sủi cảo rồi”.

“Vậy nên đi chợ mua thịt và vỏ bánh sủi cảo.” Anh lập tức kéo tôi bước xuống mấy bậc tam cấp trước cửa, thong thả đi trên con đường dẫn đến chợ.

Giọng điệu như lẽ đương nhiên này khiến tôi không thể không ngừng bước, siết lấy cánh tay anh, kéo chậm bước tiến của anh. Tần Sâm không ngờ tôi lại đột ngột làm vậy, vẫn duy trì dáng điệu hất hàm, bình tĩnh nghiêng mặt qua nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ. Tôi nhìn vào mắt anh, đề xuất một điều kiện: “Trừ phi anh gói chung với em.”

Như thể điều kiện này của tôi vô cùng thừa thãi, anh dời mắt đi, nắm lấy tay tôi khoác chặt vào khuỷu tay anh, thờ ơ thốt ra một câu “Dĩ nhiên” rồi kéo tôi đi tiếp. Tôi không định cho anh toại nguyện, ra sức kéo anh lại, nói ngắn gọn: “Tay em đau, không băm được nhân thịt”.

“Anh băm”.  Anh đáp không hề nghĩ ngợi, dợm bước lần nữa.

Tôi lại kéo anh.

“Lần nào anh cũng nói vậy.” Tôi nói cực chậm, thử khiêu chiến ranh giới nhẫn nại của anh, “Nhưng chỉ băm được một nửa lại chạy tọt về thư phòng viết kế hoạch thí nghiệm, vứt lại việc băm thịt và gói sủi cảo lại cho mình em”.

Cuối cùng Tần Sâm quay người nhìn thẳng vào tôi. Có lẽ anh cũng đã nhớ lại những lời tôi nói đều là thật, vì thế chỉ mím môi nhìn tôi một lát rồi cam đoan: “Lần này sẽ không đâu”. Nói xong anh không quên nhìn từ đầu đến chân tôi một lượt, ánh mắt trở nên sâu xa, như thế muốn nhận biết tôi lần nữa, “Anh không biết hoá ra anh lại không đáng tin đến vậy”.

Tôi tỉnh bơ đối mặt với anh trong chốc lát, không đáp lại câu nào, buông cánh tay anh ra rồi sải bước đi về phía chợ. Tần Sâm rảo bước đuổi theo, anh vốn đi nhanh nên tôi không thể không tăng tốc, nhưng không thể nào bì với anh nổi. Anh đi tới nắm tay tôi khoác vào tay anh, chầm chậm nói: “Anh đã gần như quên mất điệu bộ làm nũng của em nên phản ứng chậm một chút, xin lỗi”.

Tôi không phản bác được, đành nghiêm mặt sửa câu: “Em đang nổi giận mà”.

Anh gật đầu, ngược lại rất thức thời: “Đúng, em đang giận”.

Tôi càng muốn phớt lờ anh.

Chợ trưa thưa người, mua hẹ, ngô và nấm hương xong, tôi mua thêm một ít thịt tươi rồi định rời đi, không ngờ lúc đi ngang qua khu tôm cá bị Tần Sâm kéo lại.

“Trước kia em làm sủi cảo thường bỏ thêm tôm vào nhân thịt.” Anh liếc nhìn đám tôm sú trong hồ, uyển chuyển nhắc nhở.

Tôi dừng chân quay lại nhìn anh, thoáng kinh ngạc: “Em cứ tưởng anh không biết đấy.”

“Thật ra anh biết mọi thói quen của em đấy.” Anh hất cằm cao cao, giọng điệu khinh khỉnh, mà không hề nhận ra điệu bộ áo quần bảnh bao nhưng tay trái xách rau, tay phải xách thịt này của anh trông rất buồn cười. Cảm giác gượng gạo khi nãy cũng nhạt đi không ít.

Thế là tôi vừa mua tôm sú vừa thuận miệng hỏi anh: “Có muốn mua thêm để gói bánh hẹ không?”

Trước giờ Tần Sâm rất thích bánh hẹ, bản thân anh cũng thích gói, dù thành phẩm cực kỳ giống hình học đối xứng. Mà anh lại luôn cho rằng mình gói rất đẹp. Có thể là vì gien nghệ thuật di truyền từ cha mẹ, hễ là thứ đối xứng, trong thẩm mỹ quan của anh đều là hoàn mỹ.

Vì vậy nghe tôi đề nghị muốn mua thêm về gói bánh hẹ, anh liền hớn hở đồng ý.

Mang tất cả thức ăn về nhà, chúng tôi mới đi trung tâm thương mại mua vài bộ đồ mới cho anh. Trước khi đi Tần Sâm lấy theo một chiếc ô ở ba công, tôi quay đầu nhìn ánh nắng vàng óng ấm áp ngoài cửa, trầm mặc bày tỏ sự nghi ngờ với hành động quái lạ này của anh.

Dường như anh không hề chú ý đến ánh mắt tôi, thấy tôi không nói gì cũng chỉ quay trở lại lấy chiếc khăn lụa tôi lén cởi ra giấu dưới sô pha, nghiêm túc quấn lại cho tôi.

Lần thứ hai trong ngày tôi cảm thấy không biết phải nói sao.

Suốt quãng đường Tần Sâm không hề bung ô, đến tận khi băng qua con đường rợp bóng cây trước quảng trường Hoà Bình, anh mới chợt nắm tay tôi nói “Đợi đã” rồi giương ô lên, lôi tôi đi dưới tán. Lúc sắp đến giữa đường, có thứ gì đó lộp độp rơi xuống như hạt mưa. Tôi thoáng giật mình, chỉ có thể thấy có thứ gì đó không ngừng đáp xuống đám đá cuội, để lại từng vệt màu trắng.

“Cái gì thế?” Tôi nắm chặt tay Tần Sâm.

“Phân chim”. Anh bó bàn tay còn lại ra khỏi túi, nắm lấy tay phải của tôi, tốc độ nói và bước chân nhanh như nhau, “Chiều nào chim bồ câu ở quảng trường Hoà Bình cũng bài tiết trên con đường này.”

Được rồi, tôi đã biết nguyên nhân anh mang theo ô. Bởi hiếm khi đi qua con đường này nên suốt ba năm qua tôi chưa bao giờ nghe nói đến chuyện ấy cả.

“Nhưng thế này cũng bẩn ô rồi.” Suy nghĩ giây lát, tôi quyết định nhắc nhở, “Anh nên nói cho em biết trước, để em bọc nilon trên mặt ô”.

“Đều này chứng minh suy nghĩ của chúng ta kết hợp lại với nhau có thể giải quyết đa số phiền phức, song chỉ thiếu chút trao đổi thôi.” Đáng tiếc Tần Sâm không hề tâm ý tương thông với tôi, ít nhất anh cố ý xuyên tạc ngụ ý của tôi. Tôi nghĩ ngợi rồi đành nói trắng ra cho anh biết, “em chỉ muốn biểu đạt là em không muốn sau khi về nhà phải giặt ô thôi.”

Anh vân vê lòng bàn tay tôi, không hề ngạc nhiên với câu này, chỉ ậm ừ một tiếng khe khẽ, lẩm bẩm: “Có lẽ còn thiếu một chút ăn ý.”

Tôi quyết định vờ như không nghe thấy.

Đi bộ đến trung tâm thương mại đã là ba giờ rưỡi, may mà Tần Sâm có thương hiệu trang phục yêu thích, chúng tôi không cần đi dạo lâu, chỉ cần di thẳng đến đích rồi chọn lựa. Tôi luôn tin tưởng vào gu ăn mặc của Tần Sâm, nên chưa bao giờ xen vào chuyện anh mua quần áo, bình thường chỉ ở bên cạnh, nhàn nhã xem mẫu mới. Ba năm rồi mới đi xem trang phục nam, tôi không hề bất ngờ khi phát hiện mốt thịnh hành đã thay đổi. Ngược lại áo sơmi và vest thì không bao giờ lỗi mốt, vừa khéo Tần Sâm cũng thích phong cách này.

Anh chọn hai chiếc áo sơ mi mỏng mặc thử, lúc nhìn thấy anh mặc chiếc thứ hai đứng trước gương, tôi có thể đoán ngay được anh đang nghĩ gì.

“Anh thích cái này hơn à?” Tôi khoác một tay lên dãy áo trước người, nhìn anh từ trên xuống dưới một lượt.

Nhìn tôi qua gương, Tần Sâm chỉnh cổ áo, không lên tiếng, nhưng dáng vẻ ung dung kia đã nói rõ tất cả. Nhân viên nữ đứng sau lưng anh vô cùng thông minh, tiến lên chỉnh cổ áo giúp anh, sau đó nghiêng người nhìn về phía tôi, hé miệng định cất lời.

Trước khi cô ta kịp khen lấy khen để, tôi đã lấy chiếc áo sơ mi Tần Sâm vừa thay đang vắt ở khuỷu tay anh đưa cho cô, đồng thời mỉm cười: “Vậy thì mua cái này đi”.

Nữ nhân viên bán hàng do dự nhận lấy, hơi khó xử, theo bảng năng quay đầu lại nhìn Tần Sâm. Còn anh thì đang nhíu mày trong gương, đôi mắt nhìn chòng chọc vào mặt tôi.

“Áo tối màu của anh nhiều quá rồi”. Đón nhận ánh mắt anh tôi bắt chước theo giọng điệu nghiêm trang của anh giải thích, cố hết sức biểu hiện hùng hồn, “Hơn nữa, nếu muốn mua mới thì đừng mua kiểu đã có nữa.”

Đôi mắt đen thâm thuý của anh nhìn tôi chốc lát, mới hất cằm ra hiệu với nhân viên bán hàng: “Lấy chiếc này”, sau đó kéo cửa phòng thử đồ, trước khi bước vào anh quay người nhìn về phía tôi, vẻ mặt nghiêm túc, ánh mắt u ám: “Chỉ lần này thôi, lần sau không được việc cớ này nữa.”

Vừa dứt lời anh liền đi vào phòng thử đồ, đóng cửa lại với lực vừa phải.

Tôi nhún vai với nhân viên bán hàng cười xoà ra vẻ bất đắc dĩ.

Bốn mươi phút sau, tôi đứng ở bên cạnh tay vịn thang cuốn dẫn xuống lầu một chờ Tần Sâm. Anh đang xếp hàng trả tiền, để tôi ở đây xem thử có kiểu quần tất nào tôi thích hay không. Tôi không có hứng thú mua quần áo, lơ đãng đi dạo một vòng, cuối cùng dứt khoát tựa vào lan can thang cuốn chờ anh.

Một người mẹ trẻ đang dẫn theo đứa bé lựa chọn vớ da chân, cậu nhóc buông tay cô ta ra chạy vòng quanh giá áo, chốc lát sau liền chạy đến chỗ lan can thang máy. Người mẹ vẫn đứng lựa đồ không chú ý đến cậu, chỉ cất cao giọng dặn dò không được chạy lung tung. Cậu nhóc khoảng chừng hơn ba tuổi, mặc quần yếm và giày da, bước đi loạng choạng, kề sát vào lan can nhìn xuống dưới một hồi lại hiếu kỳ muốn đi đến nghịch tay vịn thang cuốn.

Lo cậu nhóc bị ngã, tôi đưa tay bắt lấy cánh tay nhỏ bé của cậu, kéo nhẹ lại: “Cái này không nghịch được, rất nguy hiểm.”

Lúc này cậu nhóc mới chú ý đến tôi, ngẩng đầu lên sợ hãi, đôi mắt tròn xoe ươn ướt, trong veo như chú nai con. Tôi bất chợt nhớ lại đứa con của mình. Nếu nó không chết, bây giờ chắc cũng lớn cỡ cậu nhóc này. Đáng tiếc nó còn chưa có cơ hội mở mắt, thậm chí tôi không biết mắt nó ra sao nữa.

Bấy giờ chuông báo động chói tai thình lình vang lên, cắt ngang suy nghĩ của tôi.

Đã lâu không nghe đến âm thanh này, vài giây sau tôi mới ý thức được đây là chuông báo cháy. Khách hàng xung quanh sững sờ trong giây lát mới kịp phản ứng, tiến kêu sợ hãi huyên náo dấy lên bốn phía, một hai người phụ nữ mang giày cao gót hốt hoảng chạy về phía tôi. Tiếng hét kinh hoàng lướt qua tai tôi, đồng thời cũng quấy nhiễu cảm xúc của người xung quanh. Trong tiếng chuông báo động inh ỏi, tiếng người hỗn loạn thêm phần chấn động.

Lúc tôi ngộ ra thì đã muộn, dòng người đã ùn ùn kéo đến lan can thang máy và cầu thang bộ phía bên này.

Biển người nghìn nghịt ùa tới, từng gương mặt trắng bệch kinh hãi hiện ra trước mắt, tôi lùi ra sau theo bản năng, cơn khủng hoảng và hoang man đột ngột bóp chặt trái tim.

“Tần Sâm?” Tôi tựa sát vào lan can, cố gắng tỉnh táo tìm kiếm bóng dáng Tần Sâm trong đám người, nhưng trước mắt chỉ toàn đầu người lúc nhúc, hoàn toàn không thấy rõ mặt ai. Có người đẩy tôi sang một bên, tôi lảo đảo suýt ngã, trong thoáng chốc nghe thấy tiếng khóc của đứa bé: “Mẹ...mẹ…”.

Tiếng kêu gào như kim châm vào màng nhĩ tôi, tôi nhìn theo hướng âm thanh, thấy cậu bé khi nãy bị chen lấn đến trước tay vịn thang cuốn, khuôn mặt tinh khôi sợ đến mức trắng bệch như tờ giấy. Đôi tay nhỏ bé níu lấy tay vịn thang máy không ngừng chuyển động, hai chân vùng vẫy chạy ra khỏi thang máy. Dáng người thấp bé bị xô đẩy, chen giẫm bởi những đôi chân dài của đám người lớn hối hả, khiến cậu bé lúi chúi gần như ngã xuống thang cuốn.

Cậu nhóc chỉ có thể kêu gào bất lực, bóng dáng nho nhỏ gần như bị dòng người nuốt chửng.

Trước khi não bộ kịp ra lệnh cho thân thể, tôi đã nhào đến kéo cậu nhóc lại.

Trong giây phút đó, đám người đã xô ngã chúng tôi. Tôi ôm cậu nhóc vào lòng, đưa tay ôm lấy đầu cậu, người cuộn lại bảo vệ cậu, chỉ cảm thấy trời đất quay cuồng, người đã lăn xuống thang cuốn. Cánh tay, đầu, lưng, chân và cả bàn tay...bị va đập đau đớn hết lần này đến lần khác, giày cao gót giẫm lên trán tôi. Tiếng người ồn ào lúc xa lúc gần, sau vài lần rung chuyển, tầm mắt tôi biến thành một màu xám xịt. Tôi chỉ có thể siết chặt vòng tay che chở đứa bé trong ngực.

m thanh xung quanh dần xa, tôi lại thấy bóng lưng kẻ kia. Gã ôm con tôi đi về phía đám lửa cháy hừng hực. Lúc bóng dáng bé nhỏ kia rơi xuống, ngọn lửa cũng nuốt chửng đôi mắt tôi.

Tôi không nhìn thấy, không nghe được, không chạm tới, cũng không tài nào suy tư. Giác quan tê liệt khiến tôi như đã đi vào cõi chết. Nhưng tôi biết, tôi vẫn còn sống.

Tại sao tôi vẫn có thể sống chứ?
Bình Luận (0)
Comment