Tiểu nhị trầm bồng du dương kể hết câu chuyện, rồi lại than thở chưa thỏa mãn: “Theo tôi, công tử Ất kia chỉ cần cưới Đỗ Niên Niên hưởng phúc người Tề là được. Dù sao trên đời này, có nhiều đàn ông tam thê tứ thiếp mà”.
Nghe xong, vẻ mặt Vu Hoàn Chi như có điều suy nghĩ. Khánh bàn bên lại bảo: “Chỉ nghe anh nói về công tử Giáp công tử Ất, không biết hai người này rốt cuộc là người phương nào?”.
Tiểu nhị thần bí lắc đầu nói: “Không thể nói không thể nói, thân phận công tử Ất này tôn quý, phàm phu tục tử như chúng ta há có thể tùy tiện bàn tán? Nếu mấy vị thật sự muốn nghe thì chi bằng đến cửa nhà họ Đỗ mà xem, người ở đó nhiều lắm”.
Chưởng quỹ ho một tiếng, tiểu nhị ngượng ngùng cười, vứt khăn lau lên vai rồi xách ấm trà ra phòng bếp phía sau hỗ trợ.
Mục Diễn Phong thấy Vu Hoàn Chi đang suy nghĩ thì trầm ngâm một lát, nói: “Cậu Vu, tôi luôn cảm thấy có cái gì lạ lắm”.
Vu Hoàn Chi khẽ nhíu mày, đặt chiếc đũa lên trên bát, cũng nói: “Ừ, câu chuyện này râu ria không đáng kể, luôn cảm thấy giống như đã từng nghe thấy”.
“Nhà họ Đỗ, cục Tô Duyệt…” Mục Diễn Phong suy tư nói, bỗng nhiên thông suốt, vỗ hai tay kêu lên: “Cô nương ở đầu ngõ vừa rồi!”.
Tiêu Mãn Y tò mò hỏi: “Chàng nói cô nương kia chính là Đỗ Niên Niên?”. Suy nghĩ một lát, Tiêu Mãn Y lại thoải mái cười nói: “Vậy là được rồi, cô nương kia thích công tử Ất, không nhìn trúng chàng”.
Giang Lam Sinh lại hỏi: “Không phải Đỗ Niên Niên đã rời nhà đi tìm công tử Ất rồi sao, sao vẫn còn ở trong thành Tô Châu?”.
Đồng Tứ suy đoán nói: “Có thể mới vừa đi?”.
Giang Lam Sinh lắc đầu, xoay người bảo chưởng quỹ gọi tiểu nhị tới, hỏi: “Đỗ Niên Niên mà vữa nãy anh kể đã rời nhà bao lâu rồi?”.
Tiểu nhị kia bấm tay tính toán: “Chắc cũng được hai ba ngày rồi”. Nói đoạn, gã lại bổ sung một câu: “Theo tôi, người phụ tình trong thiên hạ chủ yếu là đàn ông. Cũng chưa nghe nói cô nương nhà ai đính hôn rồi, gần đến ngày thành hôn lại bỏ chạy với kẻ khác”.
Nam Sương đang uống canh, nghe thấy lời này thì phun cả một muôi canh lên vạt áo, sặc đến ho khan.
Vu Hoàn Chi liếc mắt nhìn nàng như cười như không. Giang Lam Sinh móc khăn tay ra, đang định lau giúp nàng thì ma đầu họ Vu chợt nói: “Lau không sạch đâu, lát nữa thay quần áo đi”.
Hoa đào Nam nghe thấy lời ấy, cho là có ý đòi lại bộ áo tơ hồng đó, vội vàng hăng hái bằng lòng.
Sau hơn tháng ở chung, Nam Sương cảm thấy thái độ của Vu Hoàn Chi với mình có phần khó bề phân biệt. Lúc đầu ở nhà trọ thành Phượng Dương, y vẫn nho nhã lễ độ, quan tâm săn sóc. Sau đó hình như nàng đã chọc giận vị ma đầu này, làm y đâm ra phiền chán với mình.
Nam Sương nghĩ ngợi, nàng chọc tức ma đầu tổng cộng hai lần.
Lần đầu tiên là vào đêm cuối cùng ở nhà trọ thành Phượng Dương. Lúc nàng xông vào đòi Vu Hoàn Chi áo tơ hồng, công tử Hoàn giảo hoạt đã đưa ra ba yêu cầu với nàng để đổi. Ai ngờ sau khi nàng tự cho là đúng, hôn y một cái, ma đầu lại cau mày tỏ vẻ bất mãn.
Lần thứ hai là ở trên thuyền khách. Mấy ngày sau khi giương buồm, Nam Sương dần quen thuộc với một người chèo thuyền. Người chèo thuyền đó chỉ mười sáu mười bảy tuổi, tổ tiên đều lấy sông để sống, lấy thuyền làm nhà. Hắn thấy Nam Sương đẹp như tiên thì luôn miệng khen nàng xinh đẹp.
Lúc bấy gió lớn, hoa đào Nam và người chèo thuyền ngồi ở mũi thuyền, nói chuyện trời đất tràng giang đại hải. Người chèo thuyền kích động, hỏi Nam Sương đã có hôn phối chưa. Nam Sương hậm hực nói có lẽ sắp lấy người khác rồi, còn lấy ông anh kết nghĩa của mình nữa.
Người chèo thuyền nghe xong, vẻ mặt như cha mẹ chết, dường như rất tiếc nuối khi phải nhìn nàng bái thiên địa vì không bằng người ta.
Mãi sau, người chèo thuyền hoàn hồn khỏi nỗi tiếc nuối, tiện đà hỏi: “Vậy cô thích anh cô không?”.
Nam Sương gật đầu cười nói: “Thích chứ”. Nghĩ một lát, lại thêm câu: “Anh tôi có rất nhiều người thích, cô nương Tiêu cũng thích anh ấy”.
Vừa dứt lời, hai mắt người chèo thuyền tỏa ra vẻ kì dị như chết đi sống lại, tay bấu chặt mạn thuyền, cẩn thận hỏi: “Vậy cô không buồn ư?”.
Nam Sương ngây ra nửa khắc, nói: “Có gì mà buồn”.
Người chèo thuyền giơ tay vỗ lên mạn thuyền, cười to nói: “Thì ra cô chỉ có tình huynh muội với anh cô!” Dứt lời, hắn lại suy nghĩ nửa khắc rồi run như cầy sấy hỏi: “Cô nương Nam, vậy cô thích tôi không?”.
Anh chèo thuyền này không biết, hỏi Nam Sương đầu óc thiếu gốc rễ có thích ai không giống như hỏi một con chim có biết bay không, hỏi một con cá có chết đuối trong nước không.
Thế là, hoa đào Nam không chút nghĩ ngợi gật đầu: “Thích chứ”.
Vẻ mặt người chèo thuyền mừng mừng tủi tùi, lát sau cầm lấy tay Nam Sương, run rẩy nói: “Nếu việc hôn nhân của nàng và anh nàng không thành…”.
Nam Sương hiểu ý vỗ mu bàn tay hắn, nói: “Nếu việc hôn nhân của tôi và anh tôi không thành thì việc hôn nhân lần sau, tôi sẽ viết thư thông báo cho anh trước, để anh tới kịp”.
Bỗng như đêm gió xuân trôi, rừng lê, hoa rộ sắc tươi muôn nghìn[1] chính là tâm trạng lúc bấy của người chèo thuyền, hắn lại cầm chặt tay Nam Sương, gọi: “Nàng Sương…”.
Bỗng nhiên có người ho khẽ một tiếng. Hoa đào Nam ngoảnh lại thấy một người áp xanh phấp phới, tóc đen bay bay, không biết đã đứng sau lưng bao lâu.
Chẳng biết tại sao, trái tim nàng bỗng nhiên đập rộn như có tật giật mình, vội vàng bước nhanh tới cạnh y, gọi: “Công tử Hoàn…”.
Vu Hoàn Chi không đáp, lại lạnh lùng liếc ra phía sau nàng. Người chèo thuyền đó run rẩy, chán nản bỏ đi.
Gió sông rất to, trút vào quần áo Nam Sương. Ánh mắt Vu Hoàn Chi có vẻ mơ màng trong gió, một lúc lâu sau mới chắp tay xoay người, đi mấy bước thì quay đầu nói: “Đi theo tôi”.
Nam Sương theo ma đầu họ Vu lượn tới bên trái thuyền. Hành lang nhỏ hẹp, cứ cách một đoạn là có cột chống. Nước sông cuồn cuộn nổi sóng lớn, áo Vu Hoàn Chi tung bay, lẻ loi trước sông, mãi mới hỏi: “Cô không muốn lấy thiếu chủ?”.
Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, Nam Sương gật đầu như giã tỏi nói: “Muốn muốn muốn”.
Vu Hoàn Chi liếc mắt, lạnh nhạt liếc nàng một cái rồi nói: “Nói thật”.
Nam Sương thở dài một hơi, thận trọng nói: “Quả thực không tính là rất muốn”. Thấy vẻ mặt Vu Hoàn Chi thay đổi, nàng lại vội vàng nói: “Thật ra miễn cưỡng thì cũng được…”.
Lúc bấy Vu Hoàn Chi mới xoay người, vẻ mặt trầm như hồ lặng, nhưng tóc đen như mực vẫn tung bay ở phía sau, vô duyên vô cớ quấy nhiễu lòng người. Hoa đào Nam thấy tim lại đập nhanh hơn, nghe tiếng Vu Hoàn Chi mang nụ cười: “Thế cô muốn gây họa cho ai?”.
Nam Sương kêu oan trong lòng. Trời xanh chứng giám, hoa đào nàng từ khi sinh ra đến nay mới chỉ nảy sinh ý muốn gây họa cho Vu Hoàn Chi mà thôi, đối với những khác người đều ngây thơ thậm chí còn thánh khiết ấy chứ.
Thế nhưng, thông minh như hoa đào Nam, tự biết không nên nói với ma đầu Vu ý nghĩ này. Nàng suy tư một lúc lâu, tìm đáp án lập lờ nước đôi, nói: “Chuyện gây họa cho người phải xem thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ví dụ như…”.
Còn chưa nói xong, người Nam Sương xoay tròn, đã bị Vu Hoàn Chi chống trên vách khoang. Vu Hoàn Chi chống hai tay lên vách, bó buộc nàng trong một tấc vuông. Mặt hai người quá sát, đầu óc Nam Sương trở nên trống rỗng, chỉ nghe giọng nói trong trẻo của ma đầu họ Vu bay tới: “Bây giờ, không có thiên thời, địa bất lợi, người không hòa, cô có muốn gây họa cho tôi không?”.
Hoa đào Nam tự dưng cảm thấy giận dữ, nàng thầm chửi mắng trong lòng, giận dữ muốn nói vừa nãy tôi đã muốn gây họa cho anh, lúc này chỉ nghĩ gây họa đến tận xương tủy anh. Nhưng lời đến mép lại thành một câu dứt khoát: “Không muốn”.
Nục cười ở khóe miệng Vu Hoàn Chi như mai mùa đông nở được một nửa bỗng bị cái giá rét đông cứng lại. Nam Sương thở dài một hơi trong lòng, thầm nghĩ lần trước ở nhà trọ Phượng Dương, lanh chanh hôn một cái đã thành sai lầm lớn, lúc này tuyệt đối không thể khiến ma đầu Vu biết mình vẫn muốn gây họa cho y được.
Nghĩ như vậy, tay trái lại bị Vu Hoàn Chi nhẹ nhàng cầm lấy, từ từ đặt tới bên môi. Đôi môi mềm mại ướt át làm cả người Nam Sương run lên, cảm giác tê dại ở ngón tay lan ra toàn thân nhanh như chớp.
“Giờ thế nào? Còn muốn không?” Tiếng Vu Hoàn Chi như cách tầng hơi nước, còn đôi mắt lại xán lạn như sao, nhìn chằm chằm đến mức người ta chỉ cảm thấy non sông đều thất sắc.
Hoa đào Nam đờ đẫn giây lát, vẫn cố giữ chút tỉnh táo cuối cùng, lắc đầu cười ngây ngô nói: “Yên tâm đi, tôi không muốn”.
Vẻ mặt Vu Hoàn Chi lạnh lẽo trống vắng như bãi sông đìu hiu sau khi triều rút. Lát sau, y lại cong khóe môi lộ ra một nụ cười như bóng câu qua khe cửa. Nụ cười ấy khiến lòng Nam Sương chùng xuống. Dường như có ai ném cục đá vào nước sông khi triều rút, phát ra những tiếng ùm lác đác giữa sông sóng núi xanh, càng lộ vẻ hiu hắt.
Lúc ma đầu họ Vu xoay người biến mất ở cuối hành lang trên thuyền, Nam Sương đã hao hết sức lực toàn thân, một mình ngã ngồi trên mặt đất, lát sau mắng: “Má, lại cháy rồi”.
Mấy ngày sau đó, ma đầu Vu bèn dựa theo nguyên tắc lúc gần lúc xa, ở chung với Hoa Đào Nhỏ theo cách đạo khả đạo, phi thường đạo[2].
Trăn trở mấy bận, Nam Sương tổng kết rằng, sự bất mãn của Vu Hoàn Chi với mình ít nhiều là vì mình có ý muốn “gây họa” cho y. Tục ngữ nói cởi chuông phải do người buộc chuông, nếu muốn cởi bỏ khúc mắc của ma đầu họ Vu thì mình phải tỏ rõ không còn ý muốn gây họa cho y nữa, đồng thời còn phải lấy lòng.
Dù sao chỉ có dỗ cho y vui vẻ thì bộ áo tơ hồng ấy mới có thể tới tay.
Mọi việc đều cần một điểm bắt đầu, mọi việc khó thì chỉ khó ở điểm bắt đầu ấy.
Hoa đào Nam suy đi nghĩ lại về khoảng thời gian quen biết ma đầu Vu hơn một tháng, cuối cùng phát hiện lúc ma đầu làm đèn cung đình, tâm trạng tốt lạ thường, đối nhân xử thế tốt lạ thường.
Chuẩn bị mọi việc, chỉ thiếu gió đông.
Hoa đào Nam hết sức phấn khởi kéo cửa ra, trước mắt lại là Vu Hoàn Chi bỗng nhiên ngẩng đầu lên.
Ma đầu họ Vu đang cầm áo tơ màu hồng trong tay như công tử đến cửa cầu hôn, gương mặt vẫn mang theo thần thái khó bề phân biệt. Y thấy Nam Sương thì cười ôn hòa, nụ cười đã lâu không thấy làm hoa đào Nam run rẩy trong lòng.
Vu Hoàn Chi đưa áo tơ hồng trong tay cho nàng, nói: “Tôi nghĩ cô muốn thay xiêm áo”.
Ngón tay thon dài như ngọc lướt qua trên lụa hồng, hiện ra vẻ đẹp khôn tả. Nam Sương ngẩng đầu kinh ngạc nhìn ma đầu họ Vu, bỗng chốc quên mất vật đang bưng trong tay chính là thứ khiến mình mong nhớ ngày đêm, chỉ ngây ra nói: “Tôi còn chưa hoàn thành ba yêu cầu đó mà”.
Vu Hoàn Chi nhướng mày nhìn Nam Sương. Ban đêm, nàng chỉ chừa lại một búi tóc vòng cung đơn giản trên đầu, mái tóc đen dài tới thắt lưng, mái tóc đen nhánh làm nổi bật đôi má hồng như say, đôi mắt trong veo óng ánh như suối.
Ma đầu họ Vu chợt giơ tay lên, trượt xuống theo tóc Nam Sương, chọn một lọn tóc đen từ vai nàng, đặt lên môi hôn nhẹ, hương thơm phả vào mặt: “Bỏ đi”.
Y lại cụp mắt nhìn áo tơ kiều diễm trong tay Nam Sương, lặng lẽ cười nói: “Thay đi, nhất định rất đẹp”. Dứt lời, y xoay người đi vào trong ánh đèn lờ mờ của hành lang.
Nam Sương ngơ ngác tại chỗ, không kìm lòng được nhón lọn tóc vừa rồi lên, chỗ tay chạm vào bỏng như bị ngọn lửa nóng rực thiêu đốt.
Cơn nóng rực ấy lại như thiêu đốt cả đáy lòng Nam Sương, nàng lúng túng gọi: “Công tử Hoàn”.
Bóng lưng dong dỏng cao lớn ở đầu hành lang bỗng nhiên quay đầu lại.[1] Bài hát tuyết trắng tiễn phán quan họ Vũ về kinh của Sầm Tham.
[2] Đạo mà có thể nói rõ ràng minh bạch ra hết thì không phải là Đạo thường hằng bất biến – Lão Tử.