Người Nối Nghiệp Chân Chính

Chương 195

NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P195)

Tác giả: Hà Phong Xuy

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang

Chương 81: Tuyệt chiêu chơi tất tay

Các phụ tá của Soái Quan Vũ ngày đêm nghiên cứu đối sách, ngày 21 tháng 9 lại mở họp ở biệt thự của nhà họ Soái trong sân golf Sheshan. Soái Quan Vũ đi Bắc Kinh gặp mấy nhân vật chính trị quan trọng, hy vọng nhà nước có thể ra mặt can thiệp. Cuộc họp do Soái Ninh chủ trì thay.

Mọi người không thể tìm ra kế hay để đảo ngược tình thế. Đề xuất được nhiều người đưa ra nhất trong cuộc họp là tranh thủ giá đang cao bán sạch cổ phiếu Quan Vũ, sau đó cầm tiền đi thành lập một nền tảng mới, ý tứ là kêu nhà họ Soái buông tập đoàn Quan Vũ và làm lại từ đầu.

Soái Ninh chửi toáng cái tay quân sư óc chó đã nghĩ ra điểm này đầu tiên, gầm lên như sấm: “Tập đoàn Quan Vũ này được đặt theo tên ba tôi. Tiền có thể không cần nhưng tấm biển hiệu này tôi chết cũng phải giữ!”

Cô cố tình trấn áp tư tưởng của những kẻ bàn lùi và nâng cao khí thế chiến đấu cho mọi người. Nghe xong tiếng gầm của sư tử Hà Đông, không ai dám lung lay quan điểm gì nữa. Có người biết rõ là hy vọng mong manh cũng thụ động đi theo kháng chiến. Có người được quyết tâm tử chiến đến cùng của cô cổ vũ, một lần nữa củng cố ý chí chiến đấu.

Hôm sau, Soái Quan Vũ về đến Thượng Hải. Soái Ninh đích thân ra sân bay đón ông. Cô muốn biết cha đi chuyến này có đạt kết quả gì không.

Soái Quan Vũ đã đến gặp nhiều quan chức cao cấp trong hệ thống giám sát tài chính trên Bắc Kinh, họ đều bày tỏ ý kiến xác đáng về vụ tranh chấp cổ quyền của tập đoàn Quan Vũ. Xem xét từ lập trường bên mình, ý kiến của họ có phê bình cũng có kiến nghị. Phần phê bình tóm tắt tổng thể thành bốn khía cạnh sau.

Thứ nhất, Đầu tư Phú Khang mua lại cổ phần của Quan Vũ thông qua thị trường thứ cấp. Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất, Phú Khang có quyền bày tỏ ý kiến của mình. Soái Quan Vũ với tư cách là người đứng đầu đội ngũ quản lý của tập đoàn lên tiếng phản đối những gì ông cho là thâu tóm ác ý cũng hoàn toàn chính đáng. Quyền của cả hai bên đều được trao bởi các quy tắc thị trường, không thể phân biệt theo tiêu chuẩn đúng sai.

Thứ hai, nhà nước chỉ có thể giám sát các hành vi bất hợp pháp và bất hợp lý của thị trường chứ không thể can thiệp vào các hoạt động bình thường của thị trường. Cả hai bên trong cuộc tranh chấp không nên tìm kiếm sự can thiệp của quyền lực công nhằm phá hoại các quy tắc của thị trường. Cho dù lợi ích của bên nào bị tổn hại thì cũng gây tác hại rất lớn cho thị trường.

Thứ ba, Quan Vũ rơi vào nguy cơ bị thâu tóm phần lớn là do những thiếu sót của chính nó. Là một công ty niêm yết kỳ cựu, công ty vốn dĩ có đủ thời gian để hoàn thiện quy trình quản trị công ty và thiết lập một số điều khoản chống thu mua ác ý. Trên thực tế, các động thái của Quan Vũ trong lĩnh vực này rất không đến nơi đến chốn, chứng tỏ hệ thống quản lý của công ty đang mất cân bằng. Hơn nữa, giá cổ phiếu của Quan Vũ đã ở mức thấp suốt thời gian dài, điều này hoàn toàn không phù hợp với hiệu quả kinh doanh của công ty. Đây là một bất cập của quản trị doanh nghiệp và đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập tư bản.

Thứ tư, Soái Quan Vũ làm người sáng lập và đứng đầu Quan Vũ mà để rơi vào tình cảnh bị vây sát chân ghế thì khó có thể nói là không có sơ suất, sai lầm trong công việc. Đặc biệt, ông không thể né tránh trách nhiệm trong việc phe đối lập bên trong tập đoàn hình thành và lớn mạnh.

Nhận định sắc bén của các lãnh đạo bộ ngành khiến người ta tin phục, về cơ bản cũng bao trùm cả những oán trách mà Soái Ninh dành cho cha, hẳn ông cũng đang khắc ghi suy ngẫm.

Chính phủ kiên trì với quan điểm vấn đề của thị trường thì để thị trường giải quyết nhưng cũng bày tỏ mối quan ngại đến một số vấn đề đáng ngờ.

Khi gặp quan chức của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng, Soái Quan Vũ nói rằng theo hiểu biết của ông, hệ số đòn bẩy mà tập đoàn Cảnh Hâm sử dụng trong thương vụ mua bán này là hơn 20 lần và ông đã yêu cầu các ban ngành liên quan điều tra, xác minh. Quan chức này cho biết họ đang kiểm tra lại hoạt động kinh doanh phân bổ vốn liên quan và có kế hoạch giảm đòn bẩy phân bổ của ngân hàng từ 1:3 xuống 1:1, cho phép một số ngân hàng quốc doanh lớn rút khỏi việc phân bổ vốn của Cảnh Hâm.

Về hành vi đầu tư sử dụng vốn đòn bẩy đến mức kỷ lục cực độ của Cảnh Hâm, một quan chức khác của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán phẫn nộ nói: “Thị trường vốn của Trung Quốc không cần thần tiên hô mưa gọi gió, càng không thể có yêu quái hại người vì tiền. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải giữ được giới hạn đáy của nhân cách. Ai dám thách thức luật pháp và quy định quốc gia thì hướng đi duy nhất chỉ có thể là đi tù.”

Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc cũng đang chú ý cao độ tới những nghi ngờ của mọi người về việc tập đoàn Cảnh Hâm sử dụng quỹ bảo hiểm để đầu cơ cổ phiếu và đang bắt tay vào việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh này trên toàn quốc. Ngành công nghiệp này nên là một công cụ thúc đẩy ngành sản xuất tại Trung Quốc chứ không phải là trạm tiếp nhiên liệu cho các vụ thâu tóm ác ý.

“Việc sử dụng đòn bẩy cao của Cảnh Hâm xét nghiêm khắc ra là trái pháp luật. Chính phủ không muốn đứng về bên nào nhưng sẽ kiên quyết trừng phạt các hành vi phạm tội. Chúng ta ráng qua đận này, quả báo của chúng nó sẽ tới thôi.”

Soái Ninh định tiết lộ với cha về kế hoạch của mình, Soái Quan Vũ lại nói trước: “Ba xem hết video cuộc họp hôm qua rồi. Con nói thà chết cũng phải giữ được tấm biển hiệu Quan Vũ này, đây là lời thật lòng hả?”

Giọng điệu của Soái Ninh lúc ấy cường điệu nhưng phần lớn là tình cảm chân thật. Cô kiên định gật đầu.

Trong mắt cha cô tỏa ra những tia sáng như thể đang được phản chiếu từ một kho báu vô giá. Kể từ sau cái chết của các anh, cô đã lâu không bắt gặp ông biểu lộ ánh nhìn như vậy.

“Pha cho ba ấm trà đi.”

Ông nhìn bộ đồ pha trà công phu bên cạnh tỏ ý. Vinh dự này vốn chỉ hai đứa con trai được hưởng.

Soái Ninh hớn hở, trịnh trọng trổ hết tài nghệ tu luyện bao năm ra pha một ấm trà theo phong cách Triều Sán, hai tay cung kính bưng cho cha.

Soái Quan Vũ thưởng thức nét độc đáo của nghệ thuật trà theo thói quen, một nhấp, hai nếm, ba hồi vị, rồi khen: “Tay nghề được đấy, không khác anh Hai anh Ba con là bao.”

Ông đặt chén xuống, nghiêm mặt hỏi: “Ninh Ninh, con biết ý nghĩa lớn nhất của Quan Vũ trong tâm trí ba là gì không?”

Soái Ninh đã có sẵn nhiều câu trả lời nhưng chỉ im lặng lắc đầu. Cô biết cha đang tiến hành nghi thức bàn giao, nín thinh lắng nghe lời dạy của ông.

Người làm ăn lấy lợi làm gốc. Ý định ban đầu khi ra làm ăn buôn bán của Soái Quan Vũ tất nhiên là kiếm tiền làm giàu. Sau này công thành danh toại, tiền trở thành thứ dễ kiếm nhất, mối quan tâm của ông cũng từ khía cạnh vật chất chuyển sang khía cạnh tinh thần.

“Ba ra nước ngoài khảo sát phỏng vấn, thường xuyên tiếp xúc với các doanh nhân giàu có và những người nổi tiếng ở bển. Nhiều người trong số họ tỏ ra khinh thường khi nói về Trung Quốc, nói rằng kinh tế của chúng ta phát triển toàn dựa vào sao chép làm nhái, thiếu khả năng sáng tạo tự chủ. Tuy sức mạnh quốc gia đã tăng lên không ít nhưng đâu có mấy thương hiệu nổi tiếng đáng khoe ra. Ba nghe những lời này xong thì tức lắm! Phàm là người có chí khí, chẳng ai hy vọng có kẻ coi thường đất nước và dân tộc mình. Dần dà, ba hạ quyết tâm nhất định phải làm cho Quan Vũ trở thành thương hiệu tốt được cả thế giới công nhận, giành được quyền lên tiếng cho Trung Quốc trong các ngành liên quan, để đám ngoại quốc tự cao tự đại mù quáng kia biết người Trung Quốc chúng ta tài giỏi thế nào. Đến giờ nguyện vọng này mới chỉ hoàn thành được một phần nhỏ, con có thể giúp ba thực hiện tiếp phần còn lại chứ?”

Bao nhiêu năm ròng, ngọn hải đăng cuối cùng cũng xuất hiện trên hành trình mòn mỏi.

Soái Ninh nắm lấy tay cha, dốc năng lượng đã tích lũy cho ngày này thể hiện cho ông thấy sự vững vàng và lì lợm của mình.

“Ba, chỉ cần ba cho con cơ hội, con không bao giờ để ba thất vọng đâu ạ.”

Trước thời khắc này, Soái Quan Vũ chỉ vì tình thế bắt buộc mới dựa vào con gái, nhưng giờ đây, ông sẵn sàng đặt cược tất cả cho cô. Ông nắm chặt tay cô, nói nghiêm nghị: “Con có ý tưởng gì thì cứ mạnh tay làm đi, ba ủng hộ con.”

Soái Ninh mừng ra mặt, ngồi xuống cạnh ông, ghé sát tai ông mật báo chuyện Quảng Hạ lừa vay ngân hàng.

Soái Quan Vũ rúng động trong lòng, cũng hạ giọng đến mức thấp nhất: “Khi nào người kia mới xong được?”

“Ảnh nói muộn nhất là cuối tháng sẽ đưa con. Ba, trước mắt mọi người đều biết cổ phiếu Quan Vũ đã hoàn toàn bị tư bản chi phối, còn đu theo toàn là những kẻ đầu cơ điên rồ. Nếu giá cổ phiếu biến động lớn, Quảng Hạ và Cảnh Hâm sẽ toi ngay, cho nên con chuẩn bị dùng số cổ phiếu trong tay chúng ta bán khống Quan Vũ A.”

Bán khống (gọi tắt theo tiếng Anh là short) là một cách thức hoạt động thường gặp trên thị trường chứng khoán kỳ hạn. Đầu tiên là mượn tài sản cơ bản, bán nó lấy tiền mặt, sau đó chi tiền mặt để mua tài sản cơ bản để trả lại. Ví dụ, giá cổ phiếu hiện tại của một cổ phiếu là 30 tệ, người bán khống vay 10 triệu cổ phiếu và bán hết, thu được 300 triệu tệ. Khi giá cổ phiếu giảm xuống 25 tệ thì sẽ bỏ 250 triệu mua vào toàn bộ 10 triệu cổ phiếu để trả lại cho chủ sở hữu ban đầu. 50 triệu tệ sẽ là tiền lãi thu được của đợt bán khống này.

“Số cổ phiếu trong tay chúng ta gộp lại chiếm 6,1%, bán khống toàn bộ ít nhất có thể kéo giá cổ phiếu giảm năm ngày liên tục. Nếu kết hợp thêm cả việc tung ra bằng chứng lừa đảo tiền vay của Quảng Hạ thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ mất niềm tin. Chờ đến lúc giá cổ phiếu giảm trên 30%, chắc chắn Quảng Hạ và Cảnh Hâm sẽ vỡ trận.”

Chiêu này về hình thức thì tương tự đề xuất thoái vốn mà các phụ tá đã nêu nhưng bản chất khác ở chỗ nếu thành công thì có thể hạ gục kẻ địch và giành lại quyền kiểm soát tập đoàn. Còn nếu thất bại, kết quả sẽ giống với việc thoái vốn thực sự: để mất tất cả cổ phần và dâng Quan Vũ cho người khác.

(Hết phần 195, xin mời đón đọc phần 196. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)
Bình Luận (0)
Comment