Tên Anh Là Thời Gian

Chương 1.2

Ngày hôm nay, cả thế giới văn vật đều đang điên cuồng lan truyền một chuyện: "Fan thần" từ trên trời rơi xuống.

Fan thần là ai?

Câu trả lời của dân trong ngành cũng rất phong phú, đa dạng:

"Anh ấy à, là nhà phục hồi bích họa có tiền đồ nhất."

"Có tài năng thiên bẩm, chính là điển hình cho kiểu thiên tài được ông trời ưu ái."

"Nghề nghiệp của anh ấy đúng là nhà phục hồi văn vật nhưng không phải là người được học qua trường lớp đàng hoàng, thế nên có thể coi là dân tay ngang. Tuy vậy, những bức bích họa qua tay anh ấy có thể được phục hồi tới mức không có sai lệch, một người rất truyền kỳ."

"Ngoài biệt danh Fan thần mà chúng tôi hay gọi anh ấy ra, còn có người gọi anh ấy là Doctor Fan, bác sỹ của những bức bích họa."

"Trên đời không có bức bích họa nào mà anh ấy không thể phục hồi được... Đúng vậy, anh ấy chỉ sửa bích họa. Ừm, hình như còn rất trẻ. Tuy nhiên rất ít người từng được gặp mặt anh ấy. Anh ấy chưa bao giờ nhận phỏng vấn, cũng không công khai lộ mặt thật."

"Nghề phục hồi văn vật vốn dĩ cũng đâu phải ngành nghề cần công khai lộ mặt."

Thần bí nhưng lại đứng ở vị trí đỉnh cao của ngành mà không ai có thể vượt qua được; Trẻ tuổi nhưng lại có tay nghề phục hồi siêu cao khiến người ta chỉ có thể chạy đuổi phía sau; Chiến tích lẫy lừng nhưng lại chưa bao giờ lộ mặt, chỉ vì có thói quen sau khi hoàn thành công việc phục hồi sẽ ký chữ "Fan" lên báo cáo tổng kết mà được mọi người gọi là Fan thần.

Nhân vật cấp thần thánh như thế này, vậy mà lại "chết" trong việc tháo dỡ một bức bích họa*.

***Tháo dỡ bảo vệ bích họa là phương pháp chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp các biện khác pháp đều không thể cứu vãn. Bởi vì bản thân bích họa và kiến trúc mà bích họa dựa vào được coi là một chỉnh thể thống nhất, vì vậy, lý tưởng nhất là khi người ta có thể bảo vệ được chỉnh thể. Có ba phương pháp tháo dỡ bích họa: Tháo dỡ lớp màu; Tháo dỡ lớp màu và lớp địa trượng; Tháo dỡ bích họa không có lớp địa trượng.

Nghe nói, bức bích họa đó gắn liền một mạch với hang đá Đôn Hoàng, Trung Quốc.

Cũng nghe nói, bức bích họa đã được Fan thần để nguyên vẹn không động vào, trả về chỗ cũ. Trên khung tranh bên ngoài bích họa còn đính kèm một phong bì da bò truyền thống nhất cộng thêm một lá thư với nét bút máy tuyệt đẹp, chỉ có một câu: Xin lỗi, lực bất tòng tâm.

Hóa ra Fan thần cũng không phải thần thánh, trên đời vẫn có bức bích họa mà anh ấy không thể sửa chữa được.

Mà sau đó, Fan thần lên tiếng nói rõ với mọi người bên ngoài: Từ ngày hôm nay trở đi, sẽ không ra ngoài tiếp nhận công việc phục hồi bích họa.

Là nghỉ ngơi hay nghỉ hẳn? Nhất thời, bên ngoài xuất hiện những lời ngờ vực. Có người nói, dẫu gì anh cũng không phải là học trò của một danh sư nào đó, thấy danh vọng đã đủ thì dừng lại; Có người nói anh chỉ có danh không có thực, bích họa Đôn Hoàng của Trung Quốc không dễ qua quýt, vậy nên bắt đầu sợ hãi...

Tóm lại, anh bị kéo tuột rất mạnh xuống "thần đài", trong phút chốc, danh vọng, tiếng tăm mất sạch.

Nhưng dân thường thì không quan tâm tới mấy tin tức này. Người tên Fan kia méo mó hay tròn trịa, anh có bản lĩnh gì hay vì lý do gì mà bị người ta đá ra khỏi đài vinh quang... Tất cả những điều này đều không quan trọng bằng việc siêu thị phía Đông đại hạ giá hay giá thịt lợn ở chợ thức ăn phía Tây tăng cao.

Nhưng cũng vào ngày hôm nay, vùng đất phía Tây Bắc Trung Quốc, Đôn Hoàng, lên "hot search"*, hơn nữa là ba tin lần lượt bá chiếm bảng vàng.

***Những tin tức nóng hổi nhất trên trang mạng xã hội Weibo.

#Cơn bão hiếm thấy tại Đôn Hoàng#

#Bức "Phi Thiên" trên vách đá Đôn Hoàng càng ngày càng tối đen#

#Phật trên vách đá bật khóc#

Độ nóng của chủ đề không hề thuyên giảm, chỉ cần ấn vào sẽ xuất hiện rợp trời những tin tức và hình ảnh liên quan tới cơn mưa bão trăm năm mới gặp lại của vùng Tây Bắc. Một lượng lớn du khách bị giữ chân, hang động Mogao*, hang động Du Lâm lần lượt đóng cửa, cấm tham quan... Chuyện này nghe có vẻ hoàn toàn chẳng liên quan chút nào đến đại đa số quần chúng lao động vất vả, nhưng vì nét văn hóa đặc biệt và tiềm năng du lịch của Đôn Hoàng lại liên quan mật thiết đến người dân, nên trong phút chốc đã trở thành đề tài được mọi người bàn luận rầm rộ nhất.

***Hang động Mogao: Cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc 25 km về phía Đông Nam, hang động Mogao còn được gọi là Thiên Phật Động, hay hang Đôn Hoàng. Các hang đá này thực sự không phải là hang mà là các tuyệt tác nghệ thuật chạm khắc đá.

***Hang động Du Lâm (Yulin) là một ngôi đền hang động Phật giáo ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Địa điểm này nằm cách thị trấn ốc đảo Đôn Hoàng và hang động Mogao khoảng 100 km về phía đông.

Không ít người đăng bài trên Weibo gắn kèm hashtag, nội dung gì cũng đều có cả.

Trong đó có một bài viết rất dài với tiêu đề: "Côn Sơn kiệt linh còn sống trong bích họa Đôn Hoàng". Số bình luận là 0, số like là 1. Rõ ràng, bài viết này giống như một bài thảo luận học thuật hơn, không có gì đáng hiếu kỳ, các bạn đọc trên mạng làm sao có tâm tư để tỉ mỉ đọc và nhấm nháp?

Người ấn nút like duy nhất ấy là Thịnh Đường.

Thịnh Đường cười nói: Quan điểm của bài viết này hơi quái dị, nhưng đọc thì lại thấy hợp tình hợp lý. Hang đá Đôn Hoàng giấu mấy ngàn năm lịch sử thì cũng giấu từng ấy ngàn năm bí mật. Ai dám chắc mình hiểu thấu được tất cả? Lỡ như thật sự có linh hồn còn sống trong vách đá thì sao?

Có linh hồn trong vách đá, lại còn sống, có sao?

Có lẽ, là có...

~~~

Lời tác giả: Ai cũng nói mười năm là một vòng luân hồi.

Sau mười năm lại quay trở về với nơi giấc mơ bắt đầu.

Những lời quá cảm xúc tôi đều đã nói trong lời mở đầu trước khi mở hố, ở đây tôi sẽ không lặp lại nữa. Nhưng vẫn phải cảm ơn các độc giả cũ và mới đã ủng hộ, bao dung tôi, cảm ơn mọi người đi theo tôi suốt con đường, cảm ơn các bạn vẫn thích nghe câu chuyện mà tôi kể.

Truyện mới liên quan tới Đôn Hoàng trên Con đường tơ lụa, về bích họa, về những nhà phục hồi văn vật. Họ dồn toàn bộ nhiệt tình, tinh thần và sức lực cuộc đời mình hy sinh cho niềm tin này, dùng tinh thần của những người thợ truyền thống nhất, nhiều kinh nghiệm nhất, đã làm là làm một đời.

Họ là bác sỹ của thời gian, là bác sỹ của những bức bích họa, dùng việc làm thực tế để nói chuyện. Quá trình họ tiếp nhận việc phục hồi một bức tranh bích họa cũng giống như một ca mổ ngoại khoa vậy. Chỉ là ca phẫu thuật này vừa dài lâu vừa cần sự kiên trì.

Chủ đề tổng thể của bộ tiểu thuyết này là huyền nghi xen lẫn tình yêu ngọt ngào. Vâng, huyền nghi là phần luôn luôn được giữ vững, bởi vì thông qua bàn tay của một nhà phục hồi quả thực có thể bóc tách tầng tầng lớp lớp bí ẩn của bích họa.

Sau đó, viết một chút ngọt ngào.

Có lẽ quá nhiều độc giả đã bị tôi ngược thành quen, nhìn thấy hai ngữ "ngọt ngào" là sợ mình nhìn nhầm.

Cao tuổi rồi, tôi cũng phải xoa dịu trái tim mình một chút. Nói một cách khác chính là, lẽ nào trong ngọt ngào không thể có ngược? Ha ha... (Ánh mắt tinh tường)

Đôn Hoàng, nơi thần bí, nơi giao thoa va chạm của hai nền văn hóa kim cổ, là tín ngưỡng, hy vọng của tôi và cũng là của các bạn.

Cuối cùng, yêu tất cả mọi người.

Tôi đã quay trở lại, tiếp tục giữ một mảnh đất giang hồ, kể câu chuyện mà mình muốn kể.

Các bạn hãy mang theo rượu, nào!

Hết chương tựa
Bình Luận (0)
Comment