Thanh Bình Nhạc (Đam Mỹ)

Chương 16

Pháp hội của Chiêu Đàn tự sẽ bắt đầu vào giờ Tỵ khắc ba, địa điểm là Đạt Ma viện trong chùa.

Ba người đến vào đầu giờ Tỵ, đèn nhang đã bao trùm khắp Đại Hùng Bảo Điện, tượng Phật thuyết phát híp mắt mỉm cười, toát lên vẻ thần bí và thấu triệt giữa màn khói mập mờ.

Các sa di đang bận rộn bày biện vật thờ cúng, bọn họ xếp chỉnh tề thành một đội, động tác lanh lẹ đi vòng từ cánh trái sang cánh phải, đặt đồ ăn và trà nước vào đúng chỗ.

Từ xưa đến nay hùng biện cũng được đánh giá là một cách tu hành, tuy trong chùa hi vọng tăng chủ có mặt, song cũng biết quy củ lánh đời của vị này, y chưa bao giờ lộ diện ở trước công chúng, ai tới cửa khiêu khích cũng vô dụng, phát huy câu nói “Không tranh với ai nên thiên hạ chẳng ai tranh với mình” đến cực hạn.

Không lộ diện mà lại muốn nghe phép, Liễu Nhiên phương trượng tự có diệu kế, ông bảo người đóng cánh cửa hậu viện lại, đặt một chiếc bàn thờ ở dưới cửa sổ hải đường, để tăng chủ ngồi ở đó, vừa có thể nghe được cuộc tranh luận ở tiền viện, vừa không bị ai quấy rầy.

Trên đất đặt năm tấm nệm hương bồ, ngoài trừ nệm cho ba người Tri Tân thì còn để trống hai cái, nếu phương trượng và các trưởng lão rảnh rang thì có thể chuồn tới đây nghiên cứu thảo luận đôi câu, có thể nói là vẹn cả đôi đường.

Tri Tân bình thản ngồi xuống, chờ phương trượng đi rồi, y bèn hỏi Lý Ý Lan và Lữ Xuyên muốn đi nghỉ hay là ở lại đây nghe thiên cơ.

Tâm Lý Ý Lan không tĩnh, trong lòng toàn là manh mối và tình tiết của bạch cốt án, thật sự chẳng nghe vào tai được, nhưng hắn không tiện cách Tri Tân quá xa, cũng chỉ đành vờ như mình rất có tuệ căn, ngồi xếp bằng ở bên cạnh hòa thượng.

Lữ Xuyên thì hệt như khúc gỗ, cả quãng đường chẳng nói chẳng rằng, cũng lặng lẽ ngồi xuống.

Chỉ chốc lát sau, tiền viện vang lên tiếng trống pháp và bảng khánh, cùng với tiếng gõ mõ ngâm xướng, hợp tấu thành một khúc nhạc phạn, vang vọng văng vẳng giữa làn hương khói và gió thoảng, nhẹ nhàng quẩn quanh chốn núi rừng.

Ở hậu viện, Tri Tân cũng gia nhập nghi thức, Lý Ý Lan thấy y rũ mắt chắp tay, môi khẽ lầm bầm, cất lên một chuỗi tiếng niệm kinh đặc biệt nhịp nhàng.

Đây là lần đầu tiên Lý Ý Lan thấy Tri Tân niệm kinh, âm thanh hơi thấp nên nghe không rõ, song có vẻ rất mực thành kính, cứ như sự ung dung và từ bi lắng đọng qua trăm ngàn năm ấy đang từ từ len lỏi vào trái tim hắn, khiến Lý Ý Lan tan hết tâm tư bộn bề, ngửi thấm mùi đàn hương phảng phất khắp mọi nơi.

Hòa thượng dần dần toát lên khí chất trang nghiêm, song Lý Ý Lan lại không nhìn thấy thứ khí chất ấy, hắn chỉ từ sự yên lặng của đối phương nhìn thấu được một loại chăm chú, sự chăm chú giống với hắn khi luyện thương.

Lữ Xuyên bỗng liếc nhìn hắn, không vì nguyên nhân gì khác, chẳng qua là cảm thấy hắn nhìn chằm chằm người ta hồi lâu như vậy là không được phải phép cho lắm.

Sau khi khúc nhạc phạn kết thúc, cuộc tranh biện chính thức được bắt đầu.

Người chủ trì mở màn là bậc lão giả, đề tài tranh biện là hỉ lạc, mà nội dung thì không thể tránh khỏi so sánh với khổ bi, tiền viện dần trở nên rôm rả náo nhiệt, các tín giả đối chọi gay gắt, Lý Ý Lan nghe không hiểu lắm và cũng chẳng mấy hứng thú, hắn vẫn đang suy nghĩ về hành động và kết quả của đám Ký Thanh.

Không biết qua bao lâu, tiếng ồn lặng đi, bên tai yên tĩnh lạ thường, Lý Ý Lan choàng tỉnh, phát hiện Tri Tân đang nhìn tường viện, gương mặt mang theo nụ cười tràn đầy hừng thú.

Thần thái đó xen lẫn cả tinh nghịch và mong đợi, thậm chí còn có bóng dáng của Ký Thanh, láu lỉnh tựa như đang chờ xem trò vui vậy.

Lý Ý Lan cảm thấy buồn cười, không ngờ đại sư cũng có lúc nổi hứng chơi đùa, chỉ là không biết điều gì đã khơi dậy hứng thú của y.

Như để giải đáp thắc mắc của hắn, sau một khắc, giọng nói của trưởng lão vang lên: “Vị thí chủ này, chủ đề đàm luận hôm nay là hỉ lạc, cớ sao thí chủ lại không nói điều liên quan đến vấn đề này?”

“Thiền sư nói thế sai rồi,” Người trả lời là một nam tử trẻ tuổi ngồi ở phía các khách hành hương, giọng nói có vẻ sắc sảo, mọi người nghe thấy hắn nói, “Không phải không liên quan, mà là cực kỳ liên quan.”

Người bình thường sẽ không nói lấp lửng thể hiện như vậy, trông hắn mặc y phục trắng đai lưng trắng, xem ra là một thư sinh giảo hoạt.

Thiền sư niệm một câu Phật hiệu, điềm tĩnh nói: “Ồ? Nguyện nghe cho tường.”

Vẻ mặt thư sinh có phần đắc ý: “Đáp án về Phật tử và quỷ thần, việc này liên quan đến hỉ bi của tại hạ, chúng sinh tức là ta, ta tức là chúng sinh, hiện tại xin hỏi thiền sư, có liên quan hay không?”

Thiền sư khẽ cười: “Tất nhiên là liên quan.”

“Vậy mong thiền sư giải đáp thắc mắc cho kẻ hèn này, tại sao Tri Tân đại sư đã quy y tam bảo mà vẫn cứ chấp mê với thiên ngoại ma đạo, ngồi thế già phu tọa trước thứ bộ xương tà ma ở bãi tha ma ngoại thành?”

(Quy y tam bảo có thể hiểu ngắn gọn là chính thức xuất gia nương nhờ cửa Phật, nguyện tuân theo các giáo lý của Phật, Pháp, Tăng. Già phu tọa: thế xếp bằng của Phật giáo, bàn chân đặt trên đùi.)

Lời này vừa nói ra, trong Đạt Ma viện lập tức nổ ra bàn tán sôi nổi.

Phật tử không thể kính quỷ thần.

Lễ hàn y hôm ấy vị thư sinh này cũng đi viếng mộ, hắn tận mắt trông thấy hành động của Tri Tân, tâm lý cũng lấy làm coi thường, chỉ là bị vụ việc bạch cốt hiện thế ly kỳ hấp dẫn nên không có cơ hội tìm tăng nhân kia để lý luận.

Sau đó rời khỏi nhà lao, hắn mới biết kẻ làm ra loại chuyện hoang đường nhường ấy lại là tăng chủ Từ Bi tự, lòng hắn càng thêm bất bình, cảm thấy cái tên sư cọ này chẳng qua cũng chỉ là hạng lừa đời lấy tiếng, ngay cả tam quy cơ bản còn không làm được thì nói gì đến phổ độ chúng sinh? Hôm nay hắn đến đây chính là để hỏi cho ra nhẽ.

Thiền sư lại hỏi: “Sao thí chủ biết tăng chủ ngồi xuống là để kính quỷ thần chứ không phải để siêu độ vong hồn?”

Thư sinh cười khẩy, vẻ mặt khinh bỉ: “Siêu độ vong hồn thì tụng kinh là được rồi, nhưng chắc thiền sư không biết, ở bãi tha ma đó, Tri Tân tăng chủ còn quỳ lạy bộ xương kia! Mọi người đều biết, đại lễ như thế ở Phật môn ta thì chỉ được hiến cho Phật Tổ, Bồ Tát và các bậc thượng tọa, mà trên nấm mồ kia đâu có những bảo tướng đó.” (Đỉnh lễ: Lễ quỳ phủ phục cúi đầu sát đất, một nghi thức tỏ lòng tôn kính trong Phật đạo.)

“Hơn nữa còn có một chỗ buồn cười, đường đường là cao tăng Phật môn mà hôm ấy lại bị một bộ xương khô dọa cho kinh hồn bạt vía, bộ dáng kinh ngạc của tăng chủ đại nhân lúc đó thật là đặc sắc, nếu không phải tài hội họa của tại hạ vụng về thì đã vẽ ra cho mọi người cùng thưởng thức rồi.”

Nói xong hắn còn càn rỡ cười ha hả, vung tay nhìn quanh bốn phía, hỏi mọi người thấy hắn nói có lý hay không.

Thiền sư không biết còn có chuyện như thế, đối mặt với sự chọc ngoáy trắng trợn của người này, ông nhất thời bối rối chẳng biết làm sao.

Hội trường bắt đầu tranh luận không dứt vì hành động quỳ lạy này, mà bên phía hậu viên, ánh mắt Lý Ý Lan lại lóe lên bởi lời châm biến của người kia.

Hắn nghĩ: Là thứ gì đã dọa đại sư giật mình? Trước đó đâu có nghe y đề cập tới.

Bấy giờ, ngoài cửa sổ hải đường vang lên tiếng bước chân đi tới, có người cất tiếng cười ở bên kia, nghe giọng thì chính là phương trượng: “Tăng chủ quả thật không tầm thường, ngài chẳng tham dự mà còn có thể rước đến sóng gió cho chùa ta.”

Tri Tân phủ nhận: “Sóng gió không phải ta rước đến, mà là tự nó tìm đến.”

Tiếng phê phán ở tiền viện càng lúc càng dữ dội, ấy thế nhưng phương trượng lại không hề có vẻ vội vã, thậm chí còn tựa vào chân tường chuyện trò rất thảnh thơi: “Lão nạp cũng có chút ngạc nhiên, tăng chủ quỳ lạy ở bãi tha ma là vì nguyên do gì?”

Nét cười tinh nghịch trong mắt Tri Tân từ từ rút đi, y khiêm tốn nói: “Niệm sinh ra từ tâm, thân hành động theo tâm, nhất niệm lúc ấy là do đâu thì ta cũng quên rồi, song nếu phương trượng muốn đòi một lời giải thích vì Phật Tổ, vậy ta sẽ nổ lực trả lời, phương trượng xem xem có hợp ý hay không nhé.”

Phương trượng: “Xin lĩnh giáo.”

Tri Tân: “Di Đà dạy ta niệm Di Đà, miệng niệm Di Đà nghe Di Đà; Di Đà Di Đà cứ niệm mãi, thì ra Di Đà niệm Di Đà.”[1]

Phương trượng thoáng sửng sốt, sau đó cười rộ: “Thì ra là như vậy. Cầu Phật tại Linh Sơn, Linh Sơn tại tâm ta, quân chẳng thấy Linh Sơn, hỏi ta đi hướng nào. Tăng chủ quả là thú vị.”

Lý Ý Lan không xen lời vào, chỉ có thể ngồi bên cạnh nhìn hai người này tĩnh tọa, hắn thích kiểu trực tiếp hiệu quả chứ không hiểu phương thức giao lưu như gieo thơ giấu chữ này, vậy nên chẳng thấy thú vị cho lắm, có điều khi Tri Tâm đọc câu thơ tối nghĩa kia, hắn trông thấy gương mặt y thoáng hiện lên nét bi thương.

Một người ngồi trong chốn lao tù mà mặt còn chẳng đổi sắc, thế mà đọc một câu kệ ngữ thì lại chợt thương tâm, Lý Ý Lan nhìn không thấu hỉ nộ của người này, hắn chỉ vô thức so sánh, cảm thấy đại sư cười lên vẫn đẹp hơn.

Trong Đạt Ma viện, phương trương đưa ra Di Đà luận của Tri Tân, lời bàn tán lại lần nữa cất cao.

Lý Ý Lan không lắng tai nghe nữa, hắn vốn muốn hỏi Tri Tâm, hôm ấy ở bãi tha ma thứ gì đã hù dọa y, nhưng thấy đối phương nghe nghiêm túc như vậy, hắn cũng không lên tiếng.

Nghi thức tiếp đó diễn ra vô cùng thuận lợi, bế mạc khi chưa đến giữa trưa, Lý Ý Lan còn chưa nói ra thắc mắc của mình thì đã lập tức được mời đi ăn chay.

Trong chùa hôm nay đặc biệt chuẩn bị đồ chay, ba người và các tăng chúng cùng ngồi dùng bữa trưa trên chiếc bàn dài ở hậu viện, Tri Tân theo lời mời của phương trượng đi đến Châu Cơ các thảo luận cùng các trưởng lão, đó là nơi khước từ khách lạ, Lý Ý Lan không tiện đi theo, sau khi ngồi trong viện một lát, hắn bỗng ngửi thấy mùi lá trúc thoang thoảng trong gió núi.

Hắn men theo tường viện thả bước tản bộ đến phía sau sơn môn, một vùng xanh ngát đập vào tầm mắt.

Đây là một cánh rừng trúc bao la, dõi mắt nhìn chẳng hết thinh không vô tận, thân trúc bạt ngàn không chặn nổi vầng dương rạng rỡ, trong tia nắng sáng chói ẩn chứa màu xanh uy nghiêm tràn đầy sức mạnh.

Tâm trí Lý Ý Lan bị hút đi trong khoảnh khắc, tầm mắt lan tràn những gợn sóng, một cánh rừng trúc tương tự hiện lên từ sâu trong trí óc hắn.

Nơi hắn học nghệ không bao lâu tên là Tức Tâm quan, nằm ở chỗ cao trên núi Vân Lộc, là một đạo quán nhỏ ít người biết đên, sườn núi phía đông tường viện cũng giống như nơi này, trồng một rừng trúc ngút ngàn.

Năm ấy Giải Nhung vẫn chưa phải thương của hắn, vũ khí của Lý Ý Lan rất bừa bãi, sư phụ hắn cứ tùy tiện chặt mấy thanh trúc đưa cho hắn, ngay cả đầu thương cũng chẳng có, ấy thế nhưng hắn rất vui vẻ, có lẽ chính cái sự sao cũng được ấy đã khiến hắn cuối cùng nhận được quyền thừa kế Giải Nhung thương.

Giải Nhung thương có cấu tạo kỳ quái, nói thật ra thì không phải một cây thương tốt, nó có quá nhiều điểm kỳ bí, không có sự ổn định mà thần thương nên có, nếu lơ là thì sẽ không khống chế được độ dài ngắn, nắm giữ hết sức khó khăn, không phải người thật tâm yêu quý và kiên trì bền bỉ thì có thể sẽ bỏ dở giữa chừng.

Lý Ý Lan đã từng bỏ dở giữa chừng mấy năm, nhưng sau mười mấy năm quanh đi quẩn lại, hắn lại đi tới một cánh rừng trúc tương tự, trong tiếng xào xạc dường như còn âm vang câu giáo huấn của sư phụ.

……Tiểu tử thúi chớ có chây lười…… Dậy mau…… Vẫn còn một ngàn không trăm lẻ chín mũi nữa……

Lý Ý Lan nhìn chằm chằm vào đốm sáng vàng chói lóa nhất trên đỉnh đầu, nghĩ thầm liệu đây có phải ý trời đang nhắc nhở hắn rằng, không được quên đi sơ tâm?

Lúc Tri Tân tìm tới, rừng trúc u tĩnh ngày xưa giờ đã thành một chiến trường kịch liệt.

Lý Ý Lan nhấc theo thương đuổi bám Lữ Xuyên tay cầm đại đao, hắn nhảy lên không trung, giẫm lên thanh trúc cong để mượn lực đàn hồi trở mình, tóc dài và vạt áo tung bay phấp phới, toát lên một loại hiệp khí phiêu dật.

Lòng Lữ Xuyên khổ sở như nuốt nửa cân hoàng liên.

Hắn đã nói là mình không muốn đánh, nhưng Lý Ý Lan không chịu buông tha cho hắn, tuy không hạ sát thủ nhưng chiêu nào chiêu nấy đều hiểm độc, chuyên trị nhắm vào chỗ thịt mỏng trên người hắn mà hạ thương, ngực và lưng Lữ Xuyên bị quật cho mấy gậy, đau đến độ tím bầm hai mắt.

Nhưng ra tay nghiêm túc thì Lữ Xuyên thực sự không dám, sức khỏe Lý Ý Lan không còn được như xưa, ngộ nhỡ lúc vận khí xảy ra sự cố gì thì lại ho sù sụ, Lữ Xuyên không dám đánh thật với hắn, chỉ có thể chật vật trốn Đông trốn Tây.

Lý Ý Lan cũng chẳng quan tâm cái gì mà võ nhân không bắt nạt kẻ yếu, hắn cứ đè ép đao của Lữ Xuyên, cán thương quất điên cuồng tới tấp.

Sơ tâm là gì? Sơ tâm chính là làm theo tâm mình, muốn đánh ai thì đánh.

Đương nhiên, đạo đức cơ bản vẫn trói buộc hắn, không đến nỗi tùy tiện ra tay với người khác.

Lữ Xuyên bị đánh đau khắp mình mẩy, trường binh có tầm tấn công rộng, hắn lăn lộn khắp mặt đất cũng chẳng thoát khỏi phạm vi khống chế của cây thương kia, chợt hắn nhác thấy một bóng trắng, bèn theo bản năng nhào tới bên đó.

Trong lúc nhào tới hắn ném đao ra, nhân lúc đối phương tiếp đao bèn nghiêng người, trượt ra ngoài như cá trạch.

Lý Ý Lan dùng cán thương chặn đao, quạt ra mấy vòng nhanh như sét đánh, cổ tay rung lên gạt thanh đao ra như đá cầu, sau đó tung người truy đuổi, hai tay đập liên tục hai cái vào cán thương, trong lúc hai chân nhảy lên, tay đã chuyển xuống nắm lấy chuôi thương.

Lữ Xuyên chuồn ra được một trượng rưỡi, bò đi bằng cánh tay và chân, sau đó tứ chi đồng thời phát lực, xông đến phía sau Tri Tân như hổ vồ.

Lý Ý Lan nhìn chằm chằm Lữ Xuyên, khi tên này nghiêng mình lao ra, hắn ở trên không trung cũng xoay người theo hướng đó, tiếp đó giơ tay quá đỉnh đầu, thân thương tạo thành thế chém, chuẩn bị bổ xuống phía dưới.

Nhưng giây lát sau hắn chợt hoa mắt, một màu áo xà sa xanh nhạt thế chỗ cho Lữ Xuyên, tim Lý Ý Lan hẫng một nhịp, thời gian dường như thể ngừng lại vào khoảnh khắc ấy.

Hắn trông thấy đại sư nhắm mắt lại, cổ rướn sang bên, trông có vẻ hơi sợ hãi, nhưng không biết là tránh không kịp hay thật sự trấn định mà cơ thể y vẫn đứng im tại chỗ cũ.

Đã không kịp thu tay, Lý Ý Lan hô lên “Đứng yên chớ nhúc nhích”, thế chém xuống tức khắc đổi thành đâm, mũi thương xé rách lá rụng và gió núi, đâm thẳng vào vai trái của Tri Tân.

Nhìn hàn quang lóe lên nơi mũi thương, Tri Tân sợ đến mức vô thức chắp tay vang “Bốp” một tiếng, hoàn toàn mất hết sự nhẹ nhàng chậm rãi của Phật môn, song y vẫn cứ mở tròn hai mắt, đứng im bất động.

Nhìn y như vậy, Lý Ý Lan bất chợt nhớ đến con nai trắng trên núi Hoa Sơn, đôi mắt đen lúng liếng như hạt đậu, dáng vẻ kinh sợ toát lên sự ngây thơ khiến lòng người mềm nhũn.

Đòn tấn công ập tới, mũi thương đâm trúng vào khuyên đồng của áo cà sa trên bả vai Tri Tân, mang theo lực đẩy hơi mạnh, nhưng sau đó y không ngã cũng chẳng bị thương, chỉ nhìn thấy Lý Ý Lan hạ xuống đất, cán thương trong tay hắn bỗng nhiên rút ngắn, cuối cùng rút lại còn chưa đến hai thước.

Đây là lần đầu tiên Tri Tân nhìn rõ vũ khí của Lý Ý Lan.

Hình dạng đầu thương giống đoản kiếm hình thoi, dài chưa tới một thước, ở giữa có sống nhô lên, đường cung chỗ mũi thương rút lại thành một chấm, ở cuối cán cầm vươn ra một đoạn ống rỗng, dùng để nối cán thương, nom có vẻ cực kỳ sắc bén, nhưng đó vẫn chưa phải điểm lạ kỳ, chỗ đặc biệt đều nằm ở trên cán thương.

Lần trước nhìn từ xa, Tri Tân tưởng thân thương của hắn là bằng gỗ chu, lần này nhìn gần mới phát hiện, kỳ thật nó làm từ một loại sắt vàng giống màu gỗ, sau khi được đúc thành dạng ống, không biết dùng cách gì bọc lại mà chẳng những có thể tự do khống chế duỗi dài rút ngắn, hơn nữa còn có độ mềm dẻo đáng sợ mà cán thương bình thường không thể đạt tới được.

Người tạo ra món vũ khí này, có thể tìm ra được loại vật liệu độc đáo mới mẻ thế này, hơn nữa còn đột phá cách chế tạo truyền thống, nói là kỳ tài tuyệt thế cũng chẳng ngoa.

Tri Tân nhìn về phía Lý Ý Lan, đôi mắt ánh lên niềm hân hoan khi nhìn thấy đồ vật mới lạ, y hồn nhiên quên mất nỗi kinh hãi vừa mới đây, bảo với hắn rằng: “Ta có thể xem thương của ngươi được không?”

…….

Giờ Mùi khắc hai, Chính Nghĩa phường ở Tây Thành, xưởng mài ngọc Hữu Đức.

Giang Thu Bình ngồi trên bậc thang đầu hẻm bóp bóp ngón chân, trong cảm giác đau đớn còn xen lẫn cả ngứa ngáy, chẳng được dễ chịu gì cho cam. Trải qua mấy bữa nay, lòng bàn chân y phồng rộp, sườn bàn chân thì nổi vết chai, tuy tinh thần vẫn năng nổ nhưng chân cẳng lại không thoải mái.

Hẳn Trương Triều cũng nhận ra nên có ý chăm sóc y, hắn một mình đi vào cửa hàng hỏi thăm tin tức, đỡ cho y phải đi mấy bước đường.

Cả buổi sáng bọn họ chạy khắp các hiệu thuốc, xưởng đá và xưởng ngọc ở khu thành Đông, nếu không phải trong thành không có đạo quan thì có khi bọn họ cũng phải chạy tới quấy rầy đôi câu rồi.

Tất cả các chưởng quỹ khi nhìn thấy tảng nam châm trong bọc của bọn họ thì đều sáng bừng mắt lên, hào hứng hỏi họ muốn bao nhiêu tiền thì chịu bán, phản ứng này rõ ràng là chưa từng thấy nó, hai người chỉ đành nói mấy câu đối phó, rồi sau buổi trưa lại chạy tới thành Tây.

Trương Triều đã đi vào một lúc, Giang Thu Bình phân vân không biết mình có nên vào xem hay không, nhưng thất vọng nhiều lần khiến y từ bỏ ý nghĩ này, y dùng hai tay chống đất, chán chường quan sát người đi đường, bọn họ thong thả ung dung, vui thì cười giận thì mắng, thoạt nhìn có vẻ vô cùng an ổn hạnh phúc.

Nhưng trước khi thị phi ập đến, những bộ xương khắc đầy chữ đó cũng từng sinh động vui vẻ như thế này.

Giang Thu Bình bỗng dưng khó chịu, y luôn cảm thấy mình cũng coi như thông minh, chỉ cần cho y cơ hội là có thể lập được công trạng, nhưng khi thật sự làm thì mới biết khó nhường nào, chỉ là ngọn nguồn của một tảng đá thôi cũng khiến y tra đến sứt đầu mẻ trán…….

Một đôi giày màu đen xuất hiện trong tầm mắt y, giọng nói lãnh đạm của Trương Triều vang lên trên đỉnh đầu: “Đi thôi, tới phố Lai Xuân một chuyến.”

Mí mắt Giang Thu Bình giật giật, y ngẩng đầu lên hỏi: “Có manh mối hả?”

Trương Triều kéo y dậy: “Công nhân ở xưởng mài ngọc này mới nói một câu, trên có nam châm, dưới có vàng đồng.”

Mắt Giang Thu Bình sáng lên, manh mối trực tiếp hơn có lẽ không đến từ khối nam châm này, mà là thợ mộc có lưu lại đồ vật.

Hai người vội vã chạy tới phố Lai Xuân, Trương Triều trực tiếp đạp vỡ cửa nhà người thợ mộc, sau đó hai người đào ra được một cái chuông và một tờ giấy bên dưới lớp đất từng đặt nam châm.

Chiếc chuông to bằng quả trứng gà, dạng hình loa, bên trong treo ba con lắc đồng.

Còn tờ giấy thì là giấy da trâu gấp lại, chữ trên giấy xiêu xiêu vẹo vẹo, viết rằng: Ghế không rời ba, cửa không rời năm, giường không rời bảy.

Giang Thu Bình và Trương Triều trố mắt nhìn nhau, hoàn toàn không hiểu hai vật này đang đánh đố cái gì.

******

★Chú thích:

[1]Di Đà dạy ta niệm Di Đà, miệng niệm Di Đà nghe Di Đà; Di Đà Di Đà cứ niệm mãi, thì ra Di Đà niệm Di Đà: Đây là bốn câu trong bài Phật kệ “Trực niệm khứ” của Hạ Liên Cư. Có thể hiểu là A Di Đà Phật thông qua cách giảng kinh để dạy chúng sinh trở về chân như, vượt qua bể khổ vô biên. Chúng sinh học theo thành tâm niệm Phật, miệng niệm Di Đà, tai nghe Di Đà. Cứ niệm mãi niệm mãi cho đến khi thấm nhuần, sẽ nhận ra bản tính chân như của chúng sinh cũng giống với Phật, chính bản thân ta cũng là Di Đà, thì ra Di Đà đang niệm Di Đà.

Còn bài kệ trên liên quan gì đến tình cảnh trong truyện thì mình không biết , không hiểu luôn…….
Bình Luận (0)
Comment