*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Cuối giờ Thân, phường Điền Định, phố Chính Hưng.
KKý Thanh nằm nhoài ở phía sau nóc mái hiên, trên nóc có một lỗ thủng hé sáng, soi mắt nhìn xuyên qua đó, có thể thấy rõ mồn một hai tên áo đen hôm qua nhảy vào trong nhà.
Chỗ này là phong thủy bảo địa mà cậu đi mấy vòng mới kiếm được, cực kỳ thích hợp để canh gác, tuy nhiên lỗ thủng này ban đầu không có, mà là cậu dỡ một mảnh ngói nhà người ta ra.
Về phần lính tuần tra mà Lý Ý Lan phái cho cậu, Ký Thanh chê bai người ta ngu ngốc, sợ họ làm hỏng việc của mình, cho nên liền để đô thống dẫn đội đến hai con phố ngồi uống trà, sau đó không trả tiền trà, bảo đô thống tự nhâm nhi trước, uống xong thì đến chỗ quận trưởng mà lấy tiền.
Đô thống không có bản lĩnh sai bảo được tên nhóc sai vặt này như đề hình quan, trong lòng chửi mẹ chửi cha nhưng ngoài mặt vẫn phải gật đầu tuân theo. Sau đó hắn không ngờ uống một chén trà thôi mà uống suốt cả ngày.
Ký Thanh từ con hẻm nhỏ yên tĩnh leo lên mái ngói, nấp kỹ tại điểm canh gác của mình, từ vị trí của cậu nhìn sang, trong ngôi nhà kia dày đặc mạng nhện và dây leo, cột nhà mục nát, cửa nẻo tả tơi, chẳng có lấy một chút hơi người.
Đám đạo tặc mà hôm qua còn định giết người diệt khẩu nay lại như thay đổi tính tình, trong nhà vẫn lặng ngắt như tờ.
Ký Thanh chờ từ lúc mặt trời treo cao đến khi lặn tít đằng Tây, sự hào hứng lúc đầu đã chẳng còn sót lại, mà dần dần biến thành nỗi buồn chán ngán ngẩm.
Hai kẻ kia vẫn còn ở nơi này, bởi vì con bướm đêm hôm qua cậu bắt vẫn còn ở quanh nhà, không phải Ký Thanh không thể phá cửa xông vào, nhưng cậu không dám chắc sẽ bắt được người, cũng không muốn đánh rắn động cỏ quá sớm, ngộ nhỡ hai tên đó còn định làm gì, cậu bám theo đuôi chúng, biết đâu phát hiện thêm được gì mới thì sao.
Bởi vì vô vị và tẻ nhạt, tiếng rao đồ ăn ngoài phố không ngừng dụ dỗ cậu, thế nhưng cậu vẫn không dám lơi là nhiệm vụ của mình.
Nằm sấp trên nóc nhà lâu nên ngực hơi đau, Ký Thanh trở mình, hai tay gối đầu, thong dong bắt chéo chân. Xưa nay cậu nghĩ mãi vẫn chẳng hiểu sao mình cứ cãi nhau ỏm tỏi với cha mà lại xem lời nói của Lý Ý Lan như thánh chỉ, cái tên ma ốm kia thì có gì đặc biệt chứ?
Ngẫm lại thì hình như hắn cũng chả có gì ghê gớm thật, nhưng Ký Thanh lại tình nguyên nghe theo hắn, bọn họ là huynh đệ không chung máu mủ, một kẻ có chút bản lĩnh, một kẻ mang lòng kính nể.
Có lúc Ký Thanh cũng cảm thấy bất công, người tốt như vậy sao lại đoản mệnh cơ chứ, nhưng cũng có lúc cậu lại nghĩ, nếu Lý Ý Lan không trúng một dao kia thì bọn họ đã chẳng gặp được nhau.
Cho nên cái đầu óc đơn giản của cậu vẫn còn lâu mới hiểu thấu được, mỗi giai đoạn trong kiếp người người, kỳ thật đều là tập hợp hết thảy nhân duyên từ nửa đời trước.
Ký Thanh vốn chỉ định nằm một lát thôi, nhưng cậu không ngờ nắng ấm ngày đông lại có sức mạnh thôi thúc người ta nhắm mắt đến như vậy, cho nên liền thiu thiu thiếp đi lúc nào chẳng hay.
Thế là cả một biểu chiều, cậu thoải mái đánh một giấc chiêm bao giữa ban ngày, còn đô thống trong quán trà thì đau đầu bó tay.
“Thủ lĩnh, rốt cuộc chúng ta phải ngồi đây tới khi nào ạ?”
Thấy trời dần sẩm tối, quan binh tuần tra bồn chồn hỏi ra câu này đến lần thứ ba, giọng điệu đã có vẻ hơi bực bội.
Tuy thêm trà không mất tiền, cơ mà cứ tiếp tục thế này thì hắn có nguy cơ phải bao cơm, bảy tên đàn ông trai tráng ngồi không nhắm trà cả buổi trưa có sức chiến đấu khôn cùng, đô thống áng chừng tiền trong túi mình, dứt khoát đặt cái chén đánh “Cạch” một cái lên bàn: “Mịa, rút thôi!”
Tuy nói thế nhưng trước khi rời đi, đô thống vẫn cho người đi tuần tra một vòng quanh phố Chính Hưng, nghe báo lại là không tìm thấy Hồ đại nhân, hắn mới thở phào nhẹ nhõm dẫn đội đi.
Bấy giờ đã là chạng vạng, chiều tà chỉ còn chiếm nửa khung trời, nhiệt độ nhanh chóng hạ xuống.
Ký Thanh tạm biệt giấc ngủ trong cái hơi lạnh ấy, song thứ thực sự đánh thức cậu không phải là lạnh giá, mà là âm thanh kẽo kẹt mà chỉ loại cửa cũ lâu ngày không người sử dụng mới phát ra được.
Cho dù đầu óc chưa tỉnh táo hẳn, Ký Thanh vẫn mang mang có dự cảm, cậu lồm cồm bò lên, dán mắt vào lỗ hổng nọ.
Sau một khắc, cánh cửa mở rộng, căn nhà đổ nát kia nghênh đón vị khách đầu tiên mà Ký Thanh chờ được trong hôm nay, kẻ nọ cầm theo đèn lồng, ánh nến mờ mờ hắt lên gương mặt, Ký Thanh dõi mắt nhìn, nhất thời giật nảy cả mình.
Đúng là khéo ghê cơ, kẻ đi đến là người quen ——
Cuối giờ Mùi, Chiêu Đàn tự, bên con suối trong rừng trúc.
Trên giang hồ có một vài người không muốn cho người kẻ xem binh khí độc môn của mình, Lữ Xuyên cũng như vậy, hắn quen dùng đao có sống dày, rất ít khi để người ngoài chạm vào, lau đao hay quét dầu cũng đều tự mình làm lấy.
Nhưng Lý Ý Lan thì không có cái tính kỳ lạ ấy, trước kia Ký Thanh thấy hắn múa thương oai phong thì cũng xin mượn thương, hắn lập tức cho liền, bây giờ Tri Tân hỏi xem, hắn cũng đưa cho y coi.
Tri Tân thoáng ngạc nhiên, không ngờ hắn lại dễ tính như thế.
Món đồ càng độc nhất vô nhị thì chủ nhân sẽ càng thận trọng, lúc nào cũng giấu giấu diếm diếm, sợ người khác rình mò soi xét, ấy thế mà người này lại chẳng hề để tâm.
Có lẽ vì sư phụ hắn suốt ngày lấy Giải Nhung thương đi thái rau, vót trúc, gánh nước, cho nên Lý Ý Lan chưa từng cảm thấy nó có gì quý hiếm cả.
Sư môn bọn họ chẳng có tiếng tăm, cũng chẳng có quy củ giấy trắng mực đen gì, dạy với học chẳng qua chỉ xem coi có ưng mắt nhau không, tâm tình có tốt không, cho nên bất kể là thương hay thương pháp, ai thích hợp thì trao cho người đó, ai muốn xem thì cho xem, chỉ cần Lý Ý Lan nguyện ý là được.
Mà đối với một đại sư hiền hòa nhã nhặn, Lý Ý Lan còn hào phóng hơn cả với Ký Thanh, bởi vì hắn đối với Ký Thanh là chăm sóc, còn đối với Tri Tân thì là lễ ngộ.
Tri Tân dùng hai tay nhận lấy, nở nụ cười nói cảm ơn, sau đó y cúi đầu, bắt đầu quan sát kỹ cây thương có thể biến đổi hình dạng này.
Mũi thương không có quá nhiều chi tiết, một vòng hoa văn Quỳ Lôi quấn quanh lưỡi đao, chất liệu sắt không lạnh không ấm, trông có vẻ bình thường, không khắc con dấu nên không biết được người chế tạo là ai, Tri Tân chẳng nhìn ra chỗ đặc biệt, bèn nhanh chóng dời mắt đến phần cán thương.
(Hoa văn Quỳ Lôi (Quỳ văn): loại hoa văn họa tiết bắt nguồn từ Đông Á, phổ biến nhất vào thời kỳ đồ đồng.)Đối với y mà nói, đây hoàn toàn là vật liệu xa lạ, có trọng lượng của huyền thuyết và tính chất giống vàng và đồng, dựa theo quy củ ít mà chất, nó đáng lẽ phải là loại vật phẩm quý giá, nhưng vết tích trên cán thương lại cho thấy rõ ràng là không phải như vậy.
Trên cán thương có một vết lửa cháy dài vắt ngang, nom như vết dầu tràn ra khỏi thớt gỗ, khiến cây thương độc đáo này mang trên mình dấu ấn của sự tầm thường không được quý trọng.
Ngón tay Tri Tân lướt qua vết cháy đó, gương mặt đượm nét thương xót, tựa như đang đau lòng vì nó vậy.
Lý Ý La nhìn thấy động tác nhỏ ấy, trong lòng bất chợt dâng lên cảm giác ấm áp, như thể được ngâm mình vào trong làn nước có nhiệt độ thích hợp.
Binh khí là linh hồn của võ giả, là khởi nguồn của ý chí và đấu chí, là nơi gửi gắm tính mạng, là hết thảy mọi vinh nhục.
Người đương thời theo đuổi sự hoàn mỹ, cho nên rất kỵ tỳ vết, mà Giải Nhung thương từ thời khắc ra lò đã là một món vũ khí thất bại, bị thợ rèn tức giận vứt vào chậu tro, sau đó lại được sư phụ hắn lén lút đào ra.
Trên đời này ngoại trừ sư phụ và hắn, không một ai biết được lai lịch của nó, vinh quanh nó mang hiện tại, chính là món quà của việc kẻ thất bại kiên trì không chịu từ bỏ.
Nó không mất đi hình dáng sắc nhọn của binh khí thượng đẳng, nhưng đại sư tiếc nuối vì nó, khiến cho Lý Ý Lan cảm thấy như mình nhặt được một tri kỷ, lòng hắn trở nên mềm nhũn, hắn nhìn Tri Tân kéo dài cán thương, chợt cất tiếng nhắc nhở nhẹ nhàng: “Cầm chắc nhé.”
Tri Tân không hiểu ý lắm, nhưng y lập tức nghe bộ phận bên trong vang lên một tiếng “Cách”, chắc là cán đã chuyển đến vị trí nối tiếp, tiếng vang kia nhỏ bé và ngắn ngủi, nhưng cảm giác chấn động nó đem tới thì lại lớn vô cùng, trong cán thương như nhét pháo đốt, lúc bắn ngược lại cổ tay rõ ràng còn run lên một thoáng.
Tri Tân lấy làm kinh hãi, y nhớ lúc Lý Ý Lan cầm nó, cổ tay hắn chẳng mảy may nhúc nhích, chứng tỏ người này đã bền bỉ tôi luyện rất nhiều năm, đã hòa làm một thể cùng với nó.
Lực phản chấn mạnh mẽ như vậy, nhất định ghép nối đơn giản không thể làm ra được phản ứng ấy, mà càng giống như được lắp một loại máy móc phức tạp nào đó, khiến nó có thể bảo trì lực thu phóng này.
Tri Tân tò mò đưa phần đầu lại gần mình, nhưng cấu tạo bên trong vẫn là một đáp án bị giấu kín, hai đầu tấm sắt và cán nối liền thành một khối, y lấy làm tiếc nuối, song càng thêm kính phục người thợ rèn đã làm ra nó.
Cán thương bao gồm sáu khúc, hầu như không có hoa văn, chỉ ở đầu cuối cùng là có một cái nút đồng hình hoa sen, lúc kéo ra hết thì không nhìn thấy đường nối, chúng mảnh nhỏ như tơ tằm, cán thương nối liền tạo thành một thể thẳng tắp, kỹ thuật này quả thực là tác phẩm của một bậc thầy.
Khi rút về không cần dùng lực quá lớn, cho nên tại một kích vang dội vừa rồi Tri Tân vẫn có thể đứng vững tại chỗ, song hẳn là cần phải có kỹ xảo, Tri Tân nhận thấy mình chẳng tài nào dùng được, đành phải dùng hai tay cầm ngang cán thương, trao lại cho Lý Ý Lan, sau rồi cười nói: “Thương rất tốt.”
Lý Ý Lan nhận lấy cây thương, nắm chặt cán thương rồi vung ra hướng chếch đối với y, đôi mắt ẩn chứa niềm vui sướng: “Đại sư cũng hiểu về thương sao?”
Kỳ thực hắn rất thích nghe người ta khen nó, nhưng người thật lòng khen nó lại quá ít.
Lý Chân hi vọng hắn đỗ đạt công danh, sau khi không lay chuyển được hắn thì mới bằng lòng cho hắn tập võ.
Lý Di cảm thấy nó quá tinh vi, không đủ đường hoàng.
Ký Thanh mới đầu thấy nó thì rất đỗi kinh ngạc vì món thần binh này thần binh, nhưng luyện được mấy lần rồi chẳng thèm mượn nữa, nó vừa trống rỗng vừa bất ổn định, không nắm chắc thì còn chẳng xiên nổi con cá.
Lữ Xuyên khen nó đẹp đẽ và biến đổi khó lường, song cũng bảo rằng nó dài chẳng dài, ngắn chẳng ngắn, quá tâm cơ.
…..
Sư phụ thì hết mực yêu quý nó, nhưng ông đã đứt mất một cánh tay.
Tri Tân không biết hắn làm thế nào, chỉ thấy cán thương bất chợt rút ngắn phần đầu, tức khắc trở về kích cỡ hai thước, có điều gió thổi lồng lộng, át đi tiếng cơ quan của nó.
Tuy y không biết đây là nguyên lý gì, nhưng quả thực là được mở rộng tầm mắt, Tri Tân tiếc nuối dời mắt đi, thật thà lắc đầu bảo: “Không hiểu.”
Lý Ý Lan không định khiến y lúng túng, chỉ muốn nghe lý do mà thôi, hắn từ tốn giơ tay hướng về phía con đường mòn lát đá quanh co, ý là mời đại sư tản bộ cùng hắn một lát, gương mặt mang nụ cười nhẹ nhàng: “Vậy sao đại sư lại nói là “tốt”?”
“Ta cũng đâu có hiểu, làm gì có vì sao chứ,” Tri Tân bật cười, thả bước đi men theo con đường mòn, đưa ra lý do hết sức đơn giản và trực tiếp, “Chẳng qua cảm thấy như thế mà thôi.”
Lý Ý Lan bỗng cảm giác câu trả lời này thật quen tai, đi thêm hai bước nữa, hắn không nén nổi tiếng cười khe khẽ.
Lữ Xuyên vốn đã nhấc chân chuẩn bị đi theo sau, hắn biết Lý Ý lan đề phòng hắn, vậy nên rất tự giác chấp nhận việc bị soi xét, hắn dự định đi theo sát từng bước, để cho Lý Ý Lan thấy được hết thảy hành tung của mình.
Nhưng khi nghe tiếng cười kia, bàn chân nhấc lên của hắn lại hạ xuống, nghĩ bụng thôi đi theo từ đằng xa vậy, vị huynh đệ này mãi mới có được giây phút vui vẻ, chẳng dễ gì có thể tươi cười như thế, hắn không muốn làm Lý Ý Lan mất hứng.
Trong lúc hắn suy nghĩ, hai người phía trước đã cách xa hắn mấy mét.
Hai bóng lưng một đen một trắng, sóng vai đi trong rừng trúc xanh ngút ngàn, tựa như muốn kết bạn thực hiện một chuyến viễn hành đi đâu đó.
Nghe thấy tiếng cười ấy, Tri Tân nhìn sang bên cạnh, không hiểu cớ vì sao người này bỗng nhiên vui vẻ như thế.
Thật ra muốn cười thì cười thôi, nếu người khác không có trải nghiệm như vậy thì dù có nói cũng chẳng hiểu được, thế nhưng xuất phát từ lễ phép không muốn để đối phương thấy tẻ ngắt, Tri Tân vẫn hòa nhã hỏi: “Lý huynh cười gì vậy?”
Lý Ý Lan vác cây thương dài hai thước lên vai, ngón tay chuyển động khiến nó từ từ xoay tròn ở đằng sau, tốc độ nói và động tác của hắn đều chậm rãi như nhau, bởi vì nó tác động đến hồi ức rất lâu trước kia: “Không có gì, chỉ là cảm thấy lời khen ngợi của đại sư là thật lòng, cho nên lấy làm vinh hạnh ấy mà.”
Năm xưa sư phụ hỏi hắn có muốn học thương hay không, Lý Ý Lan nói muốn, ông hỏi hắn tại sao, khi đó hắn chưa hiểu chuyện, dám dõng dạc nói một câu rằng cảm thấy Giải Nhung nên thuộc về mình, bây giờ cây thương đó quả thực đang ở trong tay hắn.
Lòng người khó dò và cũng khó giải, trong một vài tình cảnh, yêu thích và thật lòng đúng là không thể nói rõ được nguyên do, chỉ là một thứ cảm giác mà thôi.
Bấy giờ Tri Tân không khách sáo với hắn nữa, cũng không hỏi hắn tại sao, bởi vì cứ tiếp tục như vậy thì sẽ nói mãi chẳng hết, y nở nụ cười, chuyển sang đề tài khác: “Lý huynh, ta có thể hỏi thương của ngươi là do vị đại sư nào chế tạo ra không?”
Lý Ý Lan ngạc nhiên: “Được chứ, cơ mà đại sư hỏi cái này làm gì?”
Tri Tân giải thích: “Tịnh Viễn đạo trưởng – hảo hữu của ta rất si mê thuật tinh luyện kim loại, suốt đời luôn lấy việc kết giao với người trong đồng đạo làm vui, cây trường thương của Lý huynh độc đáo như vậy, người thợ rèn nên nó ắt hẳn cũng là một bậc thầy cao siêu, nếu có may mắn được hỏi thăm đôi điều về người thợ rèn này, trở về kể lại cho hảo hữu nghe, ông ấy nhất định sẽ hào hứng lắm.”
Lý Ý Lan không có ấn tượng gì về danh hiệu Tịnh Viễn đạo trưởng, nhưng hảo hữu của đại sư thì chắc chẳng phải tục nhân, Lý Ý Lan hồi tưởng trong đầu những vị thiên sư trên giang hồ mà có chữ lót là “Tịnh”, phát hiện người có danh hiệu như thế hầu như đều ở trong Thái Huyền điện trên núi Võ Tân.
Thái Huyền điện là Thái Sơn Bắc Đẩu của Đạo giáo, xưa nay không thiếu quái kiệt, có một thiên sư không thích luyện đan mà lại thích rèn đúc thì cũng không tính là chuyện lạ nhỉ……
Lý Ý Lan phỏng đoán lung tung xong, đang định nói chuyện thì chợt thấy dáng vẻ chờ đợi của Tri Tân, mới sực nhận ra là mình nghĩ Đông nghĩ Tây nhiều quá, mà suy nghĩ phần nhiều là về tình tiết vụ án, hắn không có kinh nghiệm phân chia lúc nào nên nghĩ lúc nào không nên, Lý Ý Lan dở khóc dở cười, lập tức tập trung vào chuyện trước mắt.
Hắn cười bảo: “Đại sư quá khen, người rèn nên Giải Nhung thật ra cũng không phải danh sĩ đại gia gì cả, mà là một vị thượng phương lệnh trong cung đình trước kia, tên là Viên Kỳ Liên, ta cũng chưa từng gặp người thợ rèn này, mới chỉ nghe sư phụ ta nói rằng vị đại nhân này đã qua đời nhiều năm rồi.”
Thượng phương lệnh là quan viên quản lý giám sát bí khí của chư hầu và binh giáp ngự dụng, thuộc về Thượng Phương ty, ty nha xưa nay lập lại hai bên hoàng lăng, được tầng tầng lớp lớp cấm quân canh gác nghiêm ngặt, là một nơi thần bí dính dáng để đủ mọi loại đồn thổi.
Tri Tân cũng biết đến sự tồn tại của Thượng Phương ty, thế nhưng không hiểu rõ về nó, y nghe vậy thì chắp tay nói: “Trời cao đố kị anh tài, đạo hữu của ta không có duyên được gặp gỡ đại gia, tuy nhiên vẫn cảm ơn Lý huynh đã giãi bày.”
“Việc nhỏ thôi mà, không đáng nhắc đến.” Nói tới giãi bày, Lý Ý Lan chợt nghĩ đến gì đó, hắn mở lời, “Đại sư, ta cũng có một thắc mắc. Ban nãy khi nghe pháp ở hậu viện, ta nghe thấy nam tử kia nhắc đến vấn đề Phật tử bái quỷ thần, còn bảo hôm ấy ở bãi tha ma ngươi bị bộ xương dọa sợ, quả thực có chuyện đó sao?”
Tri Tân khẽ nhíu mày, nom có vẻ hơi ngơ ngác, song biểu cảm ấy biến mất rất nhanh, y nghiêm túc suy nghĩ một lát, rồi nhìn Lý Ý Lan và nói: “Đúng là có thật, tuy nhiên không phải ta bị giật mình bởi bộ xương, mà là bị giật mình bởi con kiến.”
Lý Ý Lan chẳng hiểu rốt cuộc là loại kiến gì mới có thể khiến đại sư, người ngồi trong ngục mà vẫn điềm nhiên, phải giật mình?
Nghe được thắc mắc của hắn, Tri Tân thẳng thắn trả lời: “Lúc ấy ta đang ngồi xổm, muốn nhìn chữ viết trên bộ xương, bỗng nhiên khúc xương tay kia run lên, di chuyển sang bên cạnh. Ta là một hòa thượng thường bầu bạn với Phật Tổ chứ không phải với Bất Động Minh Vương, tự dưng nhìn thấy cảnh ấy, ta cũng biểu hiện thất lễ. Thế nhưng sau đó ta phát hiện, đấy không phải là quỷ thần quấy phá, chỉ là bộ xương kia trùng hợp chắn đường một đàn kiến kiếm ăn mà thôi.”
(Bất Động Minh Vương là một vị Phật có vẻ ngoài dữ tợn, chuyên bắt quỷ thần.)Lý Ý Lan cảm thấy mình sắp hết thuốc chữa rồi, thật ra hắn nghe mà vẫn chẳng hiểu gì cả, nhưng ngay cả con kiến hắn cũng không muốn bỏ qua.
Ở đâu ra nhiều kiến như vậy!
Cuối giờ Thân, con phố chính trên đường cái Nhiêu Lâm.
Sau khi đào đồ ra cất kỹ trong ngực, Trương Triều và Giang Thu Bình bắt đầu cất bước trở về nha môn.
Nhưng khắp nơi đầy rẫy tai mắt nhòm ngó, trong đám đông tưởng chừng bình thường đồng điệu, mấy con dao gấp giấu giữa phố thị lặng lẽ tuốt ra.