Trúc Mã Trục Mã

Chương 21

Người khám bệnh cho Lí Thời là một bác sĩ già, chỉ đơn giản hỏi tình trạng bệnh của cậu, rồi hí hoáy viết một lúc.

“Không cần lo lắng đâu, chẳng phải bệnh gì nặng, chỉ là cúm dạ dày(1) thôi, uống thuốc, nghỉ ngơi nhiều là được rồi.”

Cảm ơn bác sĩ xong, trên đường đi lấy thuốc, Lí Thời tự mắng bản thân, “Sao mà mày ngu thế hả? Rõ ràng không phải tiên, sao lại để lộ chuyện mình sợ tiêm chứ? Đúng là ngu lâu khó đào tạo mà!”

Trần Duy Mặc lấy thuốc xong, quay lại nhìn thấy vẻ mặt nhăn nhó của Lí Thời, rất không nể mặt mà bật cười.

“Đâu có bắt em tiêm, sao còn xoắn xuýt cái gì?”

Cậu nghẹn khuất trừng mắt nhìn Trần Duy Mặc, không nói lời nào.

“Được rồi, đừng nhăn nhó nữa, sợ cũng đâu có sao. Cứ che giấu, lỡ đâu có hại cho sức khỏe thì làm thế nào?”

“Thế nhưng, rất mất mặt đó. Một thằng đàn ông mà lại sợ tiêm…” Lí Thời nhỏ giọng lẩm bẩm.

“Tiểu Thời.” Trần Duy Mặc đặt tay lên hai vai cậu, bắt cậu đối diện với anh, “Không có gì mất mặt hết. Ở trước mặt anh, em muốn thế nào cũng được. Khóc to, cười lớn, thậm chí làm nũng, cáu kỉnh cũng không sao. Chỉ là đừng đùa giỡn với thân thể mình, biết chưa? Sáng sớm nay thấy bộ dạng em ra mở cửa, anh tưởng mình sắp phát điên luôn. May mà lần này chỉ là cúm dạ dày, nếu như em thật sự gặp chuyện gì thì anh biết làm sao? Coi như em không nghĩ cho anh, vậy bố em phải làm sao bây giờ?”

“Em, em biết rồi… Anh đừng giận. Bộ dạng anh tức giận đáng sợ chẳng khác gì giáo sư của chúng ta năm đó…”

“Anh chỉ quá lo lắng thôi, lần sau sẽ không thế nữa.”

“Ừm…”

Tục ngữ nói, bệnh đến như núi lở, bệnh đi như kéo tơ. Mặc dù dưới tác dụng của thuốc, Lí Thời đã không thấy khó chịu nữa, nhưng đầu óc vẫn còn choáng váng, toàn bộ mười một ngày của kì nghỉ đều trải qua trên giường.

Trần Duy Mặc lo lắng Lí Thời ở một mình, ngày thứ hai cậu bị ốm đã dọn đồ vào ở nhà cậu, còn mua thêm rất nhiều gạo và thức ăn, mỗi bữa cơm thay đổi đa dạng, cung phụng cái dạ dày suốt ngày phải ăn mì gói của Lí Thời tới kén ăn.

Buổi tối cuối cùng của kì nghỉ, Lí Thời cùng Trần Duy Mặc vẫn thuần khiết ở trong chăn nói chuyện phiếm.

“Duy Mặc, rốt cuộc anh làm nghề gì?” Khi vừa mới biết nhau, cậu luôn cho rằng anh làm nhân viên bán bảo hiểm, cho tới giờ vẫn chưa từng hỏi lại.

“Anh? Anh về trường cao trung của chúng ta làm giáo viên môn Lịch sử.”

“Nói như vậy, Duy Mặc, anh là thầy giáo sao?” Không ngờ anh là thầy giáo của một trường trung học trọng điểm, giáo viên bộ môn không cần làm chủ nhiệm lớp, hâm mộ quá!

“Ừ, nhưng thật ra, Tiểu Thời nè, anh cứ tưởng em cũng sẽ thành thầy giáo.”

“Em cũng muốn thế, nhưng không thể thi được giấy chứng nhận tư cách giáo viên, họ nói em EQ(2) thấp, thật là…” Lí Thời tiếc nuối vô cùng.

“Được rồi, đừng nghĩ lung tung, bây giờ thành ông chủ cũng rất tốt mà. Không cần giống như anh, ngày nào cũng sợ đi muộn bị trừ lương.”

“Ừ, em cũng nghĩ vậy, vui vẻ, tự do.”

Sáng sớm hôm sau, lúc Trần Duy Mặc làm xong đồ ăn sáng, chạy tới trường học, đừng trên bục giảng giảng bài rồi, Lí Thời mới ngáp ngắn ngáp dài đứng lên.

Khi cậu đánh răng xong rồi ăn đồ ăn Trần Duy Mặc chuẩn bị đã hơn chín giờ rồi, Lí Thời vươn người giãn gân cốt, tỉnh táo thoải mái xuống lầu mở cửa hàng.

Khách của tiệm sách đa phần là học sinh, nếu đã bở lỡ thời cơ tốt nhất để bán báo sáng sớm, thì hiện giờ cũng chẳng có mấy người. Lí Thời nhớ tới cuộc trò chuyện tốt qua, tâm huyết dâng trào, lôi cuốn sách tâm lí giáo dục thời đại học của cậu ra.

Khi Trần Duy Mặc mang theo cơm trưa về cửa hàng, Lí Thời đang cầm sách đọc hăng say.

“Đang đọc gì thế, 《 Tâm lý học 》?”

“Ừm…” Kéo dài âm cuối, Lí Thời ngẩng đầu, lộ ra vẻ mặt khó giải thích.

“Làm sao thế? Đọc không hiểu à?”

“Sao có thể chứ, tốt xấu gì đây cũng là giáo trình em đã học qua…”

“Vậy vẻ mặt nghi hoặc của em là sao?”

“Duy Mặc này, anh còn nhớ thí nghiệm “Gà con mổ thóc(3)” không?”

“Thí nghiệm của Kohler sao? Nhớ mang máng, sao thế?”

Kohler để gà con tìm thức ăn ở dưới hai tờ giấy mang hai sắc thái khác nhau của màu xám. Thức ăn luôn được đặt ở dưới tờ màu xám đậm, sau khi gà con học được chỉ có dưới tờ xám đậm mới có thức ăn, lại đổi tờ xám nhạt thành xám đậm, rồi để nó tìm một lần nữa. Kết quả của thí nghiệm cho thấy, 70% gà con sẽ tìm thức ăn ở dưới tờ giấy màu xám đậm. Kohler cũng nhờ đó mà đưa ra học thuyết quan hệ chuyển đổi.

“Nhưng, nếu như là em, em vẫn sẽ đi tìm thức ăn dưới tờ giấy màu xám đậm… Thí nghiệm này tuyệt đối có vấn đề! Đúng không?”

Trần Duy Mặc vốn định nói với Lí Thời, ý kiến của cậu tương đối giống với yếu tố trong học thuyết, nhưng nhìn vào khuôn mặt mơ màng của cậu, lời đến bên mép anh lại chuyển thành, “Thí nghiệm có vấn đề hay không thì anh không dám khẳng định. Nhưng có một việc anh chắc chắn.”

“Chuyện gì?”

“Em là con gà ngốc.”

Lí Thời đang nghiêm túc nghe giải thích thì nhận được một kết luận đùa giỡn như thế, không khỏi muốn xù lông. Nhưng hiện tại cậu là Lí Thời của ngoài đời chứ không phải Tích Thời trên mạng, đối mặt với người thật, cậu không cách nào biểu diễn kỹ năng “xù lông” một cách nhuần nhuyễn được. Bất đắc dĩ, cậu mất tự nhiên, vừa giả vờ đọc sách, vừa lẩm bẩm “Mau đưa em bàn phím!”

Trần Duy Mặc nhìn Lí Thời khó chịu, cuối cùng vẫn rủ lòng thương, nghĩ tới năm đó đã từng nghe câu “Coi người sự đau khổ của người khác như hạnh phúc của mình làm lẽ sống”, anh giống như tráng sĩ cắt cổ tay, vỗ vỗ vai cậu, vẻ mặt nghiêm túc nói: “Em đừng buồn, thực ra… Năm ấy, anh cũng nghĩ như em vậy.”

“Duy Mặc…” Lí Thời ngẩng đầu nhìn thẳng vào hai mắt Trần Duy Mặc, biểu tình cảm động không gì sánh được. Khi Trần Duy Mặc tưởng như cậu định nói gì, bỗng nhiễn Lí Thời chợt nhớ ra, cầm điện thoại lên loay hoay gõ.

Một lát sau, điện thoại của Trần Duy Mặc vang lên, mở ra xem, là tin nhắn của Lí Thời gửi tới —– “Hóa ra anh cũng là con gà ngốc! Hi ha ha ha!”

*Chú thích:

(1) Cúm dạ dày: tên nôm na của bệnh viêm đường tiêu hóa hay viêm dạ dày do virus.

(2) Nguyên văn là “Trí tuệ xúc cảm” (emotional intelligence – EI) thường dùng dưới hàm nghĩa nói về chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient – EQ) của mỗi cá nhân. Chỉ số này mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng (trong trường hợp của mô hình tính cách về trí tuệ xúc cảm) hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc.

(3) Thí nghiệm “Gà con mổ thóc” của Wolfgang Kohler.
Bình Luận (0)
Comment