Hôm sau trời vừa hửng sáng, xe ngựa đã từ cổng khu viện nhỏ chuẩn bị rời đi.
Trịnh Lan nắm tay Tiểu Viện, dìu nàng lên xe ngựa, còn chàng ngồi ở vị trí xa phu.
Khoảnh khắc leo lên xe, trong thoáng chốc Tiểu Viện đột nhiên quay đầu, lưu luyến nhìn cây ngân hạnh vàng (1) óng ả, tất thảy đều bị Trịnh Lan tinh tế nhận ra.
“Nếu nàng thích, khi đến phủ đệ Hàng Nam, chúng ta có thể trồng đủ loại ngân hạnh khác nhau.”
Hàng Nam khí hậu ấm áp, là môi trường thuận lợi để ngân hạnh phát triển, thân cây cũng cao lớn, tươi tốt hơn.
Nhưng Tiểu Viện biết thứ nàng quyến luyến không phải chỉ đơn thuần là gốc ngân hạnh này, giây phút vó ngựa đạp đất lao vút đi, nàng vĩnh viễn cáo biệt cuộc sống bình dị không vương khói lửa nhân gian ngắn ngủi trong căn viện nhỏ, chỉ cần còn ở bên Trịnh Lan một ngày, nàng mãi mãi là Trạm Vương phi.
Đã từng nghĩ rằng, chỉ cần rời khỏi kinh sư có thể có được sự tự do tự tại, chỉ cần Hằng Xương Đế công nhận mình, cái thân phận thật sự, con người chân chính của vị vương phi giả danh này nàng sẽ có được sự tôn trọng, nhưng không… tất cả chỉ là mong muốn đơn phương của riêng nàng.
Duy chỉ có ước nguyện được trọn đời trọn kiếp bên người thương… mong rằng có thể thành toàn.
Xe ngựa có một ô cửa sổ nho nhỏ, Tiểu Viện mở ra, lẳng lặng ngắm nhìn phố xá sầm uất, náo nhiệt bên ngoài.
Có lẽ do duyên số, xe ngựa vừa hay đi qua tiệm bánh bao mà trước kia Kim bà bà đã chuốc thuốc nàng.
Nháy mắt nàng cảm thấy thảng thốt, một bóng dáng quen thuộc lướt qua.
Nàng vội vàng mở to đôi mắt xác nhận, nhưng đường phố nhộn nhịp người qua lại che khuất tầm mắt nàng, đến khi nhìn lại bên cạnh thân ảnh quen thuộc kia, dường như còn có thêm một nữ tử, hai người đang trò chuyện.
Xe ngựa tăng tốc, đi thẳng về phía cổng thành.
Tiểu Viện rũ mắt, cảm thấy có lẽ trong nhất thời mình hoa mắt chăng? Không thể nào là Kim Tam, dựa theo tính tình hướng nội của huynh ấy, chỉ cần mặt đối mặt với cô nương cũng đủ đỏ mặt, sao có thể ngồi cùng một bàn với một cô nương trẻ đẹp cùng ăn bánh bao, trò chuyện được.
Nàng thầm cười bản thân, có lẽ đêm suy nghĩ nhiều, sáng đâm ra ảo giác.
Vì Trịnh Lan ngồi bên ngoài điều khiển xe ngựa nên không hề hay biết tất cả biến hoá cảm xúc trong thoáng chốc kia của Tiểu Viện.
Sau một chặng đường dài xóc nảy, cuối cùng hai người đã tới được thủ phủ Hàng Nam.
Tiểu Viện nhìn ra ngoài cửa sổ, những con đường lát đá xanh (2) rộng rãi, sạch sẽ.
Thời điểm Tiểu Viện bước vào căn viện mà tuần phủ Hàng Nam chuẩn bị sẵn để tiếp đón Trạm Vương điện hạ mới lý giải được Hàng Nam giàu có, trù phú nhường nào.
Mặc dù thuở nhỏ nàng lớn lên tại Hàng Nam, cũng nhìn thấy qua không ít Tần lâu Sở quán xa hoa, và quần áo gấm vóc, lụa là đắt đỏ, quý giá, nhưng đến cùng nàng chỉ là kẻ tối ngày quanh quẩn trong phòng, tất bật kiếm sống trong căn bếp chật hẹp, hoặc bị giam nhốt trong tiểu viện của đám buôn “ngựa gầy” không ra đến ngoài cửa, cho nên đương nhiên không thể hiểu tường tận cái gọi là “ngựa xe như nước, giai nhân như lý, phú quý ôn hương” của vùng đất Hàng Nam giàu có, phồn hoa bậc nhất Đại Trịnh.
Phủ đệ này so với phủ Trạm Vương ở kinh thành thậm chí còn sang trọng, lộng lẫy hơn, mặc dù về diện tích không thể sánh bằng, nhưng về sự tinh mỹ, hoa lệ thì không hề kém.
Cho dù là giả sơn, hay nền đá xanh được khéo léo ghép thành những chữ [Nhân] đều tinh xảo đến hoàn hảo, mà chỉ những nghệ nhân đất Hàng Nam giàu có mới tạo ra được.
Mạnh Khải Lễ - Tuần phủ thay thế Tiền Trọng Mưu cai quản Hàng Nam đương nhiên biết địa vị lẫy lừng, cũng như tầm ảnh hưởng trong triều đường và tầm quan trọng trong hiện tại của Trạm Vương - Trịnh Lan trong lòng Hằng Xương Đế.
Đảng Thái tử sụp đổ, kéo theo đám quyền thần Hàng Nam bọn họ cũng thảng thốt, lòng nơm nớp lo sợ, bất an, thế nên chỉ hận không thể viết lên mặt hai chữ ân cần với Trạm Vương điện hạ.
“Khởi bẩm điện hạ, viện này tên gọi Nhị Phân viện, nguyên do được đặt như vậy, do mỗi khi ánh trăng chiếu rọi, cả khu viện ngập tràn ánh sáng.
Viện này đến nay đã có lịch sử 300 năm, Thái tông hoàng đế mỗi khi tuần du Hàng Nam đều nghỉ ngơi tại đây.
Mỗi khóm hoa, ngọn cỏ nơi đây đều thi vị, tinh mỹ, tình ý dạt dào, có rất nhiều cảnh được bài trí khéo léo, nên thơ, bên cạnh đó còn gắn với các giai thoại lịch sử.
Lâm viên này có thể coi là bảo vật của đất Hàng Nam.”
“Khu lâm viên này trước đó là của ai?” Trịnh Lan nhìn đình đài lầu các nguy nga, tinh ảo, hờ hững hỏi.
Mạnh Khải Lễ cũng đoán được sẽ bị hỏi vấn đề này nên đã cẩn thận chuẩn bị trước câu trả lời: “Hồi điện hạ, Nhị Phân viện từ tiền triều đã được dùng làm nơi nghỉ ngơi chính thức của hoàng thất, là tài sản thuộc quyền quản lý sử dụng của triều đình.
Trước đây nó được sử dụng làm phủ của tội thần Tiền Trọng Mưu.”
Mạnh Khải Lễ liếc nhìn Tiểu Viện - thế thân “Tiền Thục Viện” bên cạnh Trịnh Lan, chờ đợi ánh mắt cảm kích của nàng ta, dù sao chỗ này cũng là đình viện nơi Tiền Thục Viện lớn lên, hiện tại lại trở thành Trạm Vương phủ.
Mạnh Khải Lễ cố ý vật trao về chủ cũ nhằm lấy lòng Trạm Vương phi.
Tiểu Viện nhìn ánh mắt đầy chờ mong của Mạnh Khải Nghĩa, lòng đột nhiên hụt hẫng, trống rỗng.
Dù trong toàn bộ hành trình, Trịnh Lan đã thể hiện rõ quan điểm ‘cải trang vi hành’, đồng thời giữ bí mật lộ trình di chuyển, nhưng vẫn có không ít quan sai mua chuộc thông tin, lén lút tiếp cận hối lộ chàng.
Mà đại đa số họ đều có chung một xu hướng hành động, đó là tìm cách tiếp cận, lấy lòng Trạm Vương phi.
Tiền phủ rớt đài, thương nhân, sĩ tộc và thế lực thao túng chính trị Hàng Nam đều có chút sốt sắng, Tiền Trọng Mưu hiện tại còn đang là trọng phạm bị triều đình truy nã, nhưng nữ nhi duy nhất của hắn “Tiền Thục Viện” lại đang là người gần gũi nhất với vị quý nhân tiếng tăm lẫy lừng, quyền uy dưới một người, trên vạn người.
Tất cả bọn họ đều không khỏi vắt óc nghĩ cách phấn đấu leo lên tiếp tục duy trì quyền thế và vinh hoa phú quý.
Lòng Tiểu Viện nhói đau.
Nàng cả đời này xem ra chỉ có thể sống dưới thân phận Tiền Thục Viện.
Ngân hạnh có tên khoa học là Ginkgo biloba L., thuộc họ Ginkgoaceae (Bạch quả), còn hay được gọi với cái tên Bạch quả.
Ngân hạnh có nhiều ở Trung Quốc, xuất hiện từ lâu đời, có nhiều cây ngàn năm tuổi được tìm thấy tại Nhật Bản và Trung Quốc, người dân xứ Trung trồng Ngân hạnh thành đồn điền, một số tỉnh trồng nhiều như An Huy, Phúc Kiến, Quý Châu, Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc, Giang Tô, Sơn Tây, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Ngân hạnh là loại dược liệu vừa sử dụng làm thuốc vừa dùng làm thực phẩm, có nhiều công dụng trị bệnh như hỗ trợ điều trị đái tháo đường, giúp an thần kinh, dễ ngủ.
đường lát đá xanh: nguyên văn (青石板 – thanh thạch bản) một loại đá thường có màu xanh chấm trắng, được khai thác nhiều ở vùng Giang Tô.
Người Trung Quốc thường dùng loại đá này để lát đường và đây được coi là một loại nguyên vật liệu rẻ, bền và tinh khiết.
.