Anh Muốn Cùng Em Đi Tới Cuối Cuộc Đời

Chương 10

Đồng Tịch bị mấy tên côn đồ kéo bím tóc, thiếu chút nữa thì phải chịu đau khổ, thế là tức giận chạy tới hiệu cắt tóc.

Chạng vạng khi cô tưới hoa ở ngoài tường, Thẩm Hi Quyền về từ công trường làng du lịch, thiếu chút đã không nhận ra cô, gần đây cô đang cao lên rất nhanh, dáng người vốn đã gầy nay càng gầy hơn, nhìn thoáng qua còn tưởng là một thiếu niên.

Thẩm Hi Quyền còn tưởng rằng tay nghề của cửa hiệu cắt tóc quá tệ, bênh vực cô nói: "Cắt ở hiệu nhà ai thế? Tay nghề thế này là muốn đóng cửa nhỉ!"

Trong mắt Đồng Tịch mang cười, tóc bị cắt hỏng mà chẳng có tí buồn bực nào: "Chính em bảo ông ấy cắt như thế đó, em còn định cạo trọc cơ, nhưng ông ấy chết sống không chịu, sợ em hối hận lại chạy tới bắt đền."

Trong lòng Thẩm Hi Quyền lộp bộp, không nhìn ra nha, cô gái nhỏ này rất liều lĩnh.

Ngày thứ hai sau khi cắt tóc, Đồng Kiến Văn đi phúng viếng mẹ của một bạn học. Sau khi trở về thì ở trong sân nói chuyện với Đồng Xuân Hiểu về người bạn học này, coi như là cho cháu gái một tư liệu sống để sáng tác.

Bạn học của ông tên là Giang Nhược Hạm, còn trẻ là một người đẹp có tiếng ở trấn trên, khi học trường y thì bị công ty giải trí phát hiện, mời đi đóng quảng cáo, khi đó đang lưu hành lịch treo tường, ảnh chụp của cô ta còn được in trên lịch treo tường, tiêu thụ rất tốt. Sau khi tốt nghiệp thì vào bệnh viện tỉnh. Chồng của cô ta là Nhiếp Chấn, xuất thân là con út của một gia đình cán bộ cao cấp. Khi bố Nhiếp Chấn gặp nạn nằm viện thì anh ta gặp được Giang Nhược Hạm, nhất kiến chung tình.

Bố Nhiếp chú ý môn đăng hộ đối, thấy Giang Nhược Hạm xuất thân từ gia đình bình thường thì thấy không xứng với con trai, sau khi điều tra ra việc cô ta còn từng đóng quảng cáo thì càng kiên quyết phản đối hôn sự này. Nhưng Nhiếp Chấn vẫn luôn kiên trì, sau nhiều năm mới được bố cho phép kết hôn với Giang Nhược Hạm. Sau khi cưới thì anh ta đối xử với vợ rất săn sóc tỉ mỉ, con trai cũng rất giỏi, mới tiểu học đã nhảy liền hai lớp, năm nay mới mười sáu tuổi mà đã đi đỗ đại học B rồi.

Đồng Xuân Hiểu không nhịn được nói: "Đây đúng là người thắng trong cuộc sống nha."

Đồng Kiến Văn phe phẩy quạt hương bồ, cảm thán: "Đúng vậy, hơn bốn mươi tuổi nhưng trông chỉ hơn ba mươi, bây giờ mà có ai bảo là bạn học trung học với chú thì quỷ cũng chẳng tin."

Đồng Tịch dự thính hồi lâu thì không dấu vết an ủi chú: "Chú chẳng già chút nào đâu, bạn học của cháu đều bảo chú rất ngầu."

Đồng Kiến Văn cười cầm quạt đập cho cô một cái: "Đừng có nịnh, cháu tưởng rằng chú không biết biệt hiệu Đồng bao công của mình à."

Đồng Xuân Hiểu cố nhịn cười, giả bộ không nghe thấy, Đồng Tịch cũng giả bộ hồ đồ: "Ôi, chú ơi, chú biết hết rồi à."

Đồng Kiến Văn đắc ý phe phẩy quạt: "Đúng vậy."

Ăn cơm chiều xong, Đồng Xuân Hiểu và Đồng Tịch tản bộ với nhau. Khi đi ngang qua một ngõ Cò Trắng thì thấy vô số vòng hoa, trải dài cả con ngõ, trên ngã tư có vài chiếc xe cao cấp, có một ngôi nhà lớn mà người ra vào tấp nập.

Đồng Xuân Hiểu hỏi: "Đây khẳng định là nhà bạn học của chú."

Đồng Tịch tò mò nhìn cổng nhà đó, đáng tiếc cũng không nhìn thấy vị bạn học xinh đẹp của chú. Hai chị em đi xung quanh sông một vòng, khi trở lại chỗ cũ thì biên tập của Đồng Xuân Hiểu gọi điện tới.

Đồng Xuân Hiểu ngồi nghe điện thoại ở ven đường, Đồng Tịch chậm rãi đi về phía trước chờ chị.

Cách mỗi đoạn sông không xa là một chiếc cầu nhỏ. Đồng Tịch lững thững đi hóng gió trên cầu, vừa nhấc mắt thì thấy có một người đứng dưới cây đa.

Anh ta hơi cúi đầu, khuỷu tay chống trên lan can cầu. Trên ống tay áo ngắn màu đen có thêu một cái phù hiệu, trên đó là một chữ "hiếu" bắt mắt.

Trực giác của Đồng Tịch cho rằng người này là con trai của bạn học của chú. Có lẽ do mặc quần áo màu đen nên trông anh ta trầm ổn hơn so với tuổi mười sáu, hơn nữa rất cao, nhìn qua như người thanh niên.

Trời mùa hè tối muộn, đã bảy giờ rưỡi nhưng vẫn đủ ánh sáng để thấy dung mạo của anh ta. Đồng Tịch cảm thấy trông anh ta rất quen nhưng lại không nhớ đã từng gặp ở đâu.

Chân trời còn sót lại ánh nắng chiều, dần dần mất đi màu sắc, trên khúc sông hẹp, sóng nước yên tĩnh như một dây lưng màu xanh. Chiếc cầu, dòng sông và cây đa tạo thành một bức tranh hoàn hảo, thanh niên tuấn mỹ trong bức họa đang nhìn mặt nước xuất thần.

Mặt nước ánh lên bóng dáng chim chóc, trong nháy mắt phá vỡ bức tranh. Một bãi phân chim rơi xuống trên cánh tay anh ta.

Vẻ mặt lúc đó của anh ta khiến Đồng Tịch thiếu chút nữa cười ra tiếng.

Nhiếp Tu cau mày, sờ vào túi nhưng không có khăn giấy, vì thế nâng cánh tay, định dùng nước sông rửa qua. Đang định xuống bậc thềm thì thấy một thiếu niên cúi xuống đưa khăn tay cho mình.

Thiếu niên đó mặc quần đùi, áo sơ mi, đang đứng trên bậc thềm dưới cùng, còn thấp hơn anh một cái đầu, Nhiếp Tu cúi mắt nhìn, nhất thời ngẩn ra.

Bởi vì ngược sáng, gương mặt đó tỏa ra linh khí bức người, có chút mông lung, xinh đẹp không giống người thật. Vẻ đẹp trung tính giữa nam và nữ, không biện thư hùng, không gì sánh được.

Nhiếp Tu nói một câu "Cám ơn", nhận lấy khăn giấy, đồng thời cũng nhìn chăm chú vào áo sơ mi rộng rãi của cậu ta, không dám nhìn kỹ cũng không dám nhìn nhiều, chỉ vội vàng nhìn qua, hình như là nam sinh... ừm... rất phẳng.

Khi anh ta nhận khăn giấy thì Đồng Tịch bỗng nhìn thấy nốt ruồi trên tay anh. Đột nhiên linh quang hiện ra, cuối cùng nhớ tới tại sao trông anh ta lại quen quen như vậy. Hóa ra là thiếu niên xé tiền giấy ở hành lang Hy Hồ.

Đây đúng là chuyện bất khả tư nghị! Sao lại trùng hợp như vậy nhỉ?

Đúng lúc này, Đồng Xuân Hiểu nói chuyện điện thoại xong, đứng trên cầu gọi một tiếng "Thất Thất."

Đồng Tịch đáp lại, xoay người chạy về đi.

Nhiếp Tu vốn đã xác định giới tính của thiếu niên, giờ phút này nhìn bóng lưng gầy nhỏ kia thì lại nghi ngờ, một nam hài mà gọi là Thất Thất à?

Năm tháng như nước, chuyện nhỏ này rất nhanh bị bao phủ. Hai người đều tự sinh hoạt trong thế giới của mình.

Phòng ở cũ của nhà họ Giang giao cho một người họ hàng chăm sóc, cổng được khóa chặt, cây lựu trong sân đã rất cao, từ ngoài tường cũng có thể nhìn thấy quả lựu. Đồng Tịch thỉnh thoảng đi ngang qua sẽ nghĩ, không có ai đến hái lựu sao, không ăn thì thật lãng phí.

Sau khi khởi động dự án làng du lịch thì Đồng Tịch thường nghe thấy chú thím nhắc tới, có vài nông dân bị đám du côn xúi giục đã tăng giá bồi thường đất, đến gây chuyện ở công trường, nhưng đã bị Thẩm Hi Quyền dẫn người qua giải quyết rất dễ dàng.

Cường long không áp địa đầu xà, có Thẩm Hi Quyền có thể giải quyết rất nhiều vấn đề trong này. Tập đoàn Cận Hải chỉ cần đầu tư tiền của, tất cả còn lại đều giao cho Thẩm Hi Quyền quản lý, vừa bớt lo vừa tiết kiệm sức lực.

Thẩm Hi Quyền trở nên bận rộn, Đồng Tịch khó có thể gặp anh ta một lần. Rất nhanh đã tới tết âm lịch, Đồng Hâm về nhà mừng tết, Thẩm Hi Quyền tặng lễ đầu năm rất phong phú cho anh ta để cảm ơn công giật dây bắc cầu. Người đi cùng anh ta đến tặng lễ là một người tuổi trẻ khoảng ba mươi, tên là Tưởng Văn Tuấn, là kỹ sư giám sát của công ty.

Đồng Kiến Văn thấy dáng vẻ đường đường của Tưởng Văn Tuấn, lại đã tốt nghiệp đại học, trước mắt vẫn độc thân, thế là trong lòng có ý khác.

Anh trai và chị dâu không ở đây thì người chú là ông ta cần phải quan tâm đến việc của hai cháu gái. Đồng Xuân Hiểu đã hai bảy tuổi, cũng coi như là cô gái khá lớn tuổi ở Hy Trấn, những người đàn ông cùng tuổi với cô ta mà còn độc thân thì hoặc là đã tốt nghiệp đại học không về quê nữa, hoặc là những người ở lại trấn nhưng không học đại học. Đồng Kiến Văn muốn giới thiệu đối tượng cho cháu gái cũng không có người.

Tưởng Văn Tuấn phảng phất là người từ trên trời rơi xuống, điều kiện và tuổi đều rất thích hợp với Đồng Xuân Hiểu. Ngày đó, Đồng Kiến Văn phá lệ nhiệt tình với Thẩm Hi Quyền, mời anh ta đến nhà ăn cơm tối, cũng cố ý mời Tưởng Văn Tuấn cùng đi lại.

Thẩm Hi Quyền từ lúc mười hai tuổi đã bắt đầu sống một mình, biết rõ đạo lý đối nhân xử thế, kỹ năng sát ngôn quan sắc đã sớm lô hỏa thuần thanh. Tâm tư của Đồng Kiến Văn đã sớm bị anh ta nhìn thấy rõ ràng. Anh ta cười mỉm đồng ý, trên đường về còn nói với Tưởng Văn Tuấn, điều kiện trên công trường không tốt, không bằng đến nhà mình mừng năm mới, dù sao thì cũng ở nhà một mình, hai người có thể làm bạn.

Nhà Tưởng Văn Tuấn ở nông thôn tỉnh khác, tết âm lịch cũng không có dự định trở về. Vì thế, anh ta về công trường thu thập hai bộ quần áo xong thì lập tức đến nhà họ Thẩm. Thẩm Hi Quyền đang vắt chân lên xem cổ phiếu, gạt tàn trên bàn máy tính có bảy tám tàn thuốc.

Tưởng Văn Tuấn cười nói: "Thẩm tổng cũng đầu tư cổ phiếu sao?"

"Khi tôi còn đi học đã mở quán Net ở phía đông trấn, buổi tối tự mình trông quán. Nhàn rỗi, cũng không thích chơi game, thế là nghĩ cách kiếm tiền. Sau này biết có thứ gọi là cổ phiếu này thì nghiên cứu biểu đồ của thị trường chứng khoán, lên diễn đàn xem chủ đề liên quan. Từ đó mà dần dần hiểu được chút ít."

Tưởng Văn Tuấn giống như tìm được tri âm: "Thật trùng hợp, tôi cũng chơi cổ phiếu, nhưng bình thường bận quá, không rảnh xem, chỉ chọn một cổ phiếu lâu dài."

Thẩm Hi Quyền đưa một điếu thuốc cho Tưởng Văn Tuấn, cười nói: "Có một lần may mắn, mua được loại cổ phiếu của công ty vừa hay tái tổ chức cơ cấu, ngừng ba tháng, khi bắt đầu phiên giao dịch thì lập tức tăng hai tư lần, đó là món tiền lớn đầu tiên mà tôi kiếm được."

Tưởng Văn Tuấn lộ ra biểu cảm hâm mộ: "Thẩm tổng thật may mắn."

Thẩm Hi Quyền có chút cảm khái cười cười: "Cuộc sống từ trước đến bây giờ luôn là có được có mất, có thể là ông trời thấy bố mẹ tôi đều mất nên phá lệ chăm sóc, mấy năm nay cũng luôn gặp may mắn."

Tưởng Văn Tuấn ở nhà họ Thẩm uống trà nói chuyện, tới chạng vạng, Thẩm Hi Quyền dẫn Tưởng Văn Tuấn đúng hẹn tới nhà họ Đồng ở đối diện ăn cơm. Đồng Xuân Hiểu và Chu Dư Phương chuẩn bị cơm chiều trong phòng bếp, Đồng Tịch nghe nói có khách đến thì cũng chuyển chiếc ghế nhỏ tới cạnh bệ bếp, giúp đỡ nhặt rau bóc hành.

Tưởng Văn Tuấn và Thẩm Hi Quyền cũng lễ phép, tới cửa phòng bếp hỏi có cần giúp đỡ hay không. Chu Dư Phương cười tủm tỉm nói không cần.

Đây là lần đầu tiên Đồng Tịch gặp Tưởng Văn Tuấn. Người cũng như tên, hào hoa phong nhã, diện mạo thanh tú.

Đồng Xuân Hiểu đang giết cá, ngước mắt thấy người xa lạ đứng sau lưng Thẩm Hi Quyền, không khỏi nhìn nhiều vài lần, cá trong tay trượt ra khỏi thớt. Con cá kia giãy chết trên nền gạch, thật trùng hợp lại nhảy tới trên chiếc giày của Tưởng Văn Tuấn.

Tưởng Văn Tuấn khom lưng nhặt cá lên đưa cho Đồng Xuân Hiểu.

Đồng Xuân Hiểu cười ngượng ngùng: "Làm bẩn giày của anh rồi."

Tưởng Văn Tuấn vội nói: "Không sao không sao. Đôi giày này của tôi rất rẻ, còn không đắt bằng con cá này ấy chứ."

Hai người nói chuyện, ánh mắt Chu Dư Phương liên tục qua lại giữa hai người, trong lòng thầm vui vẻ. Theo kinh nghiệm của người từng trải, bà có thể nhận ra là ấn tượng của hai người về nhau đều không tệ.

Tết âm lịch năm đó, Tưởng Văn Tuấn ở lại nhà họ Thẩm. Thẩm Hi Quyền mỗi ngày đều gọi Đồng Hâm tới chơi mạt chược, ba thiếu một nên thuận tiện gọi Đồng Xuân Hiểu tới góp số.

Đồng Xuân Hiểu làm việc ở nhà xuất bản, đồng nghiệp đều là nữ, bạn bè cũng đều là nữ, khó được có cơ hội tiếp xúc khác phái. Mà Tưởng Văn Tuấn xuất thân nông thôn, gia cảnh bần hàn, sau khi tốt nghiệp thì một lòng một dạ muốn kiếm tiền ở thành phố T, hơn nữa công việc bận rộn nên cũng luôn một mình.

Hai người đều đã ở tuổi gần ba mươi, lúc lựa chọn bạn đời cũng rất lý trí. Không là nhất kiến chung tình, cũng không phải lâu ngày sinh tình, trong lòng suy nghĩ tình cảnh của nhau, tiếp xúc tìm hiểu, hẹn hò, sau đó là mến nhau, kỳ thật cũng không khác việc đi xem mắt là bao.

Đồng Xuân Hiểu ở thành phố T to như vậy nhưng vẫn không tìm được người yêu, lại gặp được Tưởng Văn Tuấn ở Hy Trấn nho nhỏ, đây chỉ có thể nói là duyên phận. Tựa như Mạc Đan ngẫu nhiên tới Hy Trấn vẽ thực vật, lại gặp được Thẩm Hi Quyền, sau đó trở thành vợ chồng.

Đồng Xuân Hiểu và Mạc Đan đều là người dịu dàng xinh đẹp, nghiêm cẩn mà nói, Đồng Xuân Hiểu càng thêm cơ trí thành thục, nghi thất nghi gia.

Đồng Tịch vẫn luôn tiếc nuối chị mình và Thẩm Hi Quyền không thành đôi, sau này có lần hỏi Thẩm Hi Quyền, tại sao thích Mạc Đan mà không thích chị mình.

Thẩm Hi Quyền suy nghĩ một chút rồi nói: "Đầu tiên, hai người phải có duyên phận, tiếp theo, nếu như muốn lâu dài thì hai bên ngưỡng mộ và thưởng thức nhau là điều không thể thiếu. Mạc Đan sùng bái anh, ánh mắt khi nhìn anh giống như đang nhìn vị anh hùng cái thế vậy."

Đồng Tịch hiểu rõ ý của anh.

Sau khi mẹ của Đồng Xuân Hiểu chết thì chị sống chung với ông bà ngoại, hàng năm không có bố bên cạnh, từ lúc còn nhỏ đã rất độc lập, khắc chế và lý tính, chị không có khả năng biến thành công chúa nũng nịu trước mặt Thẩm Hi Quyền giống như Mạc Đan.

Khi chị giáo dục Đồng Tịch cũng thường dạy cô không thể ỷ lại người khác, hết thảy phải dựa vào bản thân. Mặc dù là bố mẹ cũng sẽ tùy thời buông tay rời khỏi mình, người duy nhất mình có thể ỷ lại chỉ là bản thân mình mà thôi. Thậm chí chị còn nhắc nhở Đồng Tịch, không cần dành quá nhiều cảm tình cho người khác, bằng không khi mất đi người đó thì sẽ vô cùng đau khổ.

Đồng Tịch từng phải chịu nỗi khổ mất đi bố mẹ nên đối với lời của Đồng Xuân Hiểu cũng rất tán thành. Nhưng cảm tình là thứ khó nắm trong tay nhất, sau này cô phát hiện mình rất thích Nhiếp Tu thì cũng âm thầm sợ hãi. Có một lần hẹn hò, cô kìm lòng không đậu nói ra, em không thể quá thích anh, bằng không nhỡ tương lai chia tay sẽ rất đau khổ.

Lúc đó Nhiếp Tu nghiêm mặt lên: "Có ý gì, em còn đã chuẩn bị tùy thời chia tay với anh hả?"

Đồng Tịch vội giải thích là không phải. Nhiếp Tu tức giận tới mức không thèm nấu cơm nữa, sắc mặt còn lạnh hơn cả hàn băng.

Đồng Tịch thấy mình đuối lý, tự tay viết một bài thơ tình làm kiểm điểm, thật vất vả mới dỗ được Nhiếp Tu.

Nhưng là câu nói kia đã bén rễ trong lòng Nhiếp Tu rồi.
Bình Luận (0)
Comment