Triệu Nhan cũng biết mấy người Tào Tung đều muốn nghe tính toán của mình trước cho nên cũng không khiến cho họ phải đợi lâu. Đợi mấy người họ tổng kết xong, Triệu Nhan mới chậm rãi nói:
- Vừa rồi ta đã nghe qua ý kiến của tất cả mọi người. Nhưng ta phát hiện ra, mọi người đều coi hải mậu là một hoạt động thương nghiệp đơn thuần. Điểm đó là không đúng!
- Hoạt động thương nghiệp đơn thuần? Những lời này của Tam ca nhi đệ là có ý gì?
Vương Sư Ước nghe tới đó cũng cau mày hỏi. Tuy họ biết Triệu Nhan cũng không phải ngày một ngày hai nữa, nhưng có những khi họ không thể nào hiểu được những khái niệm mới mẻ mà Triệu Nhan nói ra. May mà họ đã sớm quen với tình huống này rồi, hễ không hiểu đều hỏi thẳng Triệu Nhan vấn đề đó chứ không truy vấn Triệu Nhan học được danh từ đó ở đâu.
- Thật ra rất đơn giản. Ví dụ như đại tỷ và đại ca mọi người bây giờ đều làm hải mậu, mỗi tháng đều tổ chức tàu thuyền đem theo hàng hóa xuống phía nam mua bán. Đây là một hoạt động thương nghiệp đơn thuần và không liên quan tới những phương diện khác. Nhưng ta không cho là như vậy. Đối với ta, hải mậu là một hoạt động liên quan đến thương mại, quân sự và dân sự. Chúng ta không thể chỉ thỏa mãn vì buôn bán đạt được lợi nhuận lớn mà phải thu được lợi ích từ những phương diện khác, chẳng hạn như lãnh thổ, tài nguyên, nhân khẩu…
Triệu Nhan nói đến từ cuối cùng, mặt bỗng bừng bừng dã tâm.
- Ta hiểu rồi. Hải mậu theo như lời Tam đệ nói, khái quát lại là cần phát triển kinh thương, cũng phải khuếch trương lãnh thổ và hải vực của chúng ta. Giống như lúc trước chúng ta tiêu diệt Tây hạ, chúng ta phải thâu tóm toàn bộ tài nguyên của họ.
Lúc này, Từ Nguyên lên tiếng đầu tiên, hơn nữa còn khái quát vô cùng chính xác ý của Triệu Nhan.
- Ha ha, vẫn là Nhị tỷ phu hiểu rõ lòng ta. Đại Tống chúng ta luôn tự nhận mình là Thiên triều thượng quốc, hải ngoại đều là man di. Nhưng ta biết, tài nguyên của hải ngoại vô cùng phong phú. Đặc biệt, trên một số hải đảo có những khoáng sản mà chúng ta rất cần. Chẳng hạn như trên đảo Quỳnh Châu mà mọi người đã biết. Ở nơi đó có một số lượng lớn quặng sắt, còn có một mỏ quặng đồng bán sinh. Chỉ hai loại quặng này đã có thể đem lại cho Đại Tống chúng ta của cải vô tận. Mà theo ta được biết, tài nguyên khoáng sản ở một số đảo nhỏ ở Nam Dương không hề thua kém ở Quỳnh Châu, thậm chí còn nhiều hơn.
Triệu Nhan cười lớn một tiếng rồi lại nghiêm túc nói. Hắn từ lâu đã rất thèm muốn tài nguyên của Nam Dương. Khoáng sản chỉ là một mặt, ngoài ra còn có sản xuất hương liệu, đá quý, gỗ quý… Tất cả đều là những mặt hàng mà Đại Tống rất cần.
Nghe những lời Triệu Nhan nói, đám người Tào Tung và Tô Thức đều đưa mắt nhìn nhau. Nhất thời, họ có vẻ không thể hiểu hết những gì Triệu Nhan nói. Tuy nhiên, Từ Nguyên, Vương Sư Ước và Thái Kinh đều tỏ ra hiểu rất rõ. Trong đó, Từ Nguyên và Vương Sư Ước đều đã từng đi biển. Thái Kinh thân là tri châu của Quảng Châu, đương nhiên sự hiểu biết về tài nguyên phong phú của hải ngoại cũng không ít. Cho nên ba người họ đều rất đồng tình với miêu tả của Triệu Nhan về tài nguyên của hải ngoại. Nhưng đồng thời, họ cũng cảm thấy kế hoạch của Triệu Nhan quá to gan. Bởi vì, hải ngoại cũng không phải dễ chinh phục như vậy. Chưa nói tới những thứ khác, chỉ cần xác định vị trí của các hải đảo này đã cần phải tiêu phí rất nhiều nhân lực.
- Tam ca nhi, phát hiện số lượng lớn quặng sắt ở trên đảo Quỳnh Châu, chúng ta đều đã biết. Nhưng huynh xác định trên đảo Nam Dương cũng có khoáng sản phong phú như ở Quỳnh Châu sao?
Lúc này, Tào Tung cũng có chút không dám tin nói. Hai năm qua, kiến thức của Tào Tung đã tăng lên một chút, nhưng chủ yếu đều là kiến thức ở trong Đại Tống. Hơn nữa, kiểu người từ nhỏ lớn lên ở kinh thành như Tào Tung, hơn nữa lại chịu sự giáo dục truyền thống, nên tuyệt đối không thể tin tài nguyên của hải ngoại còn phong phú hơn so với Trung Nguyên.
- Tài nguyên của hải ngoại phải nói là vô cùng phong phú. Mọi người có thể thấy, cảng Quảng Châu mỗi ngày giao dịch hàng hóa, trong đó có hương liệu, đá quý đều là do hải ngoại sản xuất. Hơn nữa, khoáng sản của hải ngoại lại vô cùng phong phú. Ở Đại Tống chúng ta rất khan hiếm đồng, nhưng ở Nam Dương lại có mỏ đồng với số lượng rất lớn. Thậm chí, ta còn biết ở Nam Dương có một hòn đảo gần như đều là đồng. Cả hòn đảo có thể nói là một khối tài sản khổng lồ. Ở Nam Dương cũng có rất nhiều vàng bạc. Có một hòn đảo còn lớn hơn cả Tây Hạ trước kia, tên là Kim Châu. Nghe cái tên này, có lẽ mọi người đều biết trên đảo có nhiều thứ gì.
Triệu Nhan tiếp tục dụ dỗ.
Nghe Triệu Nhan đưa ra hai ví dụ, cuối cùng mấy người Tào Tung đã tin Triệu Nhan không phải đang nói đùa. Họ đều tỏ ra khiếp sợ, một hồi lâu mới tiêu hóa được thông tin này. Tuy nhiên, Tô Triệt lại có chút khó xử mở miệng nói:
- Điện hạ, tài nguyên khoáng sản của hải ngoại dù phong phú thế nào thì đó cũng là ở trên lãnh thổ của người khác. Đại Tống chúng ta trước giờ luôn là một quốc gia lễ nghi, nếu không có bất cứ lý do gì mà muốn chiếm đảo của người khác để khai thác khoáng sản thì có chút không phù hợp với đạo lý của thánh nhân.
Tô Triệt vừa nói xong, Tô Thức và Lý Công Lân liên tục gật đầu, sau đó nhìn về phía Triệu Nhan. Họ là những người đọc sách truyền thống, rất xem trọng lễ nghĩa, cho dù xuất binh cũng phải chú ý đến danh tiếng. Nếu vô duyên vô cớ xuất binh, trong mắt họ chính là bất nghĩa. Có thể nói, ý kiến của họ cũng đại biểu cho ý kiến của những người đọc sách của Đại Tống.
Tuy nhiên, vấn đề này không cần đến Triệu Nhan trả lời. Thái Kinh vốn dĩ từ đầu chưa nói gì bỗng lên tiếng:
- Tử Do huynh có điều chưa biết, phía Nam Dương mặc dù có không ít vương quốc nhỏ, có một số nước còn xưng thần với Đại Tống chúng ta, có thể coi như là nước phụ thuộc của chúng ta. Nhưng người dân Nam Dương lại không biết liêm sỉ, không hiểu nhân luân, cha mẹ anh em ở lẫn lộn. Đàn bà con gái thản nhiên để ngực trần, không một chút xấu hổ.
Nói tới đây, Thái Kinh chợt dừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Hơn nữa, sản vật của Nam Dương vô cùng phong phú nhưng người dân địa phương lại rất lười biếng. Họ được trời ban cho một vị trí tốt, nhưng cả ngày họ ngoài ăn uống thì chỉ ngủ. Hơn nữa, tính tình còn tàn bạo, không nói một lời liền rút đao khiêu chiến. Người dân nơi đó cũng không có luật pháp, chỉ tôn sùng kẻ mạnh, giết người cũng không bị xử phạt. Thậm chí, một số thổ dân còn có tập tục ăn thịt người. Những điều này, tôi đều nghe được từ những người buôn bán đã từng đến hải ngoại, tuyệt đối không có nửa phần giả dối!
Lời nói của Thái Kinh mặc dù có chút phóng đại nhưng tổng thể thì cũng không thể nói là sai. Người dân Nam Dương thời kỳ này cũng đang ở trong thời kỳ chưa văn minh. Mấy người Tô Thức cho dù kiến thức rộng rãi, biết được một số phong tục dã man của số ít những dân tộc Đại Tống, nhưng lại không ngờ người dân bản địa Nam Dương càng dã man hơn. Quả thực có cả tập tục ăn thịt người dã man như trong truyền thuyết.
Nhìn thấy vẻ mặt khiếp sợ của mấy người Tô Thức, Thái Kinh khẽ cười với Triệu Nhan. Thái Kinh biết lời nói của mình rất hợp ý của Triệu Nhan, bởi vậy lại nói thêm chút nữa:
- Người dân bản địa Nam Dương có phong tục vô cùng dã man. Những điều tôi nói chỉ là một trong rất nhiều điều. Có thể nói, đối với người Trung Nguyên chúng ta thì người dân Nam Dương chỉ giống như loài dã thú biết đi bằng hai chân mà thôi. Thân là con cháu của Thánh nhân, tôi cảm thấy chúng ta không thể chỉ dạy đạo lý cho con dân Đại Tống mà phải nhận cả trọng trách giáo hóa thổ dân các nước hải ngoại. Vừa hay ở hải ngoại lại có khoáng sản chúng ta cần, hơn nữa, khai thác những khoáng sản đó cũng khiến cho kinh tế trên đảo phát triển hơn dẫn đến cải thiện cuộc sống của thổ dân. Chúng ta dùng đạo lý của Thánh nhân để giáo hóa thổ dân, có thể nói là đã đạt được thành công!
Nghe những gì Thái Kinh nói, người giật mình không phải là đám người Tô Thức, mà là Triệu Nhan. Bởi vì hắn không ngờ, Thái Kinh còn nghĩ ra khái niệm dã thú biết đi bằng hai chân trước người Châu Âu mấy trăm năm. Xem ra, bản chất của người đọc sách thánh hiền và đọc Thánh kinh cũng không có gì khác nhau. Vì lợi ích của mình, học có thể bóp méo giáo điều, chỉ cần khiến cho bản thân thoải mái là được.
Mấy người Tô Thức nghe Thái Kinh nói về tình hình của những người dân Nam Dương đó xong, ai nấy đều tỏ ra trầm tư. Triệu Nhan cũng không phải người đọc sách nên không thể dùng lối suy nghĩ của người đọc sách để hiểu cách nghĩ của mấy người họ, Nhưng Thái Kinh thì khác. Ông ta là người đọc sách, hơn nữa còn là một cao thủ đọc vị lòng người. Bởi vậy, ông ta có lối suy nghĩ của người đọc sách. Có thể ông ta nói chưa thông, nhưng ít nhất đã khiến cho mấy người Tô Thức suy nghĩ.
Một lát sau, cuối cùng Lý Công Lân lên tiếng đầu tiên:
- Nguyên Trường huynh nói cũng không phải không có lý. Nếu để cho các thổ dân đó tiếp tục như vậy thì chi bằng chúng ta hãy tới giáo hóa họ, để cho họ biết cái gì là lễ nghĩa liêm sỉ. Thánh nhân đã nói, “hữu giáo vô loài”. Trước kia không biết thì thôi, bây giờ đã biết người dân Nam Dương dã man như vậy, hơn nữa chúng ta lại có năng lực đi giáo hóa họ thì nên gánh thêm trọng trách này. Cho nên, ta hết sức tán thành suy nghĩ của Lăng Vương điện hạ.
Lý Công Lân là người trẻ tuổi nhất, hơn nữa lúc trước đã theo Triệu Nhan học. Tuy rằng, gã chủ yếu học về hội họa nhưng cũng chịu một số ảnh hưởng của Triệu Nhan về các phương diện khác, đặc biệt là về nhân sinh quan và định hình thời kỳ của thế giới quan. Cho nên Lý Công Lân có thể tương đối dễ dàng tiếp nhận một số quan điểm của Triệu Nhan.
Con người đều có tâm lý đám đông. Nhìn thấy Thái Kinh và Lý Công Lân đều đồng ý ý kiến của Triệu Nhan về hải ngoại, huynh đệ Tô Thức và Tô Triệt cũng liếc nhìn nhau sau đó gật đầu, coi như đã đồng ý với lời nói của Triệu Nhan. Nhưng trong lòng họ vẫn còn tồn tại chút suy nghĩ, đó là muốn phải tận mắt nhìn thấy hải ngoại, nếu thổ dân ở đó thật sự giống như Thái Kinh nói thì mới có thể giáo hóa họ, để họ ít nhất được như người dân thường Đại Tống, hiểu được cái gì gọi là lễ nghĩa liêm sỉ.
Nhìn thấy mọi người đồng ý với lời nói của mình, Triệu Nhan cũng âm thầm thở phào. Vì hắn lo lắng nhất chính là kế hoạch bành trướng ra hải ngoại của hắn mâu thuẫn với lối suy nghĩ truyền thống của người Trung Nguyên. Tuy nhiên, bây giờ ngay cả mấy người Tô Thức và những người đọc sách khác cũng có thể tạm thời chấp nhận thì mọi chuyện sau này sẽ dễ dàng hơn.
- Tam đệ, những gì đệ nói về hải mậu chúng ta đều đã hiểu. Nhưng tình hình của hải ngoại phức tạp, chỉ riêng Nam Dương đã có tới mấy ngàn đảo nhỏ. Chúng ta muốn mở rộng hải mậu thì phải bắt đầu từ đâu?
Từ Nguyên lại lên tiếng hỏi. Từ Nguyên không quan tâm tới thổ dân gì đó, sau mấy năm làm hải tặc, suy nghĩ của Từ Nguyên cũng càng lúc càng giống một hải tặc.
Đối với Từ Nguyên, vấn đề này y sớm đã chuẩn bị xong. Chỉ thấy y lấy ra một tấm bản đồ ở sau tường và mở ra. Đây là tấm bản đồ Nam Dương và vùng duyên hải phía nam của Đại Tống. Y tự tay đánh dấu lên bản đồ một hòn đảo lớn, vẻ mặt hưng phấn nói:
- Chúng ta bắt đầu phương thức hải mậu mới từ đây!