Bệnh Mỹ Nhân Sư Tôn Nghìn Tầng Cạm Bẫy

Chương 7

Hạc Y Phong sau một trận mưa xuân tầm tã, thời tiết trở lạnh suốt mấy ngày, cuối cùng cũng dần ấm lên.

Tuyết cũng đã không còn rơi nữa.

Giây phút mảng tuyết cuối cùng tan ra, những mảng cỏ xanh từ từ ló dạng. Thoáng chốc, cả đỉnh núi liền được bao phủ bởi màu xanh tươi vui.

Khanh Chu Tuyết cũng không vì bản thân mới lên được Trúc Cơ mà đình trệ công việc đưa tin của mình.

Qua nhiều ngày tôi luyện, nàng đã tiến bộ hơn rất nhiều. Lúc bắt đầu, nàng rời đi khi mặt trời chưa lên hết, về đến nhà lúc chạng vạng nửa đêm. Một thời gian sau, nàng đã có thể về đến khi mặt trời mới vừa xuống núi. Hiện tại, nàng đã có thể bước chân qua cửa Hạc Y Phong khi trời vừa xuống xế chiều.

Chú mèo tam thể ngồi trên đầu tường, ánh mắt thâm sâu dõi theo nàng ngồi ăn tối một mình.

Không biết có phải đến mùa mèo nhà nàng muốn tìm bạn hay không, mà mấy hôm nay chú có vẻ vô tâm, nên thức ăn có phần hơi qua loa, đạm bạc.

Khanh Chu Tuyết đâm đũa vào nắm cơm, mở ra xem xem bên trong có gì. Ớt xanh, gan heo, măng bị thái nhỏ một cách hời hợt, trộn chung với khoai tây tạo thành khối, rồi dùng cơm bọc bên ngoài. Nắm cơm này là phần ăn còn sót lại từ bữa trưa.

Nhìn không hấp dẫn nhưng mùi vị cũng không tệ.

Sau bữa ăn, Khanh Chu Tuyết liền trở về phòng của mình. Lúc đi qua hành lang, nàng lại bất giác nhìn về phía đình viện phía bên kia ao nước.

Nàng lặng lẽ, mặt không đổi sắc dùng linh lực ít ỏi của mình thử điều động nước trong ao, tạo thành những quả bóng nước nhỏ, từ từ bay lên khỏi mặt hồ.

Giữ được một lúc, nàng vì không đủ tập trung mà làm rơi chúng xuống nước, làm mặt nước nổi lên điểm điểm gợn sóng. Nàng thử lại lần nữa, lần này một trong những quả bóng vô tình bao lấy một chú cá chép, làm chú cá vô tội bị lôi lên khỏi ao, bơi bơi trong quả bóng trước mặt nàng.

Hình ảnh chú cá bơi lội bên trong quả bóng nước, cùng những quả bóng nước khác bay lơ lửng trong không trung xung quanh nàng, khiến nàng không khỏi có chút thích thú. Đang chơi đùa cùng chúng một lúc, nàng bỗng thấy loáng thoáng hình ảnh thân quen dưới ánh hoàng hôn, làm nàng lập tức phân tâm, bóng nước rơi hết xuống sân, làm nước bắn lên tung toé.

Khanh Chu Tuyết lập tức cúi xuống, chụp lấy chú cá chép, thả nhanh xuống ao.

Vân Thư Trần nhanh chóng lui về một bước, tránh không cho những giọt nước kia văng vào y phục của mình.

Quả nhiên học thuật không học nghệ, tiểu gia hoả thể nào cũng không tránh khỏi quấy phá.

"Đã học được chưa?"

Nàng tự ngẫm, có nên gật đầu đáp trả hay không.

Khanh Chu Tuyết không khỏi cảm thấy, mỗi lần nàng gật đầu thừa nhận, tự bản thân lại có cảm giác không yên.

Không đáp cũng tức là thầm thừa nhận. Vân Thư Trần bước đến cạnh nàng, mỉm cười, "Rất tốt. Từ ngày mai mọi việc tưới nước, canh nước cho những bồn hoa này sẽ giao hết cho ngươi."

Nàng quay lưng đi, bước được vài bước lại tựa hồ nhớ đến cái gì, liền dừng chân, ngoái lại nhìn nàng, "À, từ ngày mai ta sẽ lại bế quan một thời gian."

"Trong vòng mười năm này, ngươi cũng không cần gấp gáp chuyện gì. Nếu cảm thấy chán, có thể đi ngoại môn nghe giảng một chút, không thích thì có thể ở đây đọc sách trong tàng thư."

Chỉ một câu nói ngắn gọn như thế, nàng rời đi.

Hương thơm quen thuộc còn vương trên chóp mũi, cũng như thế, theo gió đêm bay tán đi.

Vân Thư Trần đột nhiên tuyên bố bế quan, Hạc Y Phong vốn dĩ đã đủ lớn, nay lại càng vắng vẻ hơn.

Khanh Chu Tuyết trước kia đôi khi còn có thể nghe được giọng nàng nói vài câu, nay chỉ còn lại một mình cùng chú mèo. Chú mèo này đôi khi sẽ nhảy lên đầu tường ngủ, thỉnh thoảng lại kêu meo meo bồi tiếp nàng. Sinh hoạt thường ngày trôi qua cũng chỉ như thế.

Một ngày ba bữa ăn, nàng không cần phải bận lòng. Quần áo thay giặt, nàng cũng không cần đụng tay đến.

Khanh Chu Tuyết lưu tâm tìm việc, nhưng vốn dĩ cũng không có gì để làm. Nàng chuyên tâm tưới nước cho hoa, cẩn thận cho từng giọt từng giọt rơi xuống. Tưới xong, nàng lại lôi sách ra, tìm nơi đủ ánh sáng, có khi là trong ao đình, có khi là dưới tán hoa hoè để đọc.

Nàng đã đọc xong hết 'Vân Sơ Yếu Đạo'. Quyển này cũng không phải là sách tu đạo, mà chỉ là sách tham khảo nhập môn.

Dẫn khí nhập thể, Trúc Cơ, Kim Đan, Nguyên Anh, Hoá Thần, Luyện Hư, Hợp Thể, Đại Thừa, Độ Kiếp.

Con đường tu tiên quả thật là dài đằng đẵng.

Nàng tự ngẫm, so với hình ảnh một tu sĩ Độ Kiếp hô phong hoán vũ, nhập vào thần nhân chi cảnh, được vạn người tín ngưỡng trong độc bộ Cửu Châu... nàng đại khái cũng không cảm thấy hứng thú gì.

Không như giọt nước be bé trước mặt, chơi rất vui.

Nàng nhón chân, đem quyển sách đã đọc xong trả về vị trí cũ, rồi từ trên đó lấy ra quyển 'Nhập môn Ngũ Hành - Quyển một.'

Chữ trên sách được mạ vàng, nhìn vô cùng tinh tế, sách cũng được bao bọc cẩn thận.

Quyển sách này cũng là của Vân Thư Trần. Đây là một trong số rất nhiều quyển mà nàng lưu trữ. Nàng đã sống qua rất nhiều năm, nên số lượng sách nàng có được cũng rất nhiều, nhiều đến nỗi nàng không thể để chúng trong phòng mình được, mà phải đem xếp vào bốn kệ lớn, bao hết bốn bức tường của phòng kế bên.

Khanh Chu Tuyết mới nhìn qua vài trang, bỗng nghe thấy âm thanh chợt vang lên. "Ngươi có phải đã quên mất gì rồi hay không?"

Nàng giương mắt lên, nhìn thấy chú mèo đang nhảy lên cái bàn phía trước mình, mèo ta híp mắt nhìn nàng.

"Vân trưởng lão trước khi đi có dặn, ngươi ngoài việc trông nom, tưới hoa, cũng có thể đi ra ngoại môn nghe giảng bài một chút. Tuổi còn nhỏ mà chỉ lo đọc sách, không tốt cho thị lực."

Câu cuối chắc chắn là do chú mèo tự thêm vào.

Ngoại môn là nơi dành cho những người muốn theo con đường tu đạo lui đến, nơi này nằm trong lòng Thái Sơn Cảnh. Nơi đây vô cùng nhộn nhịp, hoàn toàn trái ngược với nội môn yên tĩnh. Có điều sinh hoạt ở đây cũng không phải là quá tốt. Nhiều người bon chen ở chung một chỗ, nên những thứ như đồ dùng sinh hoạt, chậu gỗ, thau nước, bị bày biện khắp nơi.

Con em quan lại quyền quý hoặc gia đình có tiền đều chọn về nhà ở. Những đứa trẻ ở lại đây hầu hết đều xuất thân từ gia đình bình thường, thậm chí nghèo khổ nhưng có tư chất thiên phú.

Thiếu niên trong bộ áo gấm vừa dẫn theo Khanh Chu Tuyết vừa nói, "Nơi đây không hề có rào cản nào, bất kì ai nếu muốn cũng có thể đến nghe giảng bài. Những người đến đây giảng dạy đều là những sư huynh, sư tỉ ưu tú của Thái Sơn Cảnh. Do ở đây chỉ học qua cơ bản, nên kiến thức của họ là dư xài."

"Nếu như sau này ngươi trở thành đệ tử thân truyền của trưởng lão, có lẽ ngươi cũng có cơ duyên đến đây giảng dạy."

Lớp học được bài trí trong những gian nhà được đặt san sát nhau, nhìn so với của thường nhân bên ngoài cũng không có gì khác lắm. Bên ngoài khu lớp học còn có các gian hàng bán đủ thứ đồ, từ mứt hoa quả, bánh ngọt, đến rau xanh, su hào bắp cải.

Đám người đông đúc chen lấn, xô đẩy nhau. Đủ thứ mùi hỗn tạp xung quanh xông thẳng vào mũi làm Khanh Chu Tuyết không khỏi chau mày, nén lại khẩu khí. Vị thiếu niên dừng bước, "Ngươi tự đi dạo một vòng đi. Nơi này không có quá nhiều quy cũ, thấy thích bài giảng nào, tự tìm chỗ ngồi nghe là được. Nếu tìm không được chỗ ngồi, đứng nghe giảng cũng không sao."

"Đến giờ nhớ về dùng cơm." Hắn nghĩ nghĩ, "Hôm nay ăn đầu cá nấu với ớt thấy thế nào?"

"Cay lắm." Khanh Chu Tuyết vốn dĩ đang nín hơi, cũng phải cố nói để bày tỏ cảm xúc của mình.

"Được rồi, không bỏ ớt vào nữa." Hắn trầm tư đứng lên, bắt đầu suy nghĩ phải nấu đầu cá mà không thêm ớt thì sẽ làm như thế nào.

Khanh Chu Tuyết bị bỏ lại một mình. Nàng lẳng lặng lên lầu, tiến vào gian lớp học. Lúc này trời cũng không còn sớm nữa, vị sư huynh đã giảng bài được một lúc, miệng hắn thao thao bất tuyệt. Vóc dáng nàng nhỏ nhắn, nên khi nàng lẻn vào lớp học từ cửa sau cũng không ai phát hiện ra.

Trong phòng thật đông đúc, chật chội. Khanh Chu Tuyết nhìn qua một vòng, thấy đã không còn chỗ trống. Cả lớp đứng chen chúc, từ người trẻ tuổi đến trung niên, thậm chí có người còn ôm cả cháu đến.

Khanh Chu Tuyết chật vật len vào giữa đám đông, cố đến được chỗ có thể thấy vị sư huynh kia... chí ít cũng phải thấy được chiếc vòng ngọc bích trên đầu hắn. Chen một hồi, nàng cuối cùng phải dừng lại khi nửa người bị kẹt vào giữa bắp đùi to khoẻ của một vị đại nương nào đó.

Đến bài tiếp theo, nàng liền nhìn chằm chằm vào viên ngọc không ngừng lắc lư theo đỉnh đầu kia. Mỗi khi vị sư huynh đó cao hứng, viên ngọc cũng di chuyển lên xuống, qua lại nhanh hơn; mỗi khi hắn ta giảng nhẹ nhàng, trầm ổn, viên ngọc như đứng yên một chỗ.

Dù không thấy được nhiều, bất quá xung quanh trừ tiếng hít thở, rụt rịt nước mũi, thỉnh thoảng có tiếng ho khan, thì cũng được xem là yên tĩnh. Khi có một đứa bé nào đó bắt đầu muốn khóc nháo, mẹ nó liền đưa ngay qua cho cha nó, để hắn ta vội vã mang ngay ra ngoài.

Khanh Chu Tuyết nghe rõ được, đây chính là bài giảng về 'Nhập môn Ngũ Hành'.

Nàng tự nhiên cảm thấy cao hứng. Có người giảng cho nàng, tốt hơn rất nhiều so với việc ngồi tự đọc tự suy nghĩ một mình. Thế là từ ngày đó, Khanh tiểu cô nương mỗi ngày đều đều đặn đến lớp sớm.

Đôi khi trong lúc giảng bài, vị sư huynh đó cũng sẽ thực hành một chút phần lý thuyết, làm đám đông không khỏi nháo nhào mỗi lần được xem hắn biểu diễn. Dù biết không ai sẽ làm theo ngay được, nhưng hắn vẫn nghĩ cho mọi người xem một chút cũng tốt. Tuy nhiên với Khanh Chu Tuyết, việc mô phỏng theo hắn là một điều rất cần thiết.

Nàng không thể không ngồi hàng ghế trước, nàng muốn được nhìn thấy rõ vị sư huynh đó thủ thế. Mỗi lần nhìn thấy hắn, nàng lại liên tưởng đến bộ dáng của Vân Thư Trần.

Rất nhiều người trẻ tuổi ở ngoại môn thường đi cùng nhau, tạo thành những nhóm bạn nhỏ. Mỗi buổi sáng, trong nhóm thường sẽ có một người đến lớp sớm, lấy chỗ ngồi cho mình, sẵn chiếm luôn một vài chỗ cho các bạn cùng nhóm.

Với thói quen thức dậy vào giờ Dần, nàng từ Hạc Y Phong đến lớp học vừa đúng lúc lấy được một chỗ ngồi.

Một rạng sáng nọ.

Khanh Chu Tuyết một tay ôm sách, một tay xách chiếc đèn lồng nhỏ, khi trời còn chưa sáng đã đi qua các gian nhà, cuối cùng đến được gian lớp học, khẽ khàng đẩy cửa vào.

Nàng đem đèn lồng để lên bàn. Hôm nay may mắn, hàng thứ nhất vẫn còn trống không, chưa có ai đến ngồi. Nàng thở dài một hơi, đặt quyến sách xuống, vừa đứng lên lại nghe tiếng ai đó kêu lên một tiếng, tựa hồ như là nàng vừa mới đụng phải thứ gì.

Dưới ánh đèn mờ mờ, nàng nhìn thấy được một đôi mắt đen nhánh đang nhìn mình. Là một tiểu hài nhi, nhìn qua có vẻ trạc tuổi với nàng, mặc dù nàng ta ăn vận có chút kì quái.

"Ngươi, cũng đến đây, nghe giảng bài à?" Nàng nói vài câu Khanh Chu Tuyết nghe có tiếng được tiếng mất, có từ hiểu được từ không. Hình như nàng ta không nói được tiếng Hán lưu loát lắm.

"Đúng vậy." Khanh Chu Tuyết đặt đèn lồng xuống.

"Sớm quá, thật là mệt mỏi." Nàng ta thở dài, sau đó ngồi phịch xuống ghế cạnh nàng, đầu dựa lên bàn, không lâu sau vài tiếng ngáy nho nhỏ vang lên.

Khanh Chu Tuyết ngủ sớm, nên nàng cũng không cảm thấy mỏi mệt gì. Nàng ngồi yên một chỗ, ngẫm lại bài giảng ngày hôm qua và những chỗ mình chưa hiểu rõ, lặng lẽ chờ bình minh lên.

Khi trời vừa chuyển sang màu trắng ngà, nữ tử trong bộ trang phục dị thường kia cũng vừa mở mắt. Nàng ta dụi dụi đôi mắt vẫn đang nửa nhắm nửa mở của mình, nhìn sang Khanh Chu Tuyết, không khỏi khâm phục, nói, "Ngươi, là lợi hại nha."

"Ta tên, Nguyễn Minh Châu." Trên đầu nàng có một sợi dây trắng và đỏ bện vào nhau, vòng quanh trán. Đôi mắt nàng rất to, con ngươi màu hổ phách, cong cong như vầng trăng. Nàng ta trông có vẻ khá lúng túng, như đang cố gắng tìm cách nói chuyện với người kế bên mình, "Ngươi, tên, gọi là gì?"

"Khanh Chu Tuyết."

"Ta, đến từ một nơi, rất rất xa, đến học cái này, bái sư học nghệ. Ta nghe nói, Trung Nguyên tiên môn, rất lợi hại."

Nói được mấy câu, cuộc hội thoại giữa hai người đã bị bài giải của vị sư huynh kia cắt ngang. Khanh Chu Tuyết lập tức tập trung chăm chú vào bài giảng của hắn.

Nguyễn Minh Châu tựa hồ nghe giảng có chút vất vả, có lẽ vì gặp trở ngại ngôn ngữ bất đồng. Nhưng ít ra tư thái nàng ta vẫn còn hơn hẳn hai kẻ ngồi kế bên trái, lúc này trông như gà con mổ thóc.

Một tháng trôi qua, lớp học đã qua không ít người đến rồi đi, duy chỉ có duy nhất hai vị tiểu cô nương luôn luôn kiên định mỗi ngày đều ngồi ngay hàng đầu chăm chú nghe giảng bài, làm vị sư huynh cũng nhớ luôn hai gương mặt này.

Ngồi chung lâu ngày, Khanh Chu Tuyết cùng Nguyễn Minh Châu không biết tự lúc nào đã trở thành bằng hữu của nhau.
Bình Luận (0)
Comment