Vào mùa thu năm Thừa Khánh thứ mười chín, phụ thân ta dẫn cả gia đình đến nhậm chức tại huyện Lăng Thủy.
Trên đường đi ngang qua sông Lăng Hoa, ông cứu được một nữ tử có dung mạo kiều diễm.
Nữ tử ấy tên là Lý Cầm Nương.
Nghe nói, nàng vốn là một kỹ nữ ở huyện Nguyệt Lăng, sau đó được một phú thương vừa mắt chuộc thân, nhận nàng làm thiếp.
Song, cảnh ấm êm chẳng kéo dài được bao lâu, phú thương bất ngờ phát bệnh hiểm nghèo, chỉ trong chốc lát đã qua đời.
Chính thất trong nhà vốn xem nàng như cái gai trong mắt từ lâu, liền nhân cơ hội tang sự chưa mãn bốn mươi chín ngày mà mua chuộc vài tên côn đồ, đem nàng vứt xuống sông Lăng Hoa.
Phụ thân ta cứu nàng lên từ dòng nước, khi ấy đầu tóc nàng bù xù, y phục ướt đẫm, gương mặt kiều diễm như hoa như nguyệt vốn có nay lại trắng bệch, tựa hồn ma nơi sông nước.
Mẫu thân ta xuất thân từ danh môn Thôi thị ở đất Thanh Hà, từ xưa đến nay vốn khinh thường những kẻ xuất thân chốn kỹ viện.
Thế nhưng, Cầm Nương vừa run rẩy vừa quỳ sụp trước mặt, dập đầu cầu xin thảm thiết, cuối cùng khiến mẫu thân mủi lòng.
Vì vậy, bà mềm lòng mà đưa nàng về huyện Lăng Thủy.
Cầm Nương rất khéo tay, đặc biệt là món bánh ngọt nàng làm ra, tinh xảo đến mức khiến người ta không thể không trầm trồ.
Sau khi vào phủ, nàng ngày ngày ăn mặc giản dị, vẻ mặt mộc mạc, chỉ ru rú trong gian bếp nhỏ, chưa từng có hành vi vượt quá khuôn phép.
Mẫu thân ta âm thầm quan sát nàng suốt mấy tháng, cuối cùng cũng phải thở dài mà nói: "Đúng là ta đã nghĩ nhiều rồi."
Nhưng không ngờ, vừa qua Tết Nguyên Đán năm thứ hai, nàng lại lén lút qua lại với phu xe trong phủ tên Lai Vượng.
Hai người đã mấy lần hẹn hò sau giả sơn trong hoa viên, bị người khác bắt quả tang, cả hai đều thần sắc hoảng loạn, y phục xộc xệch.
Mẫu thân ta nổi trận lôi đình, lập tức sai người trói họ lại, giam vào phòng củi, sau đó cho người lục soát phòng của cả hai.
Quả nhiên, bọn người hầu tìm được trong chăn của Lai Vượng một chiếc khăn tay thêu hoa phù dung.
Mà chiếc khăn tay đó, chính là của Cầm Nương.
Cầm Nương bị hạ nhân trói chặt hai tay, lại một lần nữa quỳ sụp trước mặt mẫu thân ta.
"Thưa Đại nương tử, người và chủ quân đối với nô tì ân trọng như núi, dù nô tì xuất thân hèn mọn, cũng không phải loại người bội bạc vô liêm sỉ. Nếu có, nguyện kiếp sau cũng không được c.h.ế.t tử tế! Thực ra là Lai Vượng nhiều lần quấy rối nô tì, còn cướp chiếc khăn tay của nô tì. Nô tì tự biết thanh danh không tốt, không dám làm lớn chuyện, chỉ có thể lén lút đi tìm hắn đòi lại. Nô tì xin thề không tái phạm! Khăn tay đó, nô tì không cần nữa, Đại nương tử xin hãy tin nô tì lần này! Nô tì còn chưa báo đáp đại ân cứu mạng, dù c.h.ế.t cũng quyết không rời khỏi phủ!"
Vừa khóc nàng vừa trình bày, trán nàng dập xuống nền gạch xanh đến mức m.á.u loang lổ, nhưng cơn giận của mẫu thân ta lại vì những vết m.á.u đỏ ấy mà càng thêm dữ dội.
Mẫu thân giận đến run rẩy, chỉ vào mặt nàng mà quát:
"Đồ đê tiện vẫn là đồ đê tiện! Dù có cải tà quy chính cũng không thể sửa được cái bản chất hèn hạ trong xương tủy! Ngươi nói láo, còn lấy cái c.h.ế.t ra ép buộc ta, ta há có thể dung túng cho loại miệng lưỡi trơn tuột như ngươi ở lại phủ làm loạn?"
"Đại nương tử, nô tì là người của nhà họ Chu, nô tì không đi!"
"Hôm nay ta sẽ xóa tên ngươi khỏi gia tịch, đuổi ngươi ra khỏi phủ!"
"Đại nương tử, nô——"
Trong chốn đại viện thâm sau, các ma ma trong phủ đã quen với việc trấn áp kẻ khác.
Họ hung hăng túm lấy búi tóc của Cầm Nương, bóp mở hàm nàng, nhét mạnh một chiếc giẻ rách vào miệng, khiến nàng không thể hét lên được nữa.
Cầm Nương nghẹn thở, đôi mắt hạnh mở to đầy tuyệt vọng, lệ trào từng giọt như ngọc vỡ, rơi xuống nền gạch xanh trong sân. Nàng bị kéo lê, tiếng nấc nghẹn ngào yếu ớt không cách nào vọng đến tai người khác.
Bởi đang trong tháng Giêng, hơn nữa ngày hôm sau lại là lễ Thượng Nguyên.
Mẫu thân ta vì vậy mà nương tay, chỉ sai người đánh Cầm Nương năm hèo rồi đuổi ra khỏi phủ.
Thế nhưng, Cầm Nương không chịu rời đi, mà lén lút trốn trong thành.
Lễ Thượng Nguyên là ngày náo nhiệt nhất ở huyện Lăng Thủy.
Đêm đó, gió đông thổi rực cả ngàn cây hoa, ánh đèn ngọc lưu chuyển, cá rồng tung bay, toàn bộ người dân trong thành đều ăn mặc chỉnh tề ra đường vui hội.
Năm ấy, ta vừa tròn sáu tuổi, vốn là một tiểu cô nương chưa từng bước chân ra khỏi cổng lớn.
Thế nhưng, hai nhũ mẫu trẻ tuổi của ta lại ham chơi, thèm khát cảnh đèn hoa bên ngoài tường, liền lén lút dẫn ta ra ngoài.
Không những đưa ta ra ngoài, họ còn để ta——
Ngoài cổng miếu Thành Hoàng, ta ngồi co ro một mình.
Bỗng có hai nam nhân dáng vẻ hòa nhã bảo sẽ đưa ta đi tìm hai nhũ mẫu bị dòng người chen lấn tách ra.
Ta sợ hãi đến mức chỉ muốn bật khóc, nước mắt lưng tròng. Đúng lúc ấy, hai người kia đột nhiên thay đổi sắc mặt, một người dang tay ôm lấy ta, định chạy đi.
"Đồ trời đánh, mau thả tiểu thư nhà ta xuống!"