Mẫu thân sững người: "Muội biết ta định nói gì sao?"
Cầm Nương gật đầu, nước mắt lưng tròng: "Cầm Nương biết."
"Nhưng—"
"Cầm Nương cam tâm tình nguyện."
Mẫu thân ta khóc, khóc như một người hóa thành lệ. Bà nắm lấy tay Cầm Nương, lặp đi lặp lại: "Cầm Nương, Cầm Nương, sao muội lại dại khờ đến vậy!"
Phượng Nương khoác đạo bào màu nâu đến Chu phủ thăm Cầm Nương, nghe vậy, Cầm Nương liền hớn hở nói với nàng: "Đại nương tử nói ta ngốc, nhưng thực ra ta đâu có ngốc. Một người từ chốn kỹ viện như ta, giờ có thể sống sung sướng trong phủ Thị lang, ăn ngon mặc đẹp, có người hầu kẻ hạ, mà chủ mẫu còn xem ta như tỷ muội ruột. Ngươi nghĩ ta là kẻ ngốc sao?"
Phượng Nương cười nhạt: "Ngươi gian, ngươi khéo, ngươi là người biết tính toán nhất."
"Ha ha, đúng không?"
Phượng Nương ở lại hai ngày rồi phải đi, Cầm Nương quyến luyến không nỡ, dặn dò nàng hãy thường xuyên đến chơi.
Phượng Nương nghiêm mặt nói: "Có gia đình gia giáo nào lại để một đạo cô ba ngày hai bận ra vào thế này chứ?"
Cầm Nương lập tức ỉu xìu: "Ôi, ngươi đi rồi, Hà nhi cũng đi rồi, giờ chỉ còn Đại Khởi ngày đêm bầu bạn với ta thôi."
Lời là vậy, nhưng Phượng Nương vẫn không đành lòng. Mỗi tháng nàng đều ghé Chu phủ ở lại hai ngày.
Mãi cho đến mùa xuân năm Vạn Huy thứ 24.
Mùa xuân ấy, Cầm Nương chờ mãi không thấy Phượng Nương đến, liền phái người đến Ngọc Tuyền Quán hỏi thăm. Người ở đó nói rằng đạo nhân Phượng Ngô đã rời đạo quán đi du ngoạn từ tháng trước, đến nay vẫn chưa trở về.
Cầm Nương hoảng hốt, ngày đêm sống trong nỗi bất an, quyết định chờ đợi thêm mấy tháng.
Nhưng Phượng Nương không bao giờ trở lại nữa.
Phượng hoàng ca vang, ngự trên đỉnh cao; Ngô đồng vươn mình, đón ánh ban mai.
Nàng – một nữ nhân kiêu sa như phượng hoàng, thanh cao như cây ngô đồng – hẳn đã chán ghét chốn trần tục, rời xa bụi trần để đến chốn thần tiên.
Sau khi Phượng Nương rời đi, Cầm Nương đổ bệnh không dậy nổi.
Nàng nằm trên giường, hốc mắt trũng sâu, tóc mai đã điểm sương, đến cả trà cũng không nuốt nổi.
Ta ngồi bên cạnh, nắm c.h.ặ.t t.a.y nàng, rưng rưng nói: "Phụ thân con sắp bãi triều rồi, người nhất định phải đợi thêm một chút nữa."
Nhắc đến phụ thân ta, trên má Cầm Nương hiện lên chút e thẹn như thiếu nữ vừa biết yêu.
Nàng khẽ thì thầm: "Ta chỉ... muốn nhìn thấy chủ quân thêm một lần nữa."
Nàng thấy năm ấy bên bờ sông Lăng Hoa, Thám hoa lang khoác trường sam màu trắng ngà, đã bất chấp nguy hiểm mà nhảy xuống cứu nàng từ dòng nước lên.
Nàng thấy trong nhà ngục Đại Danh phủ, tóc tai của người ấy bù xù, râu ria xồm xoàm, nhưng vẫn ngồi thẳng như cây tùng, trên tay cầm quyển sách cũ đã ngả màu.
Nàng thấy ngoài thư phòng Chu phủ, người ấy đụng phải chú mèo trắng tinh nghịch, sau đó mỉm cười ôm nó trao lại cho nàng.
Nàng còn thấy, nàng đã chờ đợi rất lâu, rất lâu, cuối cùng người ấy cũng vội vàng xuất hiện. Vội đến mức ngay cả quan phục màu xanh trên người cũng chưa kịp thay.
Lần này, người ấy rốt cuộc cũng vì nàng mà đến, nhưng cuộc đời nàng đã đến hồi kết.
Tình yêu không biết khởi nguồn từ đâu, nhưng một khi đã đến thì khắc sâu mãi mãi. Yêu đến mức đó, người sống có thể chết, người c.h.ế.t có thể sống lại.
Cả đời này, nàng chưa từng thốt ra nửa lời yêu, nhưng nàng yêu người ấy, yêu đến tận xương tủy.
Yêu đến tận xương tủy!
Chấp niệm cả đời của Cầm Nương chính là Chu phủ. Sau khi nàng qua đời, bài vị của nàng được phụ mẫu ta đặt trong từ đường Chu gia, để con cháu Chu gia thờ cúng đời đời.
Y phục của Phượng Nương được an trí tại Ngọc Tuyền Quán, còn ta thì an táng Cầm Nương tại núi Ngọc Tuyền.
Ta nghĩ, nếu làm như thế, hai người họ dưới suối vàng chắc chắn sẽ lại tiếp tục cãi vã trêu chọc nhau như ngày nào.
Nếu ở nơi hoàng tuyền gặp lại, Cầm Nương nhất định sẽ trêu Phượng Nương: "Sống thì có gì vui, c.h.ế.t cũng chẳng có gì là khổ."
Phượng Nương nhất định sẽ không chịu thua: "Lên rồi lại xuống, đã xuống thì xuống mãi không thôi."
Nghĩ đến đây, ta vừa cười vừa khóc. Từng giọt nước mắt lớn rơi xuống, thấm ướt những tờ giấy vàng nơi trước mộ.
Con trai út của ta và Cửu Lang – Trinh nhi – nay đã mười tuổi.
Thấy ta vừa khóc vừa cười, nó không khỏi tò mò hỏi: "Mẫu thân, người trong mộ này là ai vậy?"
Ta đáp: "Là ngoại tổ mẫu của con."
Trinh nhi ngơ ngác: "Nhưng ngoại tổ mẫu của con ở Chu phủ cơ mà."
Khu rừng Ngọc Tuyền núi xanh rợp bóng, trăm hoa đua nở, hương sắc ngào ngạt.
Cơn gió nhẹ thoảng qua, trăm loài chim rộn ràng hót vang, ríu rít như những ngày tháng cũ xưa.
Ta nắm tay Trinh nhi, mỉm cười đón gió, nói: "Bà ấy cũng là ngoại tổ mẫu của con."
Hết.