Một tuần sau, Quý Nhiên ra ga tàu cao tốc đón người nhà lặn lội đường xa tới thăm.
Gần đây Quý Nhiên kiếm được không ít tiền, ban đầu cậu định mua vé máy bay cho cha mẹ nhưng cả hai không nỡ để cậu bỏ tiền nên đã ở lại nhà họ hàng một đêm, sau đó bắt chuyến tàu cao tốc đến đây sớm.
Lúc Quý Nhiên ra đón người đã là buổi tối. Cha mẹ cậu ăn mặc chỉnh tề, mỗi người xách một chiếc vali, trông không khác gì những người trong thành phố.
Mẹ thì thầm với Quý Nhiên rằng trong vali có hai con gà đất, được bà đặc biệt mang theo từ quê nhà.
Quý Nhiên hơi bất ngờ: "Cha mẹ nuôi gà ạ?"
"Là chú ở quê nuôi." Mẹ cậu nói: "Là cái chú sống ở nhà cũ của chúng ta, hồi bé chú còn qua nhà chăm con đó. Cha mẹ mua của chú một con gà, chú lại cho con con khác, ăn đồ ăn nông thôn, trên thành phố không có đâu."
Ở Thượng Hải thứ muốn ăn mà không mua được chỉ có thịt gà tươi sống bán ở siêu thị gần cổng khu dân cư của hắn, mỗi con gà đều có mã truy xuất nguồn gốc, từ lúc nhỏ đến lúc lớn ăn gì đều ghi rõ ràng.
Nhưng suy cho cùng đây chính là lòng tốt của gia đình lặn lội từ xa mang đến, Quý Nhiên không đành thốt ra những lời đáng thất vọng này. Cậu cảm ơn mẹ, hỏi hai con gà có nặng không rồi chủ động giúp xách vali.
Bởi vì có tàu điện ngầm nối thẳng nên thay vì bắt taxi, Quý Nhiên dẫn hai người đi tàu.
Quý Nhiên hướng dẫn họ sử dụng điện thoại quét mã vào ga. Sau khi thử hai lần, cha cậu thành công qua cổng, còn mẹ lại bị kẹt bên ngoài, thử mấy lần vẫn lỗi, lo lắng đứng tại chỗ.
"Có cái việc này thôi mà cũng không xong là sao?" Cha bắt đầu mắng bà, qn đi tới bất mã QR của bà lên lại.
【Tích ——】
Cửa quay lại mở ra, mẹ cậu vội vàng đi qua, hơi lúng túng phàn nàn với Quý Nhiên: "Điện thoại thật phiền phức, sao con không mua vé cho mẹ giống em trai ấy."
Quý Thừa Hiên không có điện thoại nên Quý Nhiên chuẩn bị vé xe buýt cho cậu ta.
Quý Nhiên nói: "Do con sợ mẹ quên mang vé thôi, xài điện thoại cũng tiện mà, mẹ cứ thử thêm vài lần là quen thôi ạ."
Mẹ cậu không nói gì nữa, chỉ theo sát phía sau lưng cha cậu, Quý Thừa Hiên đeo cặp sách nhìn quảng cáo trò chơi ở ga tàu đến xuất thần.
"Đừng nhìn nữa, mau tới đây đi, tàu sắp tới rồi." Cha bắt đầu gọi cậu ta.
Quý Thừa Hiên miễn cưỡng đi theo, nói với Quý Nhiên: "Anh ơi, em thật ghen tị với anh. Đội bóng em yêu thích nhất đang ở trong thành phố của anh."
Quý Nhiên không chú ý đến quảng cáo kia, hỏi cậu ta: "Đội nào cơ?"
Quý Thừa Hiên bắt đầu kể cho cậu nghe về trò chơi yêu thích của mình, còn khoe rằng mình đánh lên được rank tinh diệu trước khi mùa giải mới bắt đầu, vẻ mặt vô cùng tự hào.
Cha cậu không hài lòng trừng mắt nhìn Quý Thừa Hiên: "Con chỉ biết chơi game mỗi ngày, không chịu học hành nghiêm túc, cha nghĩ sớm muộn gì con cũng không làm nên chuyện gì cả."
Quý Thừa Hiên làm mặt quỷ, chắc đã quá quen với những lời răn dạy như thế này.
Ở quê học sinh tiểu học có nhiều thời gian chơi game vậy à? Lại còn solo lên tinh diệu?
Mặc dù Quý Nhiên hơi bối rối nhưng vì không muốn làm mất mặt em trai mình ở nơi công cộng nên chỉ nói: "Tàu tới rồi, chúng ta lên thôi."
Cả đường không một ai nói chuyện cho đến khi tất cả xuống ga.
Lối ra của ga tàu là một trong những quảng trường đẹp nhất ở Thượng Hải, Quý Nhiên vốn định giới thiệu đây là chỗ ở cũ của Trương Ái Linh, là địa điểm cũ của tô giới Pháp, nhưng vừa bước ra khỏi ga tàu điện ngầm cậu lập tức nhận ra cha mẹ mình không được tự nhiên.
Cha giả vờ bình tĩnh nhìn xung quanh, trong khi mẹ và em trai đi phía sau, Quý Nhiên có thể cảm nhận rõ ràng sự bối rối của họ, và sự bối rối ấy càng rõ ràng hơn khi họ đến khu chung cư. Ngay cả cha cậu, người thường thích nói đạo lý cũng bắt đầu trở nên yên lặng.
Trong lòng Quý Nhiên có khó chịu một chút nhưng cậu không thể hiện ra ngoài, trực tiếp dẫn cha mẹ vào nhà. Cậu giới thiệu bố trí trong nhà cho cha mẹ, sau đó sắp xếp để hai người ở phòng ngủ chính, cậu mua nệm hơi định cùng em trai ngủ ở thư phòng.
Cha nhìn giường lớn, hồi lâu mới nói: "Con kham nổi căn nhà tốt như vậy không?"
Quý Nhiên giải thích rằng sếp của mình cho cậu thuê nó với giá rẻ, xem như cậu đang giúp sếp trông nhà.
"Đó cũng một ý tưởng." Có lẽ không biết làm thế nào, nhưng vẫn muốn ra vẻ ta đây, cha cậu lại bắt đầu đưa ra những lời nhận xét kém tinh tế.
Có điều lần này Quý Nhiên không để ý đến ông, trời cũng đã muộn, cậu nói sẽ đưa họ đi ăn tối.
Chiêu đãi người nhà ăn tối là một việc rất khó khăn, đặt quá không ăn, chưa từng thấy cũng không ăn, bọn họ mất công đến Thượng Hải vậy mà chọn một nhà hàng địa phương.
Quý Nhiên để họ gọi món nhưng họ không làm. Cậu vừa gọi ba món là họ đã ngăn lại bảo đủ rồi. Thượng Hải có đơn vị tiền tệ riêng, bọn họ sợ đồ ăn quá đắt.
Ba món nhanh chóng được ăn hết, Quý Nhiên định gọi thêm nhưng cha mẹ cậu cứ bảo là no rồi, sống chết không cho cậu gọi nữa. Song rõ ràng cậu thấy cha mình chỉ ăn một bát canh và một bát cơm trắng.
Lúc đó Quý Nhiên cảm thấy không dễ chịu gì, cậu dằn xuống cơn xót xa trong lòng, bảo rằng mình vẫn chưa no nên gọi thêm hai món nữa. Hai món này cũng hết nhanh chóng.
Sau khi rời khỏi nhà hàng, tâm trạng Quý Nhiên hơi phức tạp. Đúng là những năm gần đây cậu cũng thường hận cha mẹ, nhưng mỗi lần thấy cả hai thế này, cậu cảm thấy mình thật không xứng đáng làm người.
Cha mẹ chỉ là nạn nhân của thời đại, cậu không có quyền chỉ trích họ điều gì.
Vẫn còn sớm nên Quý Nhiên đưa họ tham quan Bến Thượng Hải, trước mặt là sông Hoàng Phổ và Tháp Ngọc Phương Đông. Lúc này các bậc phụ huynh đang lo lắng cuối cùng cũng mỉm cười, lấy điện thoại bắt đầu chụp ảnh. Quý Nhiên đã chụp cho họ một bức ảnh đẹp để lưu giữ kỷ niệm trong chuyến du lịch, vì là người chụp ảnh nên cậu không có mặt trong tấm hình gia đình.
Hai ngày cuối tuần, Quý Nhiên đưa họ đi Phổ Đông và Disneyland, tiện thể tổ chức sinh nhật ở đó.
Quý Nhiên tưởng rằng cậu sẽ rất vui vẻ, nhưng khi nhận được thiệp sinh nhật ở Disney, cậu thấy thật vô vị.
Kể từ khi cha mẹ đến, cậu cứ lo âu căng thẳng, cậu sợ cha mẹ sẽ trêu chọc, sợ cha mẹ nói điều gì đó mà cậu không muốn nghe.
Dù bề ngoài đưa họ đi chơi một cách lịch sự nhưng cậu cũng biết trong lòng mình có những cái gai cứng rắn. Đây là bản năng tự vệ, chỉ cần ở chung với cha mẹ là cậu luôn rơi vào trạng thái cảnh giác.
Quý Nhiên vốn tưởng cha mẹ sẽ làm khó nhưng cậu phát hiện mình đã sai rồi. Hai ngày qua, hai người đều vô cùng hiền từ, cậu đưa đi đâu thì họ theo đó, thậm chí còn hỏi han quan tâm cậu, giống như một gia đình bình thường trên đời.
Sự quan tâm mà cậu hằng mong đợi bất ngờ ập đến nhưng Quý Nhiên lại không thể thích ứng, toàn thân cảm thấy khó chịu, thậm chí bắt đầu suy nghĩ chẳng lẽ mình quá nhạy cảm rồi? Thực ra cha mẹ đối xử với cậu rất tốt, chẳng qua do cậu không biết điều?
Thứ duy nhất mà hai người cằn nhằn là giá cả đắt đỏ. Trà sữa 30 tệ một lý, bánh mì 50 tệ một ổ, gà tây Disney 85 tệ một con, một bữa tùy tiện trong nhà hàng đã tốn 200, ngay cả bát mì sợi lề đường cũng 20, 30 tệ.
"Không đi nữa." Lúc trở về, mẹ Quý Nhiên phàn nàn với cậu: "Sao đắt thế? Thay vì ăn một bữa ở ngoài thì có thể tự nấu cơm ăn một tuần, bữa sau chúng ta ăn ở nhà."
Bà nhắc đến con gà đất ở quê gửi lên, nói muốn cho Quý Nhiên bồi bổ.
Quý Nhiên từ chối, cậu muốn đăng ký một tour du lịch cho cha mẹ đi tham quan các thị trấn cổ xung quanh, dù sao đến hôm đi làm cậu cũng không có thời gian để bồi bọn họ. Nhưng cha mẹ cậu lại cho rằng làm vậy quá lãng phí, nhất quyết không chịu đi, Quý Nhiên thấy vậy cũng mặc kệ.
Chỉ là mỗi ngày trước khi đi làm, Quý Nhiên đều đặt đồ ăn về nhà.
Mẹ cậu nhìn thấy hóa đơn thì bảo mắc, nói để bà đi chợ mua đồ ăn cho, kết quả bị giá cả trong siêu thị trước khu chung cư dọa đến mức không dám mua gì.
Quý Nhiên vẫn tăng ca mỗi ngày như cũ, lúc trở về đã là sau nửa đêm, cha mẹ đã ngủ từ bao giờ, chỉ có thể gặp mặt sáng hôm sau.
Lại một ngày tăng ca xong rồi về nhà, lần này cậu nhìn thấy mẹ mình đang ngồi trên sô pha.
Hình như bà đã ngủ say, nhưng bị động tác của Quý Nhiên đánh thức, bà ngái ngủ hỏi: "Ngày nào cũng về nhà muộn vậy hả con?"
Quý Nhiên dạ, sau đó hỏi tại sao bà còn chưa ngủ.
"Ở nhà không có việc gì làm, mẹ nấu canh gà cho con uống." Mẹ lấy bát canh khỏi tủ lạnh đưa cho Quý Nhiên.
Quý Nhiên khá bất ngờ trước sự dịu dàng bất thình lình này. Cậu vụng về cầm bát lên và nói cảm ơn.
Mẹ hối cậu mau ăn nhanh lên, ngữ khí hiền lành: "Công việc của con vất vả quá, ngày nào cũng về muộn như thế có được trả tiền tăng ca không?"
Quý Nhiên nói không, nếu làm thêm cả ngày chỉ được trả thêm tiền.
Mẹ lại hỏi: "Ở đây giá cả cao như vậy chắc con phải tốn rất nhiều tiền lắm đúng không?"
Quý Nhiên nói cũng bình thường, nhưng không hiểu vì sao cậu lại không đề cập đến việc tăng lương.
Mẹ cậu bày ra vẻ mặt đau lòng: "Con đã làm việc vất vả như thế rồi, không cần phải gửi tiền cho cha mẹ nữa đâu."
Quý Nhiên sửng sốt một lát, tâm trạng hoang mang nhất thời, không biết phải làm sao trước sự quan tâm đột ngột của mẹ cậu, thậm chí cậu còn không muốn nợ họ ân tình.
Cậu lắc đầu, nói: "Có gì đâu mà, con vẫn dư dả chi tiêu cho cha mẹ."
Mẹ cậu không nói nữa.
Khi bầu không khí lắng xuống, Quý Nhiên mới nghe thấy tiếng chơi game trong thư phòng, cậu nhíu mày: "Sao Quý Thừa Hiên vẫn còn chơi game?"
Có vẻ mẹ đã tập mãi thành quen, nói: "Ngày nào mà nó chả vậy, không làm gì hết chỉ ngồi chơi game."
"Không phải em ấy là trẻ vị thành niên à?" Quý Nhiên sớm muốn hỏi: "Trẻ vị thành niên chỉ được chơi game ba tiếng cuối tuần."
"Việc này sao làm khó nó được, em trai con ranh ma lắm." Trông mẹ vừa như oán trách vừa rất tự hào nói: "Nó đã lén lút dùng thẻ căn cước của chúng ta từ lâu."
Thậm chí bà còn nói điều đó một cách nhẹ bâng.
Quý Nhiên không thể tin được: "Sao mẹ lại mặc kệ em ấy chứ?"
Mẹ: "Nó muốn chơi, mẹ còn cách nào khác à?"
Quý Nhiên: "Mẹ phải can thiệp vào."
Mẹ: "Nói thì nó không nghe, đánh thì mẹ không dám, con chỉ mẹ làm sao quản đi?"
Quý Nhiên bỗng nhiên nổi giận: "Nếu mẹ kệ em ấy vậy mẹ còn sinh nó ra làm gì?"
"Mẹ không quan tâm nó lúc nào?" Mẹ cậu cảm thấy bất bình: "Ngày nào mẹ cũng giặt giũ, nấu ăn cho nó, nó muốn chơi gì thì chơi. Mẹ dọn dẹp nhà cửa sạc sẽ hơn nhà người khác, sao con lại nó mẹ không quan tâm?"
Đây không phải là cách nuôi con đúng đắn.
Nhưng đêm hôm khuya khoắt, Quý Nhiên không muốn cãi vã nên đi đến thư phòng nói với Quý Thừa Hiên: "Đưa điện thoại cho anh."
Quý Thừa Hiên vùi đầu vào trò chơi, hoàn toàn phớt lờ yêu cầu của cậu.
"Quý Thừa Hiên." Thanh âm Quý Nhiên lạnh xuống: "Đưa điện thoại cho anh."
Cậu đã đi làm hơn mấy tháng, không còn là cậu học sinh ngoan ngoãn hồi đi học, trên người toát lên khí chất sắc bén và lạnh lùng của một người trưởng thành.
Quý Thừa Hiên rốt cục đáp lại cậu: "Đợi em nốt ván này."
Dứt lời, cậu hét vào điện thoại: "Anh tao tịch thu điện thoại rồi, hẹn tám giờ sáng."
Một lúc sau, Quý Nhiên bỗng nhiên tức giận đưa tay ra nắm lấy, thế nhưng sau đó cậu chợt bừng tỉnh, rõ ràng hồi bé cậu ghét nhất cha mẹ nổi giận vô cớ, vậy tại sao bây giờ cậu lại trở thành người giống vậy rồi?
Cậu đợi Quý Thừa Hiên chơi ván cuối cùng xong liền giành lấy điện thoại trước ánh mắt lưu luyến của hắn.
Quý Nhiên trả lại điện thoại cho mẹ, nói: "Sau này mẹ đừng để em ấy dùng điện thoại nữa."
Mẹ hét lên dữ dội: "Quý Thừa Hiên, sau này con không được phép lấy điện thoại của mẹ để chơi game! Con nghe rõ chưa!"
Quý Nhiên cho rằng việc này đã kết thúc nhưng không ngờ ngày hôm sau về nhà, cậu lại phát hiện Quý Thừa Hiên cày video ngắn. Quý Nhiên mở dữ liệu quản trị lên kiểm tra, cả ngày trời gia đình cậu không bước ra ngoài, Quý Thừa Hiên vậy mà đã xem video được sáu, bảy tiếng.
Quý Nhiên không tin nổi: "Sao mẹ lại cho nó mượn điện thoại rồi?"
Mẹ cậu thấy oan uổng lắm: "Nó muốn chơi, mẹ đâu còn cách."
Quý Nhiên: "Bài tập về nhà kỳ nghỉ đông thế nào?"
Quý Thành Hiên: "Em nắm rồi."
Mẹ nói: "Bình thường nó sẽ làm bài trước khi khai giảng một tuần, ba ngày là xong."
Quý Nhiên lạnh mặt cầm lấy điện thoại, lãnh đạm nói: "Về sau mẹ đừng cho nó chơi game hay xem video ngắn nữa, mỗi ngày bảo nó dành hai tiếng ra viết bài."
Quý Thừa Hiên hét lên một tiếng, thân hình chắc nịch lao về phía Quý Nhiên: "Anh không phải anh trai của em, anh là đồ ác quỷ! Em đại diện mặt trăng tiêu diệt anh!"
Thời nay con trai được nuôi dưỡng tốt nên Quý Thừa Hiên chưa đầy 12 tuổi đã cao gần 1,7 mét, lại hơi mập. Cậu bé lao tới như một khẩu pháo cỡ nhỏ, Quý Nhiên bị nhóc con đâm vào loạng choạng lùi sau vài bước, suýt tí nữa thì va phải bàn trà.
"Khóc cũng vô dụng." Quý Nhiên túm cổ áo cậu nhóc đẩy ra, Quý Thừa Hiên càng khóc lớn hơn.
Bố vẫn ở trong phòng ngủ, ông không bao giờ tham gia vào cuộc tranh cãi của họ, như thể việc ông kiếm tiền nuôi gia đình là một món quà trời ban.
Ngày hôm sau, Quý Nhiên tìm một hướng dẫn viên dẫn gia đình ba người tham quan tất cả các viện bảo tàng, vườn thú, cung thiên văn và thủy cung.
Sau khi tham quan 6 phòng triển lãm trong ba ngày, Quý Thừa Hiên không còn đòi chơi game nữa. Lúc trở về, cậu nhóc mệt mỏi ngủ say như lợn chết.
Quý Nhiên không quan tâm đến những đứa trẻ nghịch ngợm khác, nhưng đây chính là em trai ruột của cậu.
Quý Nhiên nghiêm túc thảo luận với cha mẹ về vấn đề này, yêu cầu họ đốc thúc nhóc học hành, không được để nhóc chơi game hay lướt video ngắn.
Cha cậu vẫn không phát biểu ý kiến như thường lệ, lúc đầu mẹ không phản đối nhưng một lát sau bà lại nói: "Nhưng nếu không cho em con chơi điện thoại, nó cứ làm phiền mẹ suốt thôi."
Quý Nhiên kiên nhẫn truyền đạt: "Con nít là vậy, mẹ phải tập cho nó thói quen học tập. Thằng nhóc đó sắp lên cấp 2 rồi, không thể để nó tiếp tục như vậy nữa."
Mẹ cậu cãi lại: "Chẳng phải lúc trước cha mẹ mặc kệ con thì con vẫn đậu đại học Bắc Kinh đấy sao?"
Đó là vì con biết phấn đấu cho bản thân.
Quý Nhiên rất muốn nói vậy nhưng chợt nhận ra nó quá tổn thương, cậu đành nhịn xuống rồi giải thích: "Bây giờ thời thế đã khác, mẹ phải lo việc học cho nó. Máy học tập mà lúc trước con mua cho em nó đâu rồi, mỗi ngay mẹ bắt nó làm bài tập một tiếng."
"Cơ bản là nó không đụng vào, mẹ thấy lực học của em trai con đã không tốt rồi." Bà ghét bỏ đáp: "Thành tích của nó từ nhỏ đã không bằng con. Thuê gia sư cũng vô dụng, lại còn tốn kém mấy ngàn đồng, chẳng biết tương lai nó sẽ như thế nào nữa."
Dường như có ẩn ý nào đó trong lời nói.
Quý Nhiên không trả lời, cho rằng mình có thể hiểu lầm.
Quý Thừa Hiên lại hét lên, nói nhóc không học chỉ muốn chơi game thôi, bà nghe xong bắt đầu mắng nhóc. Đôi khi Quý Nhiên cảm thấy mẹ chỉ mắng tượng trưng cho cậu xem, đến khi cậu rời đi thì Quý Thừa Hiên vẫn được phép dùng điện thoại như cũ.
Nhưng cậu đã nói tất cả những gì cần nói, đồng thời cũng thường xuyên gửi tiền về cho gia đình, Quý Thừa Hiên không phải do cậu sinh ra, cậu làm nhiều đến thế có thể xem là hết lòng quan tâm giúp đỡ.
Không ngờ ngày hôm sau, cha mẹ lại đến tìm cậu với vẻ mặt nghiêm túc rồi nói rằng họ muốn bàn chuyện gì đó với cậu.
Quý Nhiên hỏi có chuyện gì, bà suy nghĩ một hồi liền bảo muốn cho em trai học trường tư thục.
"Trường tư thục?" Quý Nhiên nghi ngờ tai mình có vấn đề: "Với điều kiện nhà mình thì học trường tư thục nào được?"
Mẹ cậu lại có những suy tính khác, phân tích nói: "Thành tích em con con cũng biết rồi, nó không vào được trường cấp hai trọng điểm, đi học thì chỉ có thể học lớp bình thường. Dì Lưu con bảo có thể vào trường tư thục trong thành phố, nghe nói xác suất vào được trường cấp ba trọng điểm cao hơn rất nhiều."
Sắc mặt Quý Nhiên không tốt lắm: "Học phí thì sao?"
"Hơi nhiều." Bà ngập ngừng đáp.
"Bao nhiêu?"
"Học phí hàng năm là 10 vạn, cộng thêm tiền sinh hoạt và ăn ở có thể là 14,5 vạn."
"Một năm 15 vạn?" Quý Nhiên nghi ngờ mình vừa nghe được cái gì đó hoang đường lắm: "Mẹ lấy đâu ra nhiều tiền như vậy?"
"Mẹ không hỏi ý kiến của con." Bà tỏ vẻ khó xử lại hơi mong đợi nói: "Bây giờ con cũng có công việc rồi, nghe nói tiền lương của con rất cao, con xem thử có thể hỗ trợ em trai con một chút không..."
Quý Nhiên im lặng.
Bà càng xấu hổ hơn, như đang tức giận nói: "Nếu không được, cha mẹ đang tính bán căn phòng trên thành phố rồi về quê ở."
Quý Nhiên cảm thấy bà ngây thơ đến phát sợ, cậu hỏi mẹ: "Công việc của cha thì sao? Cha mẹ định dưỡng lão như thế nào?"
Mẹ ấp úng: "Không phải vẫn còn sớm à?"
"Mẹ cũng biết còn sớm ạ?" Quý Nhiên gần như không nhịn được cơn giận của mình: "Quý Thừa Hiên mới học cấp hai mà cha mẹ định xài hết tiền gia đình để cho nó đi học trường tư thục? Rồi lỡ nó không đậu vào phổ thông chuyên thi sao? Rồi nó không đậu được đại học top đầu thì sao? Rồi sau đó cha mẹ định tiêu bao nhiêu tiền cho nó nữa?"
"Nhưng cũng không thể để nó thất học chứ." Bà lại hiện rõ vẻ mặt đau khổ.
"Cho nên ccon mới nhờ mẹ đốc thúc nó học tập, vậy mẹ làm gì rồi?" Trước đây Quý Nhiên luôn cảm thấy thương bà, bây giờ cậu chỉ tức giận: "Mẹ ném cho nó điện thoại xong rồi mặc kệ, giờ muốn gửi nó vào trường cấp tư thục nữa? Từ nhỏ đến lớn con chưa bao giờ tiêu của hai người 15 vạn, mà một năm cha mẹ tốn cho nó nhiều như thế?"
"Niên đại không giống, giá cả cũng khác nhau." Bà hơi chột dạ, lại bổ sung: "Hơn nữa mấy năm nay kinh tế nhà mình cũng khá hơn rồi."
"Kinh tế khá hơn?" Quý Nhiên cảm thấy một sự mỉa mai lớn lao, cậu thốt lên: "Vậy sao lúc trước con muốn thi nghiên cứu sinh nhưng cha mẹ lại phản đối?"
Hai vợ chồng không hẹn lại lộ ra vẻ mặt khó xử.
Cha cậu là người phản ứng đầu tiên. Ông gần như tức giận rồi nói một cách chính đáng: "Trường học của còn đã đủ tốt rồi, con còn gì không hài lòng nữa? Ngày xưa ông nội con thậm chí không cho cha đi học cấp 2."
"Sao con có thể tự học mà không chịu để ý tới em con?" Mẹ trách móc cậu: "Chúng ta đã vất vả cho con đi học sao con lại có thể ích kỷ như vậy?"
"Con ích kỷ ư?" Quý Nhiên tức giận cười, trái tim lạnh buốt: "Cha mẹ có bao giờ nghĩ lại ngày xưa hai người đã đối xử với con như thế nào không? Bỏ mặc con ở quê từ nhỏ, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, công việc đồng áng không bao giờ hết, rồi chịu biết bao nhiêu trận đòn roi."
"Nhà nghèo nên cha mẹ bắt con mặc đồ của chị họ, với lại cha có mẹ có bao giờ quan tâm con ở trường bị người ta bắt nạt vì điều đó đâu."
"Sau này hai người bỏ con lại với chú, con khóc lóc năn nỉ hai người dẫn con theo, nhưng cha mẹ bảo công việc bề bộn không đủ sức chăm, kết quả lén lút sinh hai đứa sau lưng con, thậm chí sinh xong mới thông báo cho con một tiếng."
"Quý Thừa Hiên sống với cha mẹ từ nhỏ, nhận được biết bao nhiêu tình thương của hai người, còn con? Mỗi ngày con ở quê ngóng trông cha mẹ trở về, sau khi cha mẹ về quê chê con không thân thiết, không chu đáo như Quý Thừa Hiên."
"Con vất vả học hành rồi đậu đại học, sau đó tìm được việc làm, thậm chí hiện tại chưa tốt nghiệp vẫn đều đặn gửi về nhà ba ngàn một tháng, cha mẹ vẫn cho rằng con ích kỷ ư?"
"Có cha mẹ nào như vậy không? Ngược lại cha mẹ nói con biết rốt cuộc ai mới là người sống ích kỷ đây!" Quý Nhiên lập tức bùng nổ, cậu trở nên giận dữ chưa từng có, như một đám lửa bùng cháy mãnh liệt.
Hình như mẹ bị cậu dọa sợ, ngây ngốc nhìn cậu một hồi, sau đó đột nhiên nhìn về phía cha cậu, như thể đang tìm người làm chứng, cười nói: "Đâu giống những gì con nói? Sao mẹ không nhớ gì cả? Không tin con hỏi cha đi, mẹ nhớ hồi nhỏ cha mẹ đối xử với con rất tốt mà.
Quý Nhiên lui lại một bước, thoáng chốc lạnh cả người.
Nếu vừa rồi cậu còn cảm giác tức giận thì bây giờ cậu chỉ thấy lạnh lẽo thôi.
Vậy mà bà không nhớ gì hết.
Vì không nhớ nên không cảm thấy mình sai.
Cho nên trong mắt bà nỗi đau của cậu chẳng là gì cả, thậm chí chỉ là một trò cười có thể mang đi kể cho người khác.
Bà hoàn toàn phủ nhận nỗi đau và tâm hồn của Quý Nhiên.
Quý Nhiên đã nghĩ ra rất nhiều giả thiết, nhưng không ngờ tới kết quả này. Cậu móc tim móc phổi đối xử với họ, hy vọng có thể đả động tới họ dù chỉ là tí xíu áy náy hoặc đau lòng, nhưng cuối cùng chỉ đổi lấy một câu: Sao mẹ không nhớ gì cả.
Không có đòn phản công nào tàn khốc hơn thế này. Đó là một chiêu thức thông minh đến mức ngay cả đại hiệp trong tiểu thuyết võ hiệp cũng luyện không thành công.
Nếu bây giờ bọn họ đang tranh tài trong giới võ hiệp, Quý Nhiên cảm thấy mình sẽ ngã xuống.
Cậu bị câu nói này giết chết.
Nhưng đây không phải giang hồ, mà họ cũng không luận võ, Quý Nhiên một lần nữa đứng dậy rồi rời khỏi phòng không ngoảnh đầu lại.
Cậu không còn tức giận nữa, thậm chí còn không tìm được ý nghĩa của sự tức giận. Cậu chỉ muốn rời khỏi cái nơi ngột ngạt này.
Nhưng nước mắt lại nhiều hơn Quý Nhiên tưởng, gần như ngay lập tức làm mờ tầm nhìn của cậu.
Quý Nhiên đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn không thể ngừng khóc.
Cậu khóc đến mức nước mắt nước mũi đầm đìa, Quý Nhiên không dám đưa tay lau, càng không dám quay đầu lại.
Bởi vì cậu biết mình sẽ không được an ủi, thậm chí ngày lễ ngày tết cha mẹ lại lôi nó vào để tán gẫu, lần đó Quý Nhiên khóc vô cùng đáng thương.
Trông cậu thật kỳ quái, cứ như một con chó vậy.
Quý Nhiên đi đến hành lang thay giày. Mắt cậu đã hoàn toàn không nhìn rõ gì cả, không thể nào mang giày vào.
Quý Nhiên quyết định không thay nữa, cứ vậy xỏ giày thể thao mà đi.
Cánh cửa mở ra, Quý Nhiên bất ngờ va phải Hàn Thâm.
Anh mặc áo khoác sẫm màu đứng trước cửa, tay phải giơ lên như muốn bấm chuông.
Quý Nhiên trầm ngâm mấy giây mới nhớ ra, hình như Hàn Thâm đã nói hôm nay sẽ đến lấy một bức tranh treo tường.
"Cậu..." Hàn Thâm vừa nói một câu, Quý Nhiên đã ngắt lời anh, đưa tay lau nước mắt cho, nói: "Em đưa anh vào."
Hàn Thâm lấy khăn đưa cho cậu.
Quý Nhiên áp chiếc khăn tay lên mắt, nước mắt lập tức thấm ướt vải.
Anh lau nước mắt, quay người dẫn Hàn Thâm vào nhà lấy bức tranh.
Đợi Hàn Thâm lấy tranh xong, Quý Nhiên hỏi lại: "Anh còn quên gì nữa không?"
Hàn Thâm nói không.
"Vậy thì đi thôi."
Quý Nhiên nói xong liền quay người rời đi, như không hề nhìn thấy ba người sống sờ sờ trong phòng khách.
Cậu không muốn ở lại nơi đó nữa, cũng không muốn Hàn Thâm nhìn thấy dáng vẻ chật vật của mình, thế là cậu quay đi về phía cầu thang thoát hiểm.
Hàn Thâm đi theo, vẻ mặt ôn hòa cùng thương xót hiếm thấy: "Muốn nói chuyện không?"
Quý Nhiên đột nhiên nhớ ra tên tiếng Anh của Hàn Thâm, Samuel, nghĩa là "Sa-mu-en", "Chúa đang lắng nghe".
Cậu bất ngờ cười lên, tiếng cười ngày càng to, gần như khiến cậu không thở nổi.
Nhưng không lâu sau, tiếng cười biến thành tiếng nức nở. Quý Nhiên lấy tay che mặt, nước mắt từ kẽ ngón tay chảy ra.
Cậu khóc thảm thương quá, bả vai liên tục run rẩy vì nấc, lỗ tai chóp mũi đỏ bừng, khóc đến mức không thở nổi.
Hàn Thâm chưa bao giờ thấy ai khóc thương tâm như vậy, đau đớn, uất ức.
Anh đột nhiên cảm thấy lúng túng, theo thói quen lấy khăn tay ra thì mới phát hiện mình vừa đưa cho Quý Nhiên rồi.
Hàn Thâm giơ tay lên, kiềm chế ý định ôm Quý Nhiên. Anh sợ rằng sức mạnh ý chí của mình sẽ không trụ nổi.
Quý Nhiên quay người lại lao vào vòng tay anh.
Đây là cái ôm mà Hàn Thâm ao ước từ lâu, anh đã vô số lần mong mỏi được ôm người vào lòng như thế này.
Nhưng khi khoảnh khắc này thực sự xảy ra, trong lòng anh không cảm thấy chút xốn xang nào.
Quý Nhiên của anh đang khóc, khóc rất thương tâm, mặt đỏ bừng, tóc và lông mi dính vào nhau.
Quý Nhiên vùi đầu vào ngực anh, ôm chặt anh như một cục nhiệt bé nhỏ tìm kiếm nơi trú ẩn, vừa như một trái tim đang đập.
Nhỏ bé, quý giá, không thể bị giẫm đạp.
Hàn Thâm ôm Quý Nhiên chặt hơn, chặt đến mức gần như nghẹt thở.
Quý Nhiên thích cảm giác bị ôm chặt đến nghẹt thở như thế, khi mà hơi thở trở nên khó khăn thì cậu không còn thời gian để chú ý đến bất cứ điều gì khác.
Giống như hồi còn nhỏ bị đánh, Quỷ Nhiên rất thích trốn ở góc giường đó. Dù là những ngày hè oi ả nhất, cậu vẫn phải quấn chăn quanh mình, như thể làm vậy có thể tạo ra một nơi an toàn cho bản thân.
Cậu trốn trong chăn suýt nghẹt thở, cố gắng ẩn mình thật kỹ. Thỉnh thoảng cha lại đánh cậu qua lớp chăn, nhưng phần lớn thời gian cậu vẫn có thể hít thở được.
Cậu bé Quý Nhiên trốn trong chăn, vừa run rẩy vừa khóc, thỉnh thoảng mắng chửi người cha tàn nhẫn, thỉnh thoảng oán trách vì mẹ không bao giờ giúp đỡ.
Nhưng điều cậu thích nhất là chìm vào giấc ngủ trong cảm giác ngột ngạt này.
Bởi vì khi ngủ thì không còn đau, khi ngủ sẽ không còn cảm thấy buồn nữa.
...
Hàn Thâm hơi không dám động đậy, anh không ngờ Quý Nhiên lại ngủ trong vòng tay mình.
Khi ngủ, Quý Nhiên trở nên mềm mại hơn, cơ thể ấm áp sau khóc áp sát anh, gương mặt đỏ rừng rực, môi hơi mở để thở, biểu cảm vẫn khó chịu như cũ.
Hàn Thâm giúp cậu nước mắt trên mặt rồi bế Quý Nhiên rời khỏi nơi đó.
Anh nhìn thấy cha mẹ Quý Nhiên ở ngoài hành lang, họ lo lắng và sốt ruột đứng ở cửa, cả người toát lên vẻ chân chất thật thà của người dân quê.
Họ hỏi Hàn Thâm: "Cậu là ai? Cậu muốn đưa nó đi đâu?"
Hàn Thâm vốn là người giỏi kiềm chế nhưng đây là lần đầu tiên anh mất bình tĩnh, anh không nói gì, chỉ quay người bước vào thang máy.