Chu Du Cùng Hệ Thống (Dịch Full)

Chương 120 - Chương 120 - Bảo Tàng Nam Kinh

Chu Du Cùng Hệ Thống Chương 120 - Bảo Tàng Nam Kinh

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 120: Bảo Tàng Nam Kinh

Có điều khi Đường Tư Kỳ bắt tay vào tra cứu với từ khoá “Viện bảo tàng tỉnh Giang Tô” thì lại chẳng thu được kết quả gì. Vì tỉnh Giang Tô không có bất cứ viện bảo tàng cấp tỉnh nào, ngoài một viện bảo tàng đặt tại thành phố Nam Kinh với tên gọi Bảo Tàng Nam Kinh (1).

Và càng ngạc nhiên hơn, Bảo Tàng Nam Kinh là một trong ba bảo tàng lớn nhất Trung Quốc, hơn nữa còn là viện bảo tàng đầu tiên trong cả nước.

Nó được thành lập vào năm 1933, từ thời Trung Hoa Dân Quốc, và khi ấy được gọi là Viện Bảo Tàng Trung Ương.

Với diện tích 70.000 mét vuông và hơn 400.000 vật phẩm, bộ sưu tập của Bảo Tàng Nam Kinh chỉ thua duy nhất bảo tàng cố cung Bắc Kinh.

Sơ sơ như vậy là biết quy mô khủng cỡ nào rồi!

Đường Tư Kỳ hào hứng đăng nhập trang chủ, đăng ký lịch tham quan. Cũng may hôm nay còn dư lại vài suất, chứ không thì phải đợi sang ngày mai mới được vào.

Đặt xong lịch, cô nhanh chóng xách túi lên đường.

Lăm lăm bản đồ trên tay, Đường Tư Kỳ ra khỏi trạm tàu điện, đi theo bảng chỉ dẫn. Từ xa, đập vào mắt cô là một toà nhà to lớn sừng sững mang lối kiến trúc giả cổ kiểu truyền thống Trung Quốc.

Bước chân vô thức hối hả, tiến nhanh về phía trước.

Càng lại gần, Đường Tư Kỳ càng choáng ngợp bởi sự tráng lệ và đồ sộ của nơi đây.

Bên ngoài đang có một hàng dài xếp hàng đợi vào cửa. Đường Tư Kỳ mau lẹ gia nhập đội ngũ, kẻo hết giờ tham quan thì uổng lắm. Trong lúc ấy, cô cũng tranh thủ quan sát thiết kế của toà nhà.

Thoạt nhìn, nó có vẻ mang hơi hướng kiến trúc nhà Liêu (1), kế thừa và lưu giữ nhiều đặc điểm từ nhà Đường, tuy nhiên nếu nhìn kỹ thì phần mái có độ dốc cao, không thoai thoải như phong cách đặc trưng của thời Đường.

Đáng tiếc cô lại không có nhiều kiến thức về lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là kiến trúc thời cổ đại thế nên chỉ có thể nhận xét mang tính cảm quan. Nếu cho đánh giá tóm gọn trong một từ, chắc chắn sẽ là từ “Đẹp”. Còn nếu cho nói nhiều hơn, cô sẽ không ngại ngần mà hét lên “Đẹp kinh khủng khiếp!”

Người xếp hàng đông nhưng cũng không phải chờ đợi quá lâu. Chẳng mấy mà Đường Tư Kỳ đã tiến lên bậc thang, bước vào bên trong viện bảo tàng Nam Kinh.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, cô đã thực sự bị đánh gục bởi sự choáng ngợp mà nó mang lại.

Trước nay trong suy nghĩ của cô, viện bảo tàng luôn là một nơi cũ kỹ và nhàm chán với những dãy tủ kính nhạt nhẽo, cất chứa mấy món đồ sứt mẻ và những văn tự lịch sử khó hiểu dài lê thê mà cô chẳng bao giờ có đủ kiên nhẫn đọc hết.

Thế nhưng từ khi bước chân vào đây, hiện thực đã phá tan định kiến thiển cận của Đường Tư Kỳ.

Từng khu triển lãm tương ứng với từng thời đại được phân chia rõ ràng và sắp xếp lần lượt theo giai đoạn lịch sử. Kết hợp với màn hình Led thuyết minh vô cùng sống động và chân thực đã đưa khách tham quan đi hết từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác, thậm chí có đôi lúc còn hoa cả mắt, ngộp cả thở trước dấu ấn ngàn năm trong nét vàng son dân tộc.

Đường Tư Kỳ không ngừng trầm trồ tán thưởng, đầu tư hoành tráng và bài bản thế này mà được vào cửa miễn phí. Quả không hổ danh là khu du lịch đẳng cấp 5A.

Bảo Tàng Nam Kinh có tổng cộng sáu khu triển lãm chính, chạy dọc từ thời viễn cổ tới các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Đi kèm với đó là vô số kỳ trân dị bảo, nhiều không đếm xuể.

Phòng Triển Lãm chủ yếu trưng bày bảo vật cung đình, nhiều nhất là đồng hồ và gốm sứ nhà Thanh.

Phòng Nghệ Thuật tràn ngập các bức thư pháp và các tác phẩm hội hoạ đắt giá.

Đặc sắc và nổi bật nhất phải kể đến Phòng Kỹ Thuật Số. Nó thực sự đã đánh đổ mọi nhận thức của Đường Tư Kỳ về cái gọi là viện bảo tàng.

Không còn đi theo lối mòn xưa cũ, ở đây người ta sử dụng kỹ thuật hiện đại tân tiến, màn hình 3D, thực tế ảo, âm thanh hào hùng sống động để đưa khách tham quan đi du lịch xuyên không gian và thời gian.

Thậm chí, trên trần và tường thang máy cũng trang bị màn hình Led, làm giả đường hầm thời gian dẫn dắt du khách đi xuyên từ thời đại này sang thời đại khác.

Đường Tư Kỳ bồng bềnh lạc vào ảo cảnh. Không thể không công nhận Bảo Tàng Nam Kinh đã làm rất tốt trong khâu sáng tạo, thành công tạo được sự hấp dẫn và cuốn hút khách tham quan.

Nhưng nếu hỏi đâu là nơi khiến Đường Tư Kỳ cảm thấy thích thú nhất thì câu trả lời nhất định là Phòng trưng bày Di sản Văn hoá Phi vật thể và khu vực tái hiện lại toàn cảnh Trung Hoa Dân Quốc.

Cô mê mẩn với bút lông và đồ thêu của Dương Châu, mỹ nghệ sơn mài Tô Châu, nghệ thuật cắt giấy và múa rối bóng ở Nam Kinh, hay đắm đuối trong hí kịch Côn Khúc (2) và lắng đọng với thanh âm thanh nhã, tinh tế của Thất Huyền Cầm (3) - loại nhạc khí được tôn kính nhất trong tất cả các nhạc cụ Trung Quốc, được mệnh danh là “nhạc cụ của hiền nhân” và có lịch sử lên tới 5000 năm.

Không những vậy, người ta còn biểu diễn vở kịch Bạch Xà Truyện ngay tại chỗ. Đường Tư Đứng đắm đuối ngồi xem như mất hồn.

Xem xong, di chuyển sang khu vực khác, cô lại một lần nữa bị cảm xúc đánh úp. Khung cảnh thời Dân Quốc hiện lên chưa bao giờ chân thực và rõ nét đến vậy. Tuy chỉ là mô hình góc phố xưa với tiệm tạp hoá, quầy thuốc nam, quán bán nước ngọt có ga, tiệm chụp ảnh, tháp đồng hồ, vũ trường Paramount…nhưng từng ấy cũng đủ cho Đường Tư Kỳ cảm nhận được bối cảnh loạn lạc và sự giao thoa văn hoá Đông Tây diễn ra cách đây hàng trăm năm.

Mắt nhìn có lẽ là không đủ, Đường Tư Kỳ phải vận dụng cả chức năng chụp ảnh trên điện thoại để lưu giữ từng khung cảnh nơi đây.

===

Chú thích

(1)Nhà Liêu hay Liêu triều (giản thể: 辽朝; phồn thể: 遼朝; Hán-Việt: Liêu triều; bính âm: Liáo Cháo 907/916-1125), còn gọi là nước Khiết Đan (契丹國) là một triều đại phong kiến do người Khiết Đan kiến lập trong lịch sử Trung Quốc, vận nước kéo dài từ năm 907 đến năm 1125, dài 218 năm (hoặc kéo dài 311 năm, đến năm 1218 nếu tính cả triều Tây Liêu), đối kháng kéo dài với triều Tống ở phía nam.

(2)Côn khúc (giản thể: 崑曲; phồn thể: 崑劇; bính âm: Kūnqǔ; Việt bính: kwan1 kuk1) hay Côn kịch / Tuồng Côn Sơn: Là một thể loại hí kịch của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đây là một trong những loại hình hí kịch cổ nhất của nghệ thuật Ca kịch Trung Quốc, ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XIV (khoảng cuối thời nhà Nguyên, đầu thời nhà Minh). Côn kịch là loại hình nghệ thuật đầu tiên của Trung Quốc được UNESCO đưa vào danh sách Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

(3)Thất Huyền Cầm hay còn gọi là Cổ Cẩm (tiếng Trung: 古琴; bính âm: gǔqín) là một loại nhạc cụ Trung Quốc thuộc bộ dây dạng gảy gồm 7 dây. Tương truyền, các nhân vật huyền thoại của tiền sử Trung Quốc, Thần Nông và Hoàng đế đã tham gia vào tiệc tạo ra Cổ Cầm. Người Trung Quốc nhắc tới Cổ Cẩm như “Cha của âm Nhạc Trung Quốc” hoặc “Nhạc cụ của hiền nhân.”

(4)Bạch xà truyện (白蛇傳), còn có tên là Hứa Tiên và Bạch Nương Tử (許仙與白娘子) là một trong bốn truyền thuyết dân gian lớn của Trung Quốc. Câu chuyện ra đời vào thời Nam Tống hoặc sớm hơn và được lưu truyền rộng rãi dưới thời nhà Thanh, là sản phẩm sáng tác tập thể của dân gian Trung Quốc. Nội dung Bạch Xà truyện miêu tả câu chuyện tình yêu giữa một Bạch xà tinh tu luyện thành người (Bạch Nương Tử) và một chàng trai ở trần gian (Hứa Tiên). Câu chuyện đã nhiều lần được chuyển thể thành Kinh kịch, phim điện ảnh và phim truyền hình. Còn tại Việt Nam, Bạch Xà truyện đã được dựng thành cải lương.

Bình Luận (0)
Comment