Chu Du Cùng Hệ Thống (Dịch Full)

Chương 126 - Chương 126 - Xin Trợ Giúp

Chu Du Cùng Hệ Thống Chương 126 - Xin trợ giúp

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 126: Xin trợ giúp

Học Viện Cầu Vồng quả là danh bất hư truyền, vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy hàng đầu vừa tạo được không gian học tập vui vẻ khơi gợi hứng khởi và đam mê cho các bạn nhỏ.

Nhờ vậy mà Từ Thiên Ngưng âm thầm quyết tâm, kể cả sau này Đường Tư Kỳ không kiếm được voucher khuyến mãi thì chị vẫn sẽ mua bằng giá gốc để cho Tuấn Bảo tiếp tục theo học. Bằng mọi giá, chị sẽ kiếm cách nối dài ước mơ cho con trai!

Hay tin Lạc Tuấn Bảo thực sự yêu thích Học Viện Cầu Vồng, Đường Tư Kỳ rất lấy làm vui mừng. Chẳng thế mà mọi mệt nhọc ngày hôm nay dường như tan biến hết, ngay khi trở về hostel, cái dự định lên phòng nghỉ ngơi đã tức khắc bị bỏ ra sau đầu, thay vào đó là ôm máy tính chạy thẳng xuống đại sảnh sáng tác nghệ thuật.

Có lẽ niềm hứng khởi vẫn còn căng tràn thế nên bao nhiêu bảo vật quý giá cứ không ngừng lướt qua đầu Đường Tư Kỳ. Cô nhanh nhẹn mở điện thoại, lần lượt xem lại toàn bộ ảnh chụp.

Để mà nói một cách công tâm nhất thì trong số tất cả những văn vật ngày hôm nay được mục sở thị thì Đường Tư Kỳ vẫn thích nhất chiếc cổng vòm dẫn vào tháp lưu ly ở Chùa Báo Ân.

Để cẩn thận hơn, Đường Tư Kỳ lên mạng thu thập thêm đủ kiểu tài liệu rồi mới bắt tay vào vẽ. Vì chiếc cổng vòm có vô vàn hoạ tiết cầu kỳ và tương đối phức tạp, mà Đường Tư Kỳ lại muốn tái hiện nó một cách chân thực và tinh tế nhất thế nên bức vẽ đã ngốn của cô không ít thời gian. Gần như suốt đêm hôm trước, sang đến tận ngày hôm sau vẫn thấy Đường Tư Kỳ hí hoáy tô tô vẽ vẽ.

Nhưng rồi khi bức tranh hoàn tất thì quả thực mỹ mãn vô cùng, ít nhất đối với Đường Tư Kỳ là như vậy.

Tuy rằng nhiệm vụ lần này không yêu cầu phải quảng bá rộng rãi tới 5000 người như hồi ở Hàng Châu nhưng Đường Tư Kỳ đã hình thành thói quen dùng hội hoạ để ghi chép lại các cuộc hành trình của mình. Vậy nên đi đến đâu, bắt gặp cảnh đẹp hay ăn được món ngon nào cô đều muốn vẽ lại, trước hết là lưu giữ kỷ niệm cho bản thân và sau nữa là giới thiệu tới bạn bè khắp nơi.

Bài viết với tiêu đề “Cố đô Nam Kinh ngàn năm văn hiến” bao gồm phần giới thiệu sơ lược về Viện Bảo Tàng Nam Kinh kèm theo bức vẽ tay cổng vòm tháp lưu ly của Chùa Bảo Ân mới vừa đăng lên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cư dân mạng

“Haha Kỳ Kỳ tới nữa rồi! Hai ngày trước mình mới vừa thắc mắc từ sau chuyến Hàng Châu không thấy bạn xuất hiện nữa. Không biết là đang lưu lạc ở phương trời nào, thì ra đang ở Nam Kinh. Tiếp tục lót gạch hóng hình mới nào bà con ơi!!!”

“AAAAA…thế là trong “danh sanh mơ ước” của mình lại có thêm địa danh mới rồi. Nam Kinh go go !”

“Trời đất! Chùa Báo Ân! Tháp Lưu Ly! Sao mà vẽ đẹp dữ vậy! Chủ thớt càng ngày càng lên tay nha, nể bạn thực sự!”

“Thân là một người con Nam Kinh, nhìn bức hình bạn vẽ mà mình xúc động muốn trào nước mắt! Bạn vẽ có hồn kinh khủng, ước gì lưu được về, in ra dán lên tường thì tuyệt vời. À đúng rồi, mình sống ở gần khu này, ngay gần núi Tử Kim á. Nếu được thì mình rất muốn gặp bạn, mình sẽ dẫn bạn đi chơi và mời bạn đặc sản Nam Kinh ^^”

“Rồi xong, cứ xem tranh của bạn là lại muốn xách Balo lên và đi. Mới tra vé máy bay xong, hè năm nay điểm đến của mình nhất định là Nam Kinh!”

“Oh yeah! Bảo Tàng Nam Kinh - niềm tự hào của con người và mảnh đất Nam Kinh. Vào đây mê lắm các bạn ơi, không tới là tiếc nửa đời người đó, tin mình đi.”

Trong cuộc thảo luận của đám đông rôm rả ấy, Đường Tư Kỳ nhìn thấy rất nhiều cái tên quen thuộc đã đi theo cô từ Hàng Châu, thậm chí có những người đồng hành cùng cô từ những ngày đầu tiên, lúc còn ở Thượng Hải, Ôn Châu. Đường Tư Kỳ đều ghi nhớ và trân trọng vô cùng.

Có sự tín nhiệm và cổ vũ của fans hâm mộ, Đường Tư Kỳ tiếp tục đăng tranh vẽ tô miến tiết vịt, đương nhiên không quên phát biểu cảm nghĩ của mình khi thưởng thức món ngon.

“Trời đất ơi, đang lúc đói bụng chứ, đúng là giết người không dao, huhuhu…”

“Ôi, sao lại đi ăn Dư Vị, Dư Vị không ngon đâu, đến Đức Bảo đi bạn ơi, Đức Bảo ăn ngon hơn nhiều. Nhà mình toàn ăn ở Đức Bảo thôi. Cả miến tiết vịt lẫn canh phù dung đều ngon vô đối, thả thêm vài miếng cơm cháy giòn giòn vào nữa thì ôi thôi, chỉ có nhức cái nách!”

“Đúng rồi, chỉ có khách du lịch mới ăn ở Dư Vị thôi chứ dân địa phương toàn tới Đức Bảo.”

“Cả chân vịt Hàn Phục Hưng và tiểu long bao Doãn Thị nữa.”

“Ôi nhìn qua tranh mà cũng thèm chảy nước miếng. Mình thề là mình chưa ăn món này bao giờ nhưng bạn vẽ hấp dẫn quá làm mình cũng muốn thử một lần cho biết.”

“Mấy người là quân gian ác, huhu, đang đói mà toàn giới thiệu món ngon…chết tui mất thôi…Đề nghị chủ thớt đổi chủ đề, huhu…”

Chả riêng gì bạn ở trên mà ngay cả Đường Tư Kỳ ngồi đọc bình luận cũng đói sôi bụng. Dựa theo lời giới thiệu của các thổ địa, Đường Tư Kỳ tìm được chi nhánh Đức Bảo ở ngay gần hostel, đã vậy điểm đánh giá trên mạng còn cao ngất ngưởng nữa chứ. Vậy thì chần chờ chi nữa, đi ăn thôi!

Đánh chén một chầu no nê, Đường Tư Kỳ thoả mãn xoa cái bụng căng tròn. Đúng thật là ngon hơn Dư Vị nhiều. Đột nhiên, một ý tưởng loé lên, sao không hỏi dân thổ địa về những di tích lịch sử có liên quan tới Chu Nguyên Chương nhỉ, như vậy có phải nhanh hơn không?!

Thế là Đường Tư Kỳ lập tức gõ nhanh một lời bình xin trợ giúp

“Mọi người ơi, phiền mọi người chỉ cho mình quanh Nam Kinh có những địa danh nào liên quan tới Chu Nguyên Chương hoặc được xây dựng và tu sửa dưới thời Hồng Vũ với. Xin cảm ơn mọi người trước nha!”

Vốn tưởng vấn đề lịch sử sẽ không được các bạn trẻ quan tâm nào ngờ số lượng bình luận trả về nhiều đến độ Đường Tư Kỳ đọc không kịp

“Đương nhiên là Minh Hiếu Lăng (1) rồi! Đó là nơi hợp táng của Hoàng đế Chu Nguyên Chương và Mã Hoàng Hậu. Minh Hiếu Lăng được mệnh danh là ‘thành phố kho báu’ chôn rất nhiều vàng bạc, ngọc bích, áo hoàng bào, gấm lụa…của Chu Nguyên Chương nhưng hơn 600 năm qua không một tên trộm mộ nào dám bén mảng tới.”

“Nhiệt liệt đề cử Minh Hiếu Lăng, cảnh mùa thu ở đấy đẹp mê hồn, xao xuyến động lòng người.”

“Minh Hiếu Lăng đẹp thì có đẹp thật đấy nhưng vé vào cửa đắt quá. Mình đề cử Tường thành nhà Minh, cũng là di sản văn hoá thế giới. Tổng chiều dài của nó là 25km và là tường thành khép kín dài nhất thế giới, dài hơn cả tường thành ở Bắc Kinh nữa kìa. Hơn nữa tường thành cũng là do Chu Nguyên Chương - Hoàng đế khai quốc Minh Triều hạ lệnh cho xây dựng.”

“Ê ê ê, mọi người đừng quên cố cung Nam Kinh nha. Nó chính là bản gốc của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh đó. Cũng là do Chu Nguyên Chương xây dựng luôn.”

===

Chú thích:

(1)Minh Hiếu Lăng (tiếng Trung: 明孝陵; bính âm: Míng Xiào Líng; nghĩa đen: "Lăng mộ lòng hiếu thảo nhà Minh") hay gọi là Hiếu lăng là lăng mộ của Hoàng đế Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra triều đại nhà Minh. Nó nằm ở phía nam chân núi Tử Kim, phía Đông trung tâm lịch sử Nam Kinh. Truyền thuyết nói rằng, để tránh việc cướp bóc lăng mộ, 13 đám rước giống hệt nhau bắt đầu từ 13 cổng thành để che giấu nơi chôn cất thực sự.[1]

Việc xây dựng lăng mộ được Minh Thái Tổ cho tiến hành vào năm 1381 và hoàn thành vào năm 1405, dưới thời trị vì của con trai ông và là người kế vị là Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc, với một lượng lớn tài nguyên được sử dụng cùng 100.000 lao động. Bức tường ban đầu của lăng mộ dài hơn 22,5 km. Lăng được xây dựng dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của 5.000 quân lính. Đây là lăng mộ Hoàng gia lớn nhất tại Nam Kinh, và là một phần của Di sản thế giới Lăng tẩm Hoàng gia Minh-Thanh được UNESCO công nhận.

Bình Luận (0)
Comment