Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 138: Đào rau dại
Dì Lý khá nghiêm khắc và có phần hung dữ với con trai nhưng lại cực kỳ thân thiện và vui vẻ với đám bạn của con. Sáng nay lúc nghe con bảo gọi bạn tới hỗ trợ đào rau dại, dì nóng mặt xách ngược lỗ tai nó lên, mắng cho một trận té tát vì cái tội lười biếng muốn trốn việc nên làm phiền các bạn. Nhưng đến khi gặp đám thanh niên thì dì lại vui vẻ như trở về tuổi đôi mươi, say sưa tám chuyện trên trời dưới biển không muốn ngừng.
Vừa đi vừa giới thiệu, dì dẫn đầu đoàn bắt đầu leo núi, băng qua những con đường mòn nhỏ hẹp, xuyên qua các bụi cây um tùm, rậm rạp
“Các con nhìn này, đây chính là một loại rau dại, nó có tên là cúc óc chó, vị của nó hơi đắng đắng hăng hăng nhưng ăn vào thì mát và tốt cho sức khoẻ lắm. Thông thường đúng mùa của nó phải rơi vào tầm tháng tư, tháng năm âm cơ, tuy giờ hơi già một tí nhưng cũng không đến nỗi nào, ta đem về lặt bỏ phần thân già phía dưới, chọn lấy đọt non phía trên là vẫn ngon như thường.”
“Ấy ấy, con gái, cây con vừa hái là cỏ dại, không phải cúc óc chó.”
Đường Tư Kỳ ngơ ngác chỉ sang bụi bên cạnh: “Vậy là cái này phải không dì?”
Dì Lý cười phá lên: “Haha, cũng không phải con ơi. Các con nhìn kỹ để phân biệt này, lá của nó có màu xanh lục, phần mép lá có răng cưa, hơi giống với rau cải cúc mà mình hay thấy người ta bày bán ngoài chợ ấy.”
Nghe thì hiểu đấy, nhưng Đường Tư Kỳ vẫn mơ mơ màng màng lắm, tại cây nào cũng xanh rì như nhau, lại còn mọc sát rạt, đâm ra đã khó lại càng khó hơn.
Lầm lẫn đâu đó cỡ vài lần, mãi sau Đường Tư Kỳ với cúc óc chó mới thành công nhận được mặt nhau.
Từ đầu chí cuối, Hứa Tiên không than thở nửa lời, cứ thế khom lưng cắm cúi đào.
Tuy ngoài miệng cậu chàng tỏ vẻ bài xích vậy thôi, chứ lúc bắt tay vào thì nhanh thoăn thoắt không một động tác thừa. Coi bộ được huấn luyện từ bé nên quen tay hay việc đây mà.
“Mùa xuân có cây tể thái, cây mã lan, cỏ đinh lăng, mùa hè thì có các loại hoa, ăn đều ngon cả. Đi thôi, chúng ta lên phía trước kiếm tiếp.”
Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, trước khi tới đây, Đường Tư Kỳ không hề biết trên núi Tử Kim lại ẩn chứa của quý trời ban. Mà dì Lý bảo không riêng gì mỗi núi Tử Kim mà xung quanh tường thành nhà Minh hay thậm chí các ngõ ngách khắp Nam Kinh cũng đều có cả.
Dọc đường gặp rất nhiều dân địa phương cũng lên núi đào rau. Thậm chí không thiếu những ông già bà cả lớn tuổi nhưng về khoản nhanh tay lẹ mắt thì chả kém gì đám thanh niên sức dài vai rộng bên này. Chỉ một loáng, vạt rau dại xanh um đã được xử lý gọn ghẽ.
Ban đầu còn lóng nga lóng ngóng, Đường Tư Kỳ mất khá nhiều thời gian trong việc xác định đâu là cỏ đâu là rau. Tuy nhiên làm nhiều ắt hẳn quen việc, càng đào càng vui, Đường Tư Kỳ cứ say sưa với những cây rau dại xanh non mơn mởn. Tất nhiên, thao tác chưa thể thuần thục như dân bản địa song như vậy cũng đủ cho cô tự hào về bản thân mình, vì đã học thêm được một kỹ năng mới.
Nhưng có lẽ người kinh hỷ nhất phải là dì Lý, dì không ngờ đám trẻ lại chịu thương chịu khó đến vậy, cho nên dì cứ tủm tỉm cười suốt cả chặng đường. Chẳng những thế còn luôn miệng khen không ngớt khiến đám Đường Tư Kỳ ngại gần chết.
Mà nói thì nói vậy thôi, chứ ai được khen chẳng thích, thế nên tinh thần cứ gọi là phơi phới, cả nhóm hăng hái đi một vòng lớn quanh núi Tử Kim, thu hoạch được cả một sọt đầy ắp. Nhìn đống chiến lợi phẩm cao vút, tràn cả ra ngoài, dì Lý cười toét miệng, lộ cả nếp nhăn mờ mờ nơi đuôi mắt
“Hôm nay vất vả cho các con rồi. Giờ mấy đứa muốn đi đâu chơi thì tuỳ, nhưng buổi tối nhất định phải ghé nhà dì ăn cơm đấy nhé, dì sẽ cho các con nếm thử đặc sản rau dại Nam Kinh.”
Cả đoàn chia tay nhau ở dưới chân núi, dì Lý đeo sọt rau về nhà chuẩn bị cơm nước còn mấy người Đường Tư Kỳ thì tới chùa Kê Minh quay phim như đã định.
Đây là lần thứ hai Đường Tư Kỳ tới chùa Kê Minh, còn Bạch Nương Tử và Pháp Hải thì chưa tới lần nào. Dĩ nhiên, không thể tính Hứa Tiên được, vì cậu ấy là người bản địa, đã theo mẹ đến viếng chùa từ hồi mới lẫm chẫm biết đi.
Sau khi bàn bạc, mọi người thống nhất diễn lại hai cảnh kinh điển.
Cảnh thứ nhất là đoạn Bạch Nương Tử bị hoà thượng Pháp Hải phong ấn dưới tháp Lôi Phong. Và cảnh thứ hai là Tiểu Thanh tới thăm tỷ tỷ.
Đường Tư Kỳ diễn suất thứ hai, suất đầu không có vai nên cô nàng mừng húm, xung phong nhận nhiệm vụ cầm máy quay và chạy vặt vòng ngoài.
Không biết có phải vì hôm nay cả nhóm đi đào rau giúp mà Hứa Tiên diễn sung hơn hẳn, nhập vai xuất thần luôn. Cậu ấy phóng lên cầu thang, nhảy qua lan can, nhưng vẫn không thể thắng được sự ngăn đón và cản trở của đám người trong tháp.
Đáng tiếc nhóm bọn họ chỉ có bốn diễn viên chính, không có diễn viên quần chúng nên Hứa Tiên đành phải tự tưởng tượng, rồi tự diễn cảnh xô đẩy, giằng co.
Cậu ấy diễn như thật, thu hút rất nhiều khách thập phương tới chùa dâng hương lễ Phật phải dừng chân đứng xem.
Một màn này làm cho Đường Tư Kỳ đứng một bên cầm máy quay mà cũng hồi hộp đổ cả mồ hôi lạnh. Không biết tí đến lượt cô liệu có đủ bình tĩnh mà vào vai không đây.
Trời ơi, sơ sơ cũng cả trăm người chứ ít gì…xấu hổ quá đi mất!
Dù đã đóng mấy lần rồi nhưng Đường Tư Kỳ vẫn không thể vượt qua tâm lý bối rối, ngại ngùng thậm chí là có phần run sợ. Nhất là đứng trước đám đông, lại còn có người giơ điện thoại lên quay phim, chụp ảnh nữa thì ôi thôi…cô chỉ muốn quay đầu bỏ chạy ngay và luôn.
Trái ngược hẳn, ba người bạn của cô chẳng hề ngại ngùng một tí nào, nhất là Hứa Tiên vẫn diễn say mê như chốn không người. Lúc kết thúc, có một đoàn du khách người cao tuổi đã vây lấy cậu ấy, không tiếc dành tặng những lời khen có cánh
“Chàng trai trẻ, diễn hay lắm…”
“Tuyệt vời, rất ra tinh thần của Hứa Tiên.”
“Ồ, thì ra đây chính là nơi quay phim “Tân Thanh Xà-Bạch Xà này.”
“Ừ, nói mới nhớ, đúng là nơi này rồi, vi diệu quá.”
“Nào mấy đứa làm lại một lần đi, để các ông các bà diễn vai quần chúng hỗ trợ bọn cháu.”
Nhận được lời đề nghị bất ngờ, Hứa Tiên chẳng những không ngần ngại mà còn thích thú ra mặt.
Cậu nhanh chóng đứng vào vị trí, ra sức chạy. Có một nhóm người truy đuổi phía sau, cảm xúc của cậu càng được đẩy lên cao trào, biểu cảm và thái độ tốt hơn lần trước rất nhiều lần.
Bạch Nương Tử ở đầu bên kia cũng đồng thời bị một đám người níu chân, không cho chạy về phía người thương.
Cái này dân gian gọi là “chia loan rẽ thuý” nè, ấy thế mà các cụ ông cụ bà diễn máu lửa lắm, không cần nội dung cũng chẳng cần kịch bản vẫn có thể cho ra hiệu quả xuất sắc vượt ngoài tưởng tượng.
Chẳng mấy chốc, trước sân chùa Kê Minh toàn diễn viên là diễn viên.
Kết thúc cảnh chia loan rẽ thuý, hình như mấy cụ diễn chưa đã ghiền thì phải, vậy nên vẫn bám theo bọn họ, di chuyển sang địa điểm quay cảnh thứ hai.