Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 144: Thế giới động vật
Đường Tư Kỳ nghệt ra, một nơi làm ăn thua lỗ thì có gì để xem chứ, chả hiểu tại sao lại nhiệt liệt đề cử tới vậy?
Phần vì tò mò, phần vì hết việc để làm, nhiệm vụ Check-in đã hoàn thành, đơn tranh cũng đã vẽ xong giao cho khách, giờ ngồi đần trong khách sạn cả nửa ngày kể ra cũng chán, thôi thì đi chơi tí cho vui vậy. Kể cả không có gì xem thì coi như đi dạo tản bộ cũng được.
Thật sự cô không thể nào nhớ được lần cuối cùng mình đi chơi vườn bách thú là khi nào…hình như từ hồi học tiểu học thì phải…
Có lẽ bởi vì không kỳ vọng quá nhiều nên thực tế càng khiến Đường Tư Kỳ choáng váng gấp bội. Cô không thể ngờ vườn bách thú Hồng Sơn lại toạ lạc tại vị trí đắc địa, ngay bên cạnh hồ Huyền Vũ, khu vực tấc đất tấc vàng đắt đỏ bậc nhất Nam Kinh. Hơn nữa nhìn qua thì có vẻ diện tích không phải là nhỏ.
Và điều thứ hai làm Đường Tư Kỳ ngỡ ngàng là nơi đây không hề giống với vườn bách thú mà hồi nhỏ cô đã từng đi.
Trong ấn tượng của Đường Tư Kỳ, vườn bách thú chính là nơi giam cầm động vật. Những chiếc lồng sắt như những nhà tù xếp san sát, mỗi con một chuồng hoặc hai ba con cùng loại một chuồng. Chúng khó chịu, bức bối, chán nản, ủ ê trong không gian chật chội, tù túng. Đi kèm với đó là mùi hôi thối của chất thải xộc lên, lẫn vào trong không khí.
Thế nên ngay từ khi còn nhỏ, Đường Tư Kỳ đã không thích vườn bách thú rồi, bởi vì cô cảm nhận được những con động vật trong đó chẳng hề vui vẻ, thậm chí là thiếu sức sống.
Nhưng mà mỗi năm nhân dịp đầu xuân hoặc giữa thu, trường học thường tổ chức cho học sinh đi tham quan sở thú và khi về phải viết bài cảm nghĩ nộp cho giáo viên. Tất nhiên theo lẽ thường, muốn điểm cao thì phải ra sức khen ngợi, ra sức bày tỏ sự yêu thích nhưng thật tâm Đường Tư Kỳ chẳng thích tẹo nào.
Còn Vườn bách thú Hồng Sơn lại khác, từ ngoài cổng đi vào, bạn hoàn toàn không thấy một cái lồng sắt khô khốc, nhàm chán nào, thay vào đó họ tạo nên một không gian sống gần với tự nhiên nhất, theo tập tính sinh hoạt và sở thích của từng loại động vật.
Ví dụ trong nơi ở của họ nhà mèo, được bố trí rất nhiều cây cổ thụ, ao nước cạn, hang đá, núi giả phục vụ cho tập tính thích leo treo cũng như ẩn nấp của chúng.
Và bọn này trốn kỹ lắm, bạn tưởng muốn được chiêm ngưỡng chúng mà dễ à. Đường Tư Kỳ đứng ngoài hàng rào đợi mỏi cổ mà chẳng thấy bóng dáng em nào. Ngay khi cô định xoay người rời đi thì nghe thấy tiếng bạn nhỏ bên cạnh nài nỉ mẹ: “Mẹ, đừng đi vội, chờ thêm chút nữa đi, con muốn gặp Khờ Khạo.”
Khờ Khạo? Là ai?
Lúc này Đường Tư Kỳ mới để ý thấy hai cái tên Việt Việt và Khờ Khạo xuất hiện trên tấm bảng treo ngoài hàng rào. Thì ra đây là “ngôi nhà” của gia đình báo gấm.
“AAA, Việt Việt ra kìa.”
Theo hướng tay cậu bé, Đường Tư Kỳ nhìn thấy một con báo gấm uyển chuyển uốn mình nhảy từ nhánh cây sang tảng đá.
Vẻ hiên ngang, mạnh mẽ của nó khiến du khách thích thú ồ lên không ngớt.
Tích tắc, Việt Việt phóng vụt vào rừng cây, một lần nữa biến mất dạng.
Người mẹ hiếu kỳ hỏi con trai: “Sao con biết nó là Việt Việt.”
Cậu bé nhanh nhảu đáp: “Vì hoa văn trên người Việt Việt và Khờ Khạo không giống nhau.”
Ồ siêu thật, chắc hẳn thằng bé phải đến đây nhiều lắm thì mới có thể phân biệt được. Nhưng dù sao Đường Tư Kỳ cũng thán phục nó, còn bé mà óc quan sát rất tỉ mỉ và tinh tế.
Tuy khoảnh khắc vừa rồi diễn ra trong nháy mắt nhưng Đường Tư Kỳ không thể nào quên được dáng vẻ cũng như biểu cảm của con báo đốm, một điều chắc hẳn sẽ khó bắt gặp ở những vườn bách thú khác.
Ngoài ra, Đường Tư Kỳ còn phát hiện rải rác khắp vườn bách thú Hồng Sơn là những biển cấm không tự tiện cho động vật ăn. Cách một đoạn cũng sẽ có nhân viên hoặc tình nguyện viên đứng quan sát đồng thời liên tục nhắc nhở du khách tuyệt đối không cho động vật ăn bậy.
Xung quanh đây cũng chẳng có quầy hàng nào bán chuối, bỏng, mía…đại loại là thức ăn cho động vật như ở những nơi khác.
Đây là một trong những sự khác biệt nổi trội của Hồng Sơn mà Đường Tư Kỳ thấy rất đáng hoan nghênh và cần nhân rộng. Động vật nên có một chế độ dinh dưỡng tiêu chuẩn từ những người có chuyên môn, không nên vì một chút lợi nhuận cỏn con mà làm ảnh hưởng tới sức khoẻ chúng.
Một điều mà Đường Tư Kỳ khá hứng thú nữa đó là khâu thiết kế. Để tạo điều kiện cho động vật di chuyển tự do và thoải mái, từ địa hình sẵn có, người ta đã dựng thêm cầu, bắc ngang qua lối đi dành cho du khách. Cho phép động vật có thể đi qua đi lại, quan sát du khách từ trên cao.
Tuy nhiên, có những loài thích đứng trên cao nhưng cũng có nhiều loài thích ở chỗ thấp. Và vườn bách thú Hồng Sơn đều đáp ứng được hết. Ví dụ như con chồn đất…
Nếu ai đã từng xem bộ phim hoạt hình Vua Sư Tử (1) thì hẳn đều biết đến chú chồn đất Timon lém lỉnh, người bạn đã giúp đỡ Simba khi loạn lạc.
Trong tự nhiên, chồn đất có sở thích đào hang và luôn luôn đứng canh gác ở cửa hang của mình. Vậy nên phía trên hang của chồn đất, vườn bách thú Hồng Sơn đã cho dựng một kim tự tháp bằng kính trong suốt để du khách có thể quan sát nhất cử nhất động mà không làm phiền đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình nhà chồn.
Cách bài trí phải nói là vô cùng tinh tế và kỹ lưỡng, vượt ngoài sự tưởng tượng mọi người. Chứng tỏ đội ngũ quản lý ở đây đã phải làm việc bằng cái tâm và đam mê thì mới được như vậy.
Nếu mà liệt kê ra sự tỉ mỉ và tận tâm của họ thì không biết phải kể bao nhiêu cho đủ. Ví dụ như khu ở của voi có thiết kế mái che râm mát, sàn xi măng được đổi thành bãi cát trắng mịn. Lúc Đường Tư Kỳ đi tới, cô nhìn thấy một chú voi con đang sung sướng lăn qua lộn lại, đùa nghịch trên nền cát êm ái.
Một hình ảnh toát lên sự đáng yêu và hạnh phúc. Chỉ đứng nhìn thôi cũng thấy vui lây rồi!
Tới khu vực Gấu Ngựa (2), Đường Tư Kỳ nhìn thấy có rất đông các bạn nhỏ đang lố nhố xếp hàng xem gì đó. Thế là cô cũng tò mò tiến lại gần.
Sau khi đọc bảng giới thiệu mới biết thì ra có hai chú Gấu Ngựa con mới được chuyển đến.
===
Chú thích:
(1)Vua Sư Tử - Tên Tiếng Anh “The Lion King”, là phim hoạt hình thứ 32 của hãng Walt Disney, công chiếu vào năm 1994. Hiện đứng thứ 14 trong danh sách các bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại với 952 triệu USD tính đến năm 2011.
(2)Gấu Ngựa (danh pháp khoa học: Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus), còn được biết đến với tên gọi gấu đen Tây Tạng, gấu đen Himalaya, hay gấu đen châu Á, là một loài gấu có kích thước trung bình, vuốt sắc, màu đen với hình chữ "V" đặc trưng màu trắng hay kem trên ngực. Loài gấu này có quan hệ họ hàng rất gần với gấu đen Mỹ, người ta tin rằng chúng có chung nguồn gốc tổ tiên ở châu Âu.
Gấu ngựa có khu vực sinh sống trải rộng từ đông sang tây châu Á. Chúng có thể tìm thấy trong rừngvùng đồi núi ở Đông Á và Nam Á, bao gồm một dải từ Afghanistan, Pakistan, sang bắc Ấn Độ, Nepal, Sikkim, Bhutan, Đông nam Á, đến tận đông bắc Trung Quốc, và cả Đài Loan, Nhật Bản