Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 153: Tâm hồn ăn uống
Cũng vì bon mồm mà bây giờ cái bụng cô tròn căng, no đến ná thở, không thể nhét thêm cái gì nữa. Thế là xong, tối nay hết cơ hội thưởng thức mỹ thực. Làm gì còn bụng đâu mà chứa!
Tuy nhiên trước khi rời đi, Đường Tư Kỳ không quên làm nhiệm vụ Check-in.
Mặc dù thiết kế của cửa hàng rất mang hơi hướm lịch sử nhưng trước khi ăn Đường Tư Kỳ quên không tra xem nơi khai sinh của hai món mỳ thạch “buồn” và mỳ ngọt này là ở đâu, có phải Tứ Xuyên hay không.
Mà giờ phải hay không phải thì cũng nuốt xừ vào bụng rồi, thôi cứ nhấn đại đi, hên thì trúng mà xui thì…thôi, có chết ai đâu!
Rất may, lần này Đường Tư Kỳ gặp hên
[ Chúc mừng người chơi đã thành công check-in hai món đặc sản tiếp theo của Tứ Xuyên là “mỳ thạch” và “mỳ ngọt”.
Khen thưởng: +48 giờ sinh mệnh, +1000 đồng vàng.
Tiến độ: 3/50]
Haha, Đường Tư Kỳ sướng điên, bỗng cảm thấy nhiệm vụ này cũng không khó cho lắm. Tuỳ tiện đi vài bước chân, ăn đại ba món là lấy được ba điểm ngon ơ. Xem ra để hoàn thành cũng không hẳn là bất khả thi.
Hơn nữa vì được ăn ngon nên tâm tình cũng phơi phới hơn hẳn. Trước khi đặt chân tới đây, Thành Đô chưa bao giờ được xếp vào danh sách lữ hành của Đường Tư Kỳ. Tuy nhiên tới nơi rồi, Đường Tư Kỳ lại cảm thấy dây thần kinh ăn uống được kích hoạt, cái lưỡi cũng nhạy bén hơn, cô nhận ra mình thích khám phá ẩm thực và đặc biệt là chịu nếm thử nhiều món mới. Biết đâu chừng kinh đô ẩm thực Thành Đô lại mở ra chân trời mới cho một tâm hồn ăn uống mới nhú như cô.
Mặc dù đã no lắm rồi song Đường Tư Kỳ vẫn muốn đi dạo thêm một lát nữa. Phố phường ngựa xe như nước, hai bên đường hàng quán đèn đuốc sáng trưng, không ít nơi khách khứa ngồi chật kín, tiếng cười tiếng nói ồn ào náo nhiệt cả dãy phố.
Nhưng đông đúc nhất phải kể đến căn tiệm nằm ở góc đường, có cái bảng hiệu cực kỳ ‘nhức mắt’ - [ Lẩu xiên que vệ sinh công cộng ] (1)
Nhìn từ ngoài vào thì thấy cũng bình thường, hệt như bao tiệm bình dân khác, tên gọi thì ôi sao nghe quái đản, vậy mà đắt khách như tôm tươi, lại đời nhỉ?!
Cái gì không biết mình tra Baidu thôi! Và không khó để Đường Tư Kỳ tìm ra căn nguyên nguồn gốc của cái tên độc lạ ấy. Thì ra ban đầu nó chỉ là một quán xiên que vỉa hè bình thường, không tên tuổi cũng chẳng bảng hiệu. Vì để dễ dàng xác định vị trí, thực khách đã lấy cột mốc là nhà vệ sinh công cộng nằm ngay cạnh quán. Một đồn mười mười đồn trăm, riết rồi ai cũng gọi là lẩu xiên que vệ sinh công cộng. Cuối cùng, ông chủ quyết định lấy nó đặt tên cho cửa hàng luôn. Cũng không biết là nhờ hương vị độc đáo hay cái tên độc lạ mà việc làm ăn càng lúc càng phát đạt, danh tiếng ngày một vang xa.
Thấy trên mạng mọi người khen dữ quá, Đường Tư Kỳ rất muốn vào ăn thử. Chỉ tiếc rằng cái bụng đã hết chỗ chứa. Cô đành chép miệng tiếc nuối, lần sau quay lại vậy.
Tiếp tục dạo bước, Đường Tư Kỳ bắt gặp một cửa hàng điểm tâm bài trí theo phong cách cung đình. Vì thiết kế quá ấn tượng nên Đường Tư Kỳ nhìn là nhớ ngay, bởi cô đã từng thấy nó trong một bài giới thiệu các quán ngon xung quanh Tu Viện Văn Thù.
Ngoài hai cánh cửa chính nguy nga đồ sộ thì căn tiệm này có rất nhiều ô cửa sổ. Và mỗi ô chính là một quầy tính tiền, trước mỗi quầy đều có một hàng người đang kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi.
Cảnh tượng này đã thôi thúc Đường Tư Kỳ, cô quyết định cũng phải mua bằng được. Hôm nay không ăn thì để sáng mai ăn chứ nếu không chắc có lẽ đêm nay về cô sẽ mất ngủ mất.
Thật ra Đường Tư Kỳ cũng không rõ lắm cái nào ngon nên đã gọi theo vị khách phía trước mình. Một hộp bốn miếng bánh Napoleon (2), nửa cân bánh đào hoàng cung (3) và nửa cân bánh ngọt nhân muối tiêu (4)
Thanh toán xong, cô tung tăng xách túi bánh quay về hostel.
Lúc này, nhóm khách đi khám phá nhà hàng Thao Lâm đã về tới, đang quây quần ngồi trong đại sảnh bàn luận rôm rả về chủ đề ẩm thực Tứ Xuyên.
“Công nhận cá sông ăn khác cá nuôi thật. Thịt của nó thơm, dai. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn miếng cá ngon tới vậy.”
“Đấy là bởi vì ông ăn được cay thôi. Chứ tôi thì chả cảm nhận được cái khỉ gì ngoài cay tê tái.”
“Đi du lịch Tứ Xuyên là phải ăn được cay. Ăn không được cay là bỏ lỡ nhiều của ngon vật lạ lắm.”
“Thiệt thòi phết đấy…ơ, cô em mới tới, ngày mai đi chơi chung với tụi anh không. Kế hoạch của ngày mai là buổi sáng đi xem gấu trúc (5) rồi tới trưa kiếm quán nào ngon ngon cùng nhau đánh chén.”
Đường Tư Kỳ chưa kịp nói gì, một anh chàng mập mạp đã chủ động tới trước mặt cô, tự giới thiệu: “Nickname “ĐạiKiềuLàVợTa” ở trong nhóm chat chính là anh. Người đẹp cứ gọi anh Đại Kiều là được.”
“Phốc…” Đường Tư Kỳ phì cười tại chỗ.
Cho xin đi, Đại Kiều người ta là mỹ nữ có hạng trong Vương Giả Vinh Diệu đấy. Anh giai này tuổi gì mà đòi sánh với đại mỹ nhân. Nhìn cái tướng mập thù lù, đường nét khuôn mặt thì thô kệch, thật sự gọi không nổi luôn ấy. Chi bằng lấy Trình Giảo Kim có khi lại thuận miệng hơn!
Vốn bản tính khép kín, Đường Tư Kỳ rất ngại tiếp xúc với người lạ chứ đừng nói lập hội đi chơi chung. Nhưng trải qua các cuộc hành trình từ Hàng Châu tới Nam Kinh, Đường Tư Kỳ đã dần dần làm quen với việc ăn chung, ở chung, cùng trải nghiệm du lịch, cùng khám phá những điều mới mẻ với những vị khách trong hostel.
Thế nên cô đã mạnh dạn hỏi: “Các anh bảo đi xem gấu trúc là tới Trung tâm nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ hay chỗ nào ạ?”
Trước khi đặt chân tới Thành Đô, Đường Tư Kỳ đã tìm hiểu kỹ rồi, “Trung tâm nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ” là một địa danh được đánh giá rất cao và nhiệt liệt để cử. Là một trong những nơi nhất định không thể bỏ lỡ khi tới Thành Đô.
Còn nhớ lần trước ở Nam Kinh, lúc đi thăm vườn bách thú Hồng Sơn, Đường Tư Kỳ đứng đợi mãi mà không gặp được gấu trúc bởi vì nó còn đang…bận ngủ. Thế nên lần này tới Thành Đô, cô nhất định phải phục thù bằng được.
===
Chú thích:
(1)Toilet Chuanchuan (厕所串串)
Địa chỉ: M3HJ+6RV, Zhangjia Ln, 城隍庙 Jinniu District, Chengdu, Sichuan, China, 610051
(2)Bánh Napoleon có xuất xứ từ vùng Naples của nước Ý. Nó vốn dĩ có ten là “Napolitain” nhưng sau bị đọc nhầm thành “Napoleon”. Trong tiếng Pháp, loại bành này có tên gọi là Millfeuille, nghĩa là “lớp vỏ một trăm vạn tầng”. Tuỳ từng vùng văn hoá khác nhau mà Napoleon cake có nhiều cách biến tấu riêng, nhưng chủ đạo nhất là ba kiểu: France - Italia - Russia. Kiểu France được chế biến bằng 3 lớp bột pastry và hai lớp whipping cream vị hạnh nhân xen kẽ nhau. Còn theo phong cách Nga thì gồm bốn lớp bánh và bốn lớp nhân.
(3)Bánh đào hoàng cung là món ăn vặt nổi tiếng của Giang Tây. Bánh dễ làm và rất ngon. Đặc tính của bánh là khô và giòn với các nguyên liệu chính gồm bột mỳ, trứng và bơ.
(4)Bánh ngọt nhân muối tiêu là một loại bánh truyền thống địa phương. Nhân vừng muối tiêu là một trong những loại nhân được sử dụng phổ biến nhất trong bánh ngọt Tứ Xuyên - Trùng Khánh. Ngoài vừng và muối tiêu, người ta còn kết hợp thêm đường, mè, đậu phộng, bột mỳ, tạo thành những chiếc bánh quy với kết cấu giòn xốp, vị ngọt và mặn đan xen hài hoà.
(5)Trung tâm nghiên cứu nhân giống gấu trúc khổng lồ nằm tại 1375 Đại lộ Gấu Trúc, đường vành đai phía Bắc, tỉnh Tứ Xuyên