Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 159: Thành Đô cay miệng, thích tai
Vừa đợi Đường Tư Kỳ nuốt xuống là Phương Đông cùng Đại Kiều trăm miệng một lời: “Sao sao, thế nào?”
Đường Tư Kỳ có sao nói vậy: “Cũng không tệ lắm.”
Chỉ đợi có thế, Đại Kiều và Phương Đông vồ ngay lấy cái muỗng vớt lấy vớt để. Rất tiếc, trâu chậm uống nước đục, còn gì nữa đâu mà vớt!
Ngay từ giây phút Đường Tư Kỳ bỏ miếng óc heo vào miệng là cả bàn đã nhanh tay múc hết rồi.
“Đù, đến vụn cũng không còn. Hay tôi với ông gọi thêm phần nữa đi?”
Ngồi quanh nồi lẩu nghi ngút khói, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả, tình cảm cũng theo đó mà gia tăng. Ban đầu còn ngại ngùng giữ khoảng cách ấy thế mà giờ đã choàng vai bá cổ xưng anh gọi em như đã thân thết từ lâu.
Phần vì vui phần vì ngon nên bữa này Đường Tư Kỳ ăn quá trời quá đất, ăn đến no căng mà khi thanh toán lại chẳng tốn nhiều. Bởi đi đông mà, chia đầu người nên rất rẻ. Đã vậy còn được gọi nhiều món nữa chứ, ăn thoải mái thoả thích. Công nhận đi đông lợi thật, hèn chi bữa nào cũng thấy mấy ông ấy lên Group chat tìm người đi ăn cùng.
Ăn uống xong xuôi, Đường tư Kỳ tính về hostel nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục vẽ tranh, nào ngờ lại bị Phương Đông và Đại Kiều kéo đi dạo.
“Ôi giời ơi, làm cả năm cả tháng không chán à. Hiếm khi mới có dịp đi chơi phải tranh thủ hưởng thụ chứ. Đi, để bọn anh dẫn em đi hưởng thụ cái gì gọi là thành phố hạnh phúc nhất Trung Quốc.”
Vốn dĩ cứ tưởng được các anh dẫn đi chỗ nào đặc biệt lắm, chí ít cũng phải cỡ danh lam thắng cảnh trọng điểm cấp quốc gia, hơn nữa tất cả mọi người đều đi hết thế nên Đường Tư Kỳ cũng gật đầu tham gia. Không ngờ mấy ông ấy dẫn mọi người đến công viên trung tâm!
Công viên thì có gì chơi? Đấy là chưa kể nhìn chỗ này cứ cổ cổ cũ cũ sao ấy. Tự nhiên thấy nghi ngại ghê!
Bỏ qua ánh mắt nghi ngờ của mọi người, Phương Đông phăm phăm dẫn đoàn rẽ trái rồi rẽ phải, băng qua cây cầu lát đá rồi xuyên qua con đường rải sỏi, tiến thẳng tới một quán trà dựng bên hồ.
Cái quán nằm ở vị trí khuất như vậy mà đông khách phải biết, gần như tất cả các bàn đều chật kín. Có vẻ khách đến đây chủ yếu là dân địa phương và phần lớn là người cao tuổi.
Có người đang cắn hạt dưa, có người chuyện trò tán gẫu, có người nghe radio, thậm chí có người dựa ra sau ghế lim dim gà gật.
Xôm tụ nhất phải kể đến góc đằng kia, nơi đang diễn ra cuộc chiến cờ vây. Thách đấu thì chỉ có hai thôi, nhưng quân sư xung quanh thì nhiều vô số kể, rôm rả náo nhiệt vô cùng.
Phương Đông đi quanh một vòng rồi quay về nói: “Chỗ này đông quá, tôi dẫn mọi người ra phía sau, ở đó vẫn còn một quán nữa.”
Thế là cả nhóm lại lục túc kéo nhau đi sâu vào bên trong. Đường đi khá ngoằn ngoèo, với một người định vị kém như Đường Tư Kỳ thì lát không có người dẫn đố mà ra được.
Một khoảng râm mát bao phủ, toàn cây to tán rộng, xanh ngắt một màu. Dưới gốc cây bày vài bộ bàn ghế bằng mây thấp thấp, ngồi nghe chim hót gió lay, ngắm mặt hồ êm ả, tạm quên đi những ồn ào nơi phố thị, tìm về khoảng lặng của tâm hồn.
Khung cảnh quá đỗi bình yên, dường như thời gian cũng không nỡ quấy nhiễu chốn này.
Nước trà được đựng trong cốc sứ có nắp, hoa văn trang nhã kiểu xưa. Mỗi cốc như vậy có giá 20 đồng.
Đường Tư Kỳ hỏi: “Nơi này có thể ngồi bao lâu hả anh?”
Phương Đông cười đáp: “Tuỳ em thôi, em muốn ngồi bao lâu thì ngồi. Ở đây được châm thêm trà thoải mái, em chỉ việc gọi một tách rồi ngồi tới tối quán đóng cửa cũng không ai nói gì.”
Ôi sướng vậy sao, không giới hạn thời gian, ngồi bao lâu tuỳ thích.
Nhìn quanh thấy có không ít người dân địa phương cũng trốn vào đây nhàn nhã tận hưởng cuộc sống chậm rãi thanh nhàn, nét mặt ai nấy đều ánh lên vẻ an yên, hiền hoà.
Thành Đô, đúng là thiên đường hạnh phúc khiến người ta phải hâm mộ!
Bên quán trà có một cái hồ nhỏ. Tuy không lớn lắm nhưng là địa điểm nuôi cá Koi nổi tiếng nhất Thành Đô. Rất mau, đã có người phát hiện ra
“Ôi trời, cá Koi đẹp quá. Mọi người ơi mau lại xem này…”
“Wow, to như vậy sao? Thế này chắc phải nuôi lâu lắm rồi ấy nhỉ.”
“Phải chụp lại mới được, phóng to dán đầu giường. Mỗi lần đến mùa thi cử sẽ cung kính bái lậy để lấy hên.”
“Trời đất ơi, mấy con này không cần vượt Vũ Môn cũng thành công đứng đầu thiên hạ rồi!”
Đường Tư Kỳ mê mẩn chẳng thốt nên lời, cứ thế chạy quanh hồ, bấm chụp tanh tách không biết mệt.
Mới đầu cứ tưởng danh xưng “thành phố hạnh phúc nhất Trung Hoa” chỉ là trong truyền thuyết thôi. Nào ngờ đến rồi mới biết còn hơn cả thế nữa. Nhìn đi, thú vui tiêu sầu của người ta cũng tao nhã và xa xỉ như này cơ mà.
Đang mải mê với đàn cá đủ màu sắc bắt mắt thì bên tai Đường Tư Kỳ bỗng văng vẳng tiếng rao có vần có điệu
“Ai lấy ráy tai không? Lấy ráy tai nghệ thuật thư giãn đi…”
“Cháu gái, lấy ráy tai không?”
Lấy ráy tai?
Đường Tư Kỳ nghệt ra. Đầu óc xoay chuyển lục tìm trí nhớ.
Xem nào, trước khi đặt chân tới đây, hình như cô đã đọc được một bài báo có tiêu đề “Thành Đô cay miệng thích tai”, có nhắc đến trải nghiệm lấy ráy tai độc nhất vô nhị không nơi nào có. Tuy nhiên cô không thể ngờ nó lại được rao công khai ngay giữa công viên đông đúc như thế này.
Đường Tư Kỳ hoảng hồn, cuống quýt xua tay: “Không không, cháu không lấy.”
Từ nhỏ đến lớn cô sợ nhất động vào mấy chỗ dễ ngứa như tai, cổ, nách, tại cô có máu buồn. Hơn nữa, lấy ráy tai là việc vệ sinh cơ thể, mang tính chất cá nhân. Cô không thể tưởng tượng để một người lạ chọc vào lỗ tai mình thì sẽ như thế nào. Hơn nữa lại giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt bàn dân thiên hạ như thế này có mà ngại chết.
Vả lại vạn nhất xảy ra cái gì ngoài ý muốn rồi sao, ở đây không có gia đình, bạn bè thân thích, cô không dám mạo hiểm.
Có lẽ nhìn ra sự lo sợ trong mắt Đường Tư Kỳ, ông già đẩy cặp kính lão, ồn tồn mời mọc: “Đừng sợ, ở đây toàn là những sư phụ có thâm niên trong nghề, sẽ không để xảy ra sơ suất gì đâu.”
Mọi người ai cũng tò mò nhưng cũng nhát thế nên đồng tình đẩy trưởng đoàn ra làm chuột bạch.
Phương Đông chối đây đẩy vì hai ngày trước mới vừa làm xong.
Đùn đi đẩy lại, cuối cùng một cậu thanh niên đeo mắt kính chủ động xung phong thử nghiệm.
Sư phụ mời khách vào ghế, cẩn thận dùng cồn lau chùi nhíp, cọ, kéo, dao cạo tai…rồi bật cái đèn pin trước trán lên, bắt đầu vào việc.
Nhìn cảnh này, chắc chắn không ít người liên tưởng tới công nhân đào mò.
Đầu tiên là công đoạn vệ sinh lỗ tai. Có cả chục món dụng cụ dùng để gẩy, gỡ, gắp ráy tai. Âm thanh phát ra từ chiếc nhíp dài bằng bạc - cũng là đồ nghề chính - cứ lách ca lách cách, nghe rất vui tai.
Khúc đầu, cậu thanh niên đeo kính có vẻ khá thoải mái, khuôn mặt giãn ra cực kỳ hưởng thụ, nhưng dần dần chuyển sang nhăn nhó, hai nắm tay siết chặt, khiến đám đông vây quanh còn hồi hộp hơn cả nhân vật chính
“Sao…có cảm giác gì?”
Cậu thanh niên chau mày, không nói lời nào.
Mọi người lại càng sốt ruột tợn, vội thò đầu lại gần nhưng không dám sát quá, sợ sẽ chạm vào tay sư phụ.
Sư phụ bình tĩnh đổi cái nhíp nhỏ và dài hơn, gắp hai cái rồi lại đổi sang chiếc muỗng tí hon, khều khều đào đào một lát rồi lại quay về cái nhíp. Cuối cùng, lôi ra một cục ráy tai to gần bằng ngón tay út, khiến tất cả những người có mặt đều trợn mắt khiếp sợ.