Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 160: Hạnh phúc giản đơn
“Má ơi, đào được kho báu kìa!”
“Sắp hoá thạch luôn rồi, kinh thật!”
“Tôi xem mà không dám chớp mắt luôn. Hai chữ thôi, vi diệu!”
“Kính Cận, rốt cuộc cảm giác thế nào, miêu tả chút đi chú em.”
“Phải nói thật đấy nhá, đừng lừa mọi người.”
Kính Cận trầm mặc giấy lát rồi tỏ vẻ ý vị thâm trường: “cảm giác chính là…ồn quá…thế giới này ồn ào đến vậy sao…”
Sư phụ bật cười nói giỡn: “Ồn hả? Thế để tôi nhét lại cho cậu nhá.”
Kính Cận hốt hoảng xua tay: “Đừng đừng. Như này thông suốt hơn rất nhiều. Chẳng trách trước đây bạn gái cháu cứ trách cháu không nghe rõ cô ấy nói.”
Đám đông nhao nhao: “Ồ, không nhìn ra đấy, Kính Cận trông mọt sách thế mà có người yêu rồi cơ à? Thế sao không dẫn bạn gái đi cùng mà lại đi du lịch một mình?”
Kính Cận thở dài: “Thành bạn gái cũ rồi.”
Sư phụ gật gù thương cảm: “Nếu tới Thành Đô sớm một chút, lấy ráy tai sớm một chút thì có lẽ mọi chuyện đã khác.”
Kính Cận cười hiền: “Cháu nghĩ là sau khi lấy ráy tai xong cháu sẽ có bạn gái mới.”
Sư phụ bật cười, xoa xoa vành tai cậu ấy: “Được rồi, nằm yên nào, giờ bắt đầu vào phần chính này.”
Dứt lời, sư phụ rút ra một cây cọ lông ngỗng, đưa sâu vào lỗ tai Kính Cận, xoay nhẹ vài lần.
Tức khắc, Kính Cận rú ầm lên: “Aaaaa….AAAAAA…”
Khán giả xung quanh lại lần nữa xôn xao: “Sao thế, đau hả?”
Cả người Kính Cận vặn vẹo, hai bàn tay xoắn chặt lấy nhau, mu bàn tay nổi đầy gân xanh.
Tiếp theo, sư phụ đưa cái nhíp lại gần, đập nhè nhẹ cho hai lưỡi nhíp rung lách cách rồi chạm phần nhíp đang rung vào que thép gắn lông ngỗng, để cho nó phe phẩy trong ống tai.
Kính Cận đột nhiên mở bừng mắt, cái miệng há hốc nhưng không phát ra bất cứ âm thanh gì.
Những người đứng xem cứ mắt chữ O miệng chữ A, chả hiểu mô tê gì. Ai cũng tò mò không hiểu Kính Cận đã trải qua những cảm giác gì mà phản ứng lại kỳ lạ đến như vậy.
“Cảm giác nó khó tả lắm…mọi người muốn biết thì đích thân trải nghiệm đi…”
Cả quá trình kéo dài chừng ba mươi phút, trông biểu hiện của Kính Cận thì có vẻ cũng thư giãn, cũng sướng đấy, nhưng Đường Tư Kỳ xin kiếu. Lỗ tai của cô nhạy cảm lắm, với cả cô vẫn sợ vạn nhất chạm vào màng nhĩ là tiêu.
Bộ môn ngoáy tai thư giãn nhanh chóng bị gạt sang một bên, cả nhóm bắt chước dân bản địa xếp bàn xếp ghế gày sòng bài ngay tại quán. Chẳng hiểu Đại Kiều chuẩn bị từ bao giờ mà trong túi có sẵn hai bộ bài tây mới tinh. Mọi người sôi nổi đòi chơi đấu địa chủ.
Đường Tư Kỳ không giỏi mấy môn này nên không tham gia, cô ngồi một bên vừa xem vừa uống trà. Bỗng một suy nghĩ táo bạo nổi lên, nếu được sống ở Thành Đô thì sướng nhỉ.
Là một đô thị lớn nhưng nhịp sống ở đây chậm rãi, người dân đề cao lối sống thoải mái, thư nhàn, kiếm tìm hạnh phúc từ những điều giản đơn, bình dị thường nhật. Dường như đối với họ lương tháng kiếm nhiều hay ít, ở nhà to hay bé, mua được bao nhiêu bất động sản, sổ tiết kiệm bao nhiêu con số cũng không quan trọng bằng việc bạn bè ngồi lại bên nhau uống tách trà, nói dăm ba câu chuyện phiếm, đành vài ván bài hay kéo nhau ra phố ẩm thực chén một bữa no nê, thế mới là nhất!
Ngồi chơi một lúc đói bụng, cuộc chiến ăn gì lại tiếp tục nổ ra. Nhưng may phước lần này nhanh hơn trước, bởi mọi người cùng nhắm đến món đậu hũ Ma Bà (1) trứ danh Thành Đô.
Kết quả này cũng vừa hay đúng ý Đường Tư Kỳ. Nghe nói món này chính gốc Tứ Xuyên, xuất hiện từ cuối thời nhà Thanh và lưu truyền cho tới tận bây giờ.
Bởi vì đi đông nên mọi người gọi thêm Gà Cung Bảo (2), Thịt heo nấu hai lần (3), phổi phu thê (4), giò heo hầm (5), toàn những món đứng đầu danh sách Ẩm thực truyền thống Tứ Xuyên.
Nhưng trong đó được chờ mong nhất là món Phổi phu thê, bởi từ cái tên đã gây nên sự tò mò.
Có lẽ nhà hàng cũng biết điều đấy nên phục vụ món này đầu tiên.
Khi tô Phổi phu thê được bưng lên, cơ hồ tất cả mọi người đều xúm lại, không ăn ngay mà săm soi nghiên cứu
“Rõ ràng là lưỡi bò, gân bò, lòng bò, làm gì có miếng phổi nào đâu mà lại kêu là phổi phu thê nhỉ?” Một người lên tiếng thắc mắc.
Người ngồi bên cạnh cười ha hả: “Quảng Đông chỗ chúng tôi mua bánh dứa cũng làm gì có dứa, mua bánh bà xã cũng nào được tặng vợ đâu, haha…”
Để mọi người tranh luận chán chê, Phương Đông mới hài hước nói: “Thực ra trước đây có phổi, nhưng giờ món ăn đã được cải tiến thế nên không có phổi cũng không có phu thê luôn, haha.”
Đợi món ăn lên hết, mọi người bắt đầu đụng đũa. Đường Tư Kỳ lần lượt nếm thử từng món một, món nào cũng ngon và đặc sắc nhưng riêng tới đĩa thịt heo nấu hai lần là cô không sao dời đũa đi được. Thật ra món này không có gì lạ, trước đây cô đã ăn nhiều lần rồi nhưng hương vị sao mà khác quá, đến nỗi Đường Tư Kỳ phải xác nhận lại
“Này là thịt heo nấu hai lần phải không? Họ làm kiểu gì mà thịt thơm thế nhỉ?”
“Nó đó, chính là thịt heo nấu hai lần xào với rau mầm Nghi Tân. Có vẻ họ sơ chế khác cách truyền thống đâm ra hương vị hơi khác chút. Nhưng mà làm cách này công nhận miếng thịt heo thơm ngon hơn hẳn.”
Lát thịt mỏng nạc mỡ đan xen cháy xém cạnh béo ngậy kết hợp cùng rau mầm non mềm, giòn sần sật, phải nói là ngon xuất sắc. Đường Tư Kỳ gắp thêm vài gắp nữa, vừa ăn vừa tán thưởng không ngớt.
===
Chú thích:
(1)Đậu hũ ma bà (tiếng Trung: 麻婆豆腐; bính âm: mápó dòufu) còn có tên khác là Đậu hũ Tứ Xuyên. Theo sách “Phù dung thoại cựu lục” mô tả, món ăn này xuất hiện vào thời Đồng Trị thời nhà Thanh (1874) do Trần Lưu Thị, còn được gọi là Trần Ma Bà (Ma chỉ mụn rỗ, Trần Ma Bà tức là người đàn bà mặt rỗ họ Trần), chủ quán cơm “Trần Hưng Thịnh phạn phô” tại Thành Đô sáng chế. Món ăn nổi tiếng đến mức nhiều người không nhớ tên gốc của quán mà quen gọi là “Trần Ma Bà đậu hũ điếm” ngang hàng với “Chính Hưng Viên” và “Chung Thang Viên” thành ba quán ăn nổi tiếng nhất Thành Đô.
Nguyên liệu chính: Đậu phụ non và thịt bằm
Gia vị: Dầu ăn, xì dầu, tỏi, ớt, tương đậu cay.
(2)Gà Cung Bảo - Kung Pao Chicken (宫保鸡)
Nguyên liệu chính: Thịt ức gà, dầu chiên, đậu phộng rang, ớt đỏ khô, tỏi, gừng tươi, hành lá
Gia vị ướp: nước tương, rượu gạo, bột bắp
Nguyên liệu cho phần nước sốt: Dấm đen Trung Quốc, nước tương, dầu mè, đường trắng, tương đen, bột bắp
Hương vị: cay nồng và thơm béo, rất đặc trưng của ớt khô và đậu phộng.
Cách chế biến: Kỳ công và phức tạp
(3)Thịt heo nấu hai lần - Hui Guo Rou, 回锅肉: nguyên liệu chính là phần thịt bụng lợn.
Nấu lần một: luộc nguyên cả miếng to sau đó xắt thành từng lát thật mỏng.
Nấu lần hai: xào cháy cạnh với tỏi tây, tỏi xanh, ớt tươi…
Hương vị chủ đạo của món ăn là thơm và cay, đến từ hai gia vị chính là tương ớt và đậu đen lên men.
(4)Phổi phu thê - Fuqi Feipian ( 夫妻肺片 ) bao gồm thịt bò, lòng, gân, sách bò thái lát mỏng trộn với sốt ớt cay, rắc thêm lạc, vừng, đậu phộng, rau thơm. Món ăn ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20 và người phát minh là một cặp vợ chồng bán hàng rong có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn thế nên người Trung Quốc đã đặt tên cho món ăn là Phổi phu thê.
(5)Giò heo hầm Tứ Xuyên - 东坡肘子