Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 205: Đơn độc hành động
Cuộc nói chuyện đang xôm thì bỗng có khách vào, ông chủ phải chạy ra đón tiếp, đoạn hội thoại bị ngắt giữa chừng tuy nhiên như vậy cũng đủ rồi. Mà người vui nhất phải kể đến Tiểu Vũ, cô em len lén bật ngón tay cái tán thưởng
“Chị đẹp, không tồi ha. Chị nói chuyện giỏi vậy còn gì. Lúc trước em không hề biết dân Tây An thường thích leo núi Tần Lĩnh để tránh nóng. Chị có thể khai thác ra điểm này, lợi hại, lợi hại nha.”
Đường Tư Kỳ tủm tỉm: “Này phải cám ơn cô giáo dạy giỏi.”
Ăn xong tô mỳ Đường Tư Kỳ cũng đồng thời hiểu thấu thế nào là tán gẫu có hiệu quả!
Tiểu Vũ nói đúng lắm, khi giao tiếp phải biết lựa lời đoán ý, quan sát nét mặt và thái độ của đối phương. Chỉ cần người ta đồng ý nói chuyện với mình là đã thành công bước đầu rồi. Kế đến phải đứng ở góc độ của họ để tìm ra những chủ đề thân thuộc hoặc những mối yêu thích, quan tâm để từ đó dẫn dắt và khai thác những thông tin mình mong muốn.
Mấy ngày kế tiếp, Tiểu Vũ đi Lâm Đồng xem Đội quân đất nung, leo núi Lệ Sơn và tham quan Hoa Thanh Trì nên Đường Tư Kỳ đơn độc hành động.
Cô đi khắp ngõ lớn phố nhỏ Tây An, hễ thấy ai rảnh rỗi là lân la ngồi xuống bắt chuyện.
Tỷ như ở công viên trung tâm, Đường Tư Kỳ có cơ duyên gặp được một cụ ông người bản địa rất hiền lành và chân thật. Mỗi cuối tuần, cụ đều tới công viên tham gia hoạt động văn nghệ do Hiệp hội Hí Khúc của thành phố tổ chức. Các cụ ông cụ bà phe phẩy chiếc quạt nhỏ trên tay, say sưa xem biểu diễn, nghe nhạc kịch, ôn lại các tích xưa, thật là một thú vui tự tại, tao nhã.
“Con trai ông đi làm ở Thẩm Quyến, giờ trong nhà chỉ còn lại hai vợ chồng già. Hai năm trước chính quyền vận động di dời phá dỡ các khu nhà cũ, có được một khoản đền bù trong tay nhưng lại chẳng đủ cho con trai cưới vợ ở Thẩm Quyến. Tính ra cũng không giúp gì được con cái, toàn do chúng nó tự bươn chải kiếm sống. Nhưng một mai nếu thấy ở Thẩm Quyến khó khăn quá thì cứ về đây, cha mẹ luôn dang rộng vòng tay chào đón, trong nhà đồ đạc đầy đủ cả chẳng thiếu thứ gì. Một đời người suy cho cùng ăn được bao nhiêu, ở được bao nhiêu, vừa đủ là an yên rồi!”
Cụ ông rất muốn giúp đỡ con trai nhưng lực bất tòng tâm. Biết con ở bên đó vất vả sớm hôm, bán mạng để kiếm tiền nhưng ngặt nỗi giá nhà bên Thẩm Quyến quá cao, có vét hết tiền dưỡng già cụ dành dùm cả đời thì cũng chẳng mua nổi. Vậy nên dù thương con xót con đến mấy thì cũng chỉ biết chép miệng, thở dài…
“Được cái chúng tôi ở đây khá tốt, thoải mái dễ chịu, hai năm nay Tây An xây dựng nhiều cơ sở vật chất, có thêm chỗ sinh hoạt cho người già. Thôi như vậy cũng được, chúng tôi sống vui khoẻ xem như một phần giúp đỡ con cái, để chúng yên tâm công tác, không cần bận lòng lo nghĩ đến cha mẹ ở quê.”
Sau đó, Đường Tư Kỳ gặp được một tài xế taxi vừa hay cũng là dân bản địa.
“Ôi ở đâu đào tàu điện ngầm, làm đường thì dễ chứ Tây An này khó lắm. Lớ ngớ là đụng trúng mộ cổ hay di tích, rồi bít đường chặn lối để khai quật, khổ nhất là cánh tài xế taxi chúng tôi thôi.”
“Nói cho cô em một tin, mấy hôm trước ở sân bay Tây An mới đào được một ngôi mộ cổ. Nghe bảo xét quy mô và diện tích thì rất có thể là mộ của Ý Đức Thái tử (1). Nhưng cũng có một giả thuyết khác cho rằng là mộ của công chúa. Mà tính đi tính lại thời thịnh Đường cũng chỉ có vài vị công chúa nổi tiếng, thế nên người ta càng tin rằng khả năng cao là mộ của Thái Bình Công Chúa. Haha…đương nhiên lời đồn thì không thể tin hoàn toàn, chỉ nghe cho vui thôi nhé em gái.”
Dù đã cách xa mấy ngàn năm nhưng những bí ẩn hoàng triều luôn là đề tài cực kỳ thu hút và Đường Tư Kỳ cũng không ngoại lệ. Cô cứ há hốc miệng ra nghe, mãi sau mới nhớ tới nhiệm vụ của mình
“Chạy taxi thế này giờ giấc cũng linh hoạt bác nhỉ, một tháng kiếm ổn không bác tài?”
Dường như đánh đúng nỗi lòng, bác tài lắc đầu ngao ngán: “Thời buổi này kiếm tiền khó lắm cô ơi, mỗi nghề lại có cái khó riêng. Chạy taxi đúng là giờ giấc linh hoạt thật nhưng nếu thỉnh thoảng rảnh rỗi mới chạy vài cuốc thì đừng mong kiếm được đồng nào bởi sẽ không bao giờ được phân công chạy tuyến trung tâm. Còn lính mới thì cứ xác định là chạy không công, thậm chí mất luôn tiền xăng. Chỉ có đám lính già như chúng tôi, thâm niên mấy năm trong nghề, mỗi ngày đều chạy đủ số giờ quy định thì hàng tháng cũng lãnh được sáu, bảy ngàn. Tuy nhiên chạy taxi vất vả lắm, sinh ra nhiều thứ bệnh mãn tính, tôi vẫn thường khuyên mấy đứa thanh niên nếu làm được nghề khác thì chớ dại mà chọn nghề này. Nhưng nói thì nói vậy thôi, cuộc sống mà, có khó khăn nào không thể vượt qua. Như tôi đây chỉ chạy trong tuần, cuối tuần nghỉ, rủ đám chiến hữu lập đoàn hát kịch, thế là sướng nhất đời.”
Nhờ vậy, Đường Tư Kỳ mới biết hí kịch đã ăn sâu bén rễ vào đời sống văn hoá thường nhật của người dân Tây An. Họ yêu thích hí kịch, coi đó là món ăn tinh thần và cũng là thú vui giải trí mỗi khi rảnh rỗi. Chẳng thế mà Tây An nổi tiếng là thành phố kinh kịch của Trung Quốc. Không cần bỏ tiền mua vé, chỉ cần tấp đại vào bất cứ công viên hay quảng trường công cộng nào cũng dễ dàng được thưởng thức Hoá Âm Lão Khang hoặc Tần Khang do các cô các bác thể hiện nhưng đảm bảo hay và truyền cảm không kém các đoàn diễn chuyên nghiệp.
Mưa dầm thấm đất, từ ông bà truyền xuống cha mẹ, rồi từ cha mẹ truyền xuống con cái, tự nhiên các bạn trẻ cũng yêu thích nghe và hát hí kịch. Cứ thế, nhờ sự trao truyền cũng như tiếp nối từ thệ trước sang thế hệ sau mà hí kịch đã tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Ngoài dân bản địa, Đường Tư Kỳ cũng tìm và nói chuyện với khá nhiều người nhập cư. Tất bật mấy ngày trời, kết quả thu về tương đối khả quan.
Một công nhân nhà xưởng bật mí cho Đường Tư Kỳ biết thu nhập của họ chỉ rơi vào khoảng ba, bốn ngàn một tháng. Mỗi tuần được nghỉ một ngày. Tuy rằng lương bèo bọt nhưng vẫn khá khẩm hơn ở quê. Ước mơ lớn nhất của cô ấy là tích cóp đủ tiền để về quê mua một căn nhà nhỏ trên huyện thành.
Một người khác là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, ở nhà thuê và đang trong công cuộc tìm kiếm việc làm. Tuy rằng tương lai trước mắt còn khá mờ mịt nhưng lại rất có lòng tin vào Tây An, tin chắc rằng Tây An sẽ đem đến cho mình nhiều cơ hội quý giá, mở ra một tương lai tươi sáng thành thử bằng mọi giá phải bám trụ lại mảnh đất này.
Rồi một lần khác đi trong thang máy tình cờ gặp được anh shipper cũng là dân nhập cư. Hỏi ra mới biết mong ước của anh ấy giản dị vô cùng đó là cầu mong chủ nhà đừng tiếp tục tăng tiền thuê, chứ không vất vả kiếm được bao nhiêu đều phải trả tiền nhà hết.
===
Chú thích:
(1)Thái tử Ý Đức (懿德太子) có tên thật là Lý Trọng Chiếu (李重照) nhưng vì chữ Chiếu trùng với tên của Võ thái hậu nên bị đổi lại là Lý Trọng Nhuận (李重润). Ông sinh năm 682 - mất năm 701. Ông là con trai thứ nhất (hoặc thứ hai) của hoàng đế Đường Trung Tông và Vi Hoàng hậu. Ông bị bà nội là Võ Tắc Thiên giết hại vào năm 701.