Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 226: Thoả ước nguyện
Thật ra đây không phải lần đầu tiên, nhiều năm trước Lưu Anh đã có dịp tới thăm Vân Nam, nhưng lần đó là đi cùng cơ quan. Đơn vị tổ chức chuyến tham quan ba tỉnh Vân- Quý- Xuyên (Vân Nam - Quý Châu - Tứ Xuyên) cho anh chị em nhân viên, có sự góp mặt của cả đồng nghiệp và lãnh đạo. Thời gian thì ngắn mà điểm đến thì nhiều, hành trình gấp rút vội vàng khiến Lưu Anh chẳng kịp lưu lại ấn tượng gì.
Thậm chí đi xong về rồi còn hoang mang tự hỏi vậy là đã tới Vân Nam chưa?!
Thẳng đến khi theo Đường Tư Kỳ xuống nhà ga Đại Lý, nhìn thấy tranh tuyên truyền thắng cảnh Tam Tháp to sừng sững dựng ngay sảnh nhà ga thì Lưu Anh mới ngờ ngợ lẩm bẩm: “Ủa sao chỗ này trông quen quen nhỉ? Hình như mẹ đã tới đây rồi thì phải?”
Đường Duệ Thanh trợn trắng mắt: “Em đi rồi còn gì. Đi cùng với cơ quan đấy thôi. Chỗ này chính là chỗ cả đoàn xếp hàng chụp ảnh tập thể đó. Bộ em quên rồi hả?”
Lưu Anh nhíu nhíu mày: “Từ đời nảo đời nao rồi, ai mà nhớ được.”
Thím chỉ nhớ chuyến đó di chuyển hoàn toàn bằng xe khách. Vốn thím chẳng phải cơ địa say xe nhưng cung đường chủ yếu toàn đèo núi gập ghềnh quanh co, thời gian ngồi xe lại lâu, xóc nảy lộn ruột, vừa xuống xe một cái là thím nôn thốc nôn tháo, thành ra đâu còn sức tham quan ngắm cảnh gì, chỉ kịp chụp chung với cả đoàn một bức hình tập thể ở cổng chính rồi sau đó ai đi mặc ai, thím ngồi thừ một đống với cái đầu nhức như búa bổ. Người nơi đây mà hồn nơi nào, mơ màng mụ mị. Vậy nên đừng ai hỏi thím Vân Nam xấu đẹp ra sao. Thím còn chẳng biết mình đã từng tới đây nữa mà.
Lần này quay trở lại, Lưu Anh hết sức ngỡ ngàng khi nhận thấy du lịch Vân Nam đã có rất nhiều thay đổi. Đầu tiên là cách thức di chuyển, các tuyến đường được mở rộng cho phép nhiều loại hình phương tiện đa dạng. Ví dụ từ Côn Minh đi Đại Lý có thể trực tiếp ngồi tàu siêu tốc, rất nhanh và tiện lợi.
Đến Đại Lý, du khách thường chuộng homestay và khách điếm hay còn gọi là nhà trọ hơn các khách sạn hiện đại, sang trọng. Đường Tư Kỳ cũng chọn được một nhà trọ trong cổ thành. Vốn sau khi xuống tàu định bắt taxi thì chưa gì anh ba đã nhìn thấy trạm xe buýt: “Này này Tư Kỳ, từ đây có xe buýt chạy thẳng tới Tam Tháp Đại Lý nè con. Ồ, tuyến số 8 cũng đi ngang đó luôn. Chi bằng nhà mình đi xe buýt cho đỡ tốn kém con ạ.”
Chị mẹ cũng có phát hiện mới: “Bên này còn có buýt nhanh đi thẳng vào thành cổ này. Hay đi cái này đi, có 5 đồng một người thôi, rẻ hơn đi taxi nhiều.”
Đường Tư Kỳ nhìn cước phí taxi hiện trên màn hình điện thoại, tận 50 đồng lần. Cô tặc lưỡi ấn tắt, quyết định nghe theo phương án của mẹ.
Ngồi trên xe, Lưu Anh đắc ý dạt dào: “Thấy chưa em nói có sai đâu. Đi xe này quá khoẻ ấy chứ. Chỗ để hành lý cũng sạch sẽ rộng rãi. Chứ đi buýt thường phải vừa ngồi vừa giữ, chẳng may gặp khúc bo cua hay phanh gấp không cẩn thận là đổ nhào ngay.”
Đường Duệ Thanh gật gù: “Công nhận mẹ mày tinh tường.”
Được chồng khen, Lưu Anh càng phổng mũi, cười toe toét.
Thấy ba mẹ vui vẻ như vậy thực ra Đường Tư Kỳ lại có chút ngoài ý muốn. Vốn cô định gọi taxi để ba mẹ đi cho thoải mái vì dù sao hai người cũng lớn tuổi rồi, chân tay xương khớp đâu còn khoẻ mạnh như thanh niên.
Nhưng cô đã quên mất một điều, đối với các bô lão thì không cái gì thoải mái bằng tiết kiệm tiền.
Nhất lại là tìm ra cách thức giúp tiết kiệm chi phí thì chẳng khác nào đạt được thành tựu vĩ đại, có thể khiến ba mẹ phấn khởi cả ngày.
Thấy ba mẹ vui vẻ đùa giỡn, Đường Tư Kỳ cũng vô thức cười theo.
Lần trước mẹ cũng là đi xe ô tô tới Đại Lý nhưng mà mệt mỏi, nôn ói, chẳng có ấn tượng gì. Lần này cũng vậy nhưng khoẻ re, lại còn hãnh diện khoe trên trang cá nhân nữa chứ
[ Từ nhà ga Đại Lý có thể chọn tuyến buýt nhanh đi thẳng vào thành cổ. Chỉ 5 đồng một người. Thời gian di chuyển hơn nửa tiếng đồng hồ. Mau lẹ, tiện lợi, chi phí hợp lý và rất thoải mái. ]
Đính kèm là một biểu tượng giơ ngón cái siêu to khổng lồ.
Trạng thái vừa đăng, Đường Tư Kỳ lập tức thả tim. Một lát sau Đường Duệ Thanh cũng nhảy vào tăng tương tác, Lưu Anh sung sướng, cứ tủm tỉm mãi không thôi.
Tới thành cổ Đại Lý, cả nhà lục tục kéo hành lý xuống xe. Đường Tư Kỳ tìm được một nhà trọ cổ đậm nét truyền thống nhưng tiện ích bên trong khá hiện đại, có cả khu giường tầng giống trong các hostel.
Đường Tư Kỳ lấy một phòng giường đôi cho ba mẹ. Phòng nằm trên tầng ba, View nhìn ra dãy Thương Sơn cao ngất. Giá hơn trăm đồng một đêm.
Còn mình thì cô thuê một giường dưới tầng một, giá chỉ hai mươi đồng.
Sở dĩ chọn nhà này là vì vị trí đẹp, giá tốt mà điểm đánh giá trên mạng cũng khá cao.
Đương nhiên là phải quan tâm tới vấn đề giá cả rồi, mỗi ngày hệ thống chỉ trợ cấp cho cô 300 nhân dân tệ. Cũng may đã có ba mẹ gánh giúp khoản ăn uống và vé tham quan, cô chỉ phải lo vấn đề di chuyển cùng chỗ ở. Nếu khéo sắp xếp nhiều khi chuyến này không phải bù thêm tiền túi ấy chứ.
Lúc mới bước vào nhà trọ Đường Tư Kỳ cũng hồi hộp lắm, chỉ sợ ba mẹ không ưng. Chẳng ngờ hai cụ lại ưng quá, liên tục khen không dứt miệng.
Nhất là Lưu Anh, thím vừa thích thú vừa lạ lẫm với lối kiến trúc cổ xưa của căn nhà trọ. Lần trước tới với Đại Lý, cơ quan sắp xếp cho cả đoàn nghỉ tại trấn Hạ Quan chứ không phải trong thành cổ và ở khách sạn bình thường nên chả có ấn tượng gì đặc biệt.
Nếu đã đến thành cổ, tất nhiên thím hy vọng được một lần ở tại nhà dân để trải nghiệm và tìm hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như nét đẹp văn hoá của người dân tộc thiểu số. Chỉ đáng tiếc đi du lịch theo đoàn không có quyền lựa chọn, với lại nhà trọ diện tích nhỏ hơn khách sạn, phòng ốc ít không thể cùng lúc tiếp cả một đoàn khách lớn.
Đợt này quay trở lại cùng chồng con, thím vốn không suy nghĩ nhiều, cho rằng chắc cũng thuê khách sạn thôi, vì nó dễ và tiện. Bất ngờ thay, con gái đã cho thím thoả ước nguyện, ở trong một căn nhà cổ vẫn giữ được nét truyền thống độc đáo của người Bạch (1) xưa.
===
Chú thích:
(1)Người Bạch (白族), xưa còn được gọi là Dân Gia (民家), là một trong 56 dân tộc được Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chính thức công nhận.
Dân số: 1.858.063 (tính theo thống kê năm 2000)
Người Bạch sống chủ yếu ở các tỉnh Vân Nam ( Đại Lý), Quý Châu và Hồ Nam
Ngôn ngữ: tiếng Bạch, một thứ tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến của hệ Hán-Tạng.