Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 225: Lúa chín cúi đầu
Nghe ba mẹ suy xét tới việc chọn Côn Minh làm nơi nghỉ dưỡng thường niên là Đường Tư Kỳ biết ba mẹ khá hài lòng với lịch trình do mình sắp xếp.
Thân là người dẫn đoàn, còn gì sung sướng hơn khi nhận được sự hưởng ứng từ mọi người. Xem ra nhiệm vụ lần này cầm chắc phần thắng trong tay rồi. Đường Tư Kỳ cười tít mắt bưng tô cháo hít hà. Chà, cháo hôm nay ngon quá, thơm mùi hạnh phúc và bình yên!
Mấy ngày kế tiếp, Đường Tư Kỳ ban ngày thì dẫn ba mẹ đi khắp nơi dạo chơi, tối về liền chong đèn vẽ tranh, gấp rút hoàn thành đơn hàng.
Đối với công việc này của con gái, Lưu Anh vẫn còn khá lờ mờ không hiểu rõ và xấu hổ lảng tránh mỗi khi bị bạn bè hỏi tới. Bởi trong nhận định của thím những công việc tự do chưa bao giờ được xếp vào hàng ngũ nghề nghiệp chính thống, đàng hoàng. Mới nghe giới thiệu “cháu nó làm nghề tự do” là đã thấy lông ba lông bông, cà lơ phất phơ rồi.
Trong khi đó con cái nhà người ta cũng xấp xỉ tuổi Tư Kỳ mà toàn làm trong nhà nước, lương thưởng ổn định, nghe thấy ham.
Thế nhưng Tư Kỳ lại là đứa đầu tiên chịu đi chơi chung với ba mẹ, chịu kiên nhẫn hộ tống “hai người già” ra ngoài thăm thú đó đây.
Đột nhiên Lưu Anh nảy sinh tò mò đến tột cùng con bé Tư Kỳ nhà mình làm cái gì mà có thể vừa đi chơi vừa làm việc thế nhỉ?
Kìm lòng không đặng, thím len lén ra phòng khách. Lúc này Đường Tư Kỳ đang ngồi đối diện màn hình máy tính, chăm chú phác thảo một bức hoạ mới.
Đường Tư Kỳ vẽ bao lâu, Lưu Anh đứng nhìn bấy lâu.
Chuyển sang phân đoạn tô màu, Đường Tư Kỳ theo thói quen dừng bút, tính đứng dậy vươn vai giãn gân cốt một chút thì mới phát hiện mẹ đã đứng sau lưng tự bao giờ.
Đường Tư Kỳ giật bắn mình: “Ôi mẹ, mẹ tìm con có việc gì à?”
Lưu Anh ngập ngừng hỏi: “Cái này…con vẽ một bức có thể kiếm được bao nhiêu?”
Tuy câu hỏi không rõ ràng nhưng Đường Tư Kỳ hiểu ý mẹ. Phòng chửng là lo lắng lần này đi chơi chi tiêu nhiều vượt quá hạn mức đây mà.
“Tranh này là một bộ chủ đề gồm ba bức, vì có nhiều chi tiết phức tạp nên giá tương đối cao, con tính 3000 nhân dân tệ. Bức bên này thì rẻ hơn chỉ 300 đồng thôi tại cũng khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian lắm. Còn những bức đằng kia giá dao động từ 500 tới 800 một bức, thuộc loại tranh thương mại, khách đặt thiết kế phục vụ mục đích kinh doanh nên thường loại này sẽ là một bộ lớn, tổng chi phí ít nhất cũng phải mấy ngàn trở lên.”
Lưu Anh nghe xong thì hơi hoảng: “Gì? Một bức hơn trăm đồng? Mẹ nhớ trước đây con vẽ không có bức nào quá mười mấy đồng mà?”
Hiển nhiên trong mắt Lưu Anh trình độ vẽ của con gái vẫn đang dừng ở mức gà mờ lẹt đẹt. Không nghĩ rằng mới qua một năm mà đã thăng hạng nhảy vọt sang cấp độ khác rồi.
Đường Tư Kỳ giải thích: “À trước đây con sao chép lại tranh của người khác nên giá rẻ bèo là phải rồi. Còn giờ là con tự sáng tác các tác phẩm của mình, nên giá cao hơn và con cũng bắt đầu có nhiều người theo dõi hơn. Song song với đó con có đăng ký các lớp học online để trau dồi thêm kiến thức và luyện thêm kỹ năng.”
Với trình độ hiện tại của Đường Tư Kỳ thì Đậu Mễ kiến nghị nâng mức giá lên đơn vị ngàn đồng mỗi bức. Tuy nhiên Đường Tư Kỳ bản tính cẩn thận, thích đi bước nào chắc bước đấy.
Đồng ý là có lượng fans hùng hậu làm cơ sở thì việc nâng giá dễ như trở bàn tay. Nhưng Đường Tư Kỳ cảm thấy cần nâng cao trình độ chuyên môn của mình trước. Vì suy cùng chất lượng tác phẩm mới là thứ quyết định giá trị một người hoạ sĩ chứ không phải giá tiền cao hay thấp.
Với lại cô vẫn còn một nghề kiếm cơm khác đó là “chu du cùng hệ thống”. Chỉ riêng cái nghề này đã đủ cung cấp chi phí sinh hoạt cũng như trải nghiệm ẩm thực du lịch thế nên Đường Tư Kỳ khá ung dung, tạm thời chưa cần thiết tăng giá tranh vội, đợi học xong hai khoá tranh cổ phong và tranh thương mại đi rồi tính tiếp.
Vừa nghe con gái giới thiệu thì trong đầu Lưu Anh tức khắc mở bàn phím bấm lia lịa. Xem nào, nhẩm nhẹ cũng phải chục ngàn mỗi tháng. Nếu càng ngày danh tiếng càng lớn, đơn hàng nhiều, giá bán tăng, như vậy thì doanh thu…
Lưu Anh thầm cười trong lòng, tuy rằng thím không phải là người có đầu óc kinh doanh nhưng vài phép cộng cơ bản này sao làm khó được thím. Coi bộ cái nghề vẽ tranh này cũng có tiềm năng ra phết đấy!
Đám con cái của bạn thím cũng chỉ có duy nhất một đứa là thu nhập hơn chục ngàn, còn lại phần đông cũng nhàng nhàng đủ sống thôi à. Mà nghe nói con bé đó làm sales, tính cả hoa hồng thì mới được hơn chục, chứ lương cứng cũng bèo bọt lắm, nói trắng ra là không đủ ăn. Thế nên tháng náo bán được hàng thì còn rủng rỉnh đôi chút chứ tháng nào không đạt doanh số là cũng coi như treo mỏ.
Ấy thế mà mỗi lần gặp mặt, bà nào bà nấy đều thi nhau tâng bốc con cái đến tận trời mây. Tất cả toàn là bốc phét hết! Lưu Anh cảm thấy con nhà mình mới là tiền thật thóc thật này.
“Con…cố gắng làm cho tốt nhé.”
Lưu Anh kích động cực kỳ, vốn muốn nói một câu cổ vũ thật hay thật nhiệt huyết nhưng chợt nhớ ra không lâu trước đây thím mới cãi nhau với chồng khẳng định chắc nịch cái nghề vẽ tranh này là nghề bỏ đi. Giờ há miệng mắc quai, thím xấu hổ không biết phải nói gì nữa.
“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”. Quả nhiên, con gái thím trưởng thành thật rồi. Không khua chiêng gióng trống mà lặng lẽ tiến bộ, từng bước khẳng định bản thân khiến người làm mẹ như thím cũng phải nhìn nó bằng con mắt khác.
“Dạ mẹ, con sẽ cố gắng”, Đường Tư Kỳ cũng khá bất ngờ khi đột nhiên mẹ lại nói ra lời này.
Tuy nhiên thấy vẫn chưa đủ, Lưu Anh do dự một hồi rồi bổ sung thêm: “Ba mày tính tình gàn dở cổ hủ, nếu sau này ông ấy còn dám bắt con thi tuyển công chức thì cứ mách mẹ, mẹ ra mặt thay con.”
Đường Tư Kỳ nghe xong dở khóc dở cười. Nghĩ thầm không cần mẹ ra mặt giúp, chỉ cần mẹ đừng bắt con đi xem mắt là con đã cảm tạ ân điển lắm lắm rồi.
Chơi ở Côn Minh mấy ngày rồi mà ba mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chán. Cuối cùng Đường Tư Kỳ gần như nửa van nài nửa thúc ép mới dụ được anh ba chị mẹ tiếp tục di chuyển sang điểm đến tiếp theo, một thắng cảnh Vân Nam rất đỗi nên thơ và diễm lệ - Thành Đại Lý.