Chu Du Cùng Hệ Thống (Dịch Full)

Chương 240 - Chương 240 - Tu Viện Tùng Tán Lâm

Chu Du Cùng Hệ Thống Chương 240 - Tu viện Tùng Tán Lâm

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 240: Tu viện Tùng Tán Lâm

Tu viện Tùng Tán Lâm là Tu viện Mật Tông lớn nhất và quan trọng nhất của cộng đồng người Tạng tại Vân Nam, đồng thời được xem là biểu tượng tâm linh bất diệt của người dân Tây Tạng.

Tu Viện toạ lạc trên một ngọn đồi cao 3200m, lưng tựa núi, được dựng theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala vậy nên nhìn từ xa quần thể tu viện rất nguy nga và kỳ vĩ với những chi tiết dát vàng, dát đồng cùng những bờ tường sơn vàng đất cực kỳ đặc trưng. Trong đó nổi bật nhất là toà đại điện với phần mái nhọn hoắt lấp lánh rực rỡ dưới ánh mặt trời hay các pho tượng Phật bằng đồng đồ sộ được điêu khắc vô cùng cầu kỳ, tinh xảo.

Vì tu viện nằm ở trên đồi cao nên đường leo lên cũng lắm cheo leo. Đường Tư Kỳ chu đáo đánh tiếng trước với cả đoàn rằng nhà mình sẽ đi chậm một chút, mọi người có thể đi trước không cần chờ đợi.

Tuy nhiên mọi người trong đoàn đều có tinh thần đoàn kết, dù không được yêu cầu nhưng ai nấy đều tự giác thả chậm bước chân, nhìn nhau cùng đi.

Lưu Anh hiểu dụng ý của con gái. Con bé là sợ thím đi nhanh sẽ lại bị phản ứng cao nguyên giống hôm qua đây mà.

Rõ ràng gió rất lớn trời rất lạnh mà sao thím cảm thấy trong lòng ấm áp quá. Chỉ có sự quan tâm lo lắng xuất phát từ nội tâm thì mới có thể để ý từng chút tiểu tiết nhỏ nhặt như vậy.

“Bao năm gian khổ héo hon

Mẹ luôn cam chịu nuôi con nên người”

Giờ con đã nên người khôn lớn, lại ngoan ngoãn hiếu thuận, người làm mẹ như thím quả thực không còn gì hạnh phúc hơn.

Rời khỏi Tu Viện Tùng Tán Lâm, cả đoàn đi tiếp sang Thành cổ Độc Khắc Tông. Trải qua 1300 năm lịch sử, thành cổ mang trong mình kiến trúc độc đáo cùng văn hoá tôn giáo nhuốm màu sắc thiêng liêng và huyền bí của dân tộc Tây Tạng. Tiếc thay, mấy năm trước không may xảy ra một vụ hoả hoạn đã thiêu rụi hầu như toàn bộ thị trấn. Hiện giờ chính quyền đang nỗ lực khôi phục lại theo nguyên mẫu cũ. Tuy nhiên hình dáng thì có thể tái hiện nhưng những dấu ấn thời gian, những chứng nhân lịch sử thì mãi nằm lại biển lửa năm nào. Thật là đáng tiếc!

Vừa hay cũng đến giờ trưa, cả đoàn liền rủ nhau vào quán gọi một nồi lẩu bò Tây Tạng ăn cho ấm người.

Tới Shangri-La mà không nếm thử thịt bò Tây Tạng thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn.

Từ lúc đi trên thảo nguyên, nhìn đàn bò đàn dê được chăn thả tự nhiên, ăn cỏ tươi uống nước sạch là Đường Duệ Thanh biết chắc thịt của chúng nhất định ngon tuyệt. Thế nhưng khi ăn vào rồi mới biết nó còn ngon hơn suy đoán của chú gấp trăm nghìn lần!

Từng miếng thịt đỏ hồng, cắt lát mỏng rồi đem nhúng lẩu. Nghe thì ôi chao sao đơn giản quá. Nhưng chính cái đơn giản mới làm nên sự tinh tế tối thượng.

Lẩu bò rất thơm, không hề có một chút vị tanh nào.

Chứ nếu có thì khẳng định Lưu Anh đã là người gác đũa đầu tiên. Bẩm sinh thím sợ nhất mùi tanh, thành thử tối qua vật vã mãi mới uống hết cốc trà bơ.

Nhưng thịt bò Tây Tạng thì khác, thím yêu nó ngay từ miếng đầu tiên.

Thịt bò chao qua nồi nước sôi sùng sục, hơi chín tái là vớt ra ngay, chấm vào chén nước chấm nhìn qua cũng rất đơn giản. Nhưng chính như vậy lại làm nổi bật được cái tinh tuý tươi ngọt của thịt bò.

Nhai một miếng thịt, húp một miếng nước lẩu, nháy mắt toàn bộ lục phủ ngũ tạng đều nóng sực.

Mà cái nồi lẩu cũng chẳng có “topping” phong phú, chỉ độc mấy miếng củ cải trắng, ấy thế mà lại ngon ngọt đến lạ.

Hơn nữa cao nguyên buổi tối rét buốt, ngồi quây quần quanh nồi lẩu ấm nóng thế này là đúng bài rồi.

Cả bàn xì xụp ăn uống no say. Thậm chí có ông cao hứng phát biểu sẵn sàng ở lại đây cả đời chỉ vì món bò Tây Tạng này!

Vậy là đủ biết thịt bò Tây Tạng ngon tới cỡ nào rồi!

Vừa rồi mặt người nào người nấy xám ngoét, thế mà giờ má đỏ môi hồng, cười toe toét nghe chừng vô cùng hài lòng.

Kinh tế xã hội phát triển kéo theo yêu cầu của con người cũng tăng cao. Giờ đây đồ ăn không chỉ đơn thuần là lấp đầy chiếc bụng đói mà phải thoả mãn cả tiêu chí ngon miệng, đẹp mắt cùng bổ dưỡng nữa. Và một bữa ăn ngon có thể khiến tâm trạng trở nên vui vẻ, kéo mọi người xích lại gần nhau.

Mà cái nồi lẩu bò Tây Tạng sôi sùng sục nghi ngút khói trước mắt vừa hay đáp ứng được đầy đủ yêu cầu đồng thời làm hài lòng mọi thực khách kể cả những người khó tính nhất.

“Mẹ ăn thử món khoai tây này đi. Là khoai tây ruột đỏ đấy, nhìn cái miếng hơi dày một tí nhưng hương vị thì ngon tuyệt cú mèo” nói đoạn Đường Tư Kỳ đặt một miếng khoai tây vào bát mẹ.

Đường Duệ Thanh hỏi ngay: “Của ba đâu?”

“Có có” Đường Tư Kỳ vội vàng gắp thêm một miếng khác cho ba.

Phận làm con là phải tuyệt đối công bằng, không được thiên vị bất cứ ai…bằng không là cháy nhà như chơi!

“Ba ăn thêm bánh lúa mạch không? Còn hai miếng cuối cùng đây.”

“Chà, cái này ngon quá, để con gắp cho mẹ nếm thử…”

“Ba, ba đưa bát đây con gắp…”

Cứ thế, Đường Tư Kỳ ngồi giữa, tay thoăn thoắt tiếp thức ăn, mắt quan sát xem ba mẹ có cần gì không để phục vụ kịp thời.

Lưu Anh chưa bao giờ ăn lẩu mà lại cảm thấy vui vẻ đến vậy. Gương mặt ngập tràn vẻ tự hào, chỉ còn thiếu nước khoe ra miệng “Nhìn đi, con gái tôi đấy, ngoan ngoãn hiếu thuận chưa!”

Nhưng tiếp sau niềm vui sướng tự hào là sự hụt hẫng ập đến ngay tức thì.

Trưởng thành rồi…tức là không còn cần ba mẹ nữa…

Người làm cha làm mẹ đôi khi cũng phức tạp lắm, vừa muốn con cái mau khôn lớn nhưng đồng thời cũng lại sợ chúng lớn quá mau.

Thực tâm mà nói, ông bố bà mẹ nào chẳng lưu luyến quãng thời gian con còn thơ dại, cả ngày quấn quýt quanh chân mẹ, nũng nịu ngửa tay xin ba bế. Lúc đó, trong mắt chúng, ba mẹ là cả thế giới, là nơi duy nhất có thể dựa dẫm và tin yêu.

Tuy nhiên muốn là muốn vậy thôi chứ đâu ai sống đời mà lo cho con mãi được. Bởi thế cho nên nhìn con gái mạnh mẽ tự lập tự cường, Lưu Anh vừa mừng thay cho con mà vừa buồn cho mình và ông bạn già.

Chim non đã thật sự tung cánh rời tổ rồi!

Bình Luận (0)
Comment