Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 254: Bảo tàng cổ mộ
Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn từ Nam Kinh và Tây An nên Đường Tư Kỳ luôn bám chắc luận điểm “muốn tìm hiểu một địa phương, cách nhanh nhất là đi dạo viện bảo tàng.”
Đặc biệt nhiệm vụ lần này chủ yếu xoay quanh truyền thuyết và chuyện xưa thành ra bảo tàng càng là điểm đến hợp lý hơn cả.
Mở bản đồ Baidu tìm địa điểm chính xác, Đường Tư Kỳ ngỡ ngàng khi nhận được quá nhiều kết quả. Trong đó có một nơi khiến cô chú ý hơn cả, Viện bảo tàng nghệ thuật cổ đại Lạc Dương. Chỉ đáng tiếc vị trí nằm hơi xa trung tâm thành phố.
Nhưng mà dù gì hôm nay cũng nhàn rỗi, làm một chuyến coi như đi phượt cũng được.
Viện bảo tàng cổ đại Lạc Dương, nhìn tên đoán nghĩa, hẳn là trong đó trưng bày các loại văn vật nghệ thuật từ thời cổ đại, phỏng chừng còn có cả triển lãm văn hoá phi vật thể nữa ấy chứ.
Đường Tư Kỳ cũng không tìm hiểu kỹ, cứ ngồi trên xe đi đại.
Không ngờ sự bất cẩn nhất thời này đã khiến hành trình tiếp theo của cô đầy những bất ngờ thú vị.
Xe buýt ấm áp, ghế đệm êm mông, dựa lưng thoải mái, Đường Tư Kỳ gà gật đánh một giấc. Cũng không rõ qua bao lâu nhưng khi cô mở mắt thì vừa hay đến trạm cũng chính là cổng lớn viện bảo tàng.
Đường Tư Kỳ ngáp ngắn ngáp dài xuống xe, xuất trình căn cước công dân rồi đi thẳng vào bên trong.
Cứ tưởng vất vả đi xa một chuyến chắc hẳn phải hoành tráng lắm. Nhưng không, Đường Tư Kỳ đứng đực tại chỗ, mặt mũi cứ phải gọi là “hoang mang Hồ Quỳnh Hương”
Rồi cổ đại nghệ thuật chỗ nào? Văn vật khai quật ở đâu?
Trước mặt cô chỉ là một khu đất hoang vu, không cơ sở hạ tầng kiến trúc, không phòng triển lãm, không nhà trưng bày.
Đang ngơ ngơ ngác ngác thì thấy hàng người lục tục di chuyển về một hướng, Đường Tư Kỳ cũng hối hả nối bước theo sau, chẳng kịp để ý ngoài cửa có dựng bảng giới thiệu hay tóm tắt gì không.
Đi một hồi liền đụng phải một hang động, có bố trí cửa ra vào đàng hoàng. Đường Tư Kỳ chợt nghĩ, chẳng lẽ trong đây là phòng triển lãm?
Cô liền đánh bạo vén rèm bước vào.
Tầm mắt đột ngột tối sầm, bóng đen đánh úp, chân hụt một bước hẫng tim, Đường Tư Kỳ sợ hết hồn, quờ quạng bám vội vào bờ tường bên cạnh.
Phải mất mấy giây Đường Tư Kỳ mới thích ứng được với bóng tối, nhưng khi nhìn rõ rồi cô lại càng khiếp sợ gấp bội. Vì dưới chân không phải đường bằng mà là sườn dốc.
Cũng may ban nãy trụ vững, chứ không suýt chút là ngã lăn cù mèo rồi.
Vì đằng sau còn có khách khác nên Đường Tư Kỳ không thể dừng lại quá lâu, cô bám vào tường, dò dẫm bước từng bước nhỏ xuống dốc.
Càng đi vào sâu, nhiệt độ càng giảm. Sự lạnh lẽo ngoài không khí kết hợp với sự sợ hãi trong tâm khiến tóc gáy Đường Tư Kỳ dựng ngược.
Đường vừa dốc vừa hẹp, tường đá hai bên gồ ghề, mái vòm cao khuếch đại mọi âm thanh dù là nhỏ nhất, bầu không khí âm trầm như tấm màn khổng lồ bao trùm đè ép…
Đường Tư Kỳ bỗng nảy ra suy nghĩ táo bạo, này… giống đi trộm mộ quá nhỉ?!
Tốt xấu gì cô cũng là fan của bộ tiểu thuyết ăn khách Đạo mộ bút ký thế nên mấy cảnh như thế này cô đã đọc mòn sách rồi.
Nhưng lỡ đâu gặp phải cương thi thì sao, Đường Tư Kỳ sợ tuột máu, tức tốc quay đầu gần như bò ra ngoài bằng tứ chi.
Lúc ra đến cửa, nhìn rõ tấm biển đề hai chữ “Cảnh Lăng” to đùng, Đường Tư Kỳ suýt chút ngất xỉu ngay tại chỗ.
Má ơi, cái gì thế này?!
Không phải cô đi xem Bảo tàng nghệ thuật cổ đại sao? Thế quái nào lại nhảy ra một toà lăng mộ, lại còn là lăng mộ của bậc đế vương mới chất chứ!
Đường Tư Kỳ run rẩy mở di động ra tra cứu và hấp tấp nhấn vào đáp án đầu tiên hiện lên
“Viện bảo tàng nghệ thuật cổ đại” hay còn tên gọi khác là “Bảo tàng cổ mộ Lạc Dương”.
Gì? Cổ…cổ….cổ mộ bảo tàng?
Thế quái nào còn có cả thể loại này nữa sao?
Đường Tư Kỳ ngồi thừ trước cửa lăng, cơn buồn ngủ bị nỗi kinh hoàng đuổi đi mất dạng.
Vất vả lắm cô mới tiếp thu được hiện thực, rằng nơi mình đang đứng không phải một viện bảo tàng thông thường mà là nơi quy tụ số lượng lớn cổ mộ và trước mắt cô là cái lớn nhất, quý nhất - một toà lăng mộ đế vương hàng thật giá thật.
Đường Tư Kỳ ngồi yên tại chỗ, tra cứu kỹ tư liệu về Cảnh Lăng.
Hoá ra đây là lăng tẩm của Tuyên Vũ Đế (1), vị hoàng đế thứ tám của triều đại Bắc Nguỵ, có cha là Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế.
Và đây cũng là toà lăng tẩm đế vương thứ hai trong cả nước được chính chủ khai quật và công khai cho phép người dân vào tham quan.
Thế nên nói nó là hàng hiếm hàng quý cũng chẳng ngoa. Đường Tư Kỳ chặc lưỡi: “Hôm nay đúng kiểu chó ngáp phải ruồi, hên thật!”
Kinh hãi qua đi, kinh hỉ ào tới. Đường Tư Kỳ hừng hực khí thế khám phá địa lăng.
Đừng quên rằng, điều đầu tiên đưa cô biết tới Lạc Dương không phải là di tích lịch sử, danh nhân văn hoá hay mẫu đơn quốc hoa mà chính là “xẻng Lạc Dương” trong bộ tiểu thuyết Đạo mộ bút ký. (2)
Tới Lạc Dương mà không đu idol Ngô Tà đi trộm mộ thì thật có lỗi với danh xưng fan girl và hội các bà vợ của anh!
===
Chú thích:
(1)Bắc Nguỵ Tuyên Vũ Đế ( Chữ Hán: 北魏宣武帝). Sinh năm 13/1/483, mất 12/2/515, hưởng thọ 32 tuổi. Tên húy lúc sinh là Thác Bạt Khác (拓拔恪), sau đổi thành Nguyên Khác (元恪) là hoàng đế thứ tám của triều đại Bắc Ngụy trong lịch sử Trung Quốc.
(2)Xẻng Lạc Dương: Là 1 trong những mánh khoé để trộm mộ.
Công cụ này được một tên mộ tặc ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc phát minh vào đầu thế kỷ 20 và dần được cải tiến cho các thế hệ sau.
Xẻng có hình chữ U (không phẳng như xẻng hiện đại), chiều rộng hẹp để tập trung đào sâu vào một điểm nhất định. Mỗi lần xúc xuống đất, lưỡi xẻng có thể chạm độ sâu 30-40cm.
Xẻng Lạc Dương vừa có thể đào sâu, vừa có chức năng lấy mẫu đất để phân tích nên tới năm 1928, các nhà khảo cổ đã lần đầu tận dụng công cụ này cho công tác khai quật lăng mộ.
Trong bộ tiểu thuyết Đạo Mộ Bút Ký của tác giả Từ Lỗi cũng có nhắc tới chi tiết này “Đem một cái xẻng Lạc Dương chôn sâu xuống đất, rồi nhấc lên, nếu thấy đất biến thành màu đỏ hay nhiễm máu, là nơi đó có huyết thi. Nơi có huyết thi thường có vật bồi táng rất phong phú đa dạng, vì huyết thi bảo vệ trong bảo khố.”