Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 256: Bắc Mang - kim tự tháp phương đông
Xem xong bốn phòng triển lãm, Đường Tư Kỳ đã sơ bộ nắm được lịch sử phát triển của tập tục mai táng dân gian và hình thức mộ táng ở Lạc Dương qua các thời kỳ.
Nhưng cũng phải công nhận Lạc Dương tài nguyên phong phú nên mới có thể mở cửa trưng bày loại hình độc đáo này.
Ngoài ra còn một vấn đề khác nữa là, phần lớn mộ thất ở đây đều khí thế xa hoa, chứng tỏ chủ nhân của nó không phải quan to thì cũng thuộc tầng lớp quý tộc giàu có hơn người. Vậy sao bọn họ không hẹn mà cùng chọn dừng chân chốn này để yên giấc ngàn thu. Đến tột cùng núi Bắc Mang ẩn chứa bí mật gì mà lại có sức hút đặc biệt đến vậy?
Đường Tư Kỳ vẫn còn nhớ rất rõ câu nói của bà dì trên chuyến xe buýt bất ổn hôm qua
“Sinh ở Tô-Hàng, chết táng Bắc Mang”
Dì ấy còn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng Bắc Mang có long mạch tốt lắm nên rất nhiều người thích an táng ở đó.
Bắt đầu có mùi truyền thuyết thần bí rồi đấy, Đường Tư Kỳ nhanh nhạy khoanh vùng trọng điểm, tiếp tục đào sâu.
Trên xe buýt từ Bảo tàng cổ mộ về trung tâm Lạc Dương, Đường Tư Kỳ gần như cắm mặt vào điện thoại và đã tra ra không ít truyền thuyết xung quanh núi Bắc Mang.
Vốn cô cho rằng ngọn núi được cổ nhân đời đời coi trọng ắt hẳn phải cao lớn hùng vĩ, thâm sâu bí hiểm. Nhưng không, dường như ngọn núi Bắc Mang là minh chứng tiêu biểu cho câu “núi không cần cao, có tiên thì thành danh sơn. Nước không cần sâu, có rồng ắt là nước thần”.
Đúng vậy, Bắc Mang không cao, thậm chí thấp là đằng khác. Với độ cao hơn hai trăm mét so với mực nước biển thì dù ở đâu cũng chỉ có thể xếp vào hạng đồi mà thôi. Nhưng Bắc Mang vẫn ngạo nghễ đứng hàng núi bằng tất cả sự kinh nể của người đời là vì trên đó có thần tiên sống.
Thông tin địa lý chỉ rõ Bắc Mang toạ lạc ở phía bắc Lạc Dương. Sườn nam ngọn núi giáp đồng bằng rộng lớn và sườn bắc nhìn ra sông Hoàng Hà cuồn cuộn.
Vào thời Tây Chu, Lạc Ấp ( tên gọi lúc bấy giờ của Lạc Dương) là trung tâm thiên hạ mà vừa vặn Bắc Mang nằm ở phía bắc nên được ví như sao bắc cự - ngôi sao trung tâm của bầu trời. Vì thế nó hiển nhiên trở thành vị trí đắc địa để người ta nhắm đến.
Trên núi Bắc Mang có tổng cổng 24 lăng mộ đế vương, trong đó có không ít tên tuổi vang danh sử sách, ví dụ như Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú (1), Tào Phi (2), Lưu Thiện (3), Lý Dục (4), vân vân. Toàn những cái tên anh minh thần võ, trộm nghĩ nếu kéo hết các vị ấy vào một Group chat nhất định sẽ có nhiều chuyện hay ho lắm đây.
Ngoài ra, còn rất nhiều lăng mộ của các bậc vương giả khác, thế nên nơi đây được xưng tụng là kim tự tháp phương đông.
Chưa dừng lại ở đó, vị trí ngọn núi Bắc Mang còn đặc biệt hơn nữa khi nó nằm đúng phía đông dãy Tần Lĩnh. Nếu ví toàn bộ dãy Tần Lĩnh giống như một con cự long khổng lồ thì Bắc Mang vừa vặn chính là vị trí long đầu.
Thêm nữa, tứ phía Bắc Mang có sáu ngọn núi lớn nhỏ bao quanh, giống hệt hình ảnh tinh tú hội tụ ôm lấy mặt trăng ở chính giữa.
Phải nói là một thế đất phong thuỷ độc nhất vô nhị, bảo sao không hấp dẫn các bậc quân vương và danh nhân để mắt tới.
Mà một nơi như vậy, hẳn là có rất nhiều chuyện xưa li kì chờ ta khám phá.
Đường Tư Kỳ mò mẫm được không ít, trong đó phải kể đến sự tích hình thành sông Hoàng Hà. Truyện kể rằng, ở thời khai hoang lập địa, một lão tiên trên núi Côn Luân bắt được một con mãng xà. Đáng lẽ chuẩn bị cho vào nồi rồi nhưng ngờ đâu mãng xà lại trốn thoát. Lão tiên sai hai tiểu đồ đệ đuổi theo. Mãng xà chạy thẳng một mạch tới Đông Hải, trên đường lưu lại vết nước, sau trở thành sông Hoàng Hà. Mà hai tiểu đồ đệ vì không bắt được mãng xà nên bị phạt ở lại trấn thủ sông Hoàng Hà. Năm tháng qua đi, hai vị tiểu đồ đệ hoá đá trở thành Truy Mãng Sơn. Hậu nhân sửa thành Mãng Sơn rồi Bắc Mang như ngày nay.
Một truyền thuyết khác thì viết rằng, Lão Tử (5) khai lò luyện đan trên núi Bắc Mang, tới khi đắc đạo liền phiêu diêu tự tại cùng gió mây.
Một cái khác thì lại truyền rằng trên núi Bắc Mang có Mẫu đơn tiên tử. Năm ấy Lạc Dương bị ôn dịch, Lã Động Tân (6) đã cầu xin Mẫu đơn tiên tử ở trên trời cứu giúp. Kết quả, tiên tử bị phạt, giáng hạ xuống trần gian làm người trồng hoa mẫu đơn trên núi Bắc Mang. Vì cảm tạ đại ân đại đức của tiên tử, Lã Đông Tân đã thành lập một trà viện trên đường lên núi để trợ giúp bá tánh tiêu trừ ôn dịch.
Đường Tư Kỳ vừa đọc vừa xuýt xoa cảm động như thể đang theo dõi một bộ tiên hiệp ngôn tình lâm li bi đát vậy.
Thấy thu hoạch cũng kha khá, cô bèn thử Check-in xem sao
[ Check-in thành công
Xếp hạng: A+
Khen thưởng: 700 đồng vàng ]
Đường Tư Kỳ gật gù, kết quả A+, cũng không tệ lắm!
Vừa muốn nhấn nút [Xác nhận], Đường Tư Kỳ chợt khựng lại. Ban nãy tìm tư liệu cô đã nhìn thấy không ít thơ cổ miêu tả núi Bắc Mang. Nếu giờ chép thêm thơ cổ vào đáp án, liệu có được cộng điểm không nhỉ?
===
Chú thích:
(1)Hán Quang Vũ Đế - 漢光武帝 (15/1/5TCN - 29/3/57)
Triều đại: Đông Hán
Thời gian trị vì: 32 năm
(2)Tào Phi - 曹丕 ( 187 - 29/6/226)
Triều đại: Tào Nguỵ
Thời gian trị vì: 5 năm 200 ngày
(3)Lưu Thiện - 刘禅 (207-271)
Triều đại: Thục Hán
Thời gian tại vị: 40 năm, 78 ngày.
(4)Nam Đường Hậu Chủ - 南唐後主 (937-978)
Triều đại: Nam Đường
Thời gian trị vì: 15 năm
(5)Lão Tử - 老子 (571 TCN - 471 TCN ), được coi là người sáng lập ra Đạo giáo ở Trung Quốc.
Sự tồn tại của ông trong lịch sự hiện vẫn đang còn là tranh cãi. Có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh tiểu sử và cuộc đời của ông.
(6)Lã Động Tân - 呂洞賓 (796-?), là vị tiên nổi tiếng trong Đạo giáo.
Dân gian coi Lã Động Tân là vị tiên pháp lực cao siêu, hay tế thế cứu khổ, giúp dân trừ nạn nên rất được tôn kính.
Lã Động Tân cùng Quan Thánh đế quân tức Quan Vũ, Nhạc Ngạc vương tức Nhạc Phi, Táo Quân và Vương Linh quan thường được thờ chung làm Ngũ Ân Chủ.