Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 257: Bụng biểu tình
Nghĩ là làm, Đường Tư Kỳ lên Baidu chép về vài bài thơ Đường miêu tả Bắc Mang. Trong đó có hai câu của nhà thơ Bạch Cư Dị mà cô cảm thấy thích nhất “Núi Bắc Mang gió xuân cỏ biếc. Đất nơi này chứng kiến sinh tử biệt ly”. (1)
Nội dung bài thơ là lời phúng điếu tiễn đưa người khuất, chia buồn cùng tang quyến nhưng địa điểm diễn ra ở Bắc Mang và lời thơ dạt dào tình cảm nên Đường Tư Kỳ cũng đánh bạo cho vào.
Và kết quả thực không phụ sự nỗ lực của cô.
[ Xếp hạng: S
Khen Thưởng: 1000 đồng vàng + 1 kim cương. ]
Đường Tư Kỳ siết chặt hai tay làm động tác ăn mừng.
Yeah! Lại một con S nữa!
Dường như đồng tình, cái bụng cũng reo lên ùng ục. Đường Tư Kỳ cười khổ. Hôm nay đi bộ quá trời, lại trải qua bao phen kinh hãi, cô đã bạc đãi nó rồi.
Giờ phải kiếm gì ngon ngon để tạ lỗi với nó và tự thưởng cho bản thân mới được.
Xuống xe buýt, vốn trong đầu cô hướng tới chén súp cay Hà Nam cơ nhưng chân lại bị một cửa hàng bánh kếp bên đường bắt cóc.
Nơi này người xếp hàng đông như kiến cỏ, Đường Tư Kỳ tò mò rướn người nhìn vào bên trong thấy ông chủ gần như dùng cả cơ thể để đảo sạn lắc chảo. Tiếng xèo xèo hấp dẫn, khói đưa hương thơm quyến rũ lan toả khiến cái bụng nhỏ của cô càng thêm chật vật.
Đường Tư Kỳ để ý rất nhiều khách gọi bánh kếp thịt dê. Cô từ xa đến tốt hơn hết là nhập gia tuỳ tục, gọi theo dân bản địa cho chắc ăn.
Đợi mãi cũng tới lượt, Đường Tư Kỳ một tay thanh toán một tay nhận bánh.
Chưa ăn chưa biết ngon dở thế nào nhưng phải cộng một điểm tinh tế, chu đáo cho ông chủ quán này. Họ đựng bánh kếp trong một chiếc ly giấy có đáy cứng, vừa tránh phỏng tay cho khách vừa đảm bảo phần nhân và nước thịt sẽ không bị chảy nhoe nhoét ra ngoài.
Đường Tư Kỳ đã sớm đói đến đầu váng mắt hoa, nên cô nhanh chóng đứng gọn sang một bên xử luôn tại chỗ.
Cảm nhận đầu tiên là thịt dê ướp rất tới, đậm đà, thơm và mềm. Trong nhân họ cho cả giá đậu xào, giòn giòn ngọt thanh, khá là ăn nhập với vị thịt dê.
Đường Tư Kỳ cắn liền mấy miếng to, hai má căng phồng hệt chú chuột hamster, mắt híp tịt đầy thoả mãn.
Trông thì có vẻ nhồm nhoàm mất thẩm mỹ thật đấy cơ mà cái lúc đói meo thế này cứ phải ăn thùng uống vại nó mới đã cái nư!
Một điểm nữa không thể không nhắc đến chính là phần vỏ bánh rất mỏng và rất thơm. Vừa rồi trong lúc xếp hàng Đường Tư Kỳ cũng tranh thủ nghía được quy trình người ta làm vỏ. Bột được cán thủ công mỏng tang như tờ giấy rồi đặt lên mặt chảo gang nóng già, chỉ vài giây là cho ra lò một cái vỏ bánh tròn xoe, thơm lừng.
Không biết vị nhân khác thế nào chứ Đường Tư Kỳ phải công nhận nhân thịt dê kết hợp với cái vỏ ngoài này nó bánh cuốn cực kỳ luôn.
Mà không chỉ mình cô thích đâu, rất nhiều thực khách khác nhận bánh một cái là cũng xé bọc ăn luôn trước cửa tiệm, làm kéo tới rất nhiều con mắt tò mò và thèm thuồng của người đi đường. Không ít người chịu không nổi cám dỗ, phải tấp vào hàng đợi mua một cái ăn cho đỡ thèm.
“Nom nom nom…ngon quá!” Đường Tư Kỳ thích mê, thầm nghĩ ngày mai nhất định quay lại ăn thử thêm những loại nhân khác.
Một cái be bé thế mà chắc bụng ra phết, nhưng tuy đã lưng lửng dạ Đường Tư Kỳ vẫn không cam lòng về khách sạn mà một mực muốn đi tìm súp cay Hà Nam cho bằng được.
Song đáng tiếc, mò tới đúng địa chỉ rồi mà quán người ta lại đóng cửa, hỏi ra mới biết món này chỉ bán từ sáng tới giữa trưa là nghỉ.
Nhưng trong cái rủi có cái may, Đường Tư Kỳ tình cờ phát hiện ra quán mỳ hồ nằm ngay sát vách, thế là liền ghé vào gọi ngay một tô để trải nghiệm.
Nghe nói mỳ hồ là món ăn truyền thống của người dân Hà Nam vậy nên Đường Tư Kỳ rất nóng lòng muốn thử.
Cũng may quán không đông lắm nên rất nhanh món đã được bưng lên.
Đúng là cái tên nói lên tất cả, phần nước dùng trong bát đặc quánh như hồ.
Qua tìm hiểu mới biết, đó chính là linh hồn của món ăn và để tạo ra sự đặc sánh độc đáo đó người ta đã dùng bột ngô làm nguyên liệu chính. Và từ cái nền ấy, có thể cho thêm mỳ, rau củ, thịt cá tuỳ vào sở thích cũng như sự sáng tạo của mỗi đầu bếp.
Vừa ăn xong cái bánh kếp, giờ lại chén thêm tô mỳ hồ đầu ú ụ, Đường Tư Kỳ cảm giác dạ dày mình phình căng, dư vị thoang thoảng quấn quanh nơi cuống lưỡi, thoả mãn vô cùng.
Hồi ở Thưởng Hải cô đã thưởng thức một kiểu mỳ giống giống thế này rồi. Nhưng nó không gọi mỳ hồ mà có tên là mỳ nát.
Với cả cũng có khác biệt tí chút, ở mỳ nát thì sợi mỳ được nấu mềm hơn còn mỳ hồ thì phần nước dùng đặc sánh và nhiều hơn. Nhưng nhìn chung cả hai món đều tương đối ngon, Đường Tư Kỳ khá thích.
Ăn uống no nê, Đường Tư Kỳ đi dạo loanh quanh một chút cho xuôi cơm tiện thể ngắm cảnh đêm Lạc Dương rồi sau đó mới về khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi.
Nằm dài trên giường sau một ngày bận túi bụi đông tây, Đường Tư Kỳ mệt đừ nhưng vẫn muốn tổng kết sơ bộ một chút. Vậy là đã trọn vẹn hai ngày ở tại Lạc Dương, cô đã đi được khá nhiều nơi, cũng nếm thử cơ số của ngon vật lạ, lãnh hội bề dày lịch sử văn hoá chốn này, càng lúc cô càng thấy hứng thú với những mẩu chuyện cũ ủ kín lâu ngày. Để xem, mai nên đi đâu để tiếp tục khai thác mùi vị xưa cũ ấy nhỉ?
Ngày mai đi đâu…đi đâu…còn chưa kịp lên kế hoạch, Đường Tư Kỳ đã chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay.
…..
Muốn kiếm được nhiều vàng đương nhiên phải đến những nơi có nhiều truyền thuyết để thu thập. Và để đáp ứng tiêu chí ấy thì Lạc Dương nổi tiếng nhất hai nơi, một là hang đá Long Môn và hai là chùa Bạch Mã.
Hành trình ngày mai, Đường Tư Kỳ sẽ khám phá chỗ nào đây?
===
Chú thích:
(1)Là hai câu cuối trong bài thơ “挽歌词” của nhà thơ Bạch Cư Dị
春风草绿北邙山,
此地年年生死别
Dịch: Xuân phong thảo lục Bắc Mang sơn
Thử địa niên niên sinh tử biệt.