Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 258: Hang đá Long Môn
Sáng hôm sau ngay khi vừa mở mắt, Đường Tư Kỳ liền quyết định chọn Hang đá Long Môn là điểm đến tiếp theo.
Hang đá Long Môn cách khách sạn cô đang ở khá xa, phải đi khoảng 12km về phía Nam tính từ trung tâm thành cổ Lạc Dương. Xét vị trí địa lý và phương thức di chuyển dĩ nhiên chùa Bạch Mã thuận tiện hơn nhiều nhưng cô lại bỏ gần tìm xa. Nguyên nhân là vì hôm qua lúc tới thăm cảnh lăng của Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành tại viện bảo tàng cổ mộ, Đường Tư Kỳ tình cờ phát hiện mối liên quan giữa hoàng đế và hang đá Long Môn vậy nên hôm nay muốn đến tận nơi một chuyến.
Như mọi người đều biết, Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành là hoàng đế thứ sáu của vương triều Bắc Nguỵ. Năm 494, Hiếu Văn Đế dời đô từ Bình Thành ( nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây) đến Lạc Dương, mang theo rất nhiều thợ thuyền tài giỏi ở đủ mọi lãnh vực, trong đó có thợ điêu khắc đá. Và bọn họ chính là tốp thợ đầu tiên tiến hành tạc khắc tại động Cổ Dương cũng chính là hang động lâu đời nhất ở Long Môn nằm trong trung tâm của đồi Tây.
Sau đó, các triều đại nối tiếp nhau đào hang tạc tượng Phật, dần dần hình thành nên quần thể hang động đồ sộ khổng lồ khiến cả thế giới trầm trồ tán thưởng. Và đây chính là nguồn gốc của hang đá Long Môn.
Xuống xe buýt, phải đi bộ thêm một quãng rất xa nữa mới tới lối vào Long Môn.
Từ xa nhìn lại, quang cảnh bên trong cực kỳ ấn tượng với vô số các hang động, hốc đá hình móng ngựa nằm rải rác trên vách núi gồ ghề cùng hàng ngàn pho tượng Phật cao thấp, lớn nhỏ, nhiều không kể xiết.
Ở cổng chính, Đường Tư Kỳ tình cờ gặp một nhóm sinh viên nữ của trường đại học Trịnh Châu cũng tới Long Môn tham quan, thế là cô liền lân la làm quen và thành công rủ họ cùng góp tiền thuê hướng dẫn viên giảng giải.
Anh hướng dẫn viên nói năng trôi chảy lưu loát, rất am hiểu Long Môn, cung cấp nhiều kiến thức sâu rộng và đặc biệt là rất chăm chỉ kể chuyện. Đường Tư Kỳ sợ không nhớ được hết, dứt khoát mở di động ghi âm lại toàn bộ.
Vừa bước chân tới cửa, còn chưa nhìn thấy gì đã được nghe tích xưa rồi. Nguyên bản, Long Môn là một toà núi đá vôi, chặn ngang dòng sông Y chảy từ phía tây xuống, gây ra những trận đại hồng thuỷ tàn khốc, hoa màu ngập úng, nhà cửa hư hỏng, bò dê lềnh bềnh trong biển nước, người dân sống không nổi phải túa đi tị nạn khắp nơi.
Thấy cảnh lầm than, Hạ Đại Vũ (1), vị vua huyền thoại có biệt tài trị thuỷ đã đích thân đến tận nơi dùng rìu xẻ núi, khơi thông dòng chảy. Từ đó, sông Y không còn cuồn cuộn sóng dữ mà êm ả xuôi dòng đổ về phía đông, người dân cũng không phải cực khổ tha phương cầu thực, có thể ở tại hai bên bờ an cư lạc nghiệp, phù sa bồi đắp yên ổn gieo trồng.
Tiến vào bên trong, điểm tham quan đầu tiên là động Tây Sơn và Vũ Vương Trì. Tương truyền, sau khi gió yên sóng lặng, người dân chưa an ổn được bao lâu thì lại bị cóc tinh đến sinh sự. Nó nuốt hết nước vào bụng khiến mọi người không có nước để tưới tiêu, hoa màu héo rũ, lương thực cạn kiệt. Dân làng lại một lần nữa cầu cứu Đại Vũ.
Đại Vũ tới, dùng chính cây rìu xẻ núi mở sông lần trước ghim chặt con cóc tinh lên trên đỉnh, bắt nó nhả nước trả lại dân làng. Và dòng nước trong vắt chảy từ đỉnh núi xuống được đặt tên là Vũ Vương Trì.
Đường Tư Kỳ nghe kể chuyện mà những tưởng lội vào biển tiền vàng kim cương. Cô phấn khích hối thúc: “Anh ơi anh kể thêm nhiều chuyện xưa nữa đi.”
Có trời mới biết giờ cô chỉ muốn mở ứng dụng lên chép hết vào thôi đấy. Nhưng sợ trễ nải lịch trình với tốc độ tay cô không thể nào bì được với năng lực nhả chữ của anh ấy. Không sao, có ghi âm đây rồi, tối về khách sạn biên soạn cẩn thận rồi cho lên một lượt cho tiện.
Cứ như vậy, anh hướng dẫn viên điển trai lần lượt dẫn các cô đi qua động Tân Dương, động Vạn Phật, động chùa Kính Thiện, động Lão Long…
Giữa muôn vàn bức tượng lớn nhỏ khác nhau, Đường Tư Kỳ đặc biệt bị thu hút bởi một bức tôn tượng đề biển “Võng hồng tượng Phật”, đặt tại động Tân Dương. Trần đời cô chưa từng thấy pho tượng Phật nào có tư thế tay kỳ lạ…nếu không muốn nói là tinh nghịch như vậy!
Thế là các cô nương sôi nổi ghé sát vào, giơ tay chữ V tươi cười chụp hình tự sướng.
Có lẽ không phải lần đầu thấy phản ứng này của du khách nên anh hướng dẫn viên chỉ cười xoà rồi giải thích
“Thật ra nguyên bản là có ba ngón, ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái chỉ trời. Đây là một trong những thủ ấn đặc biệt hiếm thấy của Phật giáo. Nhưng vì thời gian đã quá lâu, ngón cái bị gãy, chỉ còn ngón trỏ và ngón giữa nên mới vô tình tạo thành hình dạng giống như mọi người đang nhìn, chứ kỳ thực không phải Phật đang “say hi” với chúng ta hoặc “bàn tay cái kéo” như trên mạng mọi người đang lan truyền đâu ạ.”
Và đáng tiếc hơn nữa là phần lớn các tượng Phật ở đây đều không có đầu.
Chờ anh hướng dẫn viên giảng giải mới biết nguyên nhân chính là do bốn lần diệt Phật trong lịch sử và mười năm thảm hoạ của Đại Cách mạng Văn Hoá vô sản (2) đã gây ra tổn hại to lớn này. Bên cạnh đó, ở thời kỳ Thanh mạt dân sơ (3), lợi dụng tình thế xã hội hỗn loạn, bọn đạo tặc từ bên ngoài tràn vào cấu kết với đám buôn lậu trong nước tiến hành ăn trộm sau đó vận chuyển phi pháp bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
Điển hình như bức phù điêu “Đế hậu lễ Phật đồ” trong động Tân Dương là Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế vì muốn cầu phúc cho cha mẹ nên hạ lệnh điêu khắc và phải mất 23 năm mới hoàn thành. Thế mà một trăm năm trước, những tên trộm đã đột nhập, cắt nhỏ bức phù điêu rồi lén vận chuyển sang Mỹ. Hiện tại, hai nửa bức phù điêu đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York và Bảo tàng Nghệ thuật Nelson-Atkins ở Kansas. Thế là khi không bảo vật quốc gia Trung Quốc tự nhiên lại trở thành biểu tượng cho hai viện bảo tàng của Mỹ.
===
Chú thích:
(1)Hạ Tử Thành - 夏紫城; 2298 TCN – 2198 TCN, thường được gọi là Tử Thành hay Hạ Đại Vũ.
Triều đại: Nhà Hạ.
Ông cùng Thành Thang ( nhà Thương) và Chu Vũ Vương (nhà Chu) hợp thành Tam Vương (三王)
Đạo giáo tôn ông là Thuỷ Quan Đại Đế (水官大帝).
(2) Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản - 无产阶级文化大革命: từ tháng 5/1966 tới tháng 10/1976.
(3)Cuối triều đại nhà Thanh và đầu Trung Hoa Dân Quốc.