Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 264: Chùa Bạch Mã
Cậu thanh niên ngồi ghế bên thấy sắc mặt Đường Tư Kỳ không tốt liền lấy một cái túi bóng cùng bọc khăn giấy đưa qua: “Bạn không sao chứ? Có cần những cái này không?”
Đường Tư Kỳ đón lấy túi bóng, lại rút thêm một tờ khăn giấy, mặt mũi tái xanh tái nhợt chật vật nói lời cảm ơn.
Cậu trai trẻ cười phóng khoáng: “Đường quốc lộ ở đây xấu quá, dễ say xe lắm. Bạn nhắm mắt vào sẽ thấy đỡ khó chịu hơn đấy.”
Đường Tư Kỳ nắm chặt chiếc túi nilong trong tay, vô cùng cảm kích đối phương. Nãy giờ cô chỉ sợ lỡ không kìm được mà “biu ti phun” ra đây thì không biết lấy gì để hứng.
Thật may mắn dọc đường đi cô luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ những người xa lạ tốt bụng.
Một lát sau, cậu trai trẻ thấy cô mở to hai mắt, sắc mặt cũng tươi tỉnh hơn đôi chút thì liền quan tâm hỏi thăm: “Bạn có đỡ hơn tí nào không?”
Đường Tư Kỳ gật gật đầu, lần nữa nói lời cảm tạ.
“Một tí nữa là đến thôi, tại cái chỗ này xe du lịch ra vào nhiều, đậu dừng bắt trả khách vô tội vạ nên hay bị tắc đường, chứ ở đây cách chùa Bạch Mã gần xịt à, không xa lắm đâu.”
Đường Tư Kỳ đánh mắt ra ngoài cửa sổ, trầm tư quan sát.
Địa phận này hẳn là thị trấn nhưng cảm tưởng mật độ giao thông còn dày đặc hơn cả trung tâm thành phố. Đâu đâu cũng thấy xe, qua lại như mắc cửi, rối hết cả mắt. Đã thế còn chạy là là dọc đường, chốc chốc lại có một anh lơ xe nhảy xuống kiếm khách rồi tiểu thương hai bên đường đu theo chào mời bán buôn, tạo thành cảnh tượng hỗn loạn lộn xộn, gây ách tắc giao thông và mất mỹ quan đường phố.
Đường Tư Kỳ thoáng nhăn mặt, chưa gì đã thấy ấn tượng đầu tiên không mấy tốt đẹp rồi.
Xuống xe, kiếp nạn vẫn chưa hết. Còn phải chen chúc qua một biển người nữa mới tới được cửa soát vé. Gặp đúng hôm nay cuối tuần, khách du lịch đã đông mà phật tử còn đông hơn, trên tay ai cũng ôm hoa bưng trái khệ nệ vướng víu. Hai bên đường, những quầy hàng rong bán nhang đèn, đồ lưu niệm, quán nước, đồ ăn ngồi tràn xuống cả lòng đường. Người đi xuôi, kẻ lội ngược, tiếng còi xe bim bim, tiếng gọi nhau í ới, người bán chào mời, người mua ngã giá, ồn ào không khác gì cái chợ vỡ.
Thoát ra khỏi chỗ đó mà Đường Tư Kỳ ướt đầm mồ hôi lưng, mũi giày cũng bị dẫm cho mấy nhát.
Ấy thế mà chuyện bất ngờ vẫn chưa dừng lại. Trong khi nơi nơi quét mã QR dùng vé điện tử thì ở đây vẫn có nhân viên ngồi tại quầy xé vé giấy thu tiền mặt. Đường Tư Kỳ dở khóc dở cười nhưng cũng phải chấp nhận nối vào hàng chậm rì rì đợi mua vé.
Tuy nhiên trong cái rủi có cái may, vì di chuyển chậm nên Đường Tư Kỳ có thời gian lên mạng đọc tư liệu.
Ồ, không tra không biết, thì ra lai lịch cũng đáng gờm lắm đó.
Là ngôi chùa cổ nhất Trung Quốc.
Cái nôi của nền Phật giáo Trung Hoa.
Ngôi chùa đầu tiên do triều đình xây dựng.
Đạo tràng đầu tiên phiên dịch kinh Phật.
Nơi diễn ra trận chiến đầu tiên giữa Phật giáo và Đạo giáo.
Và được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất chùa”.
Cùng rất nhiều các thành tích hiển hách khác. Đường Tư Kỳ đọc mà hoa hết cả mắt, trong đầu lúc này chỉ toàn văng vẳng mấy từ kiểu đệ nhất, thứ nhất, đứng đầu…Chậc chậc, hàng khủng đây!
Ấy thế mà vé vào cửa chỉ có 35 đồng, rất phù hợp với quần chúng nhân dân.
Chỉ là…Đường Tư Kỳ ái ngại ngoái đầu nhìn cảnh tượng hỗn độn phía sau. Liệu chính quyền có thể vào cuộc được không, chứ trước cổng chùa mà thế này thì mất hết cả vẻ nghiêm trang, thanh tịnh!
Cũng may sau khi bước vào bên trong, mọi thứ dường như đã tốt hơn rất nhiều, ít nhất là lỗ tai Đường Tư Kỳ nhẹ hẳn đi.
Chùa Bạch Mã được bao bọc bởi một khu vườn tràn ngập sắc xanh thanh bình, yên tĩnh, len giữa hàng cây là một con đường lát đá dẫn thẳng vào sân chùa.
Toàn bộ khuôn viên bên trong chiếm phần lớn là các công trình đền đài miếu mạo với kiến trúc độc đáo được lưu giữ từ xa xưa. Từng mái ngói, vách tường, xà nhà khung cửa đều mang hơi thở cổ kính ngàn năm tuổi.
Đường Tư Kỳ thả nhẹ bước chân, từ tốn ngắm nhìn và cảm nhận. Tuy không tránh khỏi việc trùng tu sửa chữa nhưng tổ đình nơi đây vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và những bộ kinh kệ quý báu. Tham quan năm đại điện, tốn không ít thời gian, nhưng Đường Tư Kỳ không hề thấy chán, thậm chí còn muốn ở thật lâu, bước thật chậm để có thể lãnh hội kiệt tác người xưa để lại.
Chỉ đáng tiếc cô muốn vậy nhưng người khác thì không. Du khách đổ vào mỗi lúc một đông, kéo theo sự huyên náo, phút chốc phá tan bầu không khí yên ắng đẹp đẽ.
Đường Tư Kỳ không thích chen lấn nên buộc phải rời bước sang khu chùa miếu được xây dựng theo kiến trúc Thái Lan, Miến Điện cùng Ấn Độ.
Nhưng có lẽ do khác biệt văn hoá nên Đường Tư Kỳ không cảm được cái đẹp. Loanh quanh một hồi thấy chả còn gì thú vị, cô tính dẹp đường hồi phủ.
Thú thực trước khi tới đây, cô đã kỳ vọng rất nhiều. Dù gì danh tiếng của ngôi chùa cũng sánh ngang một nhất một nhì với hang đá Long Môn kia mà.
Thế nhưng khi mới tới, ấn tượng đầu tiên đã không tốt lắm. Rồi đến khi vào bên trong, cảnh chùa đẹp thì có đẹp đấy, song du khách quá đông, chen lấn ồn ào làm cô mất cả nhã hứng tham quan.
Kết quả là hào hứng tìm tới, mất hửng bỏ về. Có thể nói đây là trải nghiệm lữ hành tồi tệ nhất từ trước đến nay của Đường Tư Kỳ.
Lần theo đường cũ, Đường Tư Kỳ hướng ra cổng chính thì không ngờ lại đụng mặt cậu trai trẻ đã giúp mình trên chuyến xe buýt ban nãy.
Thấy cô đi hướng ngược lại, cậu ấy ngạc nhiên hỏi: “Bạn về sớm vậy sao?”
Đường Tư Kỳ cười cười: “Ừ, đi về thôi, kẻo lát nữa người đông sợ không có chỗ ngồi.”
Chàng trai trẻ hỏi tiếp: “Thế bạn đã ghé thăm tháp Vân rồi hả?”
“Tháp gì cơ?” Đường Tư Kỳ ngớ ra
“Tháp Vân ấy. Biết ngay là bạn chưa đi mà. Đến đây rồi mà không ghé tháp Vân thì tiếc lắm. Tháp nằm ở bên kia kìa, đi về hướng Đông một đoạn nữa mới tới.”