Chu Du Cùng Hệ Thống (Dịch Full)

Chương 492 - Chương 492 - Bộ Lạc Châu Phi

Chu Du Cùng Hệ Thống Chương 492 - Bộ lạc Châu Phi

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 492: Bộ lạc Châu Phi

Đến Châu Phi muốn săn được những tấm hình thú hoang sắc nét thì không thể thiếu một chiếc máy ảnh tốt và một ống kính tầm xa xịn xò. Đương nhiên quan trọng hơn vẫn là sự nhạy bén, sức sáng tạo và tinh thần dám dấn thân của các nhiếp ảnh gia.

Ngày hôm sau, nhóm Đường Tư Kỳ rời Sweetwaters đi tới Khu bảo tồn quốc gia Samburu. (1)

Mới vừa vào cổng đã bắt gặp một màn sư tử săn mồi nghẹt thở.

Con sư tử cái đang đuổi bắt một chú ngựa vằn lạc đàn.

Đường Tư Kỳ lập tức giơ máy, muốn canh chụp một bức thật hoàn mỹ nhưng toàn vồ hụt, được con này thì mất con kia và đa phần đều nhoè toé loe.

“Trời ơi, sư tử cái quá nhanh quá hung mãnh. Ai cũng ví ghê như cọp mẹ nhưng sau khi xem cảnh này em lại cảm thấy cọp mẹ cũng phải chào thua sư tử cái”, Dịch Đồng tựa trán lên kính xe, chắc lưỡi bình luận.

“Sao không thấy sư tử đực xuất hiện nhỉ?” Đường Tư Kỳ vẫn kiên trì giương cao ống kính quyết phải săn bằng được một tấm.

Sở Tĩnh lý giải: “Vì bộ bờm của sư tử đực quá to và nặng, dễ bị con mồi phát hiện nên trong đàn sư tử cái giữ vai trò đi săn còn sư tử đực có trọng trách bảo vệ bầy đàn và chủ quyền lãnh thổ.”

Tất nhiên để xem được những khoảnh khắc đắt giá này phải kể tới công lao của anh tài xế dày dặn kinh nghiệm, cực kỳ có tâm và rất nhạy bén. Chỉ cần chỗ nào thoáng có động tĩnh là anh lập tức cho xe chạy tới, núp ở một nơi đảm bảo an toàn cho mọi người quan sát.

Tiếp theo hành trình, tài xế chở cả nhóm tới tham quan các bộ lạc nguyên thuỷ thể theo yêu cầu của Từ An và Dịch Đồng.

Theo thống kê, hiện Châu Phi có khoảng 3000 bộ lạc và nhiều bộ lạc vẫn duy trì chế độ tù trưởng cùng các tập tục kỳ bí xưa cũ. Vậy nên nó có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với giới trẻ ở xã hội hiện đại.

Xung quanh đây có rất nhiều bộ lạc nhưng bọn họ chọn tới làng Samburu để khám phá và trải nghiệm.

Trước khi tới bắt buộc phải gọi điện liên hệ trước và việc này tất nhiên phải nhờ anh tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch.

Vì văn hoá thổ dân là cội nguồn giá trị của các quốc gia châu Phi cho nên cả nhóm quyết định dành hẳn nửa ngày hành trình để tới thăm một ngôi làng của người Samburu.

Tuy nhiên khi tới nơi, trái ngược hoàn toàn với những gì mọi người tưởng tượng. Tù trưởng dẫn theo thôn dân đợi sẵn ở cổng làng thực hiện nghi lễ nghênh đón khách quý bằng những điệu múa dân gian và hát đối tình ca.

Mặc dù hơi có chút gượng gạo nhưng tiếng ca chất phát cùng nụ cười đôn hậu đã đủ truyền tải thịnh tình và tâm ý của gia chủ.

Nhờ anh tài xế giới thiệu mới biết thì ra trong thôn không chỉ có một tù trưởng. Và nhiệm vụ của người tù trưởng chính là giúp đỡ bà con giải quyết các tranh chấp.

Họ dựa theo các bằng chứng để đưa ra phán đoán rồi thông qua tài ăn nói để thuyết phục người khác tin tưởng vào phán quyết của mình. Mỗi lần như vậy họ sẽ nhận được 1 con gà coi như thù lao.

Dịch Đồng cười trêu: “Ha ha ha, cho Từ An lên đây Apply xin việc được nè, ở trong nước lấy chứng chỉ hành nghề luật sư rồi, tha hồ ăn gà mái thoải nhá.”

Từ An nhếch môi: “Cũng được thôi, anh thì không có vấn đề gì nhưng ban nãy bác tù trường bảo ở đây để đánh giá ai giàu hơn thì phải so xem nhà ai nhiều bò và nhiều vợ hơn. Nếu anh thành tù trưởng mà ít vợ quá sợ rằng khó lòng phục chúng. Thôi thì anh chịu thiệt một tí cũng được chỉ là không biết em có đồng ý hay không?”

Dịch Đồng tung cước qua: “Biến! Ông dám, tui đánh gãy chân ông đấy, tin không?”

“Ai daaa” Từ An ôm mông xuýt xoa, “có gì từ từ nói, quân tử động khẩu không động thủ!”

Chỉ thế thôi là lại quay sang chí choé đấu võ mồm ngay được. Chuyện thường như cơm bữa, Đường Tư Kỳ cùng Sở Tĩnh thấy suốt thành quen.

Trong thôn rất đông trẻ con. Thấy khách lạ tới chơi, bọn chúng hiếu kỳ xúm xít vây xem. Dịch Đồng chia kẹo cho tụi nhỏ, đứa nào đứa nấy vui vẻ cười toe toét. Song bác tù trưởng lại có vẻ trầm ngâm u sầu. Bác cật lực giới thiệu tình hình thôn trang, nhiệt tình dẫn cả nhóm đi tham quan quanh thôn, xem các hoạt động thường ngày như chăn nuôi gia súc, chế tác đồ truyền thống, vắt sữa dê vân vân.

Nhìn chung điều kiện sinh hoạt của người dân nơi đây cực kỳ thô sơ. Một căn nhà đất mái lá nho nhỏ mà ở tới bảy, tám người.

Nhưng mà có thể nhìn ra được bác tù trưởng vì thôn làng mà hao tổn rất nhiều tâm tư.

Đường Tư Kỳ hỏi: “Mục đích ban đầu của việc phát triển du lịch là gì?”

Phí tham quan không cao, 30 usd một khách nhưng huy động toàn bộ dân thôn ra ca hát tiếp đãi. Vậy nên Đường Tư Kỳ có chút tò mò vì cái gì bọn họ lại phải làm như vậy.

Anh tài xế trao đổi với tù trưởng một hồi rồi thông dịch lại: “Tù trưởng nói trẻ con trong thôn về cơ bản không có cơ hội đi học. Tâm nguyện của bác ấy là tất cả lũ trẻ đều được tới trường, đều được tiếp nhận tri thức để từ đó thay đổi vận mệnh. Vì thế người dân nỗ lực diễn tập các tiết mục văn nghệ những mong thu hút càng nhiều khách du lịch chừng nào sẽ càng có nhiều cơ hội giúp bọn nhỏ chừng ấy.”

Hoá ra là vì tương lai con trẻ. Đường Tư Kỳ bừng tỉnh đại ngộ. Cũng không biết tâm nguyện của bác tù trưởng có thể đạt thành hay không, tới khi nào thì đạt thành nhưng Đường Tư Kỳ vô cùng khâm phục tấm lòng của bác ấy.

Đêm hôm đó trở về khách sạn, Đường Tư Kỳ lại trăn trở bên tấm bảng vẽ với chủ đề những ánh mắt ngây thơ khát khao con chữ của những đứa trẻ nơi thôn nghèo Samburu.

===

Chú thích:

(1)Khu bảo tồn quốc gia Samburu nằm về phía bắc Kenya, có diện tích 165km2, hiện là nơi sinh sống của hơn 450 loài động vật và 350 loài chim.

Bình Luận (0)
Comment