(*) Giải thích một chút về Toan Táo Môn gồm Cựu Toan Táo Môn và Tân Toan Táo Môn.
Cựu Toan Táo Môn: Ở thành cũ Đông Kinh (nội thành), trên một mặt tường thành phương bắc, danh xưng chính thức của nó là Cảnh Long Môn, hay còn gọi là Cựu Toan Táo Môn. Mạnh Nguyên Lão ghi trong ‘Đông Kinh Mộng Hoa lục’: “Tường bắc có ba cửa, tính từ phía đông viết Cựu Phong Khâu Môn, thứ hai viết Cảnh Long Môn (là trước Bảo Lục Cung góc thành đại nội), thứ ba viết Kim Thủy Môn”.
Tân Toan Táo Môn: Ở một mặt tường thành góc phía bắc ngoài thành Đông Kinh. Mạnh Nguyên Lão ghi trong ‘Đông Kinh Mộng Hoa lục’: “Một bên thành bắc, có bốn cửa, tính từ phía đông viết Trần Kiều Môn (là đường trạm dịch cho người Đại Liêu), thứ hai viết Phong Khâu Môn (đường cho vua/xe ngựa đi ở ngoại ô phía bắc), thứ ba viết Tân Toan Táo Môn, thứ bốn viết Vệ Châu Môn)
. . .
- . . . đi Toan Táo Môn.
Sai khiến tùy tùng bên người xong Tần Tự Nguyên lên xe ngựa, nương ngọn đèn trong thùng xe, lão nhân đọc một số tin tức báo cáo lên. Đại chiến suốt mấy ngày nay, người thương vong nhiều vô số kể, trong thành Biện Lương cũng đã chết mấy vạn người, sản sinh cảm xúc ghét chiến tranh mãnh liệt, giá cả tăng vùn vụt, trị an hỗn loạn vẫn đang diễn ra. Nữ nhân, con nít, lão nhân mất đi người nhà, tiếng khóc ngày đêm không ngừng, dọc đường từ binh bộ đến tường thành đều có thể mơ hồ nghe thấy tiếng khóc đó. Những chuyện này chuyển hóa thành vấn đề cuối cùng tập hợp đưa vào tay lão nhân, hóa thành vấn đề và áp lực siêu lớn mà người bình thường khó thể chịu đựng, đè trên vai của lão nhân.
Đến gần Tân Toan Táo Môn đổ nát hoang tàn, lão nhân mới buông xuống công tác trong tay, từ trên xe bước xuống, chống gậy đi hướng tường thành.
Xung quanh có đống lửa sưởi ấm, lều trại, binh sĩ, người bệnh tụ tập, nhiều người giương mắt nhìn hướng bên này. Lão nhân thân hình gầy guộc, vẫy lui tùy tùng muốn đến nâng mình, vừa suy nghĩ sự tình vừa chống gậy đi hướng tường thành. Lão nhân không nhìn những người này, bao gồm những người bị thương, cũng bao gồm người buồn rầu vì người nhà đã chết trong thành, mấy ngày qua, lão nhân đã chai cảm xúc, hờ hững không để ý tới những điều này nữa. Đến trước thang lầu cao, lão nhân không để người nâng, vừa suy nghĩ vừa thong thả bước lên nấc thang.
Trên tường thành tàn phá tràn ngập mùi máu tanh, gió tuyết vần vũ, trong bóng đêm có thể nhìn thấy quân doanh Nữ Chân lấp lóe ánh đèn mờ, phương hướng xa xa đã là một mảnh đen ngòm. Lão nhân nhìn phương xa một lúc, có nhóm người và ngọn đuốc lại gần, lão nhân dẫn đầu ở trong gió tuyết vái chào Tần Tự Nguyên một cái, Tần Tự Nguyên cũng vái chào lại. Hai lão nhân im lặng vái chào nhau trong gió tuyết nơi này.
Qua một lúc lâu, lão nhân đứng bên kia mở miệng, là Chủng Sư Đạo.
- Nghe hôm nay trên điện nghị sự, Tần tướng cầu xuất binh vì xá đệ, Sư Đạo vô cùng cảm kích.
Tần Tự Nguyên không nói chuyện, chỉ mạnh cung tay:
- . . .
Chủng Sư Đạo đã đứng thẳng lên:
- Đây là cảm kích về tư, còn về công, Sư Đạo cũng như chư công khác, không đồng tình với ý tưởng này của Tần tướng. Kinh thành nguy ngập, binh lực trong thành đã cạn kiệt, tùy tiện ra khỏi thành sẽ bị người Nữ Chân tiêu diệt từng phần. Nếu người Nữ Chân được ăn cả ngã về không, lại đến công thành thì bên ta sẽ chỉ càng trứng chọi đá. Kiến nghị này của Hữu tướng . . . Ài.
Hai bên đều là người siêu thông minh, lõi đời, có nhiều chuyện thật ra có nói hay không đều giống nhau. Cuộc chiến Biện Lương, Tần Tự Nguyên phụ trách hậu cần và tất cả việc vặt, không nhúng tay nhiều vào chiến sự. Chủng Sư Trung xua quân tiến đến, mặc dù phấn chấn lòng người, nhưng khi người Nữ Chân thay đổi phương hướng dốc hết sức vây công truy sát, kinh thành không thể nào xuất binh cứu viện, ai đều biết rõ điều đó. Dưới tình huống như thế, người duy nhất lên tiếng kịch liệt, muốn lấy quân sinh lực cuối cùng liều một phen với người Nữ Chân, giữ gìn Chủng Sư Trung không ngờ là Tần Tự Nguyên xưa nay ổn thỏa, thật sự khiến mọi người bất ngờ.
Thế cho nên hôm nay trên Kim Loan điện, trừ Tần Tự Nguyên ra, thậm chí là Tả tướng Lý Cương luôn cộng tác với hắn cũng đưa ra thái độ phản đối việc này. Việc kinh thành quan hệ sự sống còn của một nước, sao cho phép có người muốn được ăn cả ngã về không?
Huống chi, vô luận Chủng Sư Trung sống hay chết, trận đại chiến này đều có hy vọng kết thúc, cần gì làm chuyện không cần thiết này?
Một buổi chầu triều kéo dài thật lâu, đến cuối cùng kết thúc với Tần Tự Nguyên đắc tội nhiều người, không có chút thu hoạch gì. Sau khi tan chầu, lão nhân xử lý công việc rồi chạy tới bên này, làm huynh trưởng của Chủng Sư Trung, tuy Chủng Sư Đạo biểu thị cảm tạ sự trượng nghĩa của Tần Tự Nguyên, nhưng hắn cũng cảm thấy với thời cuộc như vậy thì không thể xuất binh.
- Nhưng mà, Tần tướng, Chủng mỗ không hiểu, ngài biết rõ kiến nghị này sẽ có kết thúc như thế nào thì tội gì làm như vậy?
Trong gió tuyết, Chủng Sư Đạo và Tần Tự Nguyên cũng đi tới bờ tường thành, nhìn bóng tối phương xa, đối với số phận Chủng Sư Trung không biết đi về đâu, khe khẽ thở dài.
. . .
- . . . chó già Tần Tự Nguyên hôm nay hành động hơi kỳ lạ.
Trong Ngự Thư phòng, Chu Triết viết vài chữ rồi đặt bút lông xuống, cau mày hít một hơi rồi đứng lên đi qua đi lại.
- Đỗ Thành Hỉ, ngươi nói xem hắn muốn làm gì?
Trong phòng, Đỗ Thành Hỉ vốn cúi mặt bỗng giật bắn người:
- Lúc trước thánh thượng đã nói con người của Hữu tướng là kỳ tài ngút trời, nô tỳ thật sự không đoán ra được suy nghĩ trong lòng ngài ấy.
- Hừ, kỳ tài ngút trời.
Chu Triết chắp hai tay sau lưng cười cười, bỗng thu lại nụ cười:
- Con người của Tần Tự Nguyên mưu tính sâu, hiểu biết hết kỳ chinh chi đạo*, đúng là lợi hại. Trước kia triều đình nghị sự, nếu hắn thật sự có mưu ma chước quỷ nhất định sẽ liên lạc qua lại với quan tướng trước buổi chầu. Chỉ có lần này, hừ, đưa ra ý tưởng như vậy khiến Lý Cương cũng không đứng về phía hắn, muốn nói trong đó không có ẩn ý gì thì ai mà tin.
(*) Kỳ chính chi đạo: Nó có nghĩa rất rộng, nói đơn giản là biết các loại mưu lược ở quan trường, lý luận chiến tranh, thông hiểu nhiều thứ.