Chuế Tế - Ở Rể ( Bản Dịch)

Chương 893 - Chương 893: Nhà Ai Én Lại Vẩy Đầy Bùn Xuân 1

Chương 893: Nhà ai én lại vẩy đầy bùn xuân 1 Chương 893: Nhà ai én lại vẩy đầy bùn xuân 1

Chuyện Ninh Nghị và Hồng Đề cả đêm không về hai ngày sau bị mấy người nghe nói trêu chọc vài câu, nhưng nói cũng không nhiều.

Giống như thời đại nào cũng có những phong tục và quy tắc riêng, vấn đề tình cảm đôi khi khiến Ninh Nghị cảm thấy bất an, trong thời đại này sẽ có phương thức xử lý đương nhiên của nó. Sau một thời gian dài chung sống, đám người Ninh Nghị đã dần có thể tìm được biện pháp hòa hợp tự nhiên nhất.

Loại nhà lớn một phu đa thê này, không tránh khỏi sẽ có xa gần thân sơ, nhưng trên tổng thể mà nói, đôi bên chung sống khá hòa thuận. Sự giúp đỡ đối với Ninh Nghị, tầm quan trọng đối với cái nhà này của Tô Đàn Nhi - người bên ngoài mềm mỏng bên trong cứng rắn - không nói cũng rõ, những người khác cũng đều chú ý tới, ban đầu vì để yểm hộ Ninh Nghị, trong khoảng thời gian đến Tiểu Thương Hà này, vì đủ các sự vụ trong cốc, nàng gầy đến mức khiến người ta hoảng sợ. Sự tỉ mỉ và kiên trì của nàng gần như là một nòng cốt khác của cái nhà này, đợi đến khi phá được Tây Hạ, nàng mới thoát ra được sự gầy yếu trong thời gian đó, sau một khoảng thời gian điều dưỡng, mới khôi phục được vóc dáng và nhan sắc.

Trong thời gian này, sự hồi phục của nàng cũng không thể thiếu được sự chăm sóc của Vân Trúc. Tuy rằng lúc lần gặp nhau lần đầu tiên vào mấy năm trước, mối quan hệ của cả hai không được coi là dễ chịu, nhưng những năm qua, tình nghĩa đôi bên vẫn luôn tốt đẹp. Ở một khía cạnh nào đó, hai người là những nữ tử sinh tồn quanh một nam nhân, sự quan tâm và chăm sóc của Vân Trúc đối với Đàn Nhi cố nhiên cũng bởi vì biết rõ tầm quan trọng của nàng đối với Ninh Nghị, mà Đàn Nhi lại có khí độ của một bà chủ gia đình, nhưng thật sự sau khi chung sống hòa hợp mấy năm, tình nghĩa giữa người nhà với nhau chung quy vẫn có.

Trong những người này, Tiểu Thuyền và Cẩm Nhi lại càng tùy hứng hơn một chút. Tiểu nha hoàn trẻ tuổi non nớt trước kia, giờ cũng đã là tiểu phụ nhân hai mươi lăm tuổi rồi, tuy rằng đã có hài tử, nhưng tướng mạo nàng không thay đổi nhiều, những chuyện vụn vặt sinh hoạt trong cả gia đình về cơ bản vẫn do nàng sắp xếp, đối với những thói quen sinh hoạt không tốt lắm mà thỉnh thoảng mới có của Ninh Nghị và Đàn Nhi, nàng vẫn sẽ thấp giọng càm ràm liên hồi không dứt giống như tiểu nha hoàn ban đầu. Lúc sắp xếp mọi chuyện nàng thường thích bẻ khớp ngón tay, lúc sốt ruột lúc nào cũng nắm bàn tay lại. Thỉnh thoảng Ninh Nghị nghe nàng lải nhải, bèn không nhịn được muốn giơ tay kéo cái bím tóc lắc lư trên đầu nàng —— bím tóc chung quy cũng không còn.

Bạn học Nguyên Bảo Nhi gần đây rất muốn sinh con —— muốn đã mấy năm rồi —— nhưng không biết là bởi vì vấn đề cơ thể khi xuyên qua hay vì tác giả sắp xếp, tuy rằng trên giường không có vấn đề gì, nhưng Ninh Nghị không thể khiến nữ nhân bên cạnh mình người này tiếp người kia mang thai, có những lúc, khiến Cẩm Nhi khá chán chường. Nhưng cũng may tính cách nàng vô tư, thường ngày dạy học chăm sóc hài tử, thỉnh thoảng sẽ trò chuyện về hí khúc khiêu vũ với Vân Trúc và cả mấy người phụ trách biểu diễn hí khúc trong Trúc Ký, cho nên cũng không buồn chán.

Hồng Đề sống phần lớn thời gian trong trại Thanh Mộc là người lớn tuổi nhất trong đám người, cũng được mọi người tôn trọng và yêu mến nhất, Đàn Nhi đôi khi gặp phải chuyện khó, sẽ tố khổ với nàng, cũng bởi vì trong mấy người này, Hồng Đề sợ là người phải chịu khổ nhiều nhất, tính cách cũng dịu dàng ôn hòa. Có lúc Đàn Nhi cực kỳ nghiêm túc nói chuyện với nàng, trong lòng Hồng Đề ngược lại thấy thấp thỏm, cũng bởi vì không chắc chắn đối với những chuyện phức tạp, ngược lại phụ sự mong đợi của Đàn Nhi, hoặc là sợ nói sai gì làm lỡ dở mọi chuyện. Đôi khi nàng nhắc đến chuyện này với Ninh Nghị, Ninh Nghị bèn chỉ cười cười.

Đàn Nhi trước mắt hai mươi sáu tuổi ở hậu thế chẳng qua là độ tuổi mới vừa thích ứng xã hội, tướng mạo nàng xinh đẹp, sau khi trải qua quá nhiều việc, trên người lại có khí chất tự tin trầm tĩnh. Nhưng trên thực tế, Ninh Nghị hiểu rõ nhất, bất luận là hai mươi tuổi cũng được, ba mươi tuổi cũng tốt, hoặc là đến bốn mươi tuổi, có ai thật sự đối mặt với mọi chuyện mà không chút bối rối. Hài tử mười mấy hai mươi tuổi nhìn thấy sự ung dung khi xử lý sự tình của người trưởng thành, lòng cho rằng bọn họ đã trở thành người hoàn toàn khác, nhưng trên thực tế, bất luận ở độ tuổi nào, thứ mà bất cứ ai đối mặt, chỉ sợ đều là những chuyện hoàn toàn mới, điều mà người trưởng thành nhiều hơn người trẻ tuổi, chẳng qua là càng hiểu rõ hơn, rằng bản thân không có chỗ dựa và đường lui mà thôi.

Mà tận đáy lòng Đàn Nhi, thực ra cũng đang đối diện với tất cả phía trước với tâm thế xa lạ và hoang mang nhỉ.

Đối với Ninh Nghị mà nói, cũng chưa hẳn không phải như vậy.

Đã từng nghĩ tới an phận một góc, sống ngày tháng tiêu dao thái bình đi hết cuộc đời này, sau đó từng bước từng bước đi tới, đi tới chỗ này. Thời gian chín năm, từ ấm áp hờ hững đến ánh đao bóng kiếm, rồi đến núi thây bể máu, luôn có những chỗ khiến người ta thở dài, bất luận là sự ngẫu nhiên và tất nhiên trong đó, đều khiến người ta cảm khái. Công bằng mà nói, Giang Ninh cũng tốt, Hàng Châu cũng tốt, Biện Lương cũng tốt, những nơi phồn hoa khiến người ta say đắm, đều vượt xa Tiểu Thương Hà, trại Thanh Mộc.

Có đôi khi Ninh Nghị nhìn tất cả sự cằn cỗi hoang vu trong núi này, thấy người sinh tử, cũng sẽ thở dài, không biết tương lai còn có khả năng yên tâm mà trở về một mảnh đất trời như thế kia nữa không.

Đương nhiên, sự chung sống hòa hợp của một gia đình lúc này, có lẽ cũng phải quy công lao cho những phong ba hiểm trở đến suốt cả đoạn đường, nếu như không có căng thẳng và áp lực như vậy, trong lúc chung sống, mọi người cũng không đến mức bắt buộc phải lao động vất vả, đoàn kết vượt qua khó khăn.

So với những gia đình khác, sự tôn trọng và đôi khi là áy náy của Ninh Nghị đối với mọi người, tự nhiên cũng là một phần nguyên nhân trong đó. Có lúc người một nhà sẽ tổ chức buổi họp mặt hoặc dã ngoại nhỏ trên sườn núi của Tiểu Thương Hà, Ninh Nghị thỉnh thoảng quá mệt mỏi sẽ nói với các nàng về những lo lắng và suy nghĩ đối với tương lai. Hắn cũng nói dông dài, mấy người Đàn Nhi đa phần là nghe không hiểu, thực ra cũng chưa chắc quan tâm, chỉ là trong sự phiền muộn của Ninh Nghị, mọi người tự nhiên cũng cảm nhận được sức nặng, lúc này hoặc ánh sao dày đặc, hoặc trăng sáng Cửu Châu, loại áp lực và trọng lượng dưới bầu trời đêm đó lại không giống nhau. Bọn họ chẳng qua cũng là một gia đình nhỏ cùng nhau che chở bước đi trong thế giới hiểm ác này mà thôi.

Ngày thứ ba sau khi đến trại Thanh Mộc là mồng tám tháng hai. Chỉ mới vài ngày sau khi qua kinh trập, mưa xuân miên man bắt đầu rơi, từ trên núi nhìn xuống, cả sơn cốc khổng lồ bị bao phủ trong quầng mưa như sương mù, phía bắc núi có phòng ốc nối tiếp san sát nhau, xen kẽ với những mảng chòi rộng lớn, phía nam núi là từng dãy nhà hầm, trên dưới núi có đồng ruộng, ao đầm, khe suối, cánh rừng rộng lớn, khu tụ cư gần hai vạn người cũng có chút an nhàn trong cơn mưa xuân lúc này.

Một số công trường phân bố trong núi, bao gồm thuốc nổ, đục đá, rèn sắt, dệt vải, chiết xuất dầu, làm đồ gốm, vân vân và vân vân, một số nhà xưởng trong sân vẫn còn sáng đèn, nhà hát kịch cạnh chợ dưới núi đang chăng đèn kết hoa, chuẩn bị vở kịch buổi tối. Trong phòng ốc tập trung người nhà Tô gia ở bên mé sơn cốc, Tô Đàn Nhi đang ngồi dưới mái hiên trong sân nhàn nhã dệt vải, lão thái công Tô Dũ ngồi trên chiếc ghế bên cạnh thỉnh thoảng nói đôi câu với nàng, trong sân nhỏ còn có mười mấy thiếu niên thiếu nữ hoặc hài tử bao gồm cả Tiểu Thất trong đó đang lắng nghe bên cạnh, thỉnh thoảng cũng có hài tử không yên lặng nổi, đùa nghịch một hồi ở đằng sau.

Những hài tử này tự nhiên đều là con cháu Tô gia rồi, Ninh Nghị hưng binh tạo phản, Tô gia ngoại trừ mấy người theo chân Ninh Nghị từ sớm, như Tô Văn Định, Tô Văn Phương, Tô Văn Dục, Tô Yến Bình, còn lại gần như không ai hiểu nổi. Nhưng đã đến mức độ này, cũng đã không bận tâm bọn họ có hiểu hay không nữa, thời gian gần hai năm đến nay, bọn họ sống trong trại Thanh Mộc không thể ra ngoài, cộng thêm tin tức quân đội của Ninh Nghị đại phá Tây Hạ truyền tới, lần này bèn có một số người lộ ra ý có thể cho hài tử trong nhà đi theo bên phía Ninh Nghị làm việc, học hành hay không —— đi theo Ninh Nghị, chính là tạo phản, nhưng bất luận thế nào, chỉ cần họ Tô, tính chất của bọn họ đều đã được định sẵn, thực ra cũng không có bao nhiêu lựa chọn.

Tô Dũ thỉnh thoảng hỏi thăm chuyện của Tiểu Thương Hà, chuyện của Ninh Nghị, chuyện trong nhà bên đó, Đàn Nhi bèn thao tác máy dệt rồi trả lời từng chuyện một, lão nhân đa phần chỉ lắng nghe. Ban đầu —— lúc Đàn Nhi vẫn còn nhỏ, hai ông cháu cũng thường có khoảng thời gian như thế này, Đàn Nhi nói với ông ta một số chuyện, ông ta bèn cất tiếng giải thích, thảo luận, dùng để bồi dưỡng đứa cháu gái này, hy vọng tương lai nàng có thể trở thành một người kế tục gia tộc dệt vải, nhưng đến lúc này, đối với những chuyện mà Đàn Nhi tiếp xúc, ông ta đã không dễ dàng hiểu và cân nhắc lợi hại được, cho nên không phát biểu ý kiến nữa.

Ngược lại là đám hài tử bên cạnh, đôi khi sẽ nghe được rất nhiều chi tiết trong chuyện của Tiểu Thương Hà, chuyện đánh bại người Tây Hạ, thán phục “oa oa” không ngớt, lão nhân cũng chỉ nhắm mắt lắng nghe. Chỉ có lúc Đàn Nhi kể về chuyện nhà, mới cất tiếng nói mấy lời, dặn dò nàng các chuyện như quản lý cho tốt cái nhà đó, cân bằng tốt quan hệ giữa các thiếp thất, đừng để Ninh Nghị phân tâm quá nhiều. Đàn Nhi cũng gật đầu nhận lời.

Hai ngày trước lúc Tô Dũ và Ninh Nghị gặp mặt, ngược lại không có nhiều chuyện để nói thế này. Đối với việc tạo phản của Ninh Nghị, ông ta không thể nào hiểu nổi, mà đối với việc Ninh Nghị đánh bại đại quân Tây Hạ, cứu vớt lê dân một vùng, trong lòng ông ta cũng là chuyện lớn có sức nặng đến mức không thể hình dung. Ông ta đã không thể đưa ra đánh giá nữa, bèn chỉ giữ Ninh Nghị lại ăn một bữa cơm nhà, sau đó để Ninh Nghị rời khỏi, đi “làm chuyện của mình”. Chuyện mà ông ta nhắc Đàn Nhi phải “trông nom tốt nhà cửa”, cũng không nói với Ninh Nghị.

Tối nay, vở kịch《Thích Hổ》cải biên từ chuyện Hồng Đề ám sát Tống Hiến đã được biểu diễn trong nhà hát kịch bên cạnh chợ của trại Thanh Mộc. Hình mẫu tuy là đám người Hồng Đề, Tống Hiến, nhưng khi cải biên vào kịch đã thay đổi tên họ. Nữ chính đổi tên thành Lục Thanh, Tống Hiến đổi thành Hoàng Hổ. Vở kịch này chủ yếu khắc họa khó khăn năm đó của trại Thanh mộc, người Liêu mỗi năm đả thảo cốc*, võ quan Vũ triều Hoàng Hổ cũng tới Lữ Lương Sơn, nói là chiêu binh, trên thực tế đặt ra cạm bẫy, giết một số người Lữ Lương rồi coi như Liêu binh để báo cáo tranh công, sau đó lên làm đại tướng quân.

*Đả thảo cốc: ý chỉ quan binh Khiết Đan lấy danh nghĩa chăn ngựa, cướp bóc khắp nơi, bổ sung vào lương thực bổng lộc.

Mà nữ hiệp Lục Thanh lớn lên trong đủ sự gian nan khốn khổ của Lữ Lương Sơn, vì thay thôn dân báo thù, xuôi nam đến Giang Ninh, giữa đường lại trải qua mấy bận khó khăn trắc trở, trước sau gặp phải sơn tặc, hổ dữ, một người một kiếm giết chết hổ. Sau khi tới Giang Ninh, lại rơi vào cái bẫy của Hoàng Hổ, thập tử nhất sinh, cuối cùng dưới sự giúp đỡ của thư sinh Giang Ninh Lữ Địch Trần, mới thành công báo thù.

Sau đó nữa, nữ hiệp Lục Thanh trở về Lữ Lương Sơn, nhưng dân làng mà nàng yêu quý vẫn không ngừng bị dày vò bởi cái đói, cái lạnh chồng chất và sự áp bức của nam bắc. Để cứu vớt Lữ Lương Sơn, cuối cùng nàng đeo lên mặt nạ màu máu, hóa thành Huyết Bồ Tát, sau đó chiến đấu vì Lữ Lương Sơn......

Sự thay đổi của câu chuyện này có sự tham gia của Ninh Nghị, trong đó vì để đạt đến hiệu quả, những thứ mang tính tượng trưng cũng khá nhiều, những cái tên như Lục Thanh, Hoàng Hổ, Lữ Địch Trần, tiết mục của tài tử giai nhân. Còn về mấy kiểu tình tiết như giết hổ, là phân cảnh thú vị thêm vào để người ta càng thích xem, thích nghe hơn.

Là một người hiện đại quen xem những bộ phim đại chúng, Ninh Nghị không có niềm yêu thích đối với hí kịch của niên đại này, nhưng thêm vào một số thứ ngược lại nâng cao đáng kể sự hấp dẫn về nội dung. Ví dụ, những thứ như bối cảnh vở kịch, đạo cụ thành Giang Ninh giống y như thật mà hắn dặn đám người của Trúc Ký làm, đã tối đa hóa cảm giác thay thế của khán giả, buổi tối này, tiếng hoan hô kinh ngạc trong nhà hát kịch không ngớt, bao gồm đám người Hàn Kính đã từng nhìn quen cảnh tượng đại thành phong nguyệt ở thành Biện Lương, lúc này đều xem đến không thể rời mắt. Ninh Nghị chống cằm ngồi ở đó, lòng thầm mắng đám nhà quê này.

Bình Luận (0)
Comment