Con Thuyền Trống

Chương 69

"Hy vọng" là giống có lông

(thơ Emily Dickinson - bản dịch của Lê Dọn Bàn)

Hy vọng là một gì đó có lông vũ

Nó đậu trên cành hồn

Và hát khúc không lời

Mãi không bao giờ ngưng cả,

Và nghe ngọt nhất trong gió lộng;

Và ê ẩm là cơn bão phải đau

Nó có thể chao đảo con chim nhỏ

Vốn giữ nhiều ấm áp đến thế.

Tôi đã nghe nó ở vùng đất lạnh lẽo nhất

Và trên biển lạ lùng nhất,

Nhưng, chưa bao giờ, dẫu cùng cực,

Nó đòi lấy một mảnh tôi vụn vỡ.

"Hope" is the thing with feathers

(thơ Emily Dickinson)

"Hope" is the thing with feathers --

That perches in the soul --

And sings the tune without the words --


And never stops -- at all --

And sweetest -- in the Gale -- is heard --

And sore must be the storm --

That could abash the little Bird

That kept so many warm --

I've heard it in the chillest land --

And on the strangest Sea --

Yet, never, in Extremity,

It asked a crumb -- of Me.

=============

Nếu Cam Linh là chuyên gia về tình cảm, thì tôi cần để cô ta tìm hiểu cặp nam nữ trên màn hình này có mối quan hệ thế nào với nhau.

Cuối cùng Chu Nhị Đình cũng rơi vào màn ảnh cùng với một người đàn ông trung niên lạ mặt. Giữa mùa hè nóng nực thế này mà anh ta còn diện nguyên bộ vest đen y như dân môi giới bất động sản, tôi chẳng thích dạng hoa hòe lòe loẹt này tí nào (1), ấy thế mà cô ấy còn khoác tay anh ta nữa.

(1) từ gốc là tô son trát phấn (油头粉面), khi miêu tả nữ thì có ý khen là trang điểm xinh đẹp quyến rũ, còn miêu tả nam là ý chê ăn mặc quá loè loẹt, đỏm đáng.

Tôi hơi cau mày khi trông thấy họ, trưng ra bộ mặt nhăn nhó (2), trước tiên là nhìn Chu Nhị Đình, sau đó nhìn sang người đàn ông kia, rất hiển nhiên là không giống vẻ mặt khi gặp phải hung thủ.

Tiếng Cam Linh máy móc vang lên như trợ lý ảo Siri: "Người quen à", rồi lướt sang tấm ảnh kế tiếp, tôi vội vàng ngăn cô ta lại: "Lật lại đi, để tôi nhìn kỹ xem... là khách sạn huyện Năng..."

(2) bộ mặt nhăn nhó (挤眉弄眼 - tề mi lộng nhãn): QT hay để là "làm mặt quỷ", nhưng nghĩa cụm từ này thường là về các biểu cảm với đôi mắt và lông mày như: nháy mắt, đưa mắt nhìn nhau, nhíu mắt nhíu mày, mặt nhăn mày nhó...

Khách sạn huyện Năng vừa mới được sửa sang lại, trước cửa chính có xây thêm bồn hoa, và phía trước bồn hoa là cổng vào bằng đá sừng sững như Khải Hoàn Môn bên Pháp. Cánh cổng đá được treo tấm biển thiếp vàng có ghi dòng chữ "Khách sạn huyện Năng", trên cổng là bốn cái đèn lồng trang trí Tết hãy còn cháy đỏ rực rỡ, trông xốn cả mắt vào cái mùa hè chói chang năm nay.

Quan sát kỹ hơn thì Chu Nhị Đình đứng rất gần người đàn ông kia, những cũng chưa đến mức gọi là thân mật, hơn nữa hai người chẳng có điểm nào giống nhau. Tôi từng bắt gặp ba của Chu Nhị Đình từ xa, đó là một bác nông dân chính hiệu, eo bị khòm xuống, làn da ngăm đen, và không có gương mặt láu lỉnh kém thành thật thế này.

Tôi nghiên cứu một chốc cũng không rõ ràng thêm điều gì, mà Cam Linh đã bắt đầu mất kiên nhẫn, tiếp tục bấm chuyển hình. Thế là tôi lại nắm cổ chặt tay cô ta y như đứa nhóc mè nheo đòi ba mẹ quay trở về kênh phim hoạt hình: "Cô quay lại đi, tôi còn chưa nhìn rõ nữa."


"Cô nhìn không hiểu cái gì thế?" Cam Linh hất tay tôi ra, tôi bước đến cạnh tivi, chỉ vào Chu Nhị Đình: "Đây là đồng nghiệp của tôi, cô ấy năm nay mới hai mươi bốn tuổi. Còn người đàn ông này thì tôi không biết."

"Thì là bạn trai thôi." Cam Linh cảm thấy tôi tẻ ngắt, quay sang bức ảnh khác bất chấp sự phản đối của tôi. Tôi đang muốn la lên rằng Chu Nhị Đình đã có người yêu rồi, nhưng cẩn thận ngẫm lại thì tôi chưa thấy qua anh ta bao giờ, chẳng lẽ lại là người đàn ông chơi cả bộ vest vào giữa ngày hè bức bối này thật sao?

Hay là Chu Nhị Đình đang đi coi nhà ở vậy nhỉ? Tôi túm chặt Cam Linh lần nữa: "Cô nhìn người chuẩn, giúp tôi xem người đàn ông này với..."

"Nhìn người chuẩn á?" Cam Linh tránh đi bàn tay đang chìa ra của tôi, mấy lần muốn bẻ đầu tôi hướng về phía tivi nhưng không thành, chỉ có thể dùng một phần ba ánh mắt liếc về phía người đàn ông nọ.

"Ừm, không nhìn ra được cái gì từ bên ngoài, làm bên buôn bán bất động sản phải không?"

Bụng tôi nhủ thầm, ngay cả Cam Linh cũng nghĩ như tôi, nếu anh ta không làm đúng nghề này thì chắc là đổi công việc cũng còn kịp đấy, hệt như việc mọi người đều thấy tôi hẳn là đang làm giáo viên mầm non, hoặc là bảo mẫu, cái này thuộc về tài năng bẩm sinh rồi, ai cũng mang vẻ ngoài lừa gạt như thế cơ mà.

Cam Linh còn săm soi thêm một chút, phóng to bức hình trên điện thoại ra xét nét chi li: "Đồng nghiệp của cô không có thân quen lắm với người này đâu."

"Sao cô biết được?"

"Lúc hai người khoác tay —" Cam Linh vẫy tay ra hiệu, mượn cánh tôi của tôi cứ như là treo món trang sức vào khuỷu tay cô ta. Tôi bị lôi kéo ngã về phía này, đối phương chặn tôi lại, "Cô đến gần quá."

Tôi nhích cái cổ ra xa, Cam Linh cũng rút khỏi tay tôi, rồi đẩy tôi về phía sau: "Cô nhìn đi, cô và tôi biết nhau hơn một tháng rồi, lúc tôi kéo cô thì khoảng cách giữa tôi và cô là như thế nào? Nè, cô xem lại đi."

Lòng bàn tay Chu Nhị Đình nắm lấy khuỷu tay người đàn ông trung niên kia, nhưng vai hai người không gần bên nhau. Tôi quay sang quan sát vai Cam Linh, kinh hoảng dịch ra một góc khác trên sa lông.

Cam Linh hờ hững ngước mắt lên: "Vậy cô có thể trở về xem hình chụp được chưa?"

Tôi tiếp tục nhìn tivi, trong đầu lóe lên dấu vết Chu Nhị Đình để lại. Bỗng Cam Linh lên tiếng: "Cô có thể đừng can thiệp vào chuyện của người khác không vậy?"

Bị mắng đến tỉnh cả người ra, tôi gật đầu đồng tình: "Đúng là có hơi phiền... tôi không muốn thế đâu."

Lúc tôi gặp được Chu Nhị Đình, thì cô ấy còn gọi tôi là "đàn chị", rồi sau đó tôi luôn được phân vào lớp mấy đứa nhỏ mà Chu Nhị Đình quản lý, nên dần dà chúng tôi trở nên quen thuộc. Rõ rành rành rằng tôi và Chu Nhị Đình vẫn chỉ là quan hệ đồng nghiệp cùng cơ quan, nhưng nếu một hai bắt tôi phải kết bạn với ai đó trong những mối liên hệ ở trường, thì nhất định Chu Nhị Đình sẽ là người đầu tiên, ngoài ra chẳng còn ai khác nữa cả.

Tôi băn khoăn cho người bạn hiếm hoi của mình, nhưng cũng không muốn nhúng mũi vào chuyện của người khác. Hôm sau Chu Nhị Đình bảo rằng ánh mắt tôi nhìn cô ấy không đúng lắm, cứ như chủ nhiệm lớp cấp ba đang dò xét học trò vậy.

Tôi không che giấu được ánh mắt mình, và đồng thời không dám thành thật khai báo là có người phụ nữ kì lạ theo dõi em hằng ngày, mà chị cũng thấy được. Tôi chỉ có thể lấp liếm rằng buổi văn nghệ cho ngày Tết Thiếu nhi sắp tới rồi, tôi quá hồi hộp, lo lắng đến mức không còn kiểm soát được biểu cảm của mình. Thế là Chu Nhị Đình tỏ vẻ cực kỳ đồng cảm, kéo tôi vào văn phòng, móc ra lon Coca lạnh băng dán vào má tôi.

"Mình nghỉ một lát nào." Chu Nhị Đình bóc ra túi đồ ăn vặt mời mọi người, bịch snack tôm cay Mi Mi bị xé ra rơi tan tác trên đất.


Trời nóng như đổ lửa, một giáo viên đề xuất gom đơn đặt trà sữa, món thức uống này ở huyện đều chỉ là từ bột uống liền hòa tan vào nước, chưa bàn tới chuyện mùi vị có ngon hay không. Sau khi cơm trưa được giao tới, một nữ giáo viên phái Lý Dũng Toàn lén giấu bọn nhỏ lấy trà sữa về qua đường lan can.

Lý Dũng Toàn xách cái bao trà sữa hệt như đang nắm quyền sinh sát to lớn trong tay, bắt đầu hểnh mũi lên với dàn giáo viên nữ đang xụi lơ trên ghế, trước tiên lựa ra một ly: "Xem nào, đây là phần trà bưởi mật ong của chị Tiểu Hồi nè."

Tôi nhận lấy, Lý Dũng Toàn cười ha ha, tôi cũng cố cười theo đuôi, nhưng lòng mãi còn vướng bận chuyện Chu Nhị Đình và người đàn ông trung niên nọ. Chu Nhị Đình mua tận hai ly, chọc hai cây ống hút vào mỗi phần, thay phiên thưởng thức một bên là trà sữa ô long, còn một bên khác là vị nho, chỉ mới uống một phần ba mỗi ly đã chạy như bay ra ngoài.

Buổi biểu diễn chính thức diễn ra vào sáng mồng một tháng sáu, khí trời nồng nực đến độ khuôn mặt mỗi người đã biến thành một mỏ dầu lớn. Thậm chí tình trạng của Lý Dũng Toàn còn tệ hơn nữa, cậu ta nheo mày đến co rúm lại, khổ sở xin một cô giáo cho cậu ta vài tờ giấy thấm dầu. Còn tụi nhỏ thì tụm lại thành đám nhao nhao ầm ĩ lên. Máy lạnh đã chạy hết công suất, nhưng bên ngoài thì vô cùng oi bức, cái nóng lạnh thất thường đan xen với nhau khiến ai nấy đều cảm thấy như sắp tan chảy cả ra.

Tôi sợ tụi nhỏ nôn nao, bồn chồn trước khi lên sân khấu, nên lén phát cho mỗi đứa một miếng bánh quy rau củ lót dạ. Nghệ Hàm không chịu ăn tí gì, hóp bụng lại để giữ dáng vóc đẹp đẽ, tôi vỗ nhẹ vào lưng cô bé, cái bụng nhỏ tròn vo của cô bé lập tức hiện ra trở lại — người ta không thể mong đợi những đường cong nảy nở quyến rũ, hoặc là đòi hỏi vẻ uyển chuyển tinh tế ở một đứa trẻ bốn tuổi rưỡi được, đó gọi là biến thái.

"Con đừng có hóp bụng lại nè, rất dễ bị đau sốc hông khi diễn kịch đấy."

Nghệ Hàm nghe mà rầu rĩ không vui, tôi dỗ dành rằng phần bánh quy để cho cô bé có hình cà rốt, thế là cô bé bị dụ dỗ ngay tức khắc, vui vẻ chạy vào cánh gà chờ lệnh từ Chu Nhị Đình. Chu Nhị Đình ló mặt sau khe hở nhìn lượng khán giả chật kín phòng: "Không đủ chỗ ngồi rồi, có bên mang cả gia đình tới luôn chị ơi."

Các bậc phụ huynh ngồi bên dưới lác đác có người mang khẩu trang, có người không mang, còn có người kéo khẩu trang lên tận cằm. Máy lạnh trong khán phòng đã giảm đến hết nấc nhưng vẫn không kham nổi đám người chen chúc như nêm, nhiệt độ trên mỗi người phả vào nhau.

Tôi khom lưng luồn qua phía dưới sân khấu, lách qua cánh gà, xuyên qua khán phòng như xe chỉ luồn kim, duy trì trật tự, cuối cùng cũng bước lên trước tấm màn sân khấu, cầm mi-crô báo rằng buổi biểu diễn sắp bắt đầu.

Bên dưới nổ ra tràng pháo tay vang dội, tôi cúi chào, tắt mi-crô và rút lui vào bên trong.

Vừa nãy trên sân khấu tôi thấy được Cam Linh đang ở trong khán phòng, nhưng hình như đã đến muộn nên chỉ đành đứng tít đằng sau. Cô ta vẫn mặc cái áo hoodie đen nóng như lò hấp kia, tóc tai lòa xòa trên bờ vai, đôi môi mím thật chặt. Nếu đây là một bộ phim điện ảnh thì cô ta là tên sát thủ đã chuẩn bị kĩ lưỡng, chỉ đang rình đúng thời cơ, vẻ mặt vô cùng lạnh lẽo.

Ánh đèn vụt tắt, bóng tối bao trùm khán phòng, sân khấu bừng sáng lên. Trong bức màn đen thẳm bên dưới, Cam Linh vẫn khoanh tay không nhúc nhích.

Bọn nhỏ trình diễn tiết mục, người lớn hào hứng tươi cười, nhiệt tình vỗ tay reo hò cổ vũ, không khí vui vẻ lan tràn khắp nơi, còn cánh giáo viên thở phào ra như vừa trút xong được gánh nặng.

Tôi đưa lại phần bánh quy còn thiếu cho Nghệ Hàm, vậy là trường Mầm non Ánh Sáng đã chính thức bước vào kì nghỉ.

Đợt nghỉ này bắt đầu từ Tết Thiếu nhi kéo dài đến Tết Đoan Ngọ, ngày sáu tháng sáu tôi sẽ trở lại lớp, nhưng khi đó nhóm lớp Lá sẽ có buổi tốt nghiệp, thế nên cùng lắm là tôi sẽ đến trường chỉ trong vài tuần ngắn ngủi.

Các bậc cha mẹ nắm tay mấy đứa nhỏ lần lượt ra về, đội ngũ ô tô, xe máy, xe đạp ùn ứ trước cửa dần tản đi, nhóm giáo viên bắt đầu công tác dọn dẹp sân khấu, cánh gà, gom tất cả đồ vật vào kho, chờ đến thứ hai hay thứ năm tuần sau lại tính tiếp.

Sau cuộc họp ngắn vào buổi chiều, dàn giáo viên cũng được thả tự do như đàn cừu được phóng thích ra đồng cỏ.

WeChat tôi hiện ra hai cái tin nhắn.

Cam Linh: Gửi cho tôi mấy tấm ảnh trong điện thoại cô đi.

Cam Linh: Của Ninh Ninh đó.

Tôi làm bộ không đọc được, đi mua đồ ăn rồi về nhà. Khi trở về, tôi từ từ trụng miến rồi bỏ vào tô, xắt thêm mấy lát ớt chỉ thiên và băm tỏi, đang lúc rưới nước tương lên thì WeChat báo có cuộc gọi đến.

Tôi đành đón lấy, bên kia đầu dây có tiếng Cam Linh vang lên: "Nhà trẻ nghỉ rồi phải không? Mấy ngày này cô có thể nhìn ảnh nhiều hơn không, tôi chụp nhiều quá rồi."


Buổi biểu diễn văn nghệ mùng một tháng sáu ở trường Ánh Sáng đã châm thêm thùng xăng vào ngọn lửa mong ngóng báo thù của Cam Linh, làm nó bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết.

Tôi trả lời, được.

Ăn xong món miến trộn thì tôi mới nhận ra mình sót mất đám dưa leo đã thái nhỏ trước đó, chỉ có thể gom chúng vào một cái chén và rưới lên miếng dầu dấm, chưa kịp nhấc đũa thì Cam Linh đã gõ cửa.

Cái hấp tấp của cô ta không viết ở trên mặt mà thể hiện qua hành động, cô ta nhanh gọn ném điện thoại lên sa lông: "Nhà trẻ nghỉ từ buổi chiều rồi, phải tranh thủ thời gian thôi."

"Cô ăn gì chưa?" Tôi đưa cái chén dưa leo sang, Cam Linh liếc qua rồi vươn tay đón lấy.

Cam Linh ăn đám dưa leo thái, tôi bật tivi, nó mới sáng lên thì Cam Linh đã buông cái chén xuống, đáy chén đã không còn miếng dưa leo nào.

"Ăn vậy ít quá, để tôi nấu thêm tô mì cho cô." Tôi bưng cái chén bước vào phòng bếp, bỏ thêm nước tương và hành thái vào lượng dầu dấm còn lại, dùng đầu đũa thử vị, rồi thả thêm nhúm tiêu sọ xay, nước cốt gà, và nửa muỗng mỡ heo.

Tôi càng kéo dài thời gian thì hình như Cam Linh càng nóng ruột cháy gan, tôi nghe được tiếng chân đi qua đi lại bên ngoài phòng khách, có vẻ cô ta đang căng thẳng gấp trăm lần so với trước đây.

Chiên xong cái trứng, tôi bắt đầu chuyển sang đun nước, trong quá trình này tôi vẫn luôn dõi theo Cam Linh, dường như cô ta đã đạt đến trạng thái lo âu tột độ, hiện tại đang ngồi trên sa lông, ngón tay luồn vào mái tóc, úp đôi bàn tay che đi đôi mắt, không động đậy gì một lúc lâu.

Cam Linh khẽ ngẩng đầu, màn hình tivi phản xạ hình ảnh tôi đang ngóng ra ngoài.

Hoàn toàn khác với những lần trước, Cam Linh chủ động lên tiếng: "Hôm nay tôi có đến trường Ánh Sáng xem buổi văn nghệ."

Tôi quay đầu lại nhìn nồi nước vẫn chưa sôi: "Ừm."

Cam Linh vẫn cúi đầu, đầu vai cao ngồng lên, cái đầu càng ngày càng vùi sâu xuống.

Tôi bốc nắm mì sợi ra khỏi bao, đáy nồi nước bắt đầu nổi bong bóng ùng ục.

"Con bé không có nhập học nghiêm túc vào trường mầm non... Bà nội nó nói đáng ra cứ cho vào thẳng tiểu học là được... Là tôi cứ ngoan cố đưa nó đến trường Cây Mận...."

Trịnh Ninh Ninh không thể biểu diễn tiết mục "Gieo mặt trời" kia.

Em có một ~ ước mơ tươi đẹp ~ là mai sau lớn lên... (3)

Cô bé đã chẳng thể nào lớn lên được nữa.

(3) Đây là câu mở đầu của bài hát "Gieo mặt trời" đã đề cập ở chương 3.

Nước sôi rồi, tôi thả nắm mì nằm xoài ra trong nồi, hơi nước bốc lên nghi ngút, tôi bật máy hút khói, không nghe được tiếng khóc của Cam Linh.

Một tô mì nóng hổi ra lò, trên mặt là cái trứng ốp la, bốn miếng thịt viên, mấy miếng rau xà lách, rưới thêm nước tương nên màu sắc lá rau chuyển sang đậm hơn, váng dầu và mấy miếng hành thái dập dềnh nổi trên mặt nước mì.

Tôi ngồi trong bếp bóc da trên ngón tay, khuôn mặt gợn lên những nét nhấp nhô như đá tảng trong tiếng khóc.

Bình Luận (0)
Comment