Mười một - Từ đâu đến
Người đầu tiên phát hiện ra sự bất thường của ta là Hồ Cảnh Viêm. Lúc đó, hắn ta đang ở một gian nghỉ mát không xa, chỉ đạo các cung nhân sắp xếp đồ dùng nghỉ ngơi. Với thính giác nhạy bén khác thường, hắn ta thoáng nghe thấy tiếng người phụ nhân kia, cảm thấy có điều không ổn nên vội vàng chạy đến.
Hồ Cảnh Viêm thấy ta lạnh đến mức mặt tái mét, người run rẩy. Rồi hắn ta phát hiện trong chớp mắt, bóng dáng người phụ nhân kia đã khuất xa, miệng lẩm bẩm: "Kỳ quái."
Tiểu Lỗ tướng quân cũng lao đến với vẻ mặt như phát hiện ra con mồi. Lúc đó, chàng đang bàn bạc với nhà bếp về việc cơm chay. Chuyến đi này, chàng có mang theo một ít rau quả tươi từ trang trại Lỗ gia nên đã tự mình hướng dẫn nhà chùa cách chế biến.
Chàng nghiêm túc hỏi nhà sư rằng người phụ nhân đó là ai? Nhà sư trả lời, vì biết khách quý sẽ đến từ trước nên họ đã thông báo cho du khách và khách hành hương hôm nay chùa đóng cửa không tiếp khách. Không biết người phụ nhân này đến từ đâu và đi đâu.
Mạnh Du Du và Nhị ca vội vã chạy đến với vẻ mặt lo lắng, vì ta vừa ngỏ ý muốn mang vài cây mẫu đơn về cung trồng, hai người họ đã đi hỏi xem việc này có khả thi không, họ chỉ vừa mới rời xa ta được một lúc mà thôi.
Nhị ca luống cuống tay chân, người vốn điềm tĩnh như huynh ấy cũng phải la lên về cung về cung. Còn ta bỗng dưng không biết lấy đâu ra sức mạnh mà lại lớn tiếng nói, không về, khó khăn lắm mới ra ngoài được, dù có yêu ma quỷ quái gì xuất hiện, ta cũng sẽ không về!
Tiểu Lỗ tướng quân thấy ta như vậy, hào khí nói: "Được, Lỗ mỗ sẽ theo sát Công chúa không rời nửa bước, hôm nay Công chúa cứ vui chơi thỏa thích ở đây, nếu còn có ma quỷ nào xuất hiện, nắm đấm của Lỗ mỗ không phải để trưng bày thôi đâu." Nói xong, chàng siết chặt nắm đấm khiến khớp tay kêu răng rắc.
Khí chất kiên cường và quyết tuyệt của vị thần chiến trường tỏa ra, mọi người lập tức cảm thấy bớt hoang mang, nhìn lên bầu trời với mặt trời chói chang, ai nấy cũng đều nghĩ, mặc kệ đi, binh đến tướng chặn nước đến đất ngăn, ma đến thì họ bắt ma thôi.
Hồ Cảnh Viêm không yên tâm, hắn ta cùng Mạnh Du Du dẫn người đi tuần tra trong chùa hết một lượt. Mạnh Du Du nói, dù là ma nữ hay yêu tinh, không chừng là sư trong chùa không giữ quy củ giấu mỹ nhân trong thiền phòng, nữ nhân tinh ý hơn nam nhân, nàng ấy sẽ đi theo Hồ Cảnh Viêm xem có manh mối gì không.
Nghe những lời này, sắc mặt của nhà sư bên cạnh trở nên tái mét như đất, kêu lên không thể nào.
Trong khi Hồ Cảnh Viêm và Mạnh Du Du lật tung chùa lên, ta đang ngồi trong đình thản nhiên uống trà, còn ăn bánh ngon lành, Tiểu Lỗ tướng quân nói với Nhị ca ta: "Nếu Công chúa là nam tử, có thể theo Lỗ mỗ vào quân ngũ. Khí phách này thật đáng khâm phục."
Trong lòng ta nghĩ, bất kể là ai từ khi mới sinh ra mà biết mình có thể gặp Diêm Vương bất cứ lúc nào, trải qua hơn mười năm rèn luyện, gan không lớn thì sống sao được.
Không lâu sau Hồ Cảnh Viêm và Mạnh Du Du lục lọi chùa xong, quả thật không có chuyện giấu mỹ nhân trong thiền phòng, họ thậm chí còn gõ cả tấm ván giường trong phòng trụ trì.
Tuy nhiên cả hai đã biết được rất nhiều chuyện, họ phát hiện trong vườn rau có mấy con chuột to, thân dài bằng mèo.
Hồ Cảnh Viêm nói, có thể đó là chuột thành tinh.
Hắn ta đang định dùng đá đập chết chúng, nhà sư hoảng hốt nói không được sát sinh trong chùa.
Mạnh Du Du sai người tìm một cái chum lớn, ném những con chuột to đó vào rồi đậy kín, sau đó nàng ấy nói với nhà sư rằng để chúng nó tự chết đói, không tính là sát sinh.
Khi họ kể lại những chuyện này cho ta nghe, ta cười đến nghẹt thở, cười đến đói bụng, đành phải ăn thêm một bát cơm chay.
Mười hai - Chùa Thanh Lương
Tuy ban ngày ta có thể làm như không có chuyện gì xảy ra cả, nhưng đến đêm, ác mộng vẫn ập đến. Trong mơ, người phụ nhân dùng bàn tay lạnh giá vu.ốt ve gương mặt ta, lẩm bẩm: "Ta thật sự không ngờ bản thân lại để ngươi sống đến nỗi lớn tới từng này rồi mà vẫn chưa giết ngươi."
Ta bật dậy, mồ hôi lạnh thấm ướt lưng áo.
Nguyệt Lang vội thắp đèn lên, nàng ấy vẫn luôn canh chừng ta. Ta vốn không mang nàng ấy theo cùng trong chuyến đi chơi sáng nay, vì vừa có được một loạt bản sao, nội dung tuy thú vị nhưng chữ viết hơi lộn xộn, thế nên ta đã nhờ Nguyệt Lang chép lại hết toàn bộ trong một lần.
Nghe nói ta gặp chút "chuyện quái dị" ở chùa, Nguyệt Lang rất tự trách. Ta an ủi nàng ấy, bảo rằng không có gì to tát cả, ta đã sống qua tuổi mười lăm, giờ còn phải tìm phò mã, trong mắt người khác thì có lẽ việc ta còn sống tới hiện tại đã là chuyện quái gở lắm rồi.
Không ngủ được nữa, ta đành nhờ Nguyệt Lang kể cho mình nghe nội dung của những bản sao kia. Nguyệt Lang nói không thể kể vào ban đêm, bởi vì đó toàn là những chuyện kỳ quái. Ta thấy chúng rất hay, đúng lúc hợp cảnh có thể lấy độc trị độc, nên cứ nghe những chuyện đó thôi.
Ta hỏi Nguyệt Lang: "Có chuyện nào kể về chùa Phổ Tế có ma không, ma nữ, hoặc là chuột tinh gì đó?"
Nguyệt Lang nói: "Chùa Phổ Tế có lịch sử lâu đời, từ thời Tiền Ngụy đã nổi tiếng về hương khói, những ngôi chùa được xây trong thành như thế này vốn là để thuận tiện cho các phu nhân, tiểu thư đến thắp hương, hiếm khi có tin đồn về ma quỷ. Trong bản sao có viết chùa Thanh Lương âm khí rất nặng, có tiếng ma khóc ban đêm."
Ngày hôm sau ta đã hăng hái kể chuyện này cho Hồ Cảnh Viêm nghe, muốn xem xem liệu hắn ta còn có biết tin đồn nào thêm mắm dặm muối về chuyện này nữa không.
Hắn ta vỗ đùi nói: "Hoàng phi Tống Tuyết Ngọc thời Tiền Ngụy đã âm thầm từ trần trong chùa Thanh Lương, tuy là nữ nhi của Thái Tổ, nhưng nàng ấy chưa từng được phong hiệu nào, nghe nói lúc chết oán khí rất nặng, chết không nhắm mắt, do đó nàng đã trở thành vong linh bị trói buộc ở nơi đây. Tĩnh An Công chúa của Thái Tông tu hành ở chùa Thanh Lương, mong phá giải lời nguyền, nhưng vẫn không thể sống quá hai mươi lăm tuổi, người ta đồn sau khi chết hồn phách của nàng không chịu rời đi, vẫn còn lảng vảng trong chùa, thường bay qua bay lại trong sân vào lúc nửa đêm."
Ta gật đầu, cảm giác lạnh lẽo u oán bao trùm cả người, hình ảnh mà ta đã nhìn thấy ở chùa Phổ Tế giống y như vậy thật. Nhưng ma nữ của chùa Thanh Lương đến chùa Phổ Tế làm gì chứ.
Hồ Cảnh Viêm bảo ta đừng vội, hắn ta sẽ đi điều tra giúp ta.
Tên này nói đi là đi luôn, khi trở về kể lại tỉ mỉ: "Ta đã cưỡi ngựa đến chùa Thanh Lương trước, ngôi chùa này đã khá hoang tàn rồi, giếng đổ tường xiêu, chỉ còn hai ba ni cô già nói là thời Cao Tông còn có chút hương khói, họ là đệ tử của vị trụ trì lúc đó, giờ ở lại chỉ để trông nom tháp và hài cốt của sư phụ. Vì ban đầu chùa này là nơi Tiền Ngụy thu nhận những phụ nhân không con trong thành, mà hiện nay triều đại Đại Ngu ta, phụ nhân không con có thể nhận con nuôi, còn trong triều đại Đại Ngu của chúng ta hiện nay, phụ nhân không con có thể nhận con nuôi, nên chẳng còn ai đến nơi này nữa."
Nói xong hắn ta uống một ngụm trà rồi tiếp tục thao thao bất tuyệt: "Ta lại hỏi trong chùa có chuyện ma quỷ gì không, các ni cô ấp úng, nói dù sao họ hiện đang ở trong một căn phòng ở tiền viện, sống nhờ vào chút đất ruộng của chùa. Những nơi khác trong chùa, nếu có thể không đến thì họ tuyệt đối sẽ không đến. Ta mạnh dạn đi xem khắp nơi trong đó, trời ơi, âm khí lạnh lẽo, bóng ma chập chờn. Vù một cái có bóng đen lướt qua trước mắt ta, nhìn kỹ thì thấy đó là một con mèo đen, mắt xanh lè, sáng rực luôn.”
Mạnh Du Du chen ngang: "Vậy ngươi có thấy nữ quỷ lạnh lùng không?"
Hồ Cảnh Viêm nói: "Không có, ta còn cố tình gọi to, Tống Tuyết Ngọc, Tống lão tiền bối có ở đây không? Nhưng không nghe ai đáp lại cả."
Ta cũng nói chen vào: "Đó là tổ tiên Tống gia của chúng ta, ngươi gọi Tống lão tiền bối, nghe không đúng chút nào."
Hồ Cảnh Viêm bất đắc dĩ nói: "Ta không biết gọi bà ấy là gì, gọi hoàng phi Tiền Ngụy cũng kỳ, gọi yêu nữ thì quá bất kính, nên mới gọi Tống lão tiền bối."
Mạnh Du Du nói: "Dù sao ngươi nói nhiều như vậy, ta cảm thấy cũng chẳng có gì hữu ích."
Hồ Cảnh Viêm nói: "Sao lại không có, các người đoán xem, vốn tưởng chùa Phổ Tế cách chùa Thanh Lương khá xa, ai ngờ hôm nay ta đi quanh hai nơi nghiền ngẫm một vòng mới phát hiện, thực ra hai ngôi chùa này ở rất gần nhau."
Mười ba - Cây cối rậm rạp
Để giải thích vì sao chùa Phổ Tế lại gần chùa Thanh Lương, Hồ Cảnh Viêm đã tốn rất nhiều công sức, lúc đầu chúng ta càng nghe càng cảm thấy mơ hồ.
Cuối cùng vẫn là Nhị ca ở bên cạnh đề nghị một câu, hay là vẽ bản đồ đi.
Hồ Cảnh Viêm vỗ đầu rồi vội vàng lấy một tờ giấy, loay hoay mãi, cuối cùng tuy bản vẽ xấu đến thảm hại, nhưng cũng giúp chúng ta hiểu được nó gần đến mức nào.
Nguyệt Lang từng nói rằng chùa Phổ Tế được xây dựng từ thời Tiền Ngụy trong thành để thuận tiện cho các phu nhân tiểu thư đi lễ Phật thắp hương. Bởi vì thời đó nam nhân quản giáo thê thiếp quá nghiêm ngặt, trong khi phụ nhân lại thường hay tin vào Phật pháp.
Vì thế chùa Phổ Tế quay mặt ra đường lớn, xung quanh có nhiều cửa hiệu san sát, là một nơi yên tĩnh giữa chốn náo nhiệt. Thông thường các phụ nhân ngồi xe ngựa nhà mình đi đến thẳng cổng chùa, nếu nam nhân muốn đi cùng cũng được, còn không thì họ có thể tìm trò tiêu khiển giết thời gian ở các cửa hiệu xung quanh lúc cảm thấy mất kiên nhẫn.
Chùa Thanh Lương chuyên thu nhận những phụ nhân không con trong thành, nên không thích hợp xây ngoài thành để tránh phụ nhân đi đường xa xảy ra sự cố mất trinh tiết, vì lẽ đó nó được xây ở nơi hoang vắng trong thành.
Xung quanh chùa toàn là cây cối um tùm, đều là những cây dương già mọc trên mộ, cây du cổ cong vẹo, gai góc, bụi rậm. Muốn đi đến chùa chỉ có một con đường nhỏ quanh co mà thôi.
Nhưng nhìn từ bản đồ của Hồ Cảnh Viêm thì chùa Thanh Lương và chùa Phổ Tế nằm quay lưng vào nhau, chỉ cách nhau một hàng cây rậm, hẹp.
Thực ra chùa Thanh Lương không cách xa phố chợ là mấy, chỉ vì xung quanh nó bị cây cối rậm rạp che khuất, có lẽ khi xây chùa người xây đã cố ý làm như vậy.
Hơn nữa khác với nhà dân, phía sau các cửa hiệu thường dùng để chứa hàng hóa, cửa hiệu lớn còn xây kho nên ít người qua lại. Và chùa Thanh Lương vừa hay được xây ở phía sau các cửa hiệu.
Do hương hỏa hưng thịnh nên tài sản của chùa Phổ Tế khá dồi dào, để phòng trộm, tường viện được xây rất cao, bên cạnh gần chùa Thanh Lương chính là vườn rau, khách thập phương thường không đến đó. Vì vậy từ trong chùa hoàn toàn không thấy được bất kỳ thứ gì của chùa Thanh Lương.
Hôm đó Hồ Cảnh Viêm dẫn Mạnh Du Du vào vườn rau chùa Phổ Tế bắt "chuột tinh", hắn ta còn cố tình nhảy lên đầu tường quan sát, bên ngoài tường cành lá dày đặc như bức bình phong, nhưng vẫn có thể mơ hồ thấy được vài bức tường và ngôi nhà cũ, chỉ có điều lúc đó hắn ta không để ý lắm.
Lần này đi thăm dò chùa Thanh Lương, Hồ Cảnh Viêm cảm thấy cây cối um tùm xung quanh chùa rất quen thuộc, hình như chúng có cùng loại với những cây cối bên ngoài tường chùa Phổ Tế.
Khi vào trong chùa nhìn ngó xung quanh, hắn ta càng thấy kiến trúc bên trong rất giống với những bức tường và nhà mà hắn ta đã thấy ngày hôm đó.
May thay nhờ trí nhớ tốt của Hồ Cảnh Viêm, không chỉ những thứ qua tai cậu sẽ không quên mà hắn ta cũng nhớ rõ những hình ảnh mình từng nhìn thấy.
Để kiểm chứng suy đoán của mình, hắn ta còn đích thân thử đi xuyên qua đám cây rậm rạp giữa chùa Phổ Tế và chùa Thanh Lương, làm rách tả tơi cả bộ y phục đẹp.
Tuy chịu khổ một chút nhưng chỉ trong chốc lát, Hồ Cảnh Viêm đã đến dưới tường chùa Phổ Tế, thi triển khinh công vào trong chùa, lấy trộm một củ cà rốt từ giỏ đựng rau trong vườn rồi đi.
Mười bốn - Chuyện xưa chùa Phổ Tế
Đang lúc chúng ta định khen ngợi sự gan dạ tỉ mỉ của Hồ Cảnh Viêm thì nghe tin hắn ta lấy trộm củ cà rốt trong chùa, khiến mọi người đều tỏ vẻ khinh thường.
Hắn ta không hề bận tâm, còn khen ngợi củ cà rốt rất tươi ngon.
Tuy nhiên việc điều tra đã đến giới hạn này, không tiện điều tra sâu hơn nữa. Hồ Cảnh Viêm phải bồi cho Nhị ca đọc sách, không thể cứ chạy ra ngoài mãi được.
Ta và Mạnh Du Du thì càng không thể tùy tiện ra ngoài đi lại.
Nhị ca nói có thể cho tùy tùng, thái giám đi điều tra, nhưng ta đã ngăn lại. Hoàng tử bản triều sau khi được tứ hôn thì có thể ra ngoài cung lập phủ làm quan, Nhị ca chưa được tứ hôn nên huynh ấy vẫn phải sống trong cung, muốn làm việc gì cũng không thuận tiện.
Lần này đi ra ngoài chơi gặp phải "chuyện tà ma", ta đã cố tình dặn dò cung nhân đi theo không được lan truyền tin này bậy bạ, may là số người đi cùng không nhiều, lúc đó ta còn cố ý chọn những người già thật thà kín miệng nên chuyện này chưa bị truyền ra ngoài.
Nghĩ đi nghĩ lại, Mạnh Du Du nói: "Tiểu Lỗ tướng quân đáng tin lắm, hay là nhờ tướng quân đi điều tra đi." Nhị ca lại khen nàng ấy có con mắt nhìn người.
Tuy Hồ Cảnh Viêm khịt mũi, nhưng cũng phải công nhận đây là ý kiến hay, hắn ta lại tự nguyện chủ động đi tìm Tiểu Lỗ tướng quân thương lượng. Ai ngờ sau khi thương lượng xong hắn ta mặt mày không vui, chúng ta hỏi có phải Tiểu Lỗ tướng quân không đồng ý hay không?
Hồ Cảnh Viêm tức giận nói: "Đồng ý ngay lập tức. Chỉ là sau khi nghe ta kể cách mình đã dùng để thăm dò chùa Thanh Lương và chùa Phổ Tế, hắn ta nói, Hồ lão đệ thân thủ linh hoạt, tai mắt thông minh, gan dạ tỉ mỉ, trí nhớ xuất chúng, nếu ở trong quân của hắn ta thì rất thích hợp làm trinh sát."
Quả thật có rất nhiều trinh sát giỏi dưới quyền Tiểu Lỗ tướng quân, không lâu sau bên chàng đã điều tra được một số thông tin. Ví dụ thời điểm Tống Tuyết Ngọc chết ở chùa Thanh Lương, tuy không thể xác định được, bởi lẽ có người nói nàng đã chết từ năm đầu tiên khi Đại Ngu lập quốc, có người nói là năm thứ hai lập quốc, lại có người nói là năm thứ ba.
Vào năm đầu tiên khi nước Đại Ngu thành lập, tại chùa Phổ Tế có một nhà sư hoàn tục. Chùa Phổ Tế được xây dựng trong thành, hương hỏa hưng thịnh, các tăng nhân trong chùa sống khá sung túc nên rất ít người hoàn tục.
Khi đó, có một tăng nhân thường ngày ghi chép những điều tâm đắc khi học Phật cùng những chuyện thú vị xảy ra trong chùa. Sau khi viên tịch, theo lẽ những ghi chép này phải được chôn cùng tháp xá lợi, nhưng vì văn chương khá hay và những tâm đắc học Phật trong đó cũng khá chân thành, trụ trì thấy đốt đi quá uổng phí nên đã giữ lại.
Trong đó còn cố tình ghi lại việc hoàn tục này và nói vị tăng hoàn tục không biết lai lịch thế nào, sau khi hoàn tục chỉ để lại một bát tử kim và một bộ mộc ngư bằng gỗ kim tơ nam. Vị tăng viết tâm đắc từ đó cảm thán, học Phật quý ở lòng thành, chứ không phải ở pháp khí hoa lệ tinh xảo.
Quan trọng nhất là trong đó còn ghi lại, vị tăng hoàn tục học Phật không thấy nhiệt thành, nhưng rất giỏi trồng và hái thược dược để cúng Phật.
Mười lăm - Ta muốn đến chùa Thanh Lương xem xem
Mặc dù Thái Tổ Tống Tường Dận chuẩn bị khởi sự khá kỹ lưỡng, nhưng ít nhiều gì vẫn có những nguy hiểm, thế lực của ông ăn sâu trong kinh thành, còn các tướng lĩnh đóng quân ở nơi khác chỉ lôi kéo được một hai người, nếu có người giương cao ngọn cờ thanh quân tiện kéo đại quân vào kinh, e rằng ông sẽ không thể thành công.
Sau khi sự việc diễn ra thuận buồm xuôi gió, do hai, ba đời Hoàng đế ở cuối triều Tiền Ngụy đều khá nhu nhược, không có nhiều thành tựu trong lĩnh vực quân chinh, việc quân vụ các nơi khá lơi lỏng, chểnh mảng, nhiều tướng lĩnh địa phương đều thuận theo thời thế mà đổi triều thay đại.
Tuy đến lúc hoàn toàn lập quốc có người đã đề xuất dời đô, nhưng sau khi cân nhắc thấu đáo, Thái Tổ vẫn quyết định tiếp tục sử dụng kinh đô cũ.
Một là kinh thành đã hoàn toàn nằm trong tay ông, hai là do vấn đề dân số suy giảm nghiêm trọng của triều Tiền Ngụy, bây giờ huy động dân phu xây dựng quy mô lớn sẽ khá khó khăn.
Đối với bách tính, đây là cuộc thay đổi triều đại ít đổ máu và ít gây khổ cực nhất, chính vì thế họ vô cùng cảm kích triều Đại Ngu.
Các di tích cũ trong kinh thành vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, nhiều dinh thự chỉ đơn thuần là người của triều mới thay thế người của triều cũ.
Tuy nhiên một số nơi cũng có sự đổi mới, nhiều công trình kiến trúc bên ngoài đã có những thay đổi lớn, còn trang phục và diện mạo của con người thì đã hoàn toàn đổi khác từ lâu.
Chùa Phổ Tế cũng đã được tu sửa lại.
Chỉ có chùa Thanh Lương, như một bóng ma của triều trước, vẫn tồn tại một cách lặng lẽ và không hòa hợp giữa một vùng gấm vóc.
Trong cõi mơ hồ, ta luôn cảm thấy chùa Thanh Lương và lời nguyền của triều trước là hai thứ không thể tách rời, như một vết thương cũ không thể xóa nhòa, khiến người ta đau đớn âm ỉ.
Ta khao khát được đến chùa Thanh Lương một lần.
Tất nhiên ý tưởng này đều bị mọi người nhất trí phản đối, nhưng nó đã trở thành một nỗi đau trong lòng ta.
Trong giấc mơ, dần dà ta bắt đầu nghe thấy tiếng quỷ khóc từ chùa Thanh Lương, những tiếng than khóc yếu ớt và tuyệt vọng ấy khiến ta liên tục giật mình tỉnh giấc, toàn thân đẫm mồ hôi lạnh, lần nào cũng vậy.
Chuyện này khiến mọi người day dứt tự trách, Nguyệt Lang muốn đốt đi phần truyện nói về chùa Thanh Lương trong quyển sách chuyên chép chuyện quái dị kia, may mà ta đã ngăn lại được.
Thậm chí Tiểu Lỗ tướng quân còn muốn tự xin chịu đánh năm mươi trượng. Ta hoảng sợ vội truyền tin cho chàng rằng, có thời gian chịu đánh chi bằng lấy nhiều đồ ngon từ trang trại Lỗ gia đến cho ta, đồ ăn do nhà chàng làm thực sự rất ngon.
Cuối cùng vẫn là Nhị ca nghĩ ra một mưu kế táo bạo, mượn cớ mua chuộc Khâm Thiên Giám tâu lên phụ hoàng, nói có hung tinh nguy hại chủ, chủ này chính là Công chúa đương triều, hung tinh hạ giới giáng xuống một nơi trong kinh thành.
Nơi đó, đương nhiên chính là chùa Thanh Lương.
Không bao lâu sau, đã có người tới lập đàn làm phép trong chùa Thanh Lương, ngôi chùa đổ nát trở nên vô cùng náo nhiệt. Sau đó, Khâm Thiên Giám lại tâu lên rằng nhất định phải có Công chúa đích thân đến nơi hung tinh giáng thế, để đại thiên sư và cao tăng tụng kinh chúc phúc, mới có thể giải trừ hoàn toàn tai ách.
Thế là trong tiếng tụng niệm ồn ào của Phật giáo và Đạo giáo, ta mặc tang phục đến chùa Thanh Lương.
Trong chùa tuy đã được dọn dẹp, âm khí phần nhiều đã tiêu tan từ lâu, song tất cả các căn phòng vẫn toát lên vẻ hoang tàn, điêu linh.
Ta đến căn phòng mà theo truyền thuyết gọi là nơi Tĩnh An Công chúa tu hành khổ hạnh, nhìn qua khung cửa sổ, những tán cây rậm rạp đang lay động trong gió, ta không kìm được dòng lệ.