Công Chúa Không Dễ Dàng: Tương Ly Thảo

Chương 4

Mười sáu - Tĩnh An Công chúa và mẫu thân

So với yêu nữ Tống Tuyết Ngọc nổi tiếng, dường như mọi người không mấy quan tâm đến Tĩnh An Công chúa, một người mang số phận đau khổ. Nàng ấy chỉ là một bằng chứng cho sự tồn tại của lời nguyền, xuất hiện trong cô đơn và ra đi trong lặng lẽ.

Ta nghĩ so với Tĩnh An Công chúa, ta may mắn biết bao nhiêu, dù cho một ngày nào đó ta có chết vì lời nguyền thì bản thân vẫn có một cuộc đời được người người yêu thương.

Sau khi về cung, ta để tâm đến chuyện của Tĩnh An Công chúa, có lẽ vì căn phòng nơi nàng tu hành khổ hạnh trong chùa quá hoang vắng, lạnh lẽo, khiến ta cảm thấy đồng cảm, nên mới cố tình muốn biết rốt cuộc cuộc đời của nàng như thế nào, có tồn tại bất kỳ màu sắc gì trong thế giới quanh mình hay không.

Kỳ lạ là, trong hồ sơ cung đình không có nhiều ghi chép, ta phải nhờ Nhị ca tra cứu giúp mình, nhưng chỉ có một câu -

Tĩnh An Công chúa, sinh năm Khang Bình thứ hai bởi Thái nữ Tiết thị, nàng vào chùa Thanh Lương tu hành vào năm Khang Bình thứ bảy, băng hà năm Khang Bình hai mươi bảy.

Khang Bình, là niên hiệu thời Thái Tông.

Về mẫu thân của nàng cũng chỉ có một câu -

Thái nữ Tiết thị, sinh Tĩnh An Công chúa vào năm Khang Bình thứ hai. Năm sinh và năm mất của bà đều không được ghi chép rõ ràng.

Chưa từng nghĩ cuộc đời một con người lại có thể đơn giản đến thế, tới hay đi đều âm thầm, không để lại dấu vết nào cả.

Thái nữ là phi tần có vị phận thấp nhất trong hậu cung của triều Đại Ngu, thông thường sau khi sinh con thì họ sẽ được thăng vị phận hoặc được ban thưởng.

Nhưng hình như sau khi sinh Tĩnh An Công chúa, Tiết thái nữ này đã sống một cuộc đời lặng lẽ vô danh trong cung, như không còn tồn tại nữa vậy.

Những lúc thế này phải hỏi đến Hồ Cảnh Viêm thông thạo mọi chuyện, hắn ta gãi đầu suy nghĩ một lúc rồi nói: "Thiệt tình, tại sao trông như chưa từng có ai nhắc đến sinh mẫu của Tĩnh An Công chúa thế nhỉ, càng không có ghi chép lại gì cả. Thái Tông với Lương Hoàng hậu tình nghĩa sâu đậm, tình cảm rất tốt, sau này Thái tông còn khá sủng ái Tề Hiền phi, cuối đời có một Ngô Tài nhân được trọng dụng vì âm luật, sau đấy không nghe nói có thêm ai khác đắc sủng nữa. Thái Tông chuyên tâm trị nước, ngày đêm lo lắng việc dân nên không ham mê nữ sắc cho lắm."

Danh sách hậu phi thời Thái Tông tổng cộng có mười bốn người, số lượng quả thực không nhiều, Tiết thái nữ được xếp cuối cùng, tiểu sử chỉ có mười tám chữ.

Đột nhiên ta phát hiện xung quanh chùa Thanh Lương luôn có những điều kỳ lạ không thể nói rõ ràng, như Tiết thị này, bà ta đã vào cung bằng cách gì, mất khi nào, sau khi Tĩnh An Công chúa đi tu hành khổ hạnh thì bà ta đã sống ra sao, tất cả nghi vấn này đều không thể được giải đáp.

Nhị ca nói, còn có Thung Sử.

Thung Sử là sách ghi chép về tình hình sủng ái trong hậu cung. Tuy nhiên, sau khi mỗi đời Hoàng đế băng hà, Thung Sử đều được niêm phong lại. Nếu không phải là tình huống cực kỳ khẩn cấp, tuyệt đối không được mở ra.

Không còn cách nào khác lại phải nhờ đến hung tinh, ta nói với phụ hoàng mẫu hậu rằng Tĩnh An Công chúa báo mộng cho mình, nói hung tinh giáng xuống chùa Thanh Lương đã làm ô uế nơi Tĩnh An Công chúa từng tu hành khổ hạnh, khiến nàng ở dưới suối vàng không được yên thân. Hy vọng vào ngày sinh thần của nàng cao tăng có thể đến đó tụng kinh một ngày.

Do trong ghi chép chỉ viết Tĩnh An Công chúa sinh năm Khang Bình thứ hai, không có ngày sinh cụ thể, nên chỉ có thể mở Thung Sử để tra cứu.

Tuy nhiên, trong Thung Sử không hề có ghi chép nào về việc Tiết thái nữ được sủng ái.

Mười bảy - Bí ẩn về Tiết thị

Thái giám Chưởng sử ty giải thích rằng, điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả, chế độ hậu cung ở đầu thời Thái Tông chưa hoàn thiện, có thể Tiết thái nữ chỉ là một cung nữ làm việc tay chân, xuất thân thực sự quá thấp kém, được Thái Tông tình cờ thị tẩm rồi không ngờ lại có thai, có khi sau đấy chuyện này bị quên bổ sung vào Thung Sử cũng không chừng.

Còn về việc tại sao ngày sinh của Công chúa không được ghi chép lại, thì có thể là do bát tự không tốt, thêm vào đó có truyền thuyết về lời nguyền liên quan tới Công chúa nên đã được ẩn đi.

Phụ hoàng và mẫu hậu rất lo lắng, không biết phải làm sao để tụng kinh cho Tĩnh An Công chúa, nếu như nàng lại quay về báo mộng khiến ta hoảng sợ thì sao. Đúng lúc này Nhị ca bèn đề xuất: "Có thể tụng kinh vào ngày Trung Nguyên."

Thế là chuyện báo mộng kết thúc, các đạo tràng ở chùa Thanh Lương đều được hoàn thành.

Sau đấy còn có người ở bộ Lễ tâu xin, sao không dọn sạch cây cối um tùm xung quanh chùa Thanh Lương, trồng hoa thơm cây đẹp, xây dựng lại kiến trúc trong chùa, khôi phục lại mục đích lễ Phật tu hành ban đầu, đổi tên chùa Thanh Lương thành chùa Sùng Phúc.

Bấy giờ nhiều người mới như vừa tỉnh mộng vậy, họ đều đồng loạt tán thành, thay vì giữ lại một nơi u ám như vậy, sao không phá đi xây lại.

Dường như mọi việc đều viên mãn, chỉ có ta không thấy thỏa mãn, trong đầu vẫn nghĩ về những bí ẩn liên quan đến Tiết thị.

Lẽ nào bà ta thực sự chỉ là một nữ tử có xuất thân thấp kém trong hậu cung, tình cờ được sủng ái rồi lập tức bị chán ghét thôi sao?

Ta nghĩ đến đau đầu, để Nguyệt Lang giúp mình xoa bóp, bấy giờ ta phàn nàn với Mạnh Du Du: "Dù sao bà ta đường đường cũng là sinh mẫu của một Công chúa, có việc gì mà Thung Sử phải để sinh tử bà ta không rõ như vậy chứ."

Mạnh Du Du sáng mắt lên: "Chết, đúng rồi, lăng tần, bất kể vị phận như thế nào, chỉ cần có vị phận và được sủng ái thì đều phải được chôn vào lăng tần."

Những phi tần được chôn trong lăng tần đều có một tấm bia mộ nhỏ, trên đó ghi năm sinh năm mất và khi nào được chôn cất.

Vì vậy nếu tìm được bia mộ của Tiết thái nữ, dù vẫn không rõ sinh tử, ít nhất cũng có thể biết bà ta được an táng khi nào.

Việc thám thính lăng tần vào ban đêm không hề khó khăn. Người quản lý lăng tần là một lão thái giám từ trong cung đi ra, không có nhiều thú vui, chỉ thích uống rượu và thường xuyên say xỉn. Người quản sự lăng Hoàng đế cũng chẳng buồn để ý, bởi những người được sủng ái đều đã được chôn cất trong lăng Hoàng đế, còn những phụ nhân được chôn ở lăng tần đều không có gì đáng quan tâm.

Chỉ cần cho thêm chút thuốc vào rượu, lão thái giám sẽ mê man bất tỉnh, sau đó có thể đi thám thính một phen.

Không cần phải nói, muốn làm việc này thì vẫn cần dựa vào những trinh sát giỏi dưới quyền Tiểu Lỗ tướng quân.

Kết quả thám thính cho thấy, trong lăng tần không hề có mộ của Tiết thái nữ. Tuy nhiên, có một tấm bia mộ vô danh được dựng lên, trên đó chỉ ghi rằng người này mất vào năm Khang Bình thứ hai, cùng với hình khắc những bông thược dược lớn.

Mười tám - Sóng gió Mạnh gia

Trong lúc chúng ta đang vắt óc suy nghĩ về những bí ẩn này thì Mạnh gia xảy ra một chuyện vừa đáng cười vừa đáng thương.

Tiểu đệ Mạnh gia có tên họ đàng hoàng, gọi là Mạnh Kỳ Hiền, thế nhưng tính tình của hắn chẳng có chỗ nào hiền cả, là kẻ khác biệt trong Mạnh gia. Vì sợ bị ta chú ý rồi chọn làm phò mã nên hắn đã gấp rút thành thân, cưới phải một thê tử xấu xí.

Vốn trước khi thành thân đệ đệ này đã không ra gì, thường thích đến lầu Bất Như Vi Xướng, bây giờ hắn càng như muốn ở luôn trong đó. Gần đây, hắn đang tuyệt thực vì một cô nương trong kỹ viện.

Người nhà thay phiên nhau khuyên nhủ nhưng hắn đều không nghe, phụ thân Mạnh tướng không còn cách nào, đành để Mạnh Du Du đối phó với đứa con bất hiếu này.

Thật ra Mạnh Kỳ Hiền là đệ đệ cùng phụ thân khác mẫu thân của Mạnh Du Du, tuổi tác hai người cách nhau không nhiều, chỉ vì mẫu thân hắn mất sớm nên được nuôi dưỡng bên cạnh kế mẫu, cũng tính như nửa người con đích trưởng tử, đáng tiếc có dạy thế nào thì hắn vẫn không thành tài.

Thực ra hắn không làm.chuyện gì vô lý hay vô độ, chỉ có điều hắn ham mê nữ sắc đến mức không thể cứu chữa được.

Đại Ngu chuộng phong nhã, các kỹ viện đều thích tự xưng mình là thi viện văn quán, lầu Bất Như Vi Xướng nổi tiếng thật đấy, nhưng trong giới văn nhân, ai đến những nơi như thế thì đừng nên khoe khoang ra ngoài.

Nhưng vị đệ đệ Mạnh Kỳ Hiền này lại thích nơi đó, hắn không những không thấy xấu hổ mà còn lấy làm tự hào.

Cũng không biết khi Mạnh Du Du về nhà đã khuyên răn như thế nào, Hồ Cảnh Viêm nói, chắc chắn Mạnh tướng hy vọng Mạnh Du Du có thể dùng lời nói dứt khoát làm nghẹn chết đệ đệ của mình, như vậy là xong chuyện.

Ai ngờ vài ngày sau, Mạnh Du Du vội vã vào cung với vẻ mặt kỳ lạ, nói ra một tin khiến mọi người há hốc mồm kinh ngạc.

Mạnh Du Du kể lại rằng, sau khi nàng ấy trở về nhà không đi gặp Mạnh Kỳ Hiền, mà đi bàn bạc với phụ thân, nàng ấy nói nếu hắn đã là một đệ đệ, không thể trông cậy được việc làm rạng rỡ tổ tông, vậy chi bằng để hắn chết đói cũng được.

Mạnh tướng rơi lệ già nói, người làm phụ thân không được quyết đoán như Du Du.

Mạnh Du Du nói, nếu ông không đành lòng, thì đành thuận theo ý đệ đệ chuộc nữ nhân kia về, không cho nàng ta vào nội trạch, chỉ để nàng ta làm thiếp bên ngoài. Nhưng phải phái nữ tỳ thân tín trông nom, đồng thời chỉ đạo nữ nhân đó, có thể dùng đủ mọi thủ đoạn để thu phục Mạnh Kỳ Hiền, miễn là có thể giữ chặt trái tim của hắn, chỉ cần khiến hắn đóng cửa lại nghịch ngợm bên cạnh một mình nàng ta là được.

Mạnh Du Du còn nói tiếp, đây là hạ sách trong hạ sách, nhưng đến nước này rồi cũng không còn cách nào khác nữa. Ban đầu Mạnh tướng cũng quá tin tưởng bằng hữu cũ của mình, ông thông cảm cho nữ nhi nhà người ta ngượng ngùng không muốn gặp người, nên chỉ dựa vào bức họa để định thân, ai ngờ nhan sắc của người thật và trong tranh chênh lệch quá lớn. Giờ đây phu thê Mạnh Kỳ Hiền như nước với lửa, dùng một người thiếp bên ngoài có xuất thân như vậy để an ủi đệ đệ, hòng khiến nó đừng gây rối bên ngoài làm tổn hại danh tiếng gia tộc gì thêm cũng là một biện pháp tạm thời.

Mạnh tướng bất đắc dĩ đồng ý đề xuất của Mạnh Du Du. Mạnh Kỳ Hiền lập tức trở nên vui vẻ hẳn lên, hắn lên xe ngựa chạy thẳng đến lầu Bất Như Vi Xướng.

Thế nhưng một lúc sau hắn đã khóc lóc trở về, rồi bắt đầu không ăn không uống như cũ, người nhà hỏi thế nào cũng không nói. Mạnh Du Du hết cách rồi, nàng ấy bèn cong chân đá văng cửa phòng, túm lấy tai Mạnh Kỳ Hiền, đe dọa rằng nếu hắn còn làm loạn thì nàng ấy sẽ ném hắn đến chỗ Tiểu Lỗ tướng quân hòng rèn luyện.

Mạnh Kỳ Hiền nức nở nói: "Đệ nói với Mị Nhi là đệ muốn chuộc thân cho nàng ấy, ai ngờ nàng ấy lại không chịu. Đệ đã khẩn cầu, cầu xin, van nài mãi, nhưng nàng ấy vẫn không để ý đến đệ, còn vừa uống rượu vừa cười nhạo đệ."

Mạnh Du Du gật đầu: "Nhìn bộ dạng này của đệ mà không cười nhạo thì tổ ngứa miệng dữ lắm, sau đó nàng ấy nói gì nữa?"

"Nàng ấy nói, đi theo đệ, không bằng làm kỹ nữ, nàng ấy cũng muốn học theo Tiết Thược Dược. Bấy giờ có một tỷ tỷ đến tát nàng ấy một bạt tai, nàng ấy không nói thêm gì nữa."

Mười chín - Tiết Thược Dược

Nghe đến ba chữ 'Tiết Thược Dược', tất cả mọi người đều tròn mắt, như thể ba chữ này chính là chìa khóa giải mã mọi bí ẩn.

Ai là Tiết Thược Dược. Mạnh Du Du kể rằng, lúc đó nàng ấy túm cổ áo Mạnh Kỳ Hiền hỏi câu này, khiến hắn sợ run như cầy sấy.

Hắn run rẩy hồi lâu mới nói: "Đệ, đệ, đệ đệ đệ cũng không biết, lúc đó đệ chỉ lo khóc thôi, chắc là tỷ muội trong kỹ viện của họ chẳng hạn, nhưng đệ đã đi lại nơi đó suốt hai năm nay mà chưa từng nghe nói về người này."

Mạnh Du Du tức giận ném đệ đệ xuống đất, rồi bảo hắn nhất định phải đến lầu Bất Như Vi Xướng thêm một lần nữa. Lần này tuyệt đối không được khóc, phải nói những lời ngọt ngào, dù Mị Nhi có không đồng ý thì cũng phải dỗ dành nàng ta.

Nhất định phải hỏi cho ra vị Tiết Thược Dược này là ai.

Nếu không hỏi ra, thì nàng ấy sẽ phải bàn với Mạnh tướng, đưa hắn đến chỗ Tiểu Lỗ tướng quân nhằm rèn thân luyện thể!

Mạnh Kỳ Hiền lập tức nhảy bật dậy, hắn vội vàng lên xe ngựa đi thẳng đến lầu Bất Như Vi Xướng. Tuy nhiên khi đến nơi, tú bà trong lầu cho biết Mị Nhi, tên thật là Từ Bách Mị, đã bỏ trốn theo người khác rồi...

Mạnh Kỳ Hiền ủ rũ trở về, không phải vì đau lòng vì tình nhân bỏ rơi mình, mà là vì hắn sợ phải đối mặt với Tiểu Lỗ tướng quân.

Nghe câu chuyện của Mạnh Kỳ Hiền, Mạnh Du Du cảm thấy có gì đó kỳ lạ. Từ Bách Mị sớm không trốn, muộn không trốn, lại chọn đúng thời điểm này để bỏ đi, quá trùng hợp.

Sau một hồi trầm ngâm, Hồ Cảnh Viêm nói: "Từ Bách Mị này muốn học theo Tiết Thược Dược nên không chịu chuộc thân, chẳng lẽ cô ta chính là kỹ nữ nổi tiếng trong truyền thuyết, người đã chết vì không chịu chuộc thân sao?"

Mọi người đều thấy có lý, nhưng Tiết Thược Dược và Tiết thị có liên quan gì? Một người là kỹ nữ thời Tiền Ngụy, một người là cung nữ thời Thái Tông của triều đại hiện tại, khoảng cách giữa họ quá xa, hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.

Liệu Tiết Thược Dược và các tăng nhân ở chùa Phổ Tế có dính líu gì đến nhau không? Nếu có, mối liên hệ giữa họ là gì?

Kế sách hiện tại là phải thâm nhập điều tra lầu Bất Như Vi Xướng, tuy nhiên việc này khó như lên trời.

Hồ Cảnh Viêm, tuy suốt ngày nói nhiều là vậy, nhưng thực ra hắn ta chưa từng đặt chân đến những nơi như thế này.

Nhị ca của ta, tuy thích nghe những chuyện không đứng đắn, nhưng thực sự không dám nhìn.

Cuối cùng, vẫn phải nhờ đến trinh sát của Tiểu Lỗ tướng quân.

Tiểu Lỗ tướng quân gửi thư cho ta, viết rằng: [Việc Công chúa điều tra, từ chùa chiền đến nghĩa trang, giờ lại phải đến kỹ viện! Tuy Lỗ mỗ từng xông pha chiến trận, gặp không biết bao nhiêu hiểm nguy, nhưng chưa từng thấy ai trải qua những chuyện kỳ lạ như Công chúa, thật đáng khâm phục. Lỗ mỗ nguyện vì Công chúa mà hy sinh.]

Ôi, sao lại rơi vào những chuyện kỳ quái thế này...

Hai mươi - Cách nhau một bức tường

Lần này những người được Tiểu Lỗ tướng quân cử đi thám thính lầu Bất Như Vi Xướng không thu được kết quả gì. Họ nói các cô nương trong lầu vừa quyến rũ vừa xảo quyệt, còn khó đối phó hơn cả kẻ thù khó nhằn nhất, chi tiết cụ thể thế nào thì họ không chịu nói.

Tuy nhiên, nhờ Tiểu Lỗ tướng quân từng khen ngợi Hồ Cảnh Viêm, nên những trinh sát có khinh công khá giỏi đã thử leo lên chỗ cao để quan sát địa hình và đưa ra một kết luận:

Lầu Bất Như Vi Xướng cách chùa Thanh Lương khá gần.

Để dễ hiểu hơn, Tiểu Lỗ tướng quân đã thêm vị trí của lầu Bất Như Vi Xướng vào bản đồ mà Hồ Cảnh Viêm vẽ.

Nhìn vào là hiểu ngay.


Thời Tiền Ngụy, để ngăn chặn cái gọi là "vui chơi trụy lạc làm loạn tâm trí", những nơi thanh lâu ngõ liễu đều được bao quanh bởi những bức tường cao, trên con đường chính dẫn đến khu vực này có một cổng lớn để tiện kiểm soát. Thực tế, cổng này quanh năm mở toang, chẳng khác nào hữu danh vô thực.

Sau khi Đại Ngu lập quốc, vì việc phá dỡ quá phiền phức nên những bức tường cao vẫn được giữ nguyên cho đến tận bây giờ.

Tuy nhiên điều này dẫn đến việc chỉ có một con đường duy nhất dẫn vào khu phố hoa ngõ liễu, song song với con đường trước cổng chùa Phổ Tế, giữa hai con đường không có lối đi thông nhau đều bị tường cao ngăn cách.

Bình thường hoàn toàn không có đường đi từ chùa Thanh Lương đến lầu Bất Như Vi Xướng.

Phía sau lầu Bất Như Vi Xướng còn trồng những cây ngô đồng cao lớn, càng che khuất tầm nhìn.

Thêm vào đó, để tạo bầu không khí, khu phố hoa ngõ liễu có trồng đầy hoa cỏ, khiến người đến đây càng thêm hoa mắt, mê mẩn.

Tóm lại, không ai nghĩ rằng nếu có đường thẳng, có lẽ từ chùa Thanh Lương đến lầu Bất Như Vi Xướng chỉ mất chưa đến thời gian uống một chén trà.

Ta hỏi Mạnh Du Du, lẽ nào trong suốt thời gian dài như vậy mà không ai phát hiện ra chùa Thanh Lương cô quạnh, lạnh lẽo lại được xây dựng giữa một khu vực phồn hoa náo nhiệt như thế ư?

Mạnh Du Du trả lời ta, dù phát hiện ra cũng không ai dám nói.

Chùa Phổ Tế hương khói đông đúc sẽ không nhắc đến việc phía sau mình có một chùa Thanh Lương, các cửa hiệu xung quanh cũng tránh không bàn đến chuyện này.

Vào những đêm kỹ viện đông vui nhất, các tăng nhân trong chùa Thanh Lương đã lui vào thiền phòng vắng lặng phía sau, lẩm nhẩm tụng kinh trước tượng Phật dưới ánh đèn leo lét. Làm sao những người trên lầu cao hoan lạc kia có thể để ý đến góc tối tăm cô quạnh này?

Việc giấu chùa Thanh Lương ở giữa một nơi phồn hoa náo nhiệt là một sự độc ác có chủ ý. 

 
Bình Luận (0)
Comment