Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 15

Tôi về quê vào tháng Sáu.

Tôi bịa ra lý do để xin nghỉ ba ngày và bắt chuyến tàu siêu tốc sớm thứ Ba. Áo thể thao ngắn tay màu trắng, quần cotton xanh lá cây đã sờn nơi đầu gối, giày thể thao trắng, không hành lý. Tôi thậm chí quên cả cạo râu sau khi thức dậy sáng hôm ấy. Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm tôi đi giày thể thao và gót giày mòn vẹt do bị uốn cong. Tôi hẳn đã luôn đi lệch trọng tâm mà không hề hay biết.

Đi một chuyến tàu xa không mang theo hành lý cho tôi một cảm giác vui vẻ. Như thể trong khi đi tản bộ thư giãn, tôi bỗng nhiên như một chiếc máy bay ném bom bổ nhào bị mắc vào trạng thái sai lệch không gian-thời gian. Ở đó không có gì hết: không cuộc hẹn với nha sĩ, không vấn đề tồn đọng trong ngăn bàn, không quan hệ con người phức tạp không thể thoát ra, không yêu cầu nhờ vả. Tôi đã để thứ đó lại phía sau, một cách tạm thời. Tất cả những gì tôi có là giày thể thao với gót cao su vẹo vọ không ra hình thù gì. Chúng bám chặt vào chân tôi như những kỷ niệm mơ hồ của một không gian-thời gian khác. Nhưng điều đó hầu như không quan trọng. Một lon bia và bánh mì kẹp thịt xông khói khô như ngói có thể làm tôi gạt bất kỳ chuyện gì ra khỏi tâm trí.

Đã bốn năm rồi. Bốn năm trước, tôi về thăm nhà là để giải quyết giấy tờ liên quan đến hộ khẩu khi tôi kết hôn. Nghĩ lại mới thấy thật là một chuyến đi vô nghĩa! Dù ai khác có nghĩ thế nào thì tất cả chỉ là chuyện giấy tờ. Rốt cuộc cũng chỉ là thế mà thôi. Những gì là kết thúc với người này lại không phải đã chấm hết với người kia. Đơn giản vậy đấy. Sau đó, con đường lại rẽ làm hai nhánh khác nhau.

Từ điểm đó trở đi, tôi không còn quê hương nữa. Không có nơi đâu để trở về. Thật nhẹ cả người! Không ai muốn tôi, không ai muốn gì ở tôi.

Tôi làm một lon bia nữa và tranh thủ chợp mắt ba mươi phút. Khi tôi thức dậy, cái cảm giác nhẹ nhõm vô tư lúc đầu tan biến. Tàu vẫn chạy, và trong lúc đó, bầu trời trở nên xám xịt. Dưới bầu trời ấy trải dài một khung cảnh nhàm chán đơn điệu. Cho dù chúng ta có tăng tốc độ lên bao nhiêu, sự đơn điệu vẫn không trốn đi đâu được. Ngược lại, tốc độ càng tăng, càng tiến gần đến sự đơn điệu. Đó, bản chất của sự đơn điệu là thế đó.

Ngồi cạnh tôi là một tay doanh nhân trạc hai nhăm hai sáu tuổi, mê mải đọc báo, hầu như không động đậy trong ngần ấy thời gian. Com lê mùa hè màu xanh nước biển, không một vết nhăn. Áo sơ mi trắng hồ cứng, vừa lấy từ tiệm giặt là về. Giày đen bóng lộn.

Tôi ngước nhìn trần toa tàu và hút một điếu thuốc. Tôi nhẩm liệt kê trong đầu tất cả các bài hát của Beatles đã từng ghi âm. Đến bảy mươi ba tựa đề thì tôi không còn nghĩ thêm được gì nữa. Tôi tự hỏi liệu Paul McCartney có thể nhớ được bao nhiêu bài. Tôi nhìn chằm chằm ra ngoài khung cửa sổ một lúc, rồi lại nhìn lên trần toa tàu.

Tôi lại về đây, quê hương. Thời gian trôi đi nhanh quá. Đã một thập kỷ kể từ hồi tôi sống ở đây. Một khoảng trống to tướng. Tôi đã không rút ra được điều gì có giá trị từ đó, tôi đã không làm được điều gì có ý nghĩa. Hoàn toàn là một sự đơn điệu.

Mọi thứ trước đó thế nào? Chắc chắn là phải có một điều gì đó tích cực. Phải chăng đã có điều gì đó thật sự làm tôi cảm động, điều gì đó thật sự làm ai đó cảm động? Có lẽ là có, nhưng tất cả giờ đây đã không còn nữa. Đã biến mất, có lẽ trời sắp đặt cho biến mất. Tôi không thể làm gì được, đành phải để chuyện đó trôi đi.

Ít ra thì tôi vẫn còn đây. Nếu người da đỏ tốt bụng duy nhất đã chết, số phận tôi buộc tôi phải sống.

Để làm gì chứ?

Để kể chuyện ột bức tường đá ư?

Thật vậy, lúc này đây.

"Tại sao chú lại ở khách sạn?" J nhăn mặt hỏi khi đưa tôi bao diêm. "Chú có nhà ở đây cơ mà? Sao chú không ở đó?"

"Không còn là nhà của em nữa rồi," tôi nói.

J không nói gì về điều đó.

Trước mặt tôi bày ba đĩa đồ ăn nhẹ, tôi uống nửa vại bia của mình, rồi lôi bức thư của Chuột ra đưa cho J. Anh chùi tay lên một chiếc khăn, đọc qua hai lá thư thật nhanh trước khi cẩn thận đọc lại, từng từ một.

"Hừm, cái thằng ấy vẫn vui sống khỏe ra phết nhỉ?"

"Nó vẫn sống, thế thôi," tôi nói, làm một ngụm bia nữa. "Nhưng anh biết đấy, trước khi em làm bất cứ điều gì, em phải đi cạo râu đã. Anh cho em mượn con dao cạo và kem cạo râu được không?"

"Có đấy," J nói, mang ra một bộ dao cạo du lịch từ sau quầy. "Chú có thể dùng nhà vệ sinh, nhưng không có nước nóng đâu."

"Nước lạnh cũng được mà," tôi nói. "Chừng nào không có một cô say khướt nằm sóng soài trên sàn nhà. Như thế cạo râu cũng khó."

J"s Bar đã hoàn toàn thay đổi.

Quán bar cũ là một chốn ẩm ướt trong tầng hầm một tòa nhà cũ cạnh đường cao tốc. Vào những đêm mùa hè với máy điều hòa chạy suốt, một làn sương mỏng tích tụ lại. Sau một chầu say bí tỉ, thậm chí cả áo sơ mi cũng sẽ ẩm.

Tên thật của J là một từ tiếng Hoa đa âm tiếng không thể phát âm nổi. Cái tên lóng J được một vài gã lính Mỹ trên căn cứ gán cho khi anh làm việc ở đó sau chiến tranh. Người ta nhanh chóng quên béng tên thật của anh.

Năm 1954, J bỏ việc ở căn cứ quân sự mà mở một quán bar nhỏ. J"s Bar đầu tiên. Quán kinh doanh khá thành công. Phần lớn khách hàng đến từ trường sĩ quan không quân, và bầu không khí không đến nỗi nào. Sau khi mở quán, J lấy vợ, nhưng năm năm sau đó vợ anh qua đời. J không bao giờ nhắc đến nguyên nhân cái chết của vợ.

Năm 1963, khi Chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang, J bán quán bar và chuyển đến thị trấn quê tôi. Ở đó anh mở J"s Bar thứ hai.

Anh nuôi một con mèo, hút một bao thuốc mỗi ngày, không bao giờ động đến một giọt rượu. Đó là tất cả những gì tôi biết về J.

Cho đến khi tôi gặp Chuột, tôi luôn đến J"s Bar một mình. Tôi uống từng hớp bia một cách chậm rãi, hút thuốc, và nhét xu vào chiếc máy hát tự động. Đây là lúc quán bar của J thường vắng khách, thế là tôi ngồi ở quầy nói đủ thứ chuyện với J, mặc dù chuyện gì thì tôi không nhớ chính xác. Liệu một thằng học sinh trung học mười bảy tuổi nhút nhát và một gã đàn ông Tàu góa vợ có thể nói với nhau chuyện gì?

Khi tôi mười tám tuổi và rời thị trấn, Chuột xuất hiện và thế chỗ của tôi ở quầy bar ngồi uống bia. Năm năm trước, khi Chuột rời thị trấn, không ai thế chỗ của hắn. Sáu tháng sau, khi người ta mở rộng đường, J lại phải đổi quán, và J"s Bar thứ hai chỉ còn là truyền thuyết.

J"s Bar thứ ba cách đó khoảng gần nửa cây số, cạnh bờ sông. Nó không lớn hơn chỗ cũ là mấy, nhưng nó nằm ở tầng ba một tòa nhà bốn tầng mới xây có cả thang máy. Đi thang máy lên J"s Bar khiến tôi có cảm giác mình bị lộn địa chỉ. Cũng giống như lúc ngồi quầy bar mà chiêm ngưỡng những thị trấn lên đèn.

Quán mới này có cửa sổ lớn ở hướng Tây và Nam, trông ra dãy đồi và khu vực từng là biển. Cách đây vài năm bờ biển đã được san lấp, và cả một cây số rưỡi giờ đây đầy những nhà cao tầng trông như hàng bia mộ.

"Chỗ kia từng là nước," tôi nói.

"Đúng thế," J nói.

"Em từng đi bơi nhiều lần ở đó."

"Ừ," J nói, đoạn đưa một chiếc bật lửa không nhãn hiệu châm điếu thuốc trên môi, "họ san phẳng dãy đồi để dựng nhà, chở đất ra san lấp biển và xây ở đó nữa. Thế là họ cứ nghĩ rằng như thế là ổn thỏa và đúng đắn."

Tôi uống bia của mình. Loa trên trần nhà đang phát một bản nhạc ăn khách mới nhất của Boz Scaggs. Tôi không thấy một máy hát tự động nào. Hầu hết khách hàng ở đây là các cặp sinh viên đại học, ăn mặc chỉnh tề và lịch sự uống whisky pha soda. Không cô nào sắp sửa say đến mức bất tỉnh không biết đến trời đất gì, không có các cuộc ẩu đả kịch liệt sắp nổ ra. Người ta có thể đoán được là khi về nhà họ sẽ mặc quần áo ngủ, đánh răng, lên thẳng giường. Điều đó không có gì là sai. Dễ chịu và chỉnh tề thì tuyệt thôi. Không có gì trong quán bar hay trong thế giới rộng lớn kia nói là mọi thứ phải theo một quy cách nhất định.

J không rời mắt khỏi tôi trong suốt quãng thời gian ấy.

"Vậy là, mọi thứ khác đi và chú cảm thấy lạc lõng?"

"Không hẳn vậy," tôi nói. "Chỉ là sự hỗn loạn đã thay đổi hình dạng. Hươu cao cổ và gấu đổi mũ cho nhau, và gấu đổi khăn cho ngựa vằn."

"Vẫn như ngày nào," J cười.

"Thời thế đã thay đổi," tôi nói. "Nhiều thứ đã thay đổi. Nhưng điều quan trọng là, vậy cũng tốt. Mọi người đều đổi chỗ. Không phàn nàn."

J không nói gì.

Tôi làm một cốc bia nữa, J hút một điếu thuốc nữa.

"Cuộc sống của chú ra sao rồi?" J hỏi.

"Không đến nỗi nào."

"Vợ chú thế nào rồi?"

"Em thật sự không biết. Anh biết chuyện hai người thì như thế nào rồi đấy. Có những lúc em nghĩ mọi thứ đều ổn và có những lúc em không nghĩ vậy. Có lẽ đó mới thật sự là cuộc sống vợ chồng."

"Ồ có thể vậy lắm," J nói, lấy ngón tay út gãi gãi lên chóp mũi. "Anh quên mất cuộc sống vợ chồng là như thế nào. Đã lâu quá rồi."

"Con mèo thế nào rồi?"

"Chết bốn năm trước. Ngay sau khi chú lấy vợ. Bệnh đường ruột... Nhưng thật tình, nó đã hưởng một cuộc sống lâu dài dễ chịu. Sống mười hai năm. Lâu hơn cả quãng thời gian anh và vợ anh sống cùng nhau. Mười hai năm không phải là một cuộc sống nhỏ nhoi tồi tệ, phải vậy không?"

"Chắc là không rồi."

"Có một cái nghĩa trang dành cho thú vật trên đồi, thế là anh chôn nó ở đó. Trông ra mấy tòa nhà cao tầng. Quanh đây chỗ nào cũng chỉ thấy toàn nhà cao tầng thôi. Nói thế không phải điều đó có ý nghĩa gì đối với một con mèo."

"Anh buồn chứ?"

"Tất nhiên rồi. Nhưng không phải buồn nếu có người nào chết. Nghe có buồn cười không?"

Tôi lắc đầu.

J chuẩn bị pha một ly cocktail cầu kỳ nào đó và một đĩa xa lát kiểu Caesar cho khách hàng. Trong lúc ấy, tôi nghịch trò ghép hình kiểu Scandinavi trên quầy. Người ta phải ghép một bức tranh có ba con bướm bay trên cánh đồng cỏ ba lá, tất cả bên trong một chiếc hộp thủy tinh. Tôi bỏ dở sau mười phút và đặt trò chơi ghép hình sang một bên.

"Không con cái gì à?" J quay lại hỏi tôi. "Chú đang bước sang cái tuổi phù hợp để có con đấy, chú biết không."

"Em không muốn có con."

"Thế à?"

"Ý em là người như em thì biết làm gì nếu có con chứ."

J cười khùng khục và rót thêm bia vào ly của tôi. "Chú lúc nào cũng nghĩ xa."

"Không, không phải thế. Ý em là, em thật sự không biết đó có phải là việc nên làm không, sản sinh ra một cuộc sống mới. Tụi trẻ lớn lên, các thế hệ nối tiếp. Tất cả những thứ đó dẫn đến cái gì? Nhiều quả đồi sẽ bị san phẳng và nhiều bãi biển sẽ bị san lấp? Xe ô tô chạy nhanh hơn và nhiều mèo bị xe cán hơn? Ai cần đến thứ đó?"

"Đó là mặt trái của vấn đề. Những điều tốt đẹp cũng xảy ra đấy chứ, những người tốt có thể làm mọi thứ có ý nghĩa."

"Thế hả? Anh liệt kê ba điều xem nào," tôi nói.

J nghĩ một lúc, rồi cười. "Điều đó là để cho thế hệ con cháu quyết định, không phải chú. Thế hệ chú..."

"Đã qua và đã hết thời?"

"Theo một nghĩa nào đó," J nói.

"Bài hát đã chấm dứt. Nhưng giai điệu vẫn còn văng vẳng."

"Chú lúc nào cũng có cách diễn đạt mọi thứ rất riêng."

"Chỉ là làm màu thôi mà," tôi nói.

Lúc chín giờ, J"s Bar bắt đầu đông khách, vì thế tôi tạm biệt J rồi rời quán. Mặt tôi vẫn còn ngưa ngứa ở những chỗ tôi đã cạo râu bằng nước lạnh. Có thể vì tôi đã vã nước chanh pha vodka thay vì kem cạo râu. J nói là như thế cũng đạt kết quả tương tự, nhưng giờ đây cả mặt tôi bốc đầy mùi vodka.

Đêm ấm một cách bất ngờ, mặc dù bầu trời vẫn đầy mây u ám như thường. Một cơn gió ẩm ướt chậm rãi và dễ chịu thổi từ hướng Nam tới. Vẫn như ngày trước. Hương vị biển trộn lẫn với một chút mùi mưa. Côn trùng kêu râm ran từ những lùm cỏ dọc bờ sông. Mọi thứ đều ngập tràn nỗi niềm hoài cổ trì trệ. Dường như trời có thể mưa bất kỳ lúc nào. Và mưa thật, mưa đổ giọt rích rắc nhẹ đến nỗi người ta không thể biết được trời có mưa hay không, nhưng dù sao mình mẩy tôi vẫn ướt sũng.

Tôi hoàn toàn có thể nhìn ra con sông đang cuộn chảy trong làn ánh sáng trắng của ngọn đèn đường hơi thủy ngân. Nước trong như vẫn luôn vậy. Nước chảy thẳng từ trên đồi, không có gì làm nó ô nhiễm dọc đường đi. Dòng sông bị sỏi và những tảng đá nhỏ cuốn từ trên đồi xuống chặn nghẽn lại, tạo nên những dòng thác nhỏ đó đây. Dưới mỗi dòng thác hình thành một vũng sâu nơi những con cá nhỏ quần tụ.

Vào những khi khô hạn, cả dòng sông thường khô cạn thành lòng sông đầy cát, chỉ để lại một vệt trắng hơi ẩm ướt. Nhiều năm trước, khi đi dạo, tôi đi ngược dòng theo vệt đó, truy tìm nơi dòng sông đã qua.

Con đường dọc bên sông là một trong những thứ tôi yêu nhất. Tôi có thể đi bộ nhanh ngang vận tốc của dòng sông. Tôi có thể cảm thấy dòng sông thở. Dòng sông sống. Hơn hết thảy, đó là dòng sông chúng tôi phải mang ơn vì nó đã tạo nên thị trấn này. Vì đã bào mòn ngọn đồi trong không biết bao nhiêu trăm ngàn năm, vì đã chở đất, vì đã lấp biển, và khiến cây cối sinh sôi. Thị trấn thuộc về dòng sông từ ngay lúc ban đầu, và sẽ muôn thủa như vậy.

Vì lúc bấy giờ là mùa mưa, dòng sông không ngừng chảy ra biển. Cây cối trồng dọc bên bờ tỏa hương, đâm chồi nẩy lộc. Cả một màu xanh bao trùm khắp không gian. Từng đôi trai gái tay trong tay tản bộ, các cụ già dắt chó đi dạo, đám học sinh trung học tụ tập quanh xe máy hút thuốc. Một buổi tối đầu hè điển hình.

Tôi dừng ở một tiệm bán rượu, mua hai lon bia, đựng trong một túi giấy rồi đi ra biển. Nơi dòng sông hòa với biển nay trở thành một con lạch, hay đúng hơn là một kênh đào bị lấp một nửa. Đây là dải bờ biển duy nhất còn sót lại nguyên vẹn, khoảng bốn mươi lăm mét. Thậm chí còn có dấu hiệu của bãi biển ngày xưa. Từng đợt sóng nhỏ vỗ bờ để lại những mảnh gỗ trôi dạt trơn mượt. Trên đê chắn sóng bê tông, những mẫu đinh cũ và hình vẽ phun sơn vẫn còn.

Bốn mươi lăm mét bờ biển thật sự. Nếu người ta bỏ qua thực tế là nó bị bao quanh bởi bức tường bê tông cao hơn chín mét. Và bức tường ấy tiếp tục chạy thẳng mấy cây số nữa, ôm chặt lấy biển. Rồi các tòa nhà cao tầng đứng xếp hàng hai bên. Bốn mươi lăm mét bờ biển. Phần còn lại đã trở thành quá khứ.

Tôi rời dòng sông và đi bộ theo hướng Đông dọc theo nơi từng là đường bờ biển. Thật đáng ngạc nhiên, con đê chắn sóng cũ vẫn còn đó. Một con đê chắn sóng mà không có biển thì quả thực là một thứ kỳ cục. Tôi dừng ở đúng điểm nơi tôi thường đậu xe để nhìn ra biển, đi lại ngồi trên con đê chắn sóng và uống một lon bia. Thật là một cảnh ấn tượng! Thay vì biển, một dải đất mới lấp rộng mênh mông và các khu nhà ở đập vào mắt tôi. Những khối nhà vô diện mạo, nền tảng đáng thương của nỗ lực xây dựng một khu dân cư.

Những con đường rải nhựa len lỏi qua các khu nhà, chỗ này là bãi đậu xe, chỗ kia là bến cuối xe buýt. Một trạm xăng rồi một công viên lớn rồi một trung tâm cộng đồng tuyệt vời. Tất cả đều mới toanh, tất cả đều không tự nhiên. Ở một bên, hàng đống đất chở từ trên đồi xuống để lấp biển hiện ra lù lù tàn nhẫn xám xịt cạnh khu vực vốn không nằm trong cái kế hoạch vĩ đại ấy và bị cỏ dại bén rễ nhanh chóng lấn chiếm. Ở bên kia, những hàng cây và thảm cỏ bé ti ngu ngốc mà người ta trồng cây vào đang cố hết sức để hòa nhập vào khung cảnh...

Thật buồn nôn.

Nhưng biết nói gì hơn đây? Nó là cả một trò chơi mới được chơi theo luật mới. Không ai có thể chặn nó lại.

Tôi uống nhanh hai lon bia và ném mạnh hai chiếc lon rỗng qua dải đất mới lấp, về phía nơi từng là biển. Tôi nhìn chúng biến mất vào trong rừng cỏ dại dạt theo hướng gió thổi. Rồi tôi hút một điếu thuốc.

Tôi đang rít hơi cuối cùng thì bỗng thấy một người đàn ông tay cầm đèn pin tiến về phía tôi. Khoảng bốn mươi tuổi, áo xám, quần xám, mũ xám. Có lẽ là một người bảo vệ khu vực.

"Cậu vừa mới quăng một cái gì đó, đúng không?" người đàn ông nói.

"Đúng, tôi quăng một thứ."

"Cậu quăng cái gì?"

"Vật tròn, bằng kim loại, có nắp."

Người bảo vệ mang một bộ mặt cáu kỉnh. "Tại sao cậu quăng chúng đi?"

"Không vì lý do đặc biệt nào. Tôi đã quen quăng đủ thứ từ mười hai năm trước. Có lúc tôi quăng cả nửa tá một lúc mà không ai nói một lời nào."

"Đó là trước đây," người bảo vệ nói. "Nơi đây bây giờ là đất của thành phố, vứt rác lên đất của thành phố là vi phạm luật pháp."

Tôi nuốt nước bọt. Trong thoáng chốc, một cái gì trong tôi run rẩy, rồi ngừng lại. "Vấn đề thật sự ở đây là," tôi nói, "điều ông nói có lý."

"Đó là luật," ông ta nói.

Tôi thở dài rồi lôi bao thuốc trong túi ra.

"Vậy tôi nên làm gì?"

"Thôi, tôi không thể yêu cần cậu nhặt chúng lên được. Trời tối quá và lại sắp mưa. Vậy nên làm ơn đừng vứt thứ gì nữa."

"Tôi sẽ không vứt gì nữa," tôi nói. "Tạm biệt."

"Tạm biệt," người bảo vệ nói rồi đi mất.

Tôi duỗi chân duỗi tay trên con đê chắn sóng và ngước nhìn bầu trời. Như người đó nói, trời sắp mưa. Tôi vừa hút một điếu thuốc nữa vừa nghĩ ngợi về cuộc chạm trán với người bảo vệ. Nếu là mười năm trước, tôi đã tỏ ra cứng rắn hơn. Mà có lẽ không. Dù sao thì cũng khác gì kia chứ?

Tôi quay lại con đường bên sông, và lúc tôi bắt được taxi thì mưa đã rơi lác đác. Cho về khách sạn, tôi nói.

"Cậu đến đây du lịch à?" người lái xe già hỏi.

"À há."

"Lần đầu tiên đến mấy khu này à?"

"Lần thứ hai," tôi nói.
Bình Luận (0)
Comment